NT Foundation - Nỗi khổ của con em
 
 
Lượt truy cập: 13301038
 
 
Nỗi khổ của con em
 

ĐỪNG CẢ TIN SÁCH VỞ

Tôi thấy cần nhắc nhở các bà mẹ một điều. Nuôi day con hẳn là khó, nhất là trong hoàn cảnh phải đi làm, ở với con rất ít thời gian không hiểu được con. Cần xem nhiều sách vở, hỏi ý kiến chuyên môn, các bác sĩ, các nhà tâm lý, nhưng không mê tín chuyên môn, không xem sách vở là kinh thánh. Có những điều cần làm đúng sách, đúng lời "thầy" như ăn uống cố gắng giúp cho đủ chất, không hiểu lầm thêm đường vào cháo là tăng chất bổ, con ỉa chảy phải cho uống nước có đường có muối, tiêm chủng cũng phải đúng kỳ, bệnh nào nên uống kháng sinh, v.v... Đó là về mặt y học, sinh học thuần tuý. Khoa học phải đây đã đặt những thành tựu đáng kể.

 

Còn về tâm lý  học, về cuộc sống hàng ngày, con khóc có nên cho bú hay không, ngày cho ăn mấy bữa, bế bồng ôm ấp dạy dỗ như thế nào, chỉ tin sách tin thầy một nửa thôi. Đừng bị chữ khoa học làm loé mắt, khoa học ở đây mới phôi thai, chưa chỉ ra được những biện pháp thật chính xác cho từng trường hợp, không khoán trắng cho chuyên môn, bố mẹ phải nắm lấy đảm nhận ít nhất phần nửa.

Phần nửa này là nhạy cảm, trực giác "trời" phú cho mỗi bà mẹ suốt thời thai nghén, rồi trong cả thời con còn bé bỏng, tự nhiên dù muốn hay không, tâm trí người mẹ tập trung vào đứa con, bỏ quên mọi lo âu, trăn trở khác, hai mẹ con hoà mình với nhau thành cặp đôi gắn bó, đồng cảm với nhau. Đừng để những gì trong sách vở, những lời khuyên bảo của các vị thầy làm nhụt mất tính nhạy cảm, trực giác tự nhiên của người mẹ. Hai mẹ con cần bảo vệ lấy nhau cái vỏ ốc bao che mình, lúc này cần "vị kỷ".

Khổ là cuộc sống ngày nay làm cho các bà mẹ khó mà luôn luôn sẵn sàng, nhạy cảm toàn tâm toàn ý với con như ngày xưa. Xưa người đàn bà không có sự nghiệp riêng, sự nghiệp của chồng của con là sự nghiệp của mình. Người mẹ, người vợ ngày nay còn là cán bộ, là công nhân phải ganh đua với đời, trau dồi nghề nghiệp, phấn đấu vươn lên... khổ là sinh con lúc sắp thi phó tiến sĩ, đang mới được đề bạt lên giám đốc, được bầu làm thư ký công đoàn, khổ là có con nhỏ lại phải đi công tác học tập nước ngoài.

Khổ là không ít ông chồng, vợ đang nuôn con mọn, vẫn đòi hỏi hạch sách trăm thứ, về nhà vẫn chúi đầu đọc báo, mê mải xem ti vi, đánh cờ, trao đổi với bạn bè suốt buổi không hề ngó đến nhà cửa, nói gì chuyện gặt giũ, bếp núc, quét nhà, rửa bát. Có bế con nô đùa cũng chỉ vài phút, còn tè ra là trả ngay lại cho vợ. Con đau ốm vợ dẫn đi bác sĩ, họp phụ huynh nhà trường cũng vợ đi, trăm dâu đổ đầu tằm.

Vất vả thay phận đàn bà

Bên là sự nghiệp, bên là chồng con.

