NT Foundation - NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
 
 
Lượt truy cập: 13210348
 
 
NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
 

CHƯƠNG TRÌNH N -T

 

I. KHOANH VẤN ĐỀ LẠI, KHÔNG NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH KIỂU XÃ HỘI HỌC, KHÔNG BÀN ĐẾN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH, CHỈ NGHIÊN CỨU VỀ TÂM LÝ.

Đi từ tâm lý kinh nghiệm, tâm lý văn học đến tâm lý học. Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có một số nhận xét về tâm lý gia đình, trong các tác phẩm văn học mô tả nhiều khi rất sâu sắc nhiều tình tiết về tâm lý gia đình. Nếu những người nghiên cứu tâm lý học chỉ ngừng ở mức tâm lý kinh nghiệm hay văn học như thế, thì công trình này không thể nào bằng tác phẩm văn học kia vì, để mô tả cuộc sống thường câu văn của những nhà nghiên cứu ít khi lưu loát linh động. Thà không viết ra còn hơn. Tâm lý học khác với kinh nghiệm và văn học là được tiến hành có bài bản. Tâm lý kinh nghiệm và văn học có thể rất sâu sắc, nhưng vì không có bài bản được quy định rõ rang, mỗi người làm theo ý riêng, tuỳ hứng, tuỳ cơ, tuỳ tiện, không thể nào truyền lại cách làm cho người khác. Vì không nhận rõ mối liên quan giữa những yếu tố với nhau, không ý thức rõ về phương pháp tiếp cận, về những khái niệm đề xuất, về những cơ chế tâm lý nên dễ dẫn đến những nhận định máy móc, kiểu con một nhất định là con hư, mẹ chồng nhất định là cay nghiệt với con dâu...

Người nghiên cứu tâm lý cần nhận thức rõ từng bước từng khâu trong tư duy của mình từ lúc tiếp xúc với sự vật đến kết luận, thông qua một quy trình xử lý thông tin dữ kiện phức tạp. Nếu nói về nhận định cụ thể về tâm lý một con người hay những yếu tố tâm lý trong một tình huống cụ thể, có những nhà tâm lý học không bằng một người bình thường nào đó hay nhà văn, nhưng về nhận thức về phương pháp tư duy, quy trình xử  lý thông tin, kiểm nghiệm kết luận thì nhất thiết phải hơn.

Quy trình nghiên cứu gồm những khâu:

♦ Có một bài bản để tiếp xúc với sự vật, quan sát điều tra. Bài bản này có khi sử dụng cái mà người khác đã làm trước, hoặc tự mình tạo ra. Nghiên cứu về tâm lý gia đình hiện nay chưa có một bài bản nào được đa số học giả nhất trí, mỗi người mỗi trường phái làm một phách, ta phải tạo ra bài bản riêng.

♦ Sau khi quan sát điều tra sự vật, cần tập hợp dữ kiện tư liệu thành một cái vấn chung; mỗi người tuỳ nhu cầu của mình có thể xử lý khai thác vốn ấy, có người để nghiên cứu một chủ đề nào đó, có người để giảng bài, có người để viết tiểu thuyết hay làm phim. Thu thập dữ liệu là một công việc tập thể nhiều người làm, vốn tư liệu là cái vốn chung, chứ không phải mỗi người "thủ lấy" một ít giấu kín làm của riêng. Các anh chị sau khi có một tư liệu nào đó xin giao lại để thành cái vốn chung, lưu trữ tại trụ sở N-T để cho mọi người sử dụng.

♦ Xử lý khai thác dữ kiện thông tin theo một chủ đề nhất định cuối cùng thành một công trình nhằm lý giải một vấn đề nhất định.

♦ Tiến tới những công trình tổng hợp: những tập kỷ yếu lần lượt in những bài, những công trình, hoặc những tác phẩm đúc kết một số công trình về một vấn đề lớn, hay về toàn bộ vấn đề tâm lý gia đình.

Tham khảo những tài liệu nước ngoài, thấy rõ hai thời kỳ:

(1) Từ năm 1945 sau Đại chiến thế giới thứ 2, do chiến tranh và nhất là do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm biến đổi sâu sắc mọi mặt của cuộc sống ở những nước phát triển, cho nên, cuộc sống gia đình đặt ra nhiều vấn đề gay gắt. Trong thời kỳ 1945-1960 vấn đề tâm lý gia đình được đặt ra trong mối lien quan với những biến động trong quan hệ nội bộ của các gia đình, quan hệ giữa các thành viên của các gia đình. Về tâm lý học vẫn như trước, lấy tâm lý cá nhân làm đối tượng trọng tâm nghiên cứu.

