NT Foundation - Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
 
 
Lượt truy cập: 13219632
 
 
Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
Trong một buổi trị liệu

 

Tiếp cận "lâm sàng của chủ thể" được trình bày ở đây là một bài học sâu sắc mà chúng tôi lĩnh hội được từ những người thầy đã tham gia đào tạo về tâm lý lâm sàng ở Việt Nam.

Tinh thần chủ yếu của tiếp cận này được xây dựng xung quanh giả thuyết của Freud cho rằng: "Tất cả những biểu hiện của thân chủ đều hàm chứa ý nghĩa của nó, và người nắm giữ ý nghĩa này không phải nhà lâm sàng, mà chính là thân chủ. Và cũng theo Freud, dưới góc độ lâm sàng, người khác không phải là một đối tượng của tri thức mà là một chủ thể biết nói. Những vấn đề sâu kín có thể sẽ không được chủ thể nói ra ngay từ đầu mà thường là được bộc lộ dần dần, theo một lôgic gắn với lịch sử riêng của mỗi người. Nhờ sự hiện diện tích cực của nhà lâm sàng mà bí ẩn của thân chủ sẽ dần dần được bộc lộ. Thân chủ sẽ tự xác định được vị trí của mình trong mối quan hệ với những ham muốn và khoái cảm của chính mình để trong một chừng mực nào đó biết chịu trách nhiệm về bản thân với tư cách là một chủ thể" - (Chú thích: Xem GS Odette Lescarret: Bài giảng dành cho khóa đào tạo các nhà tâm lý lâm sàng ở Việt Nam, Khoa Tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV, Hà Nội, 1997).

 

Những chỉ dẫn nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi trong chặng đường đầu tiên xây dựng lý luận về tâm lý lâm sàng. Những nguyên tắc cơ bản của thực hành lâm sàng theo hướng đó cũng đã đến với chúng tôi ngay từ khi được tham gia vào Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm N-T), nơi mà người thầy lâm sàng đầu tiên của chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã gợi mở cho chúng tôi rất nhiều điều bổ ích qua những cuộc trao đổi, thảo luận về từng ca cụ thể mà Ông đóng vai trò là người giám sát, theo dõi và tham vấn, qua sự phê phán của Ông đối với những cách lý giải giản lược ban đầu của chúng tôi về các căn nguyên tâm lý theo lối quy rút thành những mối quan hệ nhân quả, đơn tuyến, máy móc,...

Và cũng chính nhờ cầu nối là Trung tâm N-T mà chúng tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhà nghiên cứu lý luận và thực hành lâm sàng của Pháp như "Hiệp hội những người bạn Pháp ủng hộ Trung tâm N-T", nhóm các nhà tâm lý lâm sàng của giáo sư Odette Lescarret đến từ trường Đại học Toulouse II, Đại học Montpellier, tổ chức ADEPASE do bà Jeanne Bertrand làm chủ tịch, Hiệp hội N-T Psy của bác sĩ Claude Pigott và bác sĩ Marie Eve Hoffet, nhóm các chuyên gia tâm bệnh lý ở Marseille của Giáo sư Marcel Rufo,... Họ là những chuyên gia Pháp đầu tiên có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo các sinh viên và các nhà tâm lý lâm sàng đầu tiên của Việt Nam.

Từ hơn 10 năm lại đây, cách tổ chức đào tạo tại chỗ bằng những cuộc trao đổi, thảo luận về các ca cụ thể sau khi quan sát các thân chủ tại phòng trị liệu Tâm lý - Y học - Giáo dục (CMPP) ở Việt Nam đã trở thành một phương thức đào tạo có hiệu quả trong mối quan hệ hợp tác Pháp - Việt về tâm lý lâm sàng.

Trong khuôn khổ các hoạt động trị liệu ở CMPP Đống Đa của Trung tâm N-T, chúng tôi xin giới thiệu một kinh nghiệm bước đầu theo cách tiếp cận lâm sàng này. Đó là bài học "Đặt trẻ em vào vị trí chủ thể" (sujet).

Về phương diện lý thuyết, quan niệm này có vẻ dễ hiểu và dường như đã được nhiều người nói đến, nhưng trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là với những người mới bước vào nghề thì những khó khăn trở ngại đầu tiên lại liên quan đến thói quen coi trẻ em là đối tượng (objet) của nghiên cứu và chăm chữa. Cho dù về lý thuyết, có thể nhanh chóng học thuộc những lời giảng của các bậc thầy, song về thực hành, chúng tôi đã phải mất nhiều năm để giải quyết những sai lầm gắn với nguyên tắc chủ đạo này.

