Nhìn bị cáo Nguyễn Văn Khánh người thấp nhỏ, mặt cúi gằm trước vành móng ngựa trong một sáng rét buốt, khó ai có thể cầm lòng. Khi bị còng tay, giải ra tòa để nhận sự trừng phạt của pháp luật, Khánh mới 19 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để hiểu rằng, những gì được làm và không được làm trước những lằn ranh cám dỗ, trước những quy định nghiêm khắc của pháp luật.
6 tháng tuổi, bố Khánh bị bắt về tội cướp tài sản có vũ khí cùng đồng bọn và lĩnh án 15 năm tù. Sống trong trại được hơn 5 năm thì bố nó chết vì bệnh lao. Còn mẹ nó, một người đàn bà có nhan sắc nhưng còn trẻ, dễ bị cuốn vào những thú vui tầm thường đã không thể một mình nuôi nó khôn lớn nên người mà gửi lại nó cho người anh ruột chồng để chạy theo một cuộc tình mới. Những ngày đầu, thỉnh thoảng mẹ nó tạt qua nhà, khi thì cho nó bộ quần áo mới, lúc thì hộp sữa, gói kẹo... Nó còn quá nhỏ để nhận ra hơi ấm của người mẹ đã nguội lạnh từ lâu. Khi nó hơn một tuổi và đến tận bây giờ, nó không được nhìn mặt mẹ nữa. Người thì bảo mẹ nó theo trai vào trong Nam sống. Người khác thì bảo mẹ nó bị bọn lừa đảo bán qua biên giới. Lại có người quả quyết nhìn thấy mẹ nó đã tự tử bằng cách nhảy xuống sông Hồng khi bị người tình phụ bạc và lừa lấy hết tài sản. Trong sâu thẳm lòng mình, nó vẫn nghĩ mẹ còn sống và một ngày nào đó, mẹ sẽ trở về với nó, bù đắp lại những tháng ngày nó sống thiếu vắng sự chăm sóc của bố và mẹ.
Nhà bác nó có 5 người sinh sống trong một gian nhà cấp 4 ở ngoại thành gồm bà nội, hai bác và hai anh chị. Cộng thêm nó là sáu. Bác nó làm nghề "xe ôm", còn bác gái buôn bán hoa quả. Cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng trong nhà chẳng mấy khi có nụ cười. Mọi người ai cũng phải làm việc. Gia cảnh bắt đầu sa sút khi bác trai nó trong một lần đi làm đêm về bị ôtô va vào, gãy chân, chấn thương sọ não, phải giải phẫu. Kể từ ngày đó, bác trai nghỉ chạy xe, quanh quẩn ở nhà dọn dẹp, làm các việc vặt cho vợ con. Tất cả gánh nặng trút lên vai bác gái. Một mình bác làm phải nuôi cho 6 miệng ăn nên khuôn mặt bác lúc nào cũng rầu rĩ. Trước bác ít nói, giờ đây, những bực dọc trong ngày được bác trút hết khi về nhà. Hễ chồng con làm việc gì vô ý hay hỏng hóc đồ vật, bác có thể mắng mỏ, ca cẩm đến vài giờ đồng hồ. Lúc đầu nghe nó cũng tức lắm, thương bà, thường bác trai và hai chị nhưng nghe nhiều thành quen, thành vô cảm trước những lời nói cay nghiệt đó.