(2) Từ những năm 1979, đặc biệt ở Mỹ, do ảnh hưởng của những môn khoa học khác như nhân chủng học, tin học, trọng tâm chuyển từ tâm lý cá nhân sang xem gia đình như là một hệ thống, một tổng thể. Theo quan điểm này, những triệu chứng xuất hiện ở một cá nhân được xem như là hệ quả của một sự rối nhiễu hệ thống gia đình, và trị liệu trước kia chỉ xoáy quanh từng cá nhân nay trở thành trị liệu toàn bộ gia đình. Từ đó tập trung vào nghiên cứu sự giao tiếp giữa các thành viên với nhau và những đặc tính của tổng thể gia đình hơn là cá tính của từng thành viên.

II. ĐỂ XÂY DỰNG BÀI BẢN TRƯỚC HẾT PHẢI TÌM RA NHỮNG CÁI TRỤC ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU TRONG VIỆC QUAN SÁT ĐIỀU TRA.

Tài liệu phương Tây trước năm 1960 nêu lên cái trục "quan hệ" (relation), từ sau năm 60 là "giao tiếp" (communication). Cả hai từ này đều tác động qua lại giữa các thành viên trong gia đình, mà cả hai bên đều nhấn mạnh nội dung tình cảm. Vận dụng hai khái niệm trên vào con người Việt Nam, làm cho sự nghiên cứu của chúng ta đậm màu sắc dân tộc, việc đầu tiên là tìm ra một từ ngữ Việt Nam đúc kết những khái niệm ấy.

Đề nghị lấy từ "mối tình", mối nói lên quan hệ qua lại giao tiếp trao đổi, và tình nói lên nọi dung chủ yếu.

Quan hệ trong gia đình cũng như giao tiếp trong gia đình chủ yếu là tình cảm khác với quan hệ trong một cơ quan, một nhóm xã hội khác. Bố có thể là Tổng thống ra lệnh hàng triệu người phải tuân theo, nhưng về nhà bảo con không được vì mối tình bố con đã sứt mẻ.

Vận dụng tính tế nhị của tiếng Việt sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc định hướng nghiên cứu. Đề nghị bài bản nghiên cứu tiến hành theo 3 cái trục chính: tình lứa đôi, tình tổ ấm, tình dòng họ.

(1) Lứa đôi tức là cặp trai gái từ lâu đã gặp nhau rồi lấy nhau, lấy nhau rồi ăn ở với nhau như thế nào, cần nghiên cứu tâm lý ở những bình diện:

*Tình duyên tức là vì đâu mà gặp nhau, do gia đình hay tổ chức xếp đặt, do ngẫu nhiên, do tình cảm cá nhân kiểu "sét đánh" hay kiểu tìm hiểu lâu dài, thăm dò hết ngọn nguồn lạch song...

*Tình dục tức là hai xác thịt có hoà hợp không, có tạo cho cả hai bên những khoái lạc thích đáng hay không.

*Tình yêu thấm nhuần mọi hành vi trong cuộc sống, chia sẻ với nhau vui buồn gian khổ (ấm no có bạn, lạnh lùng có đôi).

*Tình nghĩa cùng nhau chấp nhận một nghĩa vụ, một lý tưởng như nuôi dạy con thành người hay cùng chung một sự nghiệp.

Tất cả các yếu tố trên dẫn đến khái niệm "thuỷ chung" (hay không thuỷ chung).

(2) Tình tổ ấm là mối tình nối kết những người ở cùng một nhà, trước hết là bố mẹ, con cái, anh chị, có khi thêm một vài người nào đó. Ăn ở cùng nhau, chăm sóc cho nhau, dạy bảo cho nhau, cùng nhau đối phó với những cách thức từ ngoài, bảo đảm cho từng thành viên cuộc sống an toàn, đáp ứng những nhu cầu sinh lý và tâm lý. Tiếng Việt là tổ ấm, như cái tổ đón chim bay giữa trời lạnh lẽo giông tố về đến nơi an toàn ấm áp; tiếng Pháp tương đương là foyer tức là bếp sưởi, nơi quan trọng bậc nhất ở những xứ lạnh. Chứ Hán là gia, bắt đầu với hình vẽ một cái nhà che mưa, che gió.

