BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN
Ông bạn ấy, một nhà khoa học dinh dưỡng mời tôi ăn cơm và giới thiệu bữa cơm hôm nay có bao nhiêu chất protein, bao nhiêu lipit, bao nhiêu gluxit và đầy đủ các loại Vitamin. Nhưng trong bữa ăn vợ chồng ông không ngừng cãi nhau, vợ thì la chó mắng mèo, bố thì quát con. Tôi nuốt không trôi. Kể ra, đứng về mặt sinh lý cũng dễ hiểu: lúc ta bị mất một cảm kích nào đó, các cơ trơn của thực quản co thắt lại, cho nên rất khó nuốt. Bữa ăn mà không vui thì dù đầy đủ bao nhiêu, sơn hào hải vị cũng khó nuốt. Lưu Bình nuốt không trôi, bát cơm với mấy quả cà của Dương Lễ không phải vì đạm bạc, mà bởi người bạn bạc bẽo.
Câu chuyện ông bạn đãi cơm tôi kể trên chỉ là bịa đặt. Không ai tiếp ăn người lớn như vậy. Nhưng nếu là một em bé vài ba tháng tuổi thì lại là chuyện thường ngày. Bố mẹ, bác sĩ đều cân nhắc từng ly từng tý về ca-lo, protein, lo cho vừa đủ lượng vừa đủ lượng vừa đủ chất. Nhưng nhiều khi đầy đủ tất cả, có những em bé vẫn không chịu ăn. Thông thường trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ loay hoay tìm cách đổi sữa đổi bột. Tính đi, toán lại còn thiếu chất gì, còn thừa chất gì.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học nhiều nước nhận thấy rõ: nhiều em bé biếng ăn, bỏ ăn không phải vì bản thân chúng đau ốm hay bữa ăn thiếu thốn, mà nên nhìn về phía bà mẹ. Bà mẹ cho con bú, cho con ăn như thế nào thì con ăn vui vẻ, thái độ của bà mẹ (ông bố) như thế nào đó, thì con biếng ăn, bỏ ăn. Trong trường hợp này, không phải chữa cho con, không phải thay đổi bữa ăn, mà chữa cho bố mẹ. Người ta thường nói: "tâm bất tại" thì ăn mất ngon. Nay có thể nói: mẹ mà "tâm bất tại" thì con biếng ăn, bỏ ăn.
Xin kể một thí dụ cụ thể. Là một bệnh án đầu tiên về vấn đề này ở nước ta. Một phụ nữ quá 30 tuổi không lấy được chồng đành "làm liều" để có một đứa con. Gia đình liền đuổi cô đi sống cầu bất cầu bơ. Sau khi sinh con ở một bệnh viện, con không chịu bú. Bà bác sĩ phụ trách kể: "May mà tôi mới học xong khóa tâm lý của Trung tâm nghiên cứu về trẻ em, cho nên tôi liền động viên bà mẹ, vận động cán bộ trong bệnh viện và các chị em nằm cùng phòng giúp đỡ người phụ nữ đau khổ ấy. Bà mẹ yên tâm, đứa con liền chịu bú. Ít hôm sau, đứa con lại bỏ bú. Hỏi ra mới biết, sắp đến ngày xuất viện, người mẹ lo lắng, không biết cuộc sống rồi sẽ ra sao. Đứa con rất nhạy cảm, nên bỏ bú. Lại động viên, hứa hẹn giúp đỡ. Người mẹ yên lòng, đứa con lại bú tiếp".
Từ lúc sơ sinh, con người ăn có vui thì mới trôi. Càng bé nhỏ, càng nhạy cảm về mặt này. Muốn cho con cái chịu ăn, bố mẹ phải tạo ra một bầu không khí yên vui trong bữa ăn. Bố mẹ cần cho con cái ăn uống như là tiếp những vị thượng khách.
Hà Nội, tháng 6-1995