Đó là một thanh niên 19 tuổi, con duy nhất của một cặp vợ chồng bề ngoài không có những vấn đề gì quan trọng. Sau khi đỗ Tú tài, cậu ta vào học ở trường Y ở cách nhà 40 km, và là lần đầu tiên cậu ta xa nhà và chỉ trở về vào ngày nghỉ cuối tuần. Lúc đầu cậu ta rất hài lòng về viễn cảnh này và hiếm khi trở về nhà. Nhưng sau vài tháng, cậu ta xin ở lại nhà và không trở lại trường đại học nữa. Cậu ta nói với mẹ là cậu ta bị ốm. Cả cha mẹ cậu ta không hiểu được vì họ không thấy cậu ta ốm đau gì, người cha mong muốn cậu ta cố gắng trở lại trường, còn bà mẹ lại không muốn thúc ép con và chấp nhận cậu ở lại nhà. Chính trong bối cảnh đó cậu ta định tự tử và phải nhập viện ít ngày. Cha mẹ cậu đã hỏi ý kiến bà bác sĩ trước khi tham vấn một nhà tâm lý mà tôi cùng tiếp nhận họ. Theo chẩn đoán của các bác sĩ thì họ cân nhắc giữa trầm cảm và rối nhiễu ám ảnh. Cậu ta chỉ dùng thuốc có cơ sở chống trầm cảm và chống lo hãi trong vài ngày, vì cậu ta thấy không có kết quả lại có phản ứng phụ nghiêm trọng. Tình hình không có gì tiến triển, cậu ta ở lỳ trong nhà, không thăm bè bạn, chẳng làm gì, nhất là cậu ta không thể có dự án gì cho tương lai.
Qua những lần thăm khám, người cha nói là cậu con là học sinh ngoan nhưng không thành công trong thi cử. Ông ta thấy con mình quá thụ động. Ông muốn dạy cho cậu ta can đảm. Mấy năm trước, ông đã đề nghị con trai chạy với ông buổi sáng xung quanh khu nhà. Nhưng cậu ta sau khi thử vài tuần đã từ bỏ việc này lấy cớ là quá mệt. Người cha tự hỏi có phải cậu ta mắc bệnh tim hay không. Ông không được sự ủng hộ của bà vợ trong tiến trình này, vì vậy ông chẳng còn khởi xướng gì xung quanh việc giáo dục con trai, mà để mặc bà mẹ làm. Bà mẹ bộc lộ nỗi đau khổ và bối rối của mình. Đối với bà từ trước đến giờ mọi việc đều suôn sẻ. Để khuyến khích con trai học hành, bà đã hứa cho con một chuyến đi nước ngoài. Bà tự hỏi không biết có phải là mình gây sức ép với con chăng. Bà rất lo ngại vì con bà không đi ra khỏi nhà và không gặp gỡ bạn bè. Cuối cùng thì hai cha mẹ cũng nhận ra rằng chính họ cũng không thăm bạn bè, từ chối mọi cuộc mời mọc vì họ không biết có thể làm gì khi người ta hỏi tin tức về con mình. Họ đã có cảm tưởng là mình thất bại hoàn toàn. Sau chuyện con trai toan tự tử, họ đã đề nghị cho cậu con đến ở nhà một ông chú, bà thím mà cậu này thân thiết. Cậu ta đồng ý và cậu ta thấy hơi khá lên ở chỗ có một vài hoạt động như thích nghe nhạc, nhất là nhạc jazz. Cậu ta chơi ghi-ta và đó là thú tiêu khiển thích nhất. Nhưng nhất định cậu ta không chịu đi học trở lại. Người con trai kể rằng cậu ta có những vấn đề từ lúc học ở trường trung học. Cậu đã nói lần đầu điều này với ông bác sĩ đầu tiên sau khi cậu toan tự tử. Cậu ta mô ta lại những biểu tượng ám ảnh : Cậu luôn luôn thấy ở trước mắt một người con gái xấu xí. Cậu không thể nói gì hơn, không dám tả cô này. Cậu cảm thấy ngượng ngùng khi người ta hỏi chuyện này. Cậu cũng nghĩ ngợi một cách dồn nén về một người bạn đã thất bại trong tất cả mọi việc và cậu rất sợ mình giống bạn.
Cậu đồng ý học Y vì mong muốn là người có ích. Cậu rất hài lòng được sống xa gia đình vì hy vọng là những ảo ảnh sẽ biến đi. Những tuần lễ đầu thì ổn nhưng rồi lại trở lại mạnh mẽ hơn. Cậu ta không còn tập trung học tập nữa vì vậy cậu không muốn trở lại trường. Khi cậu ta không ra ngoài thì không còn thấy những ảo ảnh. Cậu biết rõ là mình đã làm cha mẹ buồn phiền vì họ chẳng biết phải giúp đỡ cậu thế nào. Điều này khiến cậu trầm cảm.