Gia đình có đảm bảo cho mỗi thành viên những nhu cầu tâm lý không?

Người đàn bà có đóng đầy đủ vai trò làm vợ, làm mẹ không. Ngày nay khác với ngày xưa, người phụ nữ còn có một sự nghiệp xã hội, còn phải "lập nghiệp". Thi phó tiến sĩ, phấn đấu làm chủ tịch xã hay thứ trưởng khó mà toàn tâm toàn ý với chồng con.

Người đàn ông có đóng được vai trò làm chồng, bố và lập nghiệp không?

Việc tạo nên tổ ấm, trong hoàn cảnh không đến nỗi quá nghèo khổ, tuỳ thuộc chủ yếu vào sự "đầu tư" của bố mẹ: không phải chỉ và chủ yếu là đầu tư tiền bạc, mà đầu tư thì giờ tâm trí, tình cảm. Đối với con cái thì nhu cầu hàng đầu là được trưởng thành tiến tới tự lập. Nhưng bắt đầu lại là một tình cảm hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn, một mặt nhận được tất cả những gì cần thiết, nhưng mặt khác lại tuyệt đối phải chịu sự áp đặt ý muốn của người lớn; đó là đặc điểm của cái "phận" làm con.

Quan hệ giữa anh chị em với nhau là quan hệ cùng một lưa, vừa nâng đỡ nhau vừa ganh tỵ với nhau, cả hai mặt này đều cần thiết cho sự trưởng thành.

Mọi nhân tố ảnh hưởng đến sự trọn vẹn của tổ ấm đều tác động sâu sắc đến tâm lý của từng thành viên. Khái niệm gia đình ly tán với nhiều hình thức khác nhau đã được nhiều công trình nêu lên.

Một khái niệm cần được làm sáng tỏ là chữ "hiếu".

(3) Tình dòng họ - nối kết những thành viên theo hai chiều:

* Chiều ngang tức là giữa những người cùng thế hệ, giữa bố mẹ và chú bác cô dì; có thể gọi đây là mối liên hệ quyên gia đình.

* Chiều dọc đi ngược thời gian nối kết với những thế hệ trước, ông bà tổ tiên; đây là mối quan hệ "xuyên thế hệ".

Tình dòng họ đậm hay nhạt quyết định tính khép kín hay mở cửa của một gia đình, bố mẹ hay con cái sống với nhau như trong một vỏ ốc hay có nhiều người khác tham dự vì cùng một huyết thống... Gia đình khép kín sống độc lập hơn, dành cho mình một cõi riêng tư, nhưng giải quyết mâu thuẫn và vượt qua thử thách không có chỗ dựa, không có ai giúp đỡ, (sẩy mẹ có dì, sẩy cha có chú).

Mối liên kết có thể là hiện thực như với ông bà còn sống, nhiều khi còn ở chung một nhà (tam đại đồng đường), hoặc là mang tính tượng trưng tín ngưỡng thờ cúng cầu khẩn săn sóc nhà thờ và phần mộ là những hành vi có nhiều ý nghĩa. Đây là mối quan hệ giữa những người sống và những người đã mất, liên quan đến nhiều phong tục tín ngưỡng, triết lý, đạo lý.

Trong dòng họ biểu hiện rõ nhất qua những cuộc đối đầu với những dòng họ khác (xem quyển Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Tường).

Tâm lý dòng họ phải chăng do di truyền bằng gien quyết định. Giả thuyết này cho đến nay chưa được chứng nghiệm và đại đa số học giả thiên về thuyết truyền tập kiểu ứng xử từ bố mẹ sang con và qua các thế hệ. Các học giả Mỹ, sống trong một xã hội trong đó có những người sống hiện nay hầu như không còn giữ mối quan hệ nào với thế hệ ông bà tổ tiên đã ngạc nhiên khi phanh phui tâm lý nhiều gia đình nhận ra những tác động của những thế hệ trước. Một truường hợp phải chăng là biểu hiện của dòng họ ấy là một nhóm con cháu (hậu duệ) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữư Trác: cách đây hơn 200 năm Lê Hữu Trác trả ấn từ quan, rời bỏ Hà Bắc vào đất bán sơn địa Hà Tĩnh lập ấp và làm nghề thầy thuốc; hơn 200 năm sau với một Vụ trưởng họ Lê Hữu xin về hưu non, cùng với một số bà con ở Hà Tĩnh vào lập một ấp mới ở gần Bà Rịa và làm đông y. Nghiên cứu nhiều gia phả chắc sẽ giúp phát hiện những điều thú vị.