Mẹ mệt mỏi, cau có, con chịu hậu quả. Chỉ tiếc là chưa có một đạo luật nào, một văn kiện quốc tế nào buộc mấy ông bố chia sẻ việc cúc dục cù lao với vợ, "đầu tư" cho con nhỏ mỗi ngày, một số giờ nhất định. Hạnh phúc thay những cặp mẹ con bên cạnh có một ông chồng, ông bố cùng sẵn sàng, cùng nhạy cảm, còn thêm oai nghiêm, dũng mãnh, thành một trụ cột cả gia đình.

CÁ BIỆT HOÁ

Cuộc sống kể cả ngày xưa không cho phép mẹ lúc nào, ở hoàn cảnh nào, cũng sẵn sàng toàn tâm, mà cũng không nên như vậy. Đứa con phải tập biết chờ đợi, không phải lúc nào cũng được thoả mãn đòi hỏi của mình, biết chấp nhận thiếu hụt, chịu thua thiệt, biết tự kiềm chế không rỗi hờn, nổi khùng lên... Thực tế là vậy, khác với ý muốn, khác với tưởng tượng, với mơ ước.

Được mẹ "bao cấp" cho, mỗi khi đòi hỏi bất kỳ điều gì, em bé có ảo tưởng là mọi sự vật tuân theo ý muốn của mình, cho đến lúc vấp phải thực tế, vỡ lẽ là thế giới thực tế và thế giới mơ tưởng là hai, đây là một cái "sốc" vừa về mặt tri giác, vừa về mặt cảm xúc. Nhưng đây cũng là một bước tiến lên quyết định, khi bỏ được lối tri giác duy kỷ, chỉ biết mình, không biết đối tượng, khi bỏ được lối cảm xúc ái kỷ chỉ biết yêu lấy mình, vì đối tượng mà mình ham muốn còn hoà nhập với bản thân. Cái "kỷ" tức bản thân chưa tách khỏi cái "tha" là người khác (tha thân) hay đồ vật (tha vật) (1).

Đối tượng đầu tiên là mẹ. Tách khỏi mẹ, hết hoà mình với mẹ để thành một cá thể, một con người riêng biệt, em bé nào cũng phải đi qua bước đường tách biệt, cá biệt hoá ấy. Một bước đường vừa đau khổ vừa sảng khoái, tách khỏi mẹ để thăm dò, tìm hiểu, tác động lên thế giới bên ngoài mình, chung quanh mình, tiến lên tự lập tự chủ.

Ôm bụng đói mà chờ, la khóc vùng vằng cũng vô hiệu, răng mới mọc, cắn vào vú mẹ, mẹ giật vú đi mất, có khi còn đánh cho, cuộc sống hết êm ả xuôi chiều. Hàng ngày, hàng giờ giữa mẹ con, giữa người lớn và em bé xảy ra xung đột, mâu thuẫn.

Càng bất lực, càng non nớt càng được nuông chiều, càng lớn lên khoẻ lên, càng lắm "tài" càng mất bao cấp, nhưng lại có dịp trổ tài, ấm ức vì không còn được người lớn khác giúp cho thoả mãn ham muốn, bị cấm đoán, bị trừng phạt nhưng vui sướng vì cảm nhận sự lớn lên, sự trưởng thành của bản thân. Cái gì  cũng phải trả giá: quí hồ không quá đắt, không đến nỗi lợi bất cập hại. Hạnh phúc cho em bé biết bao khi gặp được bố mẹ biết cân nhắc liều lượng, ép buộc, cấm đoán, trừng phạt tuỳ theo mức độ lớn lên, khôn lên, mức độ trưởng thành của con. Nhạy cảm trực giác được, lúc nào đó, trong tình huống nào đó, con có khả năng hy sinh những gì đã lỗi thời, cái cũ chấp nhận, đón nhận cái mới.

Đã đến lúc không thể ăn sữa mãi! Môi miệng phải làm quen với những cảm giác mới, phải tập nuốt những thức ăn đặc, rời vú mẹ, rời núm cao su của bình sữa, làm quen với cái thìa. Cảm giác mới lại cũng gây khoái cảm, nếu những lúc ấy bà mẹ hay người lớn chung quanh có thái độ, có những cử chỉ động viên, biểu dương, cảm giác mới lạ gắn liền với sự âu yếm của người lớn, mà thực ra bố mẹ cũng cùng con vui sướng cảm thấy con lớn lên, khôn lên một bước. Mâu thuẫn được giải quyết êm xuôi, em bé hăm hở đón nhận cái mới.

