NT Foundation - Đôi nét về Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện
 
 
Lượt truy cập: 12610663
 
 
Đôi nét về Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện

 

Louis Puiseux (1998)*

Tôi đã quen biết Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vào cuối năm 1949 khi tới viện điều dưỡng Saint-Hilaire du Touvet là Viện điều dưỡng lao của trí thức và sinh viên (ở vùng núi Isère, Pháp). Khi đó, ông Viện đã phải cắt bỏ hẳn một bên phổi và bên còn lại cũng bị cắt đi một phần ba, dung tích thở còn chưa đầy một lít. Không ai dám đánh cuộc là ông Viện còn có thể sống được. Mỗi sáng khi thức dậy ông bị tím tái vì trong lúc ngủ, cơ thể không thể tự cung cấp đủ oxy. Ông Viện đã phải tự cứu mình bằng cách tập thể dục theo một phương pháp mà ông tự nghĩ ra và sau đó ông tiếp tục tập và dạy phương pháp đó cho nhiều người khác. Là người phương Đông ông không bao giờ tách riêng thân thể với tinh thần.

Khi đó hai trăm năm mươi bệnh nhân ở nhà điều dưỡng St Hilaire tạo thành một môi trường văn hóa kỳ lạ. (Thời đó, người ta chưa có thuốc chữa bệnh lao, cách chữa bệnh là bệnh nhân nằm nghỉ ngơi kéo dài, do đó các bệnh nhân có nhiều thì giờ để đọc sách báo và tranh luận tự do, thoải mái). Có khoảng 30 sinh viên nam nữ là Đảng viên Đảng Cộng sản, tạo thành nhóm bệnh nhân hoạt động hăng hái  nhất về các mặt chính trị và văn hóa. Chỉ có các sinh viên này là quan tâm đến cuộc chiến tranh Đông Dương, sự kiện lớn ở thời kỳ đó (1947 quân Pháp bại trận ở Cao Bằng; 1949 Hồng quân Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh).

Ông Viện lúc ấy vừa trải qua một đợt "chữa trị toàn phần" kéo dài nhiều tháng, và tất nhiên là ông đã tham gia nhóm đó. Trong một buổi Đại hội, ông đã bước lên "sân khấu", nhẹ bỗng như một con chim, hụt hơi sau có 2 câu phát biểu. Giờ đây tôi vẫn còn nhớ là ông đã nói về những "vùng giải phóng" ở miền Bắc, khiến cho một bệnh nhân trước kia là lính nhảy dù đã nổi cơn điếm nhục tới mức yêu cầu ông giám đốc của viện trục xuất ông Viện! Thế là trong cả chín tầng gác của viện điều dưỡng đã lan ra như vệt cháy thuốc súng một phong trào bênh vực ông Viện bằng một bản kiến nghị đưa lên ban giám đốc...

Uy tín của ông Viện được các bệnh nhân cũng như các thầy thuốc công nhận. Với hình vóc mảnh khảnh, với một vốn văn hóa sâu rộng, với phong cách giản dị và tế nhị trong lúc biện luận, khả năng đọc sách, trí nhớ cực tốt và với khiếu hài hước của một nhà nho, ông là hiện thân rõ rệt của nạn nhân của chế độ thuộc địa đứng lên tranh đấu đòi lại quyền tự do. Các bạn thân của ông trong nhóm đã ghi tên ông vào dnh sách đảng viên của Đảng Cộng sản và ông đã chấp nhận.

*

*       *

Ông Viện sinh năm 1913 tại Nghệ Tĩnh, là con trai cả trong số 14 anh em. Ông học trường Bưởi ở Hà Nội. Cha ông theo lời khuyên của bác sĩ Alexandre Yersin 1, cho ông sang Pháp tiếp tục học ngành Y từ năm 1936.

Cha ông tiễn ông ra bến tàu, giao cho ông một phong thư và dặn là chỉ khi tàu ra ngoài biển mới mở ra xem. Trong thư viết: "Chớ có dẫn một cô vợ đầm về nhà!"

Năm đó ông Viện 24 tuổi. Ông là sinh viên xuất sắc, ông hấp thụ dễ dàng các chuyên luận của ngành y mà ông đọc ngấu nghiến và trước sau vẫn là một con người ham hiểu biết. Nhờ có phong cách hào hoa của phương Đông, chẳng bao lâu đã có một cô gái Pháp đem lòng yêu mến ông.