III. SAU KHI XÁC ĐỊNH BA TRỤC ĐỊNH HƯỚNG LỚN VỚI NHỮNG TIẾT MỤC QUAN TRỌNG, CẦN ĐỀ RA NHỮNG TÌNH TIẾT ĐÁNG QUAN TÂM.

Để làm việc này chúng ta sẽ tiếp cận theo một phương pháp và phân tích theo một số khái niệm mà các học giả ở nước này nước khác đã nêu ra; đi với mỗi khái niệm là một từ được định nghĩa, cho nên chúng ta sẽ có một số từ "chìa khoá" (tiếng Pháp là mot-clé, tiếng Anh Key word). Và cách tiếp cận đầu tiên là phân tích những yếu tố văn hoá xã hội: những từ khoá ở đây là xưa và nay, đông và tây, mâu thuẫn thế hệ.

Rồi đến cách tiếp cận tập trung vào mối quan tâm của từng thành viên; ở đây không thể không vận dụng những khái niệm cơ bản của phân tâm học, vì trong các học thuyết tâm lý trường phái này đầu tiên đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng sâu ắc và quyết định của gia đình trong sự hình thành nhân cách trẻ em, và đã vạch rõ một cách có hệ thống những cơ chế quá trình ấy. Một điểm quan trọng mà phân tâm học đề ra là bao giờ cũng có một sự vật mơ tưởng hay huyễn tưởng và một sự vật thực của cuộc sống hàng ngày. Như ngay từ lúc mới thai nghén, bố mẹ đã tạo hình dung một đứa con mơ tưởng, đến lúc sinh ra tiếp xúc rồi chăm sóc đứa con thực, hình tượng hai đứa con này sẽ ăn khớp với nhau hay trái ngược nhau. Trong tâm tư trẻ, có hình tượng của bố mẹ và gia đình hiện thực, đụng chạm hàng ngày và hình ảnh mơ tưởng của bố mẹ và gia đình. Khi thực tế phũ phàng, trẻ thoát khỏi thế giới mơ tưởng và sống với gia đình hư cấu (roman familial), tưởng tượng mình là con của ông vua ông hoàng. Trước 5-6 tuổi, trẻ em nghĩ rằng bố mẹ là những con người tuyệt vời toàn năng toàn trí, những vị thiên thần, nhưng rồi hết tuổi ngây thơ, nhận thức về thực tế rõ hơn, "vỡ mộng" về bố mẹ. Ở những trẻ em bình thường hết ngây thơ là chấp nhận tính tương đối của sự vật, cho nên dần dần cũng chấp nhận tính tương đối của năng lực bố mẹ, quý hồ giữa con người thực của bố mẹ và hình thành lý tưởng trong tâm tư con cái khoảng cách đừng quá xa. Lúc ấy còn lại trong tâm tư đứa con hình tượng người bố hay người mẹ là một người lớn có tư thế đàng hoàng, một hình ảnh để tự đồng nhất (từ này không hiểu theo nghĩa noi gương bắt chước mà chỉ một cơ chế vô thức, đứa trẻ sống lại, lập lại một cách vô thức những ứng xử của người kia). Nếu hình tượng của bố mẹ không tạo ra được cơ chế tự đồng nhất, thì con cái sẽ noi theo những thần tượng ngoài gia đình, khi một đứa trẻ ngố ngáo, thủ lãnh hay nhóm băng, diễn viên điện ảnh...

