NT Foundation - FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
 
 
Lượt truy cập: 13219620
 
 
FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
 

                             BS Nguyễn Khắc Viện

                                        

Một người sáng đi ra định bắt tay vào một công việc quan trọng. Ra ngõ gặp gái liền quay về. Hôm ấy không đi nữa. Đúng là mê tín. Một người thứ hai cũng ra đi, lỡ chân bước hụt tam cấp suýt ngã. Cho là điềm gỡ cũng không chịu đi nữa. Một nhà "khoa học" cười là mê tín. Nhưng nếu hỏi Freud ông sẽ bảo người này là đúng. Vì lỡ chân suýt ngã không phải là điềm gở mà biểu hiện một vướng mắc trong tâm tư cho biết là người kia chưa thực sự sẵn sàng hào hứng bắt tay vào công việc định làm. Sự kiện "lỡ chân" ấy là biểu hiện của vô thức, Freud không phải người đầu tiên nêu lên khái niệm vô thức nhưng là người đầu tiên bày ra cái "thuật" để thăm dò tìm hiểu vô thức và từ đó để chữa những bệnh rối nhiễu tâm lý.

Thuật phân tâm

Sigmond Freud (1856 - 1939) xuất thân là một bác sĩ sinh ra và lớn lên ở Viên, thủ đô nước Áo vào cuối thế kỷ XIX là một nước lớn ở Tây Âu, là một bác sĩ xuất sắc. Freud đã tiếp nhận sâu sắc những phương pháp cơ bản của y học Âu Châu vào cuối thế kỷ XIX với 2 bộ phận chủ yếu; một bên là lâm sàng kỹ lượng rồi vận dụng những phương tiện vật lý học nghiên cứu thể chất con người, tạo nên một nền y khoa sinh học, phát hiện những thực tổn và căn nguyên của các bệnh tật. Mỗi một giả thuyết đều phải được chứng minh thông qua thực nghiệm. Tốt nghiệp y khoa, Freud vào công tác ở một phòng thí nghiệm sinh lý thần kinh và đã có những công trình đáng kể về mặt này. Nhưng theo Freud ghi lại trong hồi ức thì cần phải tìm một nghề có thù lao khá hơn là làm phòng thí nghiệm nên phải chuyển sang nghề chữa bệnh và ông đã đi vào chuyên khoa các bệnh gọi là thần kinh. Vào thời ấy, mặc dù giải phẫu sinh lý thần kinh và bộ não đã có những thành tựu đáng kể, ngành y vẫn vấp phải một loại hiện tượng tâm lý, dù hết sức tìm tòi cũng không thể nào phát hiện được tổn thương thực thể, bệnh không để lại một dấu tích thể chất nào cả, thật là những bệnh vô tích sự.

Đặc biệt là một chứng bệnh khá phổ biến, với một loại triệu chứng xuất hiện từng cơn, hiện ra, biến mất, đột xuất không hiểu vì đâu. Cứ như là bệnh nhân đóng kịch vậy, bỗng nhiên liệt chân không đi được, mù không thấy, câm tịt không nói nữa, rồi một lúc nào đó bệnh lại biến mất. Đó là y học gọi là hystêri. Các bác sĩ thời ấy, người thì nhún vai bĩu môi bảo là bệnh tưởng tượng, chẳng cần quan tâm đến, người thì cho rằng thế nào rồi vật lý học tiến lên sẽ tìm ra tổn thương ở hệ thần kinh, nhất là ở não, người thì cho rằng phải tìm nguyên nhân không phải trong thể chất mà trong cái "tâm". Nhưng lý luận thế nào thì chưa rõ, bệnh nhân và gia đình vẫn đòi hỏi được chăm chữa. Bắt đầu, Freud dùng phương pháp thôi miên được thông dụng thời ấy. Kết quả nhiều khi ngoạn mục, có những bệnh nhân bại liệt hàng tháng, mù câm, đau bụng, đau đầu, nhức xương kinh niên, sau thôi miên "thầy" chỉ cần bảo: đứng dậy mà đi, nói đi, bệnh của anh hết rồi, là lành bệnh. Freud và ông bạn chí thân là Breure vận dụng thôi miên bắt đầu nổi tiếng. Nhưng dần thấy rõ kết quả thôi miên không được lâu dài và sau một thời gian, hết chứng này lại xuất hiện chứng khác. Hơn nữa trong quá trình thăm chữa lại xuất hiện những hiện tượng khó hiểu. Trong bệnh hystêri có những ca bệnh nhân tưởng tượng là mình có thai, bụng phình lên và tâm tư thay đổi đúng như một người thai nghén. Một hôm, một phụ nữ xinh đẹp xông vào phòng khám của bác sĩ Breure bảo: Tôi sắp sinh con của ông đấy. Breure hoảng hốt vì đã có vợ con, phải bỏ trốn khỏi thành phố Viên mấy tuần sau đó, bỏ luôn cả nghề chữa bệnh thần kinh. Freud vẫn tiếp tục rồi phát hiện ra là những người hystêri như vậy có những nét tâm lý đặc biệt và khác với người bình thường, có những hành vi những lời nói hình như ai xui khiến không làm chủ được.