Khổ là không phải bố mẹ nào cũng nắm được nghệ thuật giải quyết xung đột mâu thuẫn, không phải lúc nào bố mẹ cũng cân nhắc đúng liều lượng thưởng phạt, vì bản chất của trẻ con là mỗi ngày một biến đổi, liều lượng lúc này thì vừa phải, ít hôm ít tuần sau đã khác rồi. Con người của trẻ em thường xuyên phát triển.

THÀNH THỤC VÀ TẬP LUYỆN

Lúc mới sinh ra bộ não gồm nhiều tỉ tế bào thần kinh (gọi là nơron) đã có sẵn, nhưng những nơron ấy cần được nối kết với nhau nhờ những sợi thần kinh, những sợi này dần dần mới hoạt động được, khi nào được nhiễm chất myêlin. Và các nơron cũng dần dần mới kết tụ thành những cụm trung khu với chức năng chỉ đạo một bộ phận nhất định trong cơ thể. Cho nên não nặng lên dần từ 300 gam khi lọt lòng đến 1.000 gam lúc ba tuổi, và 1.300-1.400 gam ở  người lớn. Đó là quá trình thành thục, chín muồi của hệ thần kinh, nền tảng của sự trưởng thành trong mọi lĩnh vực.

Hệ thần kinh thành thục đến đâu, những khả năng mới xuất hiện đến đấy, không trước không sau - 3 tháng đầu chỉ nằm đưa mắt nhìn qua lại, sáu tháng mới ngửng cổ lên được, 5-6 tháng mới ngồi vững, 6 tháng mới đưa tay ra mới lấy đồ vật, 8-9 tháng mới bò, sau đó đứng dậy, 12 tháng chập chững đi, 15-18 tháng mới đi vững.

7-8 tháng mà tập đi cho trẻ là vô bổ, sau này em bé ấy cũng chẳng biết di sớm hơn các em khác không tập, nhưng đến 11-12 tháng mà không có bố mẹ, ông bà, anh chị động viên, nâng đỡ thì biết đi sẽ chậm hơn, thần kinh thành thục, khả năng xuất hiện, em bé muốn trổ tài mà không có khán giả hoan nghênh, bước tiến cũng chậm đi, mà mất cả một nguồn sảng khoái, mà chính muốn trổ tài mà vấp thất bại lại biến thành đau khổ.

Cái khổ là từ lúc khả năng xuất hiện thúc dục em bé trổ tài đến lúc thành tài là cả một quá trình tập luyện lắm khi gian lao. Em bé đưa được tay với đồ vật liền chụp lấy cái thìa, đòi tự mình xúc lấy bột, đòi cầm lấy cái bát, cái cốc, bột, cháo, cơm, nước vãi đầy nhà, và nhiều khi cốc, bát rơi vỡ. Mẹ thì nôn nóng gần đến giờ đi làm rồi, lại lo cho cái cốc, cái bát đắt tiền, gật lại thìa, bón cho ăn, con phản đối, không chịu ăn, bữa ăn biến thành một chiến trận. Kết thúc với nước mắt của con và những lời oán trách của mẹ.

Chân biết đi, tay biết nắm, biết sờ mó, lôi kéo, con thoát tay mẹ, xông xáo khắp nhà. Thế là suốt ngày bố mẹ cảnh cáo, cấm đoán: không được đụng tới phích nước, nút điện, tủ kính, thôi thế là vỡ cái cốc rồi, mẹ hiền mấy tháng, mấy tuần trước đã biến thành mẹ ác. Chốc lát sau, mẹ con lại ôm nhau cười đùa, vui giận xen kẽ nhau, thoả mãn quyện lấy nhau với ấm ức, tức tối... Dần dần bé biết những gì được phép làm, những gì bị cấm, tự kiềm chế, bố mẹ cũng đánh giá được khả năng của con đến đâu, những gì cần tập luyện và đã đến lúc những gì nhất thiết phải cấm.