Một điểm mà phân tâm học thường nêu lên là tính hai chiều, đòn xóc hai đầu (am bivalent) của tình cảm: yêu đi đôi với ghét, quyện lấy nhau, con yêu thương bố mẹ đồng thời cũng căm ghét; nhưng những biểu hiện căm ghét này xã hội phê phán trừng phạt phải dồn nén vào vô thức để xuất hiện thành những hiện tượng nhiều khi rất xa lạ với tình cảm gốc. Không thấy được tính hai chiều ấy khó mà lý giải được nhiều hiện tượng trong mỗi quan hệ bố mẹ con cái. Một điểm cần được nêu lên là liệu mặc cảm œdipe như Freud đã mô tả ở Việt Nam có hay không? Muốn giải đáp câu hỏi này, phải quan sát điều tra nhiều trường hợp phát triển bình thường và bệnh lý để đi đến kết luận những biểu hiện như phân tâm học mô tả có hay không có, những luận điểm của Freud đúng hay sai, chứ không thể ngồi tranh luận về quan điểm, về đạo đức. Tất cả những mối tình chằng chịt do sự tác động qua lại hàng ngày của các thành viên trong gia đình tạo nên tổ ấm, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mỗi người, hay một không khí thuận lợi, một tổ "lạnh" hay một tổ "nguội", tác động hàng ngày lên tâm tư và sức khoẻ của các thành viên. Mối quan hệ tay ba bố - mẹ - con về tình cảm là nhân tố quan trọng bậc nhất trong sự hình thành nhân cách của trẻ em, và cả người lớn. Thêm vào đó mối tình anh chị em, anh em như thể chân tay, nhưng đồng thời gà cùng chuồng cũng hay đá nhau, có khi suốt đời ganh tỵ, thậm chí hận thù mãi không tan.

Mối quan hệ tình cảm càng phức tạp khi gia cảnh bất thường: con nuôi, con chồng, dì ghẻ, con vợ bố dượng, ông bà cùng ở chung...

Cách tiếp cận thứ hai là xoay quanh nhưng sinh hoạt và ứng xử hàng ngày . Một gia đình là một tổ hợp gồm tất cả những người ở chung một nhà. Việc tổ chức ăn ở với nhau như thế nào (trong đó kể cả những người không phải là bố mẹ con cái) vừa tác động sâu sắc đến tâm lý chung, vừa là biểu hiện của tâm lý ấy. Cuộc điều tra cần tiến hành trong những lĩnh vực khác nhau: cách sắp xếp nhà ở, tổ chức bữa ăn, vui chơi, chi tiêu, thờ cúng...Bất chợt một nhà tâm lý được dự một bữa cơm gia đình sẽ phát hiện nhiều sự kiện có ý nghĩa.

Cùng với việc quan sát cách ăn ở, phân tích kỹ cách giao tiếp giữa các thành viên với nhau. Ở đây những khái niệm mà các trường phái trị liệu gia đình đã đưa ra sẽ giúp chúng ta đi vào chiều sâu của sự giao tiếp này: giao tiếp kiểu đối xứng hay bù trừ, giao tiếp kiểu nghịch lý dễ gây ra rối nhiễu. Trong nội bộ gia đình, giao tiếp chủ yếu mang tính phi ngôn ngữ, biểu lộ tình cảm nhiều hơn là bàn luận. Đằng sau mỗi câu nói phải hiểu một ý, cái chính là cái tứ, tức hàm ngụ đồng tình hay không, vui vẻ hay tức giận, chân phương hay đùa cợt. Mọi người đều biết phụ nữ và trẻ em rất nhạy cảm về kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ.

Một gia đình có những lễ nghi nhất định; hoặc lễ nghi theo phong tục hay tôn giáo, hoặc một số kiểu ứng xử lập đi lập lại nhiều khi không có lý do thực dụng nào cả. Đằng sau mỗi lễ nghi như vậy là những tín điều của một đạo lý, hay một cơ chế tâm lý có tính phòng vệ, một định kiến đã xơ cứng.

Những điểm phân tích nói trên cần được đặt vào một cái khung vẽ lên bức tranh toàn bộ với những nét chính:

Gia sản tức là cơ sở vật chất kinh tế ở mức giàu, trung bình hay nghèo.

Gia cảnh tức là cơ cấu của gia đình trọn vẹn đông đủ hay neo đơn ly tabs và những hoàn cảnh bất thường.

Gia thế tức là thế đứng giữa xã hội sang hay hèn, cao hay thấp. có quyền có danh hay không của bố mẹ và con cái.