Cô gái này mong muốn ông quy theo đạo Kitô giáo để có thể cùng kết hôn! Ông đã trình bày luận văn tốt nghiệp ngành Y ở Paris năm 1941. Cuộc hôn nhân không thành. Ông có một em trai sau này là linh mục dòng Franciscain. 50 năm sau, ông em này đã bình luận: "Chính Chúa Giê su đã cứu anh Viện thoát khỏi móng vuốt của một phụ nữ Pháp...". Thế là ý nguyện của người cha đã được tôn trọng!

Lúc bấy giờ là chiến tranh ở Châu Âu. Trong cảnh thiếu thốn mọi bề, ông Viện vẫn mải miết làm việc và bị tái phát bệnh, phải trở lại viện điều dưỡng do bị trùng Koch gặm nhấm và tôi đã gặp ông Viện ở đó.

*

*       *

Đến cuối năm 1952 khi đã khỏi bệnh được phần nào, ông Viện quay trở lại với cuộc sống dân sự ở một cương vị kỳ lạ: Theo pháp luật là cư trú bất hợp pháp nhưng lại được Bộ Ngoại giao bảo vệ!

Hiệp định Genève do Mendès-France ký vào tháng 7-1954 đã có điều khoản: Ân xá cho các phần tử Việt Minh ẩn náu tại Pháp. Tuy nhiên, sau đó ít lâu ông Viện đã bị bắt (ông ẩn náu tại nhà một người bạn cũ đã cùng ở Viện St Hilaire, tên là François Furet 2) và ở vào tình thế gay cấn là Nhà nước Pháp trục xuất ông, sẽ đưa ông về Sài Gòn, và ở đó, các nhân viên cảnh sát của Bảo Đại sẽ thích thú khi được cho ông một trận... Nhiều người khác đã bị như vậy...

Sau một hồi bị hỏi cung khá lâu ("Anh đã tiếp xúc với những ai? Anh có liên lạc với Mendès-France không?...") Ông Viện đã phải vạch cho họ xem cái ống dẫn lưu đặt trong vết mổ ở nách khi đó vẫn còn đầy mủ để yêu cầu họ cho mời thầy thuốc của ông tới. Viên thanh tra cảnh sát đã tra hỏi ông thấy vậy đã phải đổi giọng với ngầm ý "Tên này sẽ làm cho chúng ta bị rầy rà đấy!". Thế là các bạn của ông Viện đã biết ông bị bắt giữ.

Mấy câu trao đổi cuối cùng giữa ông Viện và viên thanh tra như sau:

- Về phần tôi, tôi chỉ muốn cải thiện các mối quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam thôi.

- Anh lại muốn xin được gắn Bắc đẩu bội tinh chắc! (Hiểu ngầm là ông lại muốn được khen?)

Ông Viện sau đó còn ở lại nước Pháp trong ba năm, hoàn toàn và bất hợp pháp, lâu lâu lại được Bộ Ngoại giao gọi lên hỏi cách bố trí để đưa một đối tượng nào đó từ Paris về Hà Nội... Có lần, sau một cuộc họp với các kiều dân châu Á, ông Viện chạm trán với viên thanh tra đó:

- Thế nào, bác sĩ vẫn khoẻ chứ? (có lẽ nên hiểu ngầm là: "Tên này chưa chết à?")

Cuối cùng, mùa xuân 1963, ông Viện bị trục xuất, đưa về Hà Nội. Lúc đó, ông Viện cảm thấy là mình đã thực sự ở tại NƯỚC MÌNH, từ năm 1936 đến lần đầu tiên được trở về. Ông đã kể lại cảm tưởng này trong cuốn "Trở về Tổ quốc", cuốn sách gây xúc động nhiều nhất cho người đọc.

Hồi đó những người Việt Nam từ phương Tây về nước phải qua một thời gian "khử nhiễm" kéo dài mấy tháng, nhưng ông Viện thì không. Các thầy thuốc đã coi ông là người sống dở chết dở và rất kinh ngạc khi thấy ông đứng ra thành lập và làm tổng biên tập Nhà Xuất bản Ngoại văn, tập san Nghiên cứu Việt Nam và tờ Bản tin Việt Nam bằng tiếng Pháp.