Bình thường trong cuộc sống hàng ngày, phải đối phó với thế giới vật chất, và phản ứng của những người khác trong một nền văn hóa xã hội nhất định cho nên mọi hành vi đều phải có ý thức để thích nghi với thực tế. Làm việc gì thường có ý định, có ý nghĩa, tức là phù hợp với hoàn cảnh thực tế, có lý phù hợp với lẽ thông thường của xã hội. Nhưng cũng có biết bao hành vi vô lý, vô nghĩa, làm như con người bị "ma quỷ" nào thúc ép hay cấm đoán. Điển hình nhất là những giấc mộng diễn ra bất kể thời gian, không gian nào với những câu chuyện vô lý nhất. Freud dần dần nhận ra những triệu chứng của nhiều bệnh nhân, cùng với những giấc mộng, những hành vi lỡ tay, lỡ lời đều là những hiện tượng rất gần gũi nhau và phỏng đoán từ những hiện tượng này có thể tìm được dẫn đến các cấu trúc và cơ chế của vô thức.

Muốn hiểu phân tâm học bước đầu tiên là phải hiểu cái thuật phân tâm tức là phương pháp cơ bản để nhìn vào thức và chữa trị bệnh nhân. Và muốn phê phán phân tâm học không thể bắt nguồn từ triết lý, từ hệ tư tưởng, mà từ sự đối chiếu kết quả chẩn đoán và chữa trị các rối nhiễu tâm lý.

Luận thuyết phân tâm học

Với cái vốn đồ sộ của bản thân. Freud không thể bằng lòng với kinh nghiệm chữa bệnh thuần túy. Từ những kinh nghiệm cụ thể. Freud đã kiến tạo một hệ thống những khái niệm cơ bản để lý giải những phức tạp của tâm lý học. Hệ thống ấy gọi là, métapsychologic, có người dịch là siêu tâm lý học. Thực chất đây không có gì là siêu hình siêu nhiên cả, đây là một luận thuyết trong nhiều luận thuyết khác của tâm lý học. Bài này không đi sâu những khái niệm sẽ được trình bày trong sách, chỉ nêu lên ý nghĩa của một vài từ. Luận thuyết Freud mang tính thứ nhất là topicque. Topicque là vị trí, khu trú có ý xem cái tâm của con người được chia ra thành những khu riêng biệt với những vị trí riêng biệt. Luận điểm cơ bản thứ hai mang tên là dynamique, có ý nói là mọi hành vi hiện tượng tâm lý đều phải có một nguồn năng lượng mới thể hiện ra được và cái tâm thường xuyên ở vào tình trạng động với một xu thế chuyển động nhất định. Luận điểm thứ ba ông gọi là economique tức kinh tế, ở đây phải hiểu theo nghĩa là nguồn năng lượng nói trên đương phân phối như thế nào, đầu tư vào đâu.