Gia phong tức là lối sông hàng ngày, đối xử với nhau như thế nào; hoặc kiểu gia trưởng, người bố (có khi là người ông) quyền uy rất lớn, hoặc sống buông thả không có kỷ cương, hoặc dân chủ bình đẳng, đặc biệt vợ chồng tôn trọng nhau.

Gia đạo tức là có hay không có ý thức về một đạo lý nhất định, có thể theo một tôn giáo hoặc một lý tưởng. Bố mẹ thường có trao đổi hay đọc sách báo về cách nuôi dạy con không?

Để làm rõ những đặc trưng của bức tranh toàn bộ nói trên chủ yếu về mặt văn hóa xã hội, có thể nêu mấy điểm sau:

♦ Gia đình khép kín, bố mẹ con cái sống với nhau như trong một cái vỏ ốc, người ngoài không tham dự cuộc sống nội bộ, đó là kiểu gia đình phương Tây hiện nay; hoặc gia đình mở cửa, có những sinh hoạt chung mang tính huyết thống với họ hàng, và với dòng họ. Quan hệ láng giềng, hàng xóm, người cùng phố, nhiều khi cùng đóng vai trò quan trọng, tắt lửa tối đèn có nhau. Liệu gia đình kiểu cởi mở có thể tồn tại lâu dài trong một xã hội công nghiệp hay không? Dù sao so sánh gia đình xủa tức là do xã hội cổ truyền để lại sống ở nông thôn, mà những người lớn tuổi hiện nay sống ở thành phố là một phương hướng giúp phát hiện nhiều nét có ý nghĩa; gia đình là đơn vị sản xuất hay không, bố mẹ hàng ngày có bỏ con đi làm hay không, người mẹ có sự nghiệp xã hội hay không, bao quanh gia đình là một xã hội ít biến động, có kỷ cương chặt chẽ, nhiều đời để lại, hay là một xã hội thường xuyên biến động, những tín điều tôn giáo còn ảnh hưởng đến đâu. Mâu thuẫn giữa các thế hệ biểu hiện như thế nào?

♦ Ôn lại những biến cố và thử thách gia đình đã trải qua, dự đoán những sự việc có thể xảy ra: sinh con đầu, có tang, đổi chỗ ở, nghề nghiệp, bệnh nặng, thất nghiệp, con đi ở riêng, bố mẹ, ông bà về hưu...Một gia đình có kiểu sinh hoạt ứng xử linh hoạt sẽ vượt qua, gia đình rối nhiễu sẽ vấp váp.

IV. SAU KHI PHÂN TÍCH CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA MỘT GIA ĐÌNH, CẦN PHÂN LOẠI, TRƯỚC HẾT THUỘC LOẠI BÌNH THƯỜNG HAY BẤT BÌNH THƯỜNG.

Rất khó xác định ranh giới giữa hai bên; từ bình thường có nghĩa là trung bình, tức là đa số(60-70%) trong một nhốm dân cư nhất định thuộc về loại hình thức ấy, vừa có nghĩa lý tưởng đúng theo một chuẩn mực nhất định. Cần xác định hai đặc trưng chủ yếu của một gia đình tạm gọi là bình thường.

1. Tính tương đối vững bền cùng sống với nhau yên ổn trong một thời gian nhất định. Ngày xưa lý tưởng là bách niên giai lão, ngày nay một thời gian khoảng 15 năm đủ cho con cái trưởng thành có thể xem là đặt tiêu chuẩn.

2. Mỗi thành viên đều có điều kiện sống tương đối thoải mái, không phải hy sinh quyền lợi chính đáng của mình.

Có thể nói đó là một gia đình yên lành; yên là không sóng gió đến mức tan vỡ, lành là không ai bị hy sinh. Một gia đình có thể yên mà không lành như khi có một gia trưởng độc đoán buộc người vợ hy sinh cả cuộc đời cặm cụi bếp núc.