Đó là câu chuyện mà gia đình kể. Một câu chuyện mà chắc chắn các bạn đã gặp với vài biến dị. Đây là một thanh niên có biểu hiện một vài rối nhiễu ám ảnh gắn với tuổi vị thành niên và sự thức tỉnh của tính dục. Điều này thường xảy ra ở tuổi này và cái đó không tự gán vào tương lai. Hình như cô gái xấu xí là một cách chắc chắn để không bị một cô gái đẹp quyến rũ. Nó bảo vệ cậu ta khỏi những ham muốn yêu đương mà cậu ta không biết suy nghĩ thế nào. Song cùng một lúc cậu ta không thể nghĩ đến cái khác được nữa. Có lẽ cậu ta sẽ chỉ nghĩ tới các cô gái đẹp nếu cậu ta có những ám ảnh đó. Mẹ cậu ta buồn bực vì cậu ta không học được. Bà mẹ suy sụp hoàn toàn. Đã từ lâu ông bố thấy bà mẹ có nhiều cao vọng đối với con trai, nhưng ông ta không nói gì vì bị sự hổ thẹn chế ngự. Hai cha mẹ cũng chẳng thăm viếng ai nữa. Cậu thanh niên nhận ra là mình đã phá hủy gia đình do những vấn đề của mình và cậu ta đã trầm cảm. Lẽ ra tìm một sự nâng đỡ ở những người thân, cậu ta lại bối rối, cảm thấy có lỗi và thu mình lại và toan tự tử, đó là một dạng cầu cứu giúp đỡ. Sự chênh lệch giữa cha và con ở đây nghiêm trọng. Ông bố chỉ muốn con trai mình được khỏe mạnh và học được một nghề. Ông hình dung vai trò làm cha như vậy. Ông đề xuất với con chạy bộ với ông trong khi con ông lại thích nhạc jazz và chơi ghi-ta. Bà mẹ muốn thúc đẩy con tiến thẳng vào thế giới hiện đại bằng cách tạo cho con đi ra nước ngoài mà không hề nghi ngờ là nơi đó chưa hẳn đã dễ sống. Qua lập trường của họ, hai cha mẹ đã bộc lộ xung đột mà cậu con trai cũng mắc: xung đột giữa sự trung thành với truyền thống qua người cha và sự hấp dẫn mở ra thế giới qua người mẹ. Một kiểu phân tranh giữa cái cũ và những cái mới. Người con trai vừa mong muốn chia sẻ những lợi ích của mình đối với cha mẹ, cậu ta không chắc có thể làm hài lòng cha mẹ nên cậu ta trầm cảm. Cậu ta cảm thấy cô đơn trước những xáo động đầu tiên về tính dục và yêu đương mà không thể thổ lộ với ai khác.
Công việc của chúng tôi đối với hai cha mẹ là giúp họ xây dựng một biểu tượng tích cực về sự việc diễn ra ở con trai họ, coi đó là một khó khăn gắn với môi trường kinh tế-xã hội, để họ không cảm thấy tội lỗi. Chúng tôi đã nói đến nỗi khó khăn đối với các gia đình nuôi dạy một đứa con trong sự đảo lộn ngày nay. Họ đã hết băn khoăn ; họ đã ý thức được vấn đề này song chưa bao giờ liên hệ cái đó với những khó khăn của con trai họ. Họ cảm thấy có thể thăm viếng bạn bè. Họ chấp nhận con trai họ làm trị liệu tâm lý và việc chữa trị có thể nhiều tháng. Thực tế, cậu con trai đến gặp nhà tâm lý đề đặn. Cậu ta nói là năm tới cậu ta ghi tên vào một trường đại học gần nhà để theo học về môi trường. Cậu ta có nhiều ước mơ và cậu ta bằng lòng kể lại. Cậu ta nói rằng mình sung sướng và được an ủi vì có thể nói về mình.
Trong câu chuyện trên có nhiều vấn đề được đặt ra đan xen chằng chịt lẫn nhau.
Nếu chúng ta trở lại nhanh trường hợp lâm sàng trên, sẽ thấy những biểu tượng khác nhau cùng tồn tại. Đó là vấn đề những khó khăn của khủng hoảng thời kỳ vị thành niên với một vài triệu chứng ám ảnh. Cậu thanh niên này không biết rõ những gì xảy ra trong nội tâm cậu ta : các khó khăn đã nảy sinh từ hồi học trung học phổ thông nhưng cậu ta không nói đến. Cậu nhận thấy cái đó liên quan đến quan hệ gia đình. Cậu ta hy vọng cái đó sẽ biến đi khi xa gia đình. Vấn đề lại ở mức độ nội tâm.
Cha mẹ chẳng biết nghĩ sao vì chính họ lại ở trong trạng thái khủng hoảng các biểu tượng. Họ cảm thấy tội lỗi nhiều. Giữa họ bất đồng với nhau vì mỗi người lại quyết định theo một chiều kích của thực tiễn tập thể. Người cha muốn khắc sâu vào trí não con những giá trị mà chính ông đã được ghi sâu từ nhỏ. Người mẹ mong muốn con mình thành đạt và thích ứng với thế giới mới. Như vậy là có những khó khăn trong các tương tác gia đình. Họ phải cầu viện đến một chiến lược cổ truyền là giao phó con trai cho một thành viên khác của gia đình. Cái đó có hiệu quả một phần. Đó là trình độ gia đình.
Còn có mức độ tập thể mà họ không hề nhận ra. Việc giúp họ ý thức được chuyện này làm cho họ tự chữa, họ có thể chấp nhận là việc này đòi hỏi thời gian. Họ có thể ủng hộ con trong tiến trình này.
(Semenaire Mai H ương - Hội thảo tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương- Hà Nội
Tác giả : Bà Marie-Eve Hoffet - Bác sĩ tâm thần theo hướng phân tâm
Người dịch : Đạm Thư - Trung tâm N-T)
Thêm yêu thích (776) |
Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 8473