Cái lực thúc đẩy, tâm lý học thường gọi là bản năng (instinct) và nhận ra hai bản năng cơ bản: bản năng bảo vệ sự tồn tại của cá thể và bản năng bảo đảm sự tái sinh sản nòi giống. Lúc đầu Freud cũng chấp nhận hai bản năng này, nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với thực tiễn và nghiền ngẫm, ông đã đi đến kết luận là có hai bản năng (ông gọi là xung năng sống, hai là Thanatos) tức là xung năng chết. Ông cho rằng sinh ra là ngay từ đầu đã mang trong bản chất cái chết, chứ không phải trong con người chỉ có bản năng tự bảo tồn để sống mãi. Luận thuyết này đã gây ra tranh cãi hết sức sôi nổi, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Một điều đáng chú ý là Freud từ những hiện tượng bệnh lý của người lớn đã vạch ra cả một quá trình phát triển tâm lý từ suốt thời bé và nhấn mạnh những gì đã xảy ra vào thời tấm bé có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời của một con người. Freud chỉ quan sát con của ông một vài lần và chỉ nghiên cứu một ca bệnh trẻ em, thế mà những khái niệm và luận điểm ông nêu lên về sự phát triển tâm lý ở tuổi bé phần lớn sau này được những học giả chuyên về trẻ em công nhận là đúng.

Ngày nay, giở bất kỳ một cuốn sách giáo khoa tâm lý nào, của bất kỳ nước nào (quyển tâm lý học Trung quốc chúng tôi mới nhận được năm 1996) cũng thấy trình bày những khái niệm Freud đã đưa ra. Học tập nghiên cứu tâm lý, nhất là tâm lý trẻ em không thể không biết đến phân tâm học.

Nỗi khổ ông Freud

Trên kia có nhắc đến việc ông Freud thời trẻ đã buộc phải chuyển làm nghề chữa bệnh để bảo đảm cuộc sống. Thực ra ngày nay theo hồi ký của ông và nhiều tình tiết trong cuộc đời riêng mà những đồ đệ đã sưu tầm ra thì câu chuyện lại khác. Vả lại cũng là quy luật chung, những nhà tâm lý học sâu sắc bao giờ cũng là những người đã phải trải qua nhiều nỗi gian truân vướng mắc về tâm tư, rồi vì sự thôi thúc tìm hiểu cho được nỗi khổ của mình tiến tới hiểu thấu nỗi khổ ngược lại, suy bụng ta ra bụng người rồi trông người lại ngẫm đến ta, hai quá trình tình cảm nghĩ ấy tác động lẫn nhau suốt đời. Sau khi nghiên cứu nhiều ca bệnh nhân và đề xuất được phương pháp phân tâm, ông đã vận dụng phương pháp cho bản thân tiến hành một quá trình phân tâm.