Hai anh chị con bác nó học hết THPT thì nghỉ, anh đi làm công nhân, chị ra chợ giúp mẹ bán hàng. Nó mới học tiểu học, hai bác không bắt làm việc gì nặng nhọc nhưng tuy còn nhỏ, nó đã hiểu rằng nó là gánh nặng cho gia đình bác. Nếu bố nó không chết, nếu mẹ là người đàn bà tử tế, không chạy theo trai và nuôi dạy nó đến nơi đến chốn, chắc nó sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Biết được thân phận mình như vậy, nó rất buồn khi so sánh với những người bạn trong lớp. Học hết lớp 9, nó bỏ. Hai bác cũng chẳng có ý kiến gì về việc đó. Chơi ở nhà mãi cũng chán, nó bắt đầu lân la ra đầu ngõ tụ tập với những đứa trẻ như nó: thích đua đòi, nói chuyện tục tĩu và không chịu lao động. Hai bác yêu cầu nó phải tìm một việc làm nào đó hợp với mình để tự nuôi thân, vì dù sao nó cũng đã lớn. Nó để ngoài tai tất cả. Bác gái lúc đầu còn nhẹ nhàng, sau chửi bới ầm ĩ nhà cửa, cho rằng nó là quân ăn hại, là gánh nặng bất đắc dĩ của nhà bác. Bác trai rất thương nó nhưng chẳng giúp được gì. Đêm hôm đó, nó bỏ nhà ra đi.
Cuộc sống vạ vật nơi đầu đường, bến xe đã biến nó thành một con người khác, lì lợm, giảo hoạt và dối trá. Nó làm tất cả những gì có thể, kể cả phạm pháp để tồn tại. Ở hoàn cảnh nó, nhiều đứa trẻ cũng sẽ hành động như vậy, khi quanh nó không có một điểm tựa, một hơi ấm của những người ruột thịt.
Và nó bị bắt trong một lần cùng hai đứa bạn trộm cắp tài sản của một người khách nước ngoài khi ông này xem hàng trong một cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Tang vật là một chiếc ví, bên trong có rất nhiều giấy tờ tùy thân, tiền bạc cùng một chiếc máy ảnh có giá trị. Khi gây án, nó và mấy đứa bạn không thể nghĩ rằng đã lọt vào ổ phục kích của các chiến sĩ công an nhằm quét vét bọn tội phạm hoạt động lang thang trên địa bàn.
Phiên tòa diễn ra trôi chảy. Bị cáo Khánh thừa nhận mọi hành vi phạm tội như đã khai trước đó tại cơ quan điều tra. Có chối cũng vô ích, bởi nó biết từ khi bị bắt, nhiều bản cung được lập, đối chiếu với lời khai các nhân chứng và bị hại. Tất cả thành một chỉnh thể thống nhất và chống lại mọi sự gian dối của nó. Khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi về nhân thân của mình, nó im lặng rất lâu. Phải hỏi đến lần thứ ba, nó mới kể về cuộc đời bất hạnh từ khi nó chưa đầy một tuổi. Rồi những tháng ngày phiêu dạt, sống đầu đường xó chợ đã biến nó thành một con người khác. Trời lạnh buốt, nhưng không khí trong phòng xử án dường như lạnh hơn, bởi mọi người đều xót thương cho thân phận của nó, bởi những thành viên trong hội đồng xét xử rất muốn chia sẻ với nó đôi điều nào đó. Nhưng chính họ cũng bất lực bởi họ không thể mang lại cho nó một gia đình ấm áp, một bàn tay che chở mỗi khi nó cần vỗ về, an ủi.
Tôi viết những dòng này với tâm trạng nặng trĩu với mong muốn mẹ nó nếu còn sống và trôi dạt ở một phương trời nào nếu đọc được bài viết này thì hãy trở về. Không bao giờ là muộn cả vì với người mẹ, thằng con hư hỏng đó mãi mãi chỉ là một đứa trẻ, luôn cần đến mẹ nó cho dù người đàn bà ấy sa ngã trước cám dỗ và bỏ nó từ khi nó còn rất nhỏ. Biết đâu, khi người đàn bà đó quay về, nó sẽ có một cuộc sống khác tử tế hơn, đàng hoàng hơn? Mong sao điều đó sẽ trở thành sự thật để sẽ không còn những phiên tòa mà tôi được chứng kiến trong một sáng mùa đông buốt giá đó.
(Mạnh Hùng - Báo An ninh Thủ đô, Số cuối tuần, ra ngày Chủ nhật 24-2-2008)