Một trong những sai lầm rất phổ biến trong chặng đường đầu tiên thực hành tâm lý lâm sàng là chỉ chú trọng tìm hiểu các thân chủ trẻ em qua lời kể của bố mẹ mà quên mất nhân vật trung tâm là các em. Đây là một thói quen rất dễ gặp trong một xã hội có truyền thống tin vào những điều các bậc bố mẹ và người lớn nói ra hơn là tin vào lời của trẻ. Và chính cái định kiến này thường dẫn đến những khó khăn, sai lầm cho các nhà lâm sàng. Xu hướng này nhiều khi được bộc lộ rất tự nhiên, nhất là trước những em có vấn đề mà bố mẹ thường gọi là lười biếng, nói dối, trộm cắp, hỗn láo, nghịch ngợm... nghĩa là dưới con mắt của người lớn, các em chẳng có giá trị gì. Không ít người nghĩ rằng "Thế thì khó mà tin được vào những lời của chúng". Và trong thực tế đa số trẻ có vấn đề đều rất khó tiếp xúc! Do vậy, một cách làm thường thấy là một số nhà tâm lý mới vào nghề chỉ chăm chú tập trung vào việc ghi chép hết những lời bố mẹ kể về trẻ mà quên hỏi xem các em muốn nói gì. Họ có xu hướng tin hoàn toàn vào những thông tin như vậy và cho là càng ghi chép được nhiều lời kể của bố mẹ, thì hồ sơ, chân dung tâm lý về trẻ càng rõ nét. Và công việc sau đó thường là cố gắng đi tìm những lối giải thích "có vẻ hợp lý" theo lôgic thông thường của người lớn chứ không phải theo lôgic của một thân chủ trẻ em cụ thể đang có rối nhiễu tâm trí.

Ý thức được những hậu quả có thể đến từ những sai lầm nói trên, chúng tôi đã đặt trọng tâm của công việc lâm sàng vào thân chủ, tìm cách thiết lập mối quan hệ tin tưởng với thân chủ để khai thác những thông tin từ chính các em, bên cạnh những thông tin do bố mẹ và thầy cô giáo cung cấp (thậm chí, nhiều khi phải quên đi những thông tin chứa đựng những định kiến, những suy diễn chủ quan của người lớn về trẻ). Nhờ vậy, chúng tôi phát hiện ra một điều rất lý thú là có nhiều em sau khi đến CMPP một số buổi vẫn không hiểu vì sao các em lại có mặt ở đấy, vì trước khi đến, các em không được bố mẹ giải thích rõ ràng. Có những em, sau nhiều buổi trị liệu, vẫn nghĩ rằng theo yêu cầu của bố mẹ, em phải đến đấy để học như là đi học thêm, hay vui chơi theo cách hiểu thông thường,... Có những bậc bố mẹ lại tìm cách che giấu lý do phải đưa con đến CMPP. Thậm chí có những ca, bố mẹ cho con uống thuốc an thần hoặc thuốc động kinh, song lại nói dối con là "con sẽ uống thuốc bổ" hoặc "con sẽ uống vitamine", khiến cho vấn đề của trẻ lại càng thêm rắc rối. Trong bối cảnh xã hội của một nước đang phát triển, khi các bậc phụ huynh chưa quen với công việc trị liệu tâm lý, các nhà tâm lý lâm sàng ngay từ đầu cần giúp trẻ hiểu tại sao các em lại phải đến CMPP, các em đang có những vấn đề gì, ở đó các em sẽ làm việc với ai, các em có thể làm gì ở CMPP, cách làm việc của nhà tâm lý lâm sàng có gì khác với các bác sĩ và các thầy cô giáo?... Và cần chăm chú lắng nghe các em, đón nhận tất cả những câu hỏi của các em, kể cả những câu hỏi có vẻ rất kỳ quặc, hay những câu hỏi liên quan đến những sự thật khó nói mà các em đang muốn viết... Với cách làm đó, dần dần chúng ta sẽ xây dựng được một khung trị liệu vững chắc, giúp trẻ phân biệt được CMPP với các cơ sở khác làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục hay tổ chức vui chơi giải trí cho các em, từ đó giúp các em có những tiến triển tích cực.