Freud sinh ra trong một gia đình Do Thái khá phức tạp. Bố lấy ba đời vợ. Vợ thứ ba sinh ra Sigmund, thua chồng 20 tuổi, Sigmund lớn lên gần những người anh chị ngang tuổi với mẹ. Học rất thông minh, năm nào cũng đứng đầu lớp, đẹp trai nhưng thường xuyên bị ám ảnh là đau tim, vẫn tin rằng mình sẽ chết sớm và trải qua nhiều cơn suy nhược thần kinh. Lại thêm rất sợ đi tầu, mặc dù tầu hỏa châu Âu thời ấy đã đi nhanh và đầy đủ tiện nghi. Ông cũng mắc một triệu chứng rất lạ: hai lần muốn đến thăm Roma - một thành phố cổ kính vào bậc nhất của châu Âu với không biết bao nhiêu di tích lịch sử và công trình kiến trúc nổi tiếng, một nơi mà bất kỳ một học giả Âu châu nào cũng phải đến thăm ít nhất một lần, nhưng cứ đi đến cửa thành phố là Sigmund lại quay lại không hiểu có một lực nào giữ chân ông lại. Ông rất muốn đến Roma để nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật, nhưng không thể nào vào được. Sau khi tự phân tâm, ông nhớ lại một ký ức thời bé. Thời ấy giáo hội công giáo ngự trị ở nước Áo thúc đẩy phong trào bài đạo Do Thái. Ông bố của cậu bé Sigmund một lần kể cho con nghe: hôm bố đang đi trên vỉa hè gặp một ông lớn người Công giáo bảo: "Thằng Do Thái kia tránh ra cho tao đi. Bố chần chừ, thì nó chụp lấy mũ của bố  ném ra lòng đường". Cậu bé hỏi: "Rồi bố làm gì? Bố cúi đầu lượm mũ rồi lẳng lặng chuồn đi". Từ đó trong lòng cậu bé Sigmund đầy căm thù với đạo công giáo, sau khi lớn, quên đi. Cũng thời bé học lịch sử Freud có một lần rất say mê chuyện tượng Annibal người Carthage một thành phố bên kia Địa Trung Hải đã nhiều lần bị quân Roma chiếm đóng, đem quân vào tận Roma đốt trụi thành phố để trả thù cho quê hương. Cứ mỗi lần sắp vào cửa thành Roma trong thâm tâm Freud lại nổi lên ý đồ đốt trụi cả thành phố. Từ sau khi nhận thức được như vậy, ông mới thanh thản vào thăm Roma và ông cũng cho biết từ đó hết sợ đau tim và những cơn suy nhược thần kinh. Ông còn nói thêm từ đó ông có óc thực tế hơn; trước đó vì là người Do Thái cho nên mặc dù về khoa học đã nổi tiếng vẫn không được phong giáo sư Đại học, lương thường thấp, sống cơ cực. Có một bà quý tộc bệnh nhân của ông bảo ông bà có thể can thiệp với bộ trưởng Bộ giáo dục (và đút lót bằng cách tặng một bức tranh quý) để ông được làm giáo sư, hưởng lương cao. Lúc đầu ông không chịu, nhưng sau giải tỏa mặc cảm kia, ông chấp nhận và năm 46 tuổi ông được phong giáo sư Đại học, được sinh sống đàng hoàng để tiếp tục nghiên cứu.

67 tuổi ông bị ung thư xương hàm, phải cắt một khúc cho hàm giả thay thế rồi bệnh tái phát nhiều lần trong 16 năm trời phải mổ cắt trên 30 lần. Nhưng trong những năm ấy ông vẫn tiếp tục viết rất nhiều bài và sách, rà đi rà lại những giả thuyết và luận điểm ông đã đưa ra trước kia. Năm 1938 Hitler chiếm đóng nước Áo, bắt tất cả người Do Thái dồn vào trại tập trung để hủy diệt, cả gia đình ông trốn sang Lôn Đôn được các giới khoa học Anh và nhà nước Anh đón tiếp nồng hậu, năm 1939 ông mất ở Lôn Đôn, thọ 83 tuổi.

Tính chất khoa học của học thuyết Freud

Từ phân tâm học được Freud nêu ra năm 1896 nay đúng 100 năm. Trong 100 năm ấy, ở nhiều nước diễn ra những tranh luận gay gắt hoặc về toàn bộ luận thuyết hoặc về điều này điểm nọ đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Có thể nói trong khoảng 50-60 năm đầu, cuộc tranh luận gần như "tôn giáo chiến". Có nhiều người đã dọa bắt ông Freud bỏ tù, có người lên án cho rằng Freud là kẻ tội phạm lớn nhất đối với nền văn minh Âu châu. Trong nhiều thập kỷ, một số người Mác xít lên án mãnh liệt: Phát xít Đức đốt sách của ông. Rồi từ khoảng năm 1960 cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nhưng đỡ gay gắt hơn. Trước đó rõ ràng có hai phe "tín đồ" đối lập: một bên là tín đồ của Freud cho rằng phân tâm học là chìa khóa vạn năng giải quyết tất cả các vấn đề nhân sinh và xã hội, một bên chỉ cần nghe đến Freud hay phân tâm học nhiều khi không cần đọc tác phẩm của ông vẫn phê phán phản bác kịch liệt. Đó là thời xã hội châu Âu trong giai đoạn công nghiệp hóa bước đầu vẫn nghiêm ngặt bảo vệ những cấm kỵ về tình dục và đạo Kito (ít nhất cũng bề ngoài và trong sách vở); Đó cũng thời mà một số học thuyết mới về tâm lý ra đời với những phương pháp trị liệu riêng, trường phái nào cũng xem là đã tìm ra chân lý gạt bỏ những trường phái khác.