CHỚ LÀM CON PHÁT ĐIÊN

Cuộc sống gia đình, dù cho thường xuyên bố mẹ la lên: con nghịch quá! quấy quá! Vẫn dần dần đi vào nề nếp, cuộc sống của bé diễn ra trong một cái khung ổn định, không đến nỗi mỗi lần định làm cái gì lại lo không biết bố mẹ có vừa ý không? Khổ cho con khi bố mẹ nhốt vào cái khung quá chật chội, kìm hãm mọi tiềm năng, đè nén sức sống của con đang hừng hực, mà cũng khổ khi bố mẹ buông thả, mặc kệ, con cũng mất phương hướng, không còn biết đâu là ranh giới không thể vượt qua, cái gì là nguy hiểm.

Khổ nhất là lúc mẹ bảo thế này, bố lại bắt làm khác, ông bà cũng có ý kiến riêng, một chú lính mà 2,3 chỉ huy thật là khó xử... khó xử hơn nữa là cùng một người ra lệnh, nhưng lời nói thì ý nghĩ thế này, mà cách nói, nét mặt, cử chỉ lại hàm ngụ ngược lại. Con xin bố đi chơi, bố mặt hầm hầm bảo: "Ừ, mày muốn đi đâu thì đi, cút cho rảnh" hoặc thêm cho một câu: "Tao rất ghét kiểu la cà đường phố". Cho phép hay cấm? Ông Bateson và trường phái tâm lý học Palo Alto (California) gọi đó là kiểu buộc "hai tròng" tiếng Anh (double bind) và cho rằng những em bé không may gặp bố mẹ thường xuyên ra lệnh hai tròng như vậy, sau này rất dễ bị tâm thần phân liệt (nhớ là thường xuyên chứ không phải một vài lần).

Ông bà, bố mẹ, giáo viên cần nhất trí với nhau, nhất quán với mình, nếu bề trên cứ người thế này, kẻ thế khác, nếu tổ chức kỷ cương trong gia đình, lớp học khi quá nghiêm ngặt, khi buông lỏng, người lớn tuỳ tiện, tuỳ hứng, trẻ không biết đường nào mà đối xử, dễ "phát điên".

Pavlov đã bày ra thí nghiệm như sau: cho một con chó thấy miếng thịt, chó chạy gần đến nơi bị điện giật mạnh phải lùi lại, rồi lại tiến lên, lại bị điện giật. Sau nhiều lần, chó phát điên cắn xé lung tung. Hoặc luyện cho chó nhận ra hình tròn và phân biệt với hình elip đến mức rất khó phân biệt với hình tròn, chó không phân biệt được hai bên nữa, cũng phát điên. Hoặc co mình lại, vãi phân hay nước tiểu. Tâm lý học gọi đó là chứng nhiễu tâm thực nghiệm.

Cũng may là trẻ em trong cuộc sống có nhiều niềm vui, nhưng không hiếm bố mẹ buộc đặt con em vào những tình huống quá phức tạp, vượt sức giải quyết của chúng, hoặc ép buộc theo những lệnh trái ngược nhau, làm con nếu không đến nỗi phát điên cũng sinh ra chứng này tật nọ.

Trẻ em một mặt non nớt bất lực, một mặt lại đầy sinh khí, những bản năng, những xung lực mạnh mẽ thôi thúc, đòi hỏi được thoả mãn, càng bé, thì cảm xúc tình cảm càng mang tính tuyệt đối, các bản năng ham muốn được đáp ứng ngay tức thì, đầy đủ - Chậm một tí, thiếu hụt chút ít là khóc lóc, nổi khùng. Thấy gói kẹo đòi ăn ngay, bảo chia cho anh, chị nhất định không chịu - Nhiều khi cào cấu, đánh đá cả mẹ, hoặc tè ra quần nếu không được thoả mãn.