Như vậy là ông Viện đã hoạt động trong suốt 40 năm như một nhịp cầu hàng không về văn hóa giữa Hà Nội và các nước Phương Tây. Khi từ Paris trở về, ông đã yêu cầu các bạn người Pháp gửi sách cho ông. Mạng lưới liên lạc này đã hình thành dần dần và đã mở rộng trong các năm 1965-1975 khi cuộc chiến tranh của Mỹ lan rộng: càng nhiều bom ư? Cũng càng nhiều sách!

Các sách gửi cho ông thuộc lĩnh vực các khoa học nhân văn (tất nhiên là trong đó có các sách về phân tâm học) cho đến các tài liệu về thời sự ở Pháp hay ở Mỹ, kể cả các tư liệu về chế độ phát xít và đôi khi có cả tiểu thuyết nữa, kể ra có đến 300 quyển mỗi năm, ngay trong thời kỳ Mỹ thả bom dữ dội. Tính ra sau 17 năm có tới hơn một ngàn cuốn sách, tới mức ngay cả ông Phạm Văn Đồng cũng đôi khi đích thân tới Nhà Xuất bản Ngoại văn để mượn một số sách mà chỉ ở miền Bắc Việt Nam mới có...

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông Viện là người đã làm nhiệm vụ tuyên truyền không chính thức cho Hà Nội đối với các nước phương Tây. Điều đó đã khiến cho ông Viện ở vào cái thế bị giằng co giữa hai phía: với các bạn người Pháp khi người ta thấy ông biện minh cho việc Liên Xô can thiệp vào tình hình ở Ba Lan hay ở Tiệp Khắc, đồng thời ông cũng lại bị chính phủ nước mình đặt vấn đề (sau này ông đã kể lại chuyện đó) và ông đã phải "doạ" từ chức để giữ được mức tự do tối thiểu khi viết báo: "Thưa vâng, xin hãy tìm người thay tôi! Tôi lại trở lại với nghề y".

Khi hòa bình được lập lại, cuối cùng ông Viện đã làm như vậy. Ông đã có thể thành lập và duy trì được Trung tâm trị bệnh tâm lý cho trẻ em đầu tiên ở Việt Nam (Trung tâm NT) nhờ có sự "bảo vệ" của chính cá nhân ông Tổng Bí thư Đảng và ông Viện trưởng Viện khoa học Nhân văn và Xã hội. Ông Viện xuất hiện lần cuối cùng trên màn hình của Truyền hình Việt Nam là khi ông biểu diễn môn "đá cầu" mà ông đã phục hồi được. Đó là một kiểu tennít có hai hoặc bốn người chơi, với một vòng cao su dầy có cài lông chim, dùng chân đá hoặc đánh đầu, không được dùng cánh tay, bàn tay, giống như luật bóng đá. Người chơi có thể đá hai cú trước khi đá được quả cầu qua lưới ở tầm cao đầu người. Sân đá cầu nhỏ hơn sân tennit nhiều và không phải dùng vợt, dùng bóng. Môn đá cầu thích hợp với các thành phố nghèo và quá đông dân.

Tôi đã nhìn thấy ông Viện đá cầu trên vỉa hè của một đại lộ ở vùng ngoại vi Hà Nội, vào năm 1992. Ông Viện nói thêm: "Đôi khi có một đứa trẻ nhận ra tôi và nói: Ông lão đá cầu kia kìa!"

Năm mà ông Viện được Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp (l'Académie francaise) về Pháp ngữ với bản dịch Truyện Kiều, ông đã nói vui: "Với món tiền này, tôi có thể đủ sống tới năm 3000!". Tất nhiên ông đã sử dụng khoản vốn đó để tổ chức NT ngoài nhà nước của ông tồn tại được, để mua sách và trao đổi các nhân viên thực tập với các nước phương Tây...