Phân tâm học đã đụng đến hai vấn đề xưa nay vẫn gây nên những mối xúc động to lớn; tình dục và cái chết. Trong xã hội xưa tỉ lệ tử vong rất cao, trẻ con chết nhiều, người lớn chết sớm, trong cuộc sống hàng ngày thường vẫn bắt gặp cái chết. Sống ở nông thôn người chết cũng ở ngay trong làng xóm. Đến thời đại công nghiệp hóa tỉ lệ tử vong trẻ em và người lớn giảm rất nhiều, mồ mả người chết xa thành phố, thờ cúng tổ tiên ở châu Âu bị loại bỏ từ lâu vì theo đạo Kito, người sống ít khi có dịp gặp mặt với cái chết, không muốn nghĩ đến cái chết, có cảm tưởng như khoa học đẩy lùi cái chết, thế mà Freud lại nêu lên cái bản năng cái chết.     

Từ sau 1960, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu tâm lý và vận dụng các phương pháp tâm lý trị liệu khác nhau, hầu hết học giả các nước đều đi đến nhận định cái tâm của con người cũng sâu thẳm và mênh mông không kém vũ trụ vật chất. Mỗi học thuyết nếu xây dựng một cách nghiêm túc đều có khả năng soi sáng một mặt nào đó của tâm lý con người, và chưa hề có, có người bảo là không thể có, một học thuyết nào làm bá chủ tất cả, trở thành "chính thống". Thực ra đây là một nhận định ngày nay đã được chấp nhận cho tất cả các ngành khoa học và nhất là khoa học nhân văn.

Bản thân Freud đã từng tiến hành nghiên cứu theo một qui trình chung cho các môn khoa học; xuất phát từ sự quan sát thực tiễn, ở đây là lâm sàng, đề xuất giả thuyết, tìm cách chứng nghiệm, rồi năm này qua năm khác, có khi 10,15 năm sau, lại hoặc thay đổi hoặc từ bỏ những khái niệm và luận điểm mình đã đưa ra, cho đến cuối đời ông vẫn tiếp tục kiểm tra lại học thuyết của ông. Và ông đã từng viết là luôn luôn sẵn sàng từ bỏ những gì mà không được thực tiễn chứng nhận. Ông thường xem những luận điểm của ông chỉ có tính cách tạm thời, và ông tiên đoán một ngày nào đó những tiến bộ kỳ diệu của  sinh học sẽ làm cho học thuyết của ông sụp đổ như một lâu đài bằng giấy. Các đồ đệ chân chính của ông sau này vẫn tiếp tục truyền thống ấy và đã hoặc bổ sung hoặc phủ nhận một số điểm mà ông Tổ nêu ra. Đó đây vẫn còn một vài tín đồ kiểu xưa của Freud hoặc một số người cuồng tín chống Freud.

Quyển sách được xây dựng với tinh thần tiếp nhận có phê phán và phải nói với lòng hâm mộ đối với một con người được xem như là một nhà tư tưởng vĩ đại (chứ không phải một ông thánh của loài người).

Có thể tiếp nhận phần nào đó trong cái thuật phân tâm có thể vận dụng được trong hoàn cảnh nước ta. Còn muốn phê phán về lý luận, thì không chỉ lấy hệ tư tưởng mà phán xét mà phải thực hiện một cách nghiêm túc kết hợp lâm sàng trị liệu, điều tra xã hội. Xuất phát từ đó mà đi đến kết luận.

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...