Không yên tức là thường xuyên xảy ra rối ren, không lành là một hay nhiều thành viên bị nhiễu loạn về mặt này mặt khác. Như vậy bước đầu là phân loại yên lành hay rối nhiễu. Thông thường những người nghiên cứu ( cũng như các nhà văn hay nhà báo) hay nói đến những gia đình rối nhiễu; điều này cũng dễ hiểu vì có rối nhiễu mới có chuyện để nói. Từ những hiện tượng rối nhiễu; có thể rút ra những đặc trưng rõ nét, vì rối nhiễu chỉ là những nét bình thường được khuyết tán lên như vợ chồng cãi nhau giận nhau đến một mức nào đó là bình thường, quá mức nào đó là bất thường, con cái phá quậy cũng vậy. Trong những gia đình yên lành thì thường các sinh hoạt, các kiểu ứng xử giao tiếp đa dạng, linh hoạt, cón sinh hoạt đơn điệu, ứng xử giao tiếp cứng nhắc dễ dẫn đến rối nhiễu. Một chỉ báo quan trọng là trong gia đình biết đừa cợt hài hước với nhau, đây là một triệu chứng lành mạnh; trong gia đình có người đóng vai hề làm cho mâu thuẫn nội bộ bớt căng thẳng.

Thông thường rối nhiễu biểu hiện qua một số hành vi bất thường của một thành viên, đặc biệt của con cái. Cho nên vấn đề thường xoay quanh tính nết của đứa con, và tính cách thưởng phạt hay chăm chữa đứa con ấy; tâm lý gia đình tập trung vào tâm tư đứa con bị nên lên là hư quấy. Trong những năm gần đây, người ta lại chú trọng đến gia đình như là một tổng thể, một hệ thống trong đó mỗi thành viên tác động qua lại với các thành viên khác, mỗi triệu chứng xuất hiện nhiều khi chỉ khu trú ở một thành viên như một đứa con chẳng hạn đều chứng tỏ một sự cân bằng của toàn bộ gia đình. Trọng tâm đã chuyển từ việc trị liệu đứa con cá nhân thành trị liệu gia đình. Lúc đứa trẻ trở lại bình thường thì gia đình lại lục đục. Đây là luận điểm home'ostasic familiale, tức là cơ chế tự điều chỉnh của gia đình để bảo vệ cân bằng, biến một thành viên thành một vật hy sinh (1).

Đã quan niệm gia đình là một hệ thống, trong đó có  rất nhiều yếu tố tác động lẫn nhau, thì không thể suy luận máy móc theo kiểu nhân quả đơn tuyến, một sự kiện A nhất thiết sinh ra từ sự kiện B; hậu quả B tùy hoàn cảnh có thể xuất hiện hay không và tùy lúc thì yếu tố này hay yếu tố khác đóng vai trò chủ yếu hay thứ yếu. Cho nên làm trị liệu gia đình có khi hay có lúc chỉ tập trung vào một thành viên, có khi cần tập trung tất cả gia đình. Những phương pháp trị liệu cũng rất đa dạng: thăm hỏi, gợi cho các thành viên nói lên tâm tư riêng, dùng phép tâm kịch hay phân vai, làm sao phá vỡ những nết sống, nếp ứng xử giao tiếp lệch lạc đã biến thành những cơ chế tâm lý cứng nhắc (2).

Đây quả là một công việc rất phức tạp vì không dễ gì truwocs hết là phanh phui được những mâu thuẫn nội bộn mà các gia đình không mấy ai muốn cho người ngoài biết đến, sau đó lại làm thay đổi các kiểu ứng xử tồn tại thường lâu năm. Người thầy làm tư vấn cho một gia đình rối nhiễu khi được xem như là một trọng tài giữa vợ và chồng hay bố mẹ và con cái, khi được xem như là một siêu gia trưởng đủ uy quyền quyết định cho mọi vấn đề; nhưng nhiều khi bố mẹ bất đắc dĩ đưa con đi khám mà thâm tâm lại muốn cho người thầy thất bại.

Làm nghề tâm lý gia đình cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống cũng như kinh nghiệm chăm chữa, biết ứng xử linh hoạt tùy cơ ứng biến, không thể theo rập khuôn một phương pháp, một biện pháp nào. Đặc biệt làm chủ được bản thân để tránh những phản ứng vô thức đối với hành vi của từng thành viên trong gia đình kia, bằng không rất dễ thiên vị có thiện cảm hay ác cảm với thành viên này hay thành viên khác, mất tính khách quan, vô hiệu hóa hoàn toàn công việc trị liệu.

                                                                                                      

                                                                               

                                                                                         12 - 1991

                                                                           Nguyễn Khắc Viện

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...