Ở Việt Nam, việc được một giải thưởng như thế là một niềm tự hào cho đất nước, nhưng với ông Viện thì đã không được nhắc tới: Vào thời kỳ đó, ông Viện còn bị coi là một phần tử "đi chệch hướng". Ở Paris, Giải thướng lớn này đã gây ra một cuộc bút chiến nhỏ, khá gay gắt 3 về chủ đề: "Tại sao nước Pháp lại tôn vinh một Nhà văn cộng sản đi theo một hướng đối lập với các giá trị nhân văn của nước Pháp?". Họ làm như thể là quyền tự quyết của các dân tộc không được coi là một trong những thắng lợi quan trọng mà cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã giành được! Sau đó đã phải có sự can thiệp của vị Thư ký Vĩnh Viễn của Hàn lâm viện Pháp để dẹp yên những kẻ rỗi hơi ngứa miệng nói xằng 4:

Người ta đã không hiểu gì về chuyện này - năm 1945 tướng de Gaulle đã không hiểu và đến năm 1988 cả Kissinger cũng không hiểu - nếu như người ta đã quên mất là xưa kia dân tộc Việt Nam đã chống lại quân Mông Cổ và quân Trung Hoa trước khi Jeanne d'Arc (nữ anh hùng Pháp) đánh trả quân Anh.

Khi bị ném bom, người ta không tính toán keo kiệt đối với các bạn đồng minh của mình và bỏ qua những khác biệt nhỏ. Mọi cuộc chiến tranh đều không khỏi mang tính chất phân biệt thiện ác. Như ông Viện đã viết vào năm 1993, ông ta đã "khoác bộ áo giáp kiểu Stalin" từ năm 1950 đến năm 1975 để trung thành với niềm mong ước của cả cuộc đời ông: giải phóng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cùng quê với ông Viện, đã viết trong các tập Nhật ký của Người: "Nếu như tôi đã tham gia Đệ tam Quốc tế của Lê Nin, đó là vì tôi thấy đó là con đường chắc chắn nhất để tiến tới độc lập". Và trên khắp các ngả đường của nước Việt Nam đang bị khổ hình đã có treo, dán các khẩu hiệu... "Không có gì quý bằng độc lập tự do".

*

*       *

Tại nước Việt Nam có tục lệ đặt cho con trai một cái tên xấu xí để khỏi bị thần linh và ma quỷ ám hại... Khi ông Viện ra đời, ông được đặt tên là Vện, là tên gọi thứ chó có bộ lông vằn đen... Và chỉ khi ông Viện đi học, mới đưa thêm một chữ i vào để các bạn học khỏi chế giễu. Từ nay, tên ông là Viện, có nghĩa là: Giúp đỡ.

Rất ít người sống trung thành với sứ mệnh ghi trong chữ tên của mình. Con đường đi của ông Viện không phải là cong queo như người ta thường nói mà là một con đường thẳng hoàn toàn, đã qua một thời kỳ đúng là hỗn loạn.

"Tôi theo đạo Khổng, theo chủ nghĩa Mác, theo chủ nghĩa tự do về quan điểm, có một số khía cạnh theo đạo Lão và đạo Phật, tôi không chối bỏ những gì tôi đã hấp thu được: Giải phóng đất nước, dân chủ hóa, thực hiện khoa học nhân văn, nếu phải làm lại, tôi vẫn sẽ theo đúng con đường đã đi".

Với uy tín của mình về mặt tinh thần, ông Viện không nhằm lợi ích cá nhân nào. Lần cuối cùng tôi gặp ông vào năm 1992, ông sống trong một căn phòng chỉ bằng phòng riêng của một tu sĩ, cùng với bà vợ, sách vở, một cái bàn, một cái máy chữ và một con mèo.

Giờ đây thân hình ông chỉ còn da bọc xương, làn da bóng nhẵn và khô như da một con thằn lằn già. Ông đã 80 tuổi, ông không giấu giếm gì là lần này ông cảm thấy đã hoàn tất các nhiệm vụ. Ông tiếp tôi ở tư thế nằm ("như một ông vua lười", ông nói đùa như vậy để xin lỗi). Ông hầu như không bước đi được nữa, nhưng tôi chưa hề thấy ông nhanh nhẹn, vui vẻ, tươi cười như vậy. Ông không quên một điều gì, tinh thần vẫn hoạt bát và châm biếm. Không một tí ngôn ngữ gỗ! Trong có vài ba ngày ông đã đọc ngấu nghiến hết cuốn sách của nhóm Tao đàn viết về dân tộc học châu Á mà ông đã yêu cầu tôi mang tới.