Cuộc sống xã hội không cho phép kéo dài tình trạng được thoả mãn tuyệt đối mọi đòi hỏi. Phải dần dần chấp nhận kỷ cương. Tình cảm dần dần mang tính tương đối, biết chờ đợi, biết chia sẻ, chấp nhận thiếu hụt. Nhưng cái mất bao giờ cũng đi đôi với cái được. Cai sữa là mất đi khoái cảm môi miệng bám vào vú mẹ, được bế vào lòng mẹ, nhưng lại được vui sướng nếm thức ăn mới lạ, được cầm thìa, được xếp ngồi riêng một góc bàn. Khổ là bố mẹ đòi hỏi quá cao, thúc giục la mắng, cấm đoán, không được cầm thìa, không được chơi với cái thìa, chén bột, bát cơm, bắt ăn cho nhanh, không được rơi vãi. Cai sữa biến thành nỗi khổ, đứa trẻ sinh ra "bảo thủ", sợ cái mới, níu lấy mẹ, nũng nịu. Không hiếm trẻ em, không chịu ăn thịt, hay thức ăn nào khác, có khi bỏ ăn, nôn oẹ, và chỉ vì bị thúc ép quá căng thẳng lúc cai sữa, sau này lớn lên mỗi lần phải thay đổi hoàn cảnh sống, cách ăn uống rất khó. Biết bao bố mẹ hàng ngày phải mắng con: có gì ăn nấy, cả nhà ăn gì, phải ăn như vậy, không đòi hỏi gì cả.

KHỔ SƯỚNG KHI ĐẠI TIỆN

Hết chuyện ăn uống, qua được thử thách cai sữa, rời vú mẹ hay bình sữa, lại đến câu chuyện đại tiện. Ở đây cũng đan dệt với nhau tác động của mấy yếu tố, tạo nên tình huống đặc biệt:

- Sự thành thục của hệ thần kinh.

- Đòi hỏi của xã hội.

- Cách làm và cá tính của bố mẹ.

- Cá tính của em bé.

Sau quá trình tiêu hoá từ dạ dày rồi qua ruột non kết thúc, các thức ăn nước uống thành chất bã lỏng xuống đại tràng. Thông thường đại tràng hút bớt nước đi, lúc phân đến trực tràng, thành phân cục, trực tràng đẩy phân, hậu môn nở ra, một số cơ bắp hoạt động đẩy ra ngoài. Trong những tháng đầu thần kinh chưa thành thục, những cảm giác ở niêm mạc trực tràng chưa nhạy, những vận động các cơ trực tràng, cơ bụng, cơ đáy bụng chưa chủ động được và nhất là sự chỉ đạo cơ khuyên bao quanh hậu môn chưa thuần, và ăn sữa là chính, phân lỏng, cho nên mỗi ngày nhiều lần em bé "ị" ra, cảm thấy ướt át khó chịu, khóc lên, mẹ lại thay tã, mẹ làm việc ấy cũng vui vẻ thôi, con còn bé bỏng mà, chưa chủ động được.

Nhưng không thể mãi như thế. Ở nông thôn nhà tranh nền đất, có "ị" cũng không sao, có khi cho đến dọn ngay. Ở một căn phòng chật hẹp thành phố không thể như vậy. Lớn rồi, lên một hai tuổi rồi, "ị" phải báo cho mẹ, đợi mẹ lấy bô, ngồi vào đàng hoàng, mà em bé cũng cảm thấy có những cảm giác mới từ hậu môn, những khoái cảm khi phân đầy trực tràng, khi nín giữ lại, khi rặn đưa phân ra. Sảng khoái vì được quyền chủ động, muốn giữ lại cho ra là tuỳ mình, khác với ăn là tiếp nhận, là bị động. Cảm giác mới lạ, được quyền chủ động, ngồi vào bô không phải là không thú vị. Tục ngữ có câu: Nhất quận công, nhì ỉa đồng.