Kiên trì thực hành trị liệu theo hướng này, nhiều khi chúng ta có thể gặp được những bất ngờ kỳ lạ. Chẳng hạn, có một bé gái tên Hoa, đến CMPP Đống Đa vào năm 2001, lúc đã Hoa đã 5 tuổi rưỡi, thường bộc lộ một số nét thu mình lại, không nói được và không vẽ, không viết được, dù chỉ là những chữ cái giản đơn. Những lúc muốn vẽ hay viết, Hoa thường nhặt một mẩu phấn đưa cho cô T (nhà tâm lý lâm sàng trẻ đến CMPP thực tập chăm chữa cho Hoa), rồi ra hiệu, yêu cầu cô T cầm tay Hoa giúp Hoa vẽ hoặc viết chữ lên bảng. Lúc đầu, T thực hiện theo đúng yêu cầu của Hoa bằng cách đặt tay của mình lên tay Hoa, rồi cầm phấn vẽ hoặc viết dùm Hoa (đây là cách thông thường của bố mẹ và người lớn khi muốn giúp trẻ học vẽ hoặc học viết). Sau khi quan sát và thảo luận nhóm, chúng tôi đã gợi ý cho T thay đổi cách ứng xử sao cho Hoa trở nên chủ động hơn. Để thực hiện điều này, T đã nói với Hoa rằng "Bây giờ cô muốn Hoa giúp cô tập viết" và T đề nghị thay đổi vị trí bàn tay của Hoa từ dưới lên trên bàn tay của T, rồi cùng viết những chữ cái do Hoa đọc. Nhờ có sự thay đổi tinh tế này của nhà trị liệu mà buổi tiếp theo Hoa đã có những tiến bộ đáng kể so với trước đó: Lần đầu tiên Hoa biết cầm tay của các con rối để "dạy chúng tập viết". Tiếp tục cách làm đó, những buổi sau Hoa đã viết và vẽ tự tin hơn, nét vẽ đẹp hơn, có cấu trúc hơn mà không cần kéo tay T lên bảng nhờ tập viết như trước nữa...

Như vậy, nhờ biết vận dụng nguyên tắc "Đặt trẻ em vào vị trí chủ thể" mà chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ trẻ và chúng ta sẽ bước vào một tiến trình lâm sàng có hiệu quả hơn. Có nghĩa là chúng ta sẽ biết tạo ra những điều kiện thuận lợi cho trẻ tự bộc lộ, biết chờ đón những tư liệu lâm sàng do chính trẻ mang đến để trực tiếp làm việc với những tư liệu khách quan đó, mà không vội vàng tìm những cách lý giải, suy diễn chủ quan qua các thông tin ban đầu, lấy từ tiền sử ghi trong hồ sơ bệnh án do bố mẹ, người thân của trẻ cung cấp mà thực tế chỉ là một số dấu hiệu của triệu chứng bề mặt, chưa phải thực chất các căn nguyên rối loạn tâm lý tiềm ẩn sâu kín bên trong nội tâm. Và chúng ta cũng sẽ thận trọng, cảnh giác hơn với những cách nghĩ nôn nóng muốn nhanh chóng dập tắt triệu chứng bề mặt, chưa phải thực chất các căn nguyên rối loạn tâm lý tiềm ẩn sâu kín bên trong nội tâm. Và chúng ta cũng sẽ thận trọng, cảnh giác hơn với những cách nghĩ nôn nóng muốn nhanh chóng dập tắt triệu chứng của trẻ bằng mọi giá. Vì nhiều khi dập tắt được triệu chứng này thì triệu chứng khác lại xuất hiện, ví dụ như xóa đi được tíc (máy cơ) thì trẻ lại đái dầm. Có trẻ trong suốt quá trình tiếp xúc, chỉ thấy vẽ gia đình của mình có 3 người: bố mẹ và em, mặc dù mẹ đã sinh thêm một em bé. Thì ra em này chạnh lòng vì từ vị trí độc tôn trước đây, nay bị em bé chiếm toàn bộ sự chăm chút của mẹ khiến em cảm thấy như bị bỏ rơi, cô đơn, không muốn có em bé trong nhà... Và những khó khăn về tâm lý của em đã bộc lộ ra trên tranh vẽ.

Từ sự giúp đỡ trẻ dưới góc độ tâm lý lâm sàng của chủ thể, chúng ta cũng có thể làm lay chuyển thái độ và ứng xử của nhiều bậc bố mẹ có thói quen coi trẻ là đối tượng. Trong các bậc cha mẹ, một số người cũng cần đến sự trợ giúp về tâm lý để hiểu trẻ hơn và để hạn chế những ứng xử bất lợi làm cản trở con đường trở thành chủ thể của trẻ. Và đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà lâm sàng ở CMPP nhằm góp phần giải quyết những rối nhiễu tâm lý trẻ em.

(Tác giả: Nguyễn Minh Đức, Nhà Tâm lý lâm sàng - Trung tâm NT)


Thêm yêu thích (107) | Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 8790

  Nội dung

PHẢN HỒI ĐỘC GIẢ NT-FOUNDATION VỀ BÀI VIẾT
Tên của bạn:
E-mail của bạn:
Nội dung:



Code:* Code

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Angoisse - Ansiété
  • Le Deuil: Cái tang
  • Những khái niệm cơ bản của Phân tâm học
  • Khi thân chủ nói dối trong một ca lâm sàng ở Pháp
  • Tự kỷ ở trẻ, những khác biệt giữa trị liệu phân tâm học và trị liệu giáo dục
  • Một ca lâm sàng ở Việt Nam
  • Các công cụ để suy nghĩ: Hội chứng A.D.H.D. Vấn đề chẩn đoán và điều trị
  • Trò chuyện không định hướng trong tham vấn
  • Tự kỷ (Autisme)
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...