Ông không phàn nàn gì về vị trí ngoài lề hiện nay của ông, trái lại ông thấy dễ chịu hơn là bị điều khiển. Ông kể lại là một hôm ông có đề xuất với Bộ Giáo dục là nên để cho các thầy giáo vui chơi với học sinh trong giờ ra chơi và người ta đã cười nhạo ông. Nhưng khi ông dặn các nhà tâm lý và các nhà trị liệu tâm lý khi đến thăm khám tại nhà một đứa trẻ bị rối nhiễu nên đưa cả con cái mình đi theo để chúng chơi với đứa trẻ đó thì họ đều làm theo lời ông dặn (chuyện này không đời nào có được ở Pháp).

Sau đó ông còn làm việc được 4 năm nữa. Ông đã phục vụ đồng bào của ông với sức lực đã tàn, cho đến hơi thở cuối cùng.

Tóm lại, đây là một cuộc đời vô cùng đẹp đẽ. Trong lá thư sau cùng của tôi, tôi đã viết cho ông câu này: "Khi tôi đến tuổi bạn, tôi rất muốn có thể nói như vậy về bản thân mình".

Dịch giả: Lưu Huy Khánh

_______________________

Chú thích:

* Louis Puiseux - người bạn chí cốt của Nguyễn Khắc Viện từ thời nằm viện Lao ở Saint Hileure Grenoble 1941 đến khi về nước 1963.

•(1)             - Yersin (1863 - 1943): Thầy thuốc người Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp và Việt Nam là thành viên của Viện Pasteux, là người đã tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch vào năm 1894. Pho tượng của ông ở Đà Lạt là pho tượng duy nhất không bị hạ bệ sau khi chế độ miền Nam sụp đổ.

•(2)             - François Furet là một nhà trí thức lỗi lạc, tổ viên tổ Đảng Cộng sản ở St Hilaire du Touvet cùng với ông Viện, sau này là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Khoa học xã hội và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về cuộc Cách mạng 1789 đã được bạn đọc hoan nghênh, được bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp ít lâu thì từ trần đột ngột vào năm 1997.

•(3)             - De Olivier Todd khởi xướng (Olivier Todd có cái "tật" là bài bác những gì mà trước kia Todd tôn thờ. Todd đã viết một cuốn sách thóa mạ Jean-Paul Sartre mà khi còn là thanh niên, Todd đã quen thân). Jean-François Revel đã có những lời phát biểu không hay, André Blucksmanm (trước đây là người dẫn chương trình của "Uỷ ban Việt Nam cơ sở" năm 1968 thì nói: "Người ta hổ thẹn thay cho hắn!...). Bản tuyên ngôn này cũng còn nói xấu thủ đô Hà Nội... tuy ông Viện không bao giờ nói xấu Paris!

•(4)             - Xem bài viết của ông Viện đăng trong tập san Thế giới ngoại giao, số tháng 7 - 1989, đúng vào dịp Kỷ niệm Cách mạng Pháp, với tiêu đề Chủ nghĩa Nhân của thế kỷ Ánh sáng là cơ sở của chính quyền: một ý tưởng mới ở phương Tây, rất đúng đối với tất cả mọi dân tộc bị áp bức. Trong cuốn này có in lại bài viết đó.

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Giới thiệu về trung tâm
  • Tiểu sử Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện
  • Chuyên môn
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện
  • "Lê Quý Đôn thời nay" và những chuyện vui về học tiếng Pháp
  • "Một đôi lời" cuối cùng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
  • Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một tài năng lớn
  • Nguyễn Khắc Viện - Nhà bác học lỗi lạc, một con người giàu nghị lực
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN LÀM THƠ XUÂN CHỮ HÁN
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN LÀM THƠ XUÂN CHỮ HÁN
  • SẼ ĐIỀU TRỊ CHO HÀNG TRIỆU THANH NIÊN NGHIỆN INTERNET
  • Psychologie clinique de l’enfant et
  • Psychologie clinique de l’enfant et
  • THƯ NGỎ
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...