TP - Cách đây 12 năm, Tiền Phong có bài Kỳ nhân đất Hương Khê kể về số phận của chàng thanh niên tật nguyền Lê Hồng Sơn, vượt qua muôn vàn gian khó sống và lập thân. Và bây giờ chàng thanh niên ấy lập thêm kỳ tích mới.
Luyện chân nghề
Lê Hồng Sơn sinh năm 1974, mang dị tật bẩm sinh. Đôi cánh tay dị dạng nhỏ thó như đôi cánh của chim cánh cụt, mềm oặt, vô dụng nép sát vào lồng ngực. Đôi chân nhỏ tý, với hai bàn chân quặt về phía sau. Vai nhô, ngực lép với dày đặc những trận ốm đau thập tử nhất sinh. Nhà Sơn nghèo nhất xã Phú Gia này. Bố của Sơn cũng thường bị bệnh.
Có lúc, trong nhà chẳng còn gì để bán chạy chữa thuốc thang cho cha. Còn chiếc gương soi duy nhất trong nhà đành phải mang bán nốt. Thấy bạn bè đến tuổi đi học, Sơn mê lắm. Cha Sơn cõng Sơn đến trường. Những chuỗi ngày hành xác bắt đôi chân dị tật làm quen với phấn, bút, luyện chữ bắt đầu.
Đằng đẵng mấy năm trời, hai bàn chân tật nguyền của Sơn chai lại thành sừng và những hàng chữ ngay ngắn hiện ra trên giấy. Nhìn cuốn vở tập viết của con, cả gia đình ôm Sơn vào lòng và khóc.
Ngày qua ngày, bạn bè, người thân thay nhau đưa Sơn đến trường. Gia đình Sơn ngày càng khốn khó. Đêm nối đêm, Sơn dằn vặt suy nghĩ phải làm điều gì đó để đỡ đần cho gia đình, giúp gia đình bớt đi gánh nặng. Nhưng làm gì ở quê nghèo Phú Gia này, Sơn vẫn chưa nghĩ ra. Thi thoảng nhìn cha làm mộc, Sơn táy máy bắt chước với đôi chân tật nguyền của mình, cha Sơn nhìn và khuyên: Học được cái chữ đã quá vất vả rồi, theo cái nghề mộc này còn trăm lần vất vả.
Sơn làm quen với cưa, bào, đục... Rồi cái ngày những sản phẩm bàn ghế, tủ giường thông thường cũng ra đời từ đôi chân tật nguyền của Sơn. Cả làng đến xem, có người ngỏ ý muốn mua. Được khích lệ, Sơn miệt mài nâng cao chân nghề của mình lên một bước mới.
Sản phẩm của Sơn ngày càng tinh xảo. Học hết lớp 10 phổ thông, Sơn quyết định nghỉ học, tập trung vào nghề mộc, rong ruổi khắp nơi tìm nhà tài trợ để mở lớp, mở xưởng dạy nghề cho những người khuyết tật...
Đứng lên bằng nghề
Sơn gọi điện thoại di động cho tôi và tha thiết mời, nếu có dịp, hãy ghé lại Phú Gia thăm doanh nghiệp của Sơn mới thành lập. 12 năm rồi, tôi mới có dịp quay lại Phú Gia. Thị trấn Hương Khê hỏi về doanh nghiệp của Sơn, ai cũng biết. Xưởng mộc rộng 500 m2, nằm gần trụ sở UBND xã.
Chiếc xe máy ba bánh tự chế của Sơn để ngay cổng vào. Sơn linh hoạt trên đôi chân tật nguyền được tôi luyện mấy chục năm qua, ra đón tôi, cười rạng rỡ. Một phụ nữ trẻ bế đứa con nhỏ trên tay và bên cạnh là bé trai chừng bảy tuổi cùng theo Sơn ra đón khách. Sơn khoe ngay: Đây là vợ và con em. Em cưới vợ năm 2001.
Sơn kể, một lần xuống Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) giao hàng, gặp người con gái ấy, bén duyên nên vợ nên chồng. Vợ của Sơn là Nguyễn Thị Vân, nhỏ hơn Sơn tám tuổi... Tiếng máy cưa, máy xẻ, máy bào nổ rền. Sơn lấy tên hai đứa con trai kháu khỉnh đặt tên cho doanh nghiệp của mình là Mạnh Dũng.
Có đến năm thành viên đang ngồi trên xe lăn vừa cưa, vừa bào, vừa vào mộng. Bốn thành viên khác khuyết chân, khuyết tay đang chọn gỗ... Như đoán biết tâm trạng của tôi lúc ấy, Sơn giới thiệu: Xưởng mộc của em có 15 người thì năm người liệt hai chân phải đi xe lăn. Sáu người bị chất độc da cam, hai người mồ côi, và hai người nữa là nhà nghèo.
Tháng Hai vừa rồi em khai giảng khóa thứ hai dạy nghề cho người khuyết tật. Người đăng ký học đông lắm, nhưng cơ sở của em không đủ chỗ. Huyện hỗ trợ cho mỗi học viên theo học 15 kg gạo. Còn lại, tự xoay chạy tứ tung, có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít với nhau vậy...
Sơn dẫn chúng tôi vào phòng có biển gắn ngoài Phòng Giám đốc. Một dãy gồm bốn máy vi tính được bày biện khá chuyên nghiệp. Sơn nói, dàn máy này dùng cho hướng nghiệp dạy nghề con em trong xã. Phía trước, Sơn có nhiều dự định như xây dựng cơ ngơi cho đàng hoàng hơn; sẽ đầu tư máy móc.
Đưa mắt nhìn đồng hồ đeo ở cổ chân, tôi biết Sơn đang bận. Tiễn chúng tôi ra đến đường cái, Sơn nói, nếu năm sau có dịp ghé thăm, chắc chắn doanh nghiệp của Sơn sẽ khang trang hơn, đàng hoàng hơn về cả quy mô lẫn tầm vóc.
Ngày đó, đọc bài viết về Sơn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có thư khen: "Bác khen ngợi cháu có ý chí không ngừng vươn lên, vượt qua tật nguyền, theo học phổ thông trung học. Tự học cho bản thân mình, có nghề nghiệp, giỏi nghề và còn có tinh thần thân ái giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần và ý chí của cháu là tấm gương đáng để cho các bạn trẻ Việt Nam noi theo...".
|
Minh Toản
Nguồn Báo Tiền Phong