Tâm lý học phát hiện là bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể cũng có thể tạo ra những khoái cảm nhiều khi sâu sắc, và tuỳ quá trình phát triển của thần kinh, ở một tuổi nhất định, thì một bộ phận nhất định tạo ra những khoái cảm mạnh mẽ nhất, trong năm đầu là môi miệng, và trong năm thứ hai chính là hậu môn. Lớn lên, cuộc sống đa dạng thêm nhiều, quên mất những khoái cảm đặc sắc của thời tấm bé, đặc biệt khi mà bao nhiêu tri thức, tín ngưỡng, lễ nghi, đạo lý trùm lên mỗi hành động, nhiều hiểu biết, cấm đoán, đẩy lùi, dồn nén những khoái cảm thời bé.

Đối với người lớn, đại tiện là bẩn thỉu, hôi thối phải giải quyết nhanh gọn, sạch sẽ. Phải đưa con em vào kỷ cương chặt chẽ, nghiêm khắc. Không được "ỉa bậy", ở sạch là kỷ luật đầu tiên mang tính hầu như tuyệt đối. Khổ là đối với trẻ em "ị" lại là khoái cảm, là sử dụng quyền chủ động, nín giữ phân lại, cho phân ra, rồi bốc phân, chơi với phân, trát phân lên bô, lại là những điều thú vị. Trẻ em một hai tuổi không xem phân là bẩn, là thối.

Trẻ em không ngờ được, sao bố mẹ lại phản ứng kịch liệt? Mâu thuẫn giữa mẹ và con - chưa nói là phản ứng của bố - gay gắt lên hơn nhiều so với lúc cho ăn uống, và không thể nào khác, em bé phải nhanh chóng chấp nhận kỷ luật. Không phải em bé không có cách đối phó: mẹ dịu dàng, động viên, biểu dương, không hạch sách nôn nóng, con sẵn sàng theo ý mẹ, cho ra mọt cục phân đúng lúc, đúng chỗ, chịu cho mẹ lau chùi tắm rửa sạch sẽ. Cục phân trở thành món "quà" của đứa con ngoan tặng người mẹ hiền.

Mẹ "ác" đòi hỏi gay gắt, đôi khi còn trừng phạt, đứa con hư sẽ nín giữ lại, ngồi bô cả buổi không có tí phân nào, nhưng rồi lúc nào đó, đang mải chơi, lại đùn ra trong quần. Mỗi lần đại tiện trở thành một tấn kịch, phản ứng của hai bên đều mang tính quyết liệt. Theo một số nhà tâm lý, những em bé phải trải qua một giai đoạn "hậu môn" căng thẳng, lớn lên dễ mang tính hung hãn, cục cằn, và nói tục là một kiểu phản ứng mang tính "hậu môn" (những lời chửi tục tằn thường gắn liền với phân).

ĐÁI BẬY, ĐÁI DẦM

Rồi đứa bé tiếp tục lớn lên, qua câu chuyện ăn bú, đại tiện, lại đến cầu chuyện tiểu tiện. Ở đây, cũng có yếu tố thành thục của thần kinh, cũng có khả năng chủ động nín giữ nước tiểu hay cho tè ra, cũng có khoái cảm từ ống tiểu, cũng có yêu cầu xã hội làm cho bố mẹ đến lúc nào đó ép buộc con đi tiểu đúng nơi, đúng lúc. Và cũng có phản ứng của con, chấp nhận kỷ cương dễ dàng hay ngang bướng.

Khác với đại tiện là cơ khuyên ở ống tiểu, khi thắt lại giữ nước tiểu trong bàng quang, dãn ra cho nước tiểu thoát ra, khó điều khiển hơn, khả năng chủ động của bé xuất hiện chậm hơn ở hậu môn, phải đợi sau 3 tuổi, bé mới bắt đầu nín giữ được, đợi lúc nào thuận tiện bé mới tè ra. Nhưng cái khoá này ban đầu không chặt lắm, ngủ quên hay mải chơi thì cũng dễ "dấm đài". Sau 5-6 tuổi mới thật vững chắc. Tuy vậy hễ vấp váp vì cảm xúc lại không chủ động được tiểu tiện được nữa, nếu đôi khi đêm ngủ còn đái dầm cũng là chuyện bình thường. Mà nếu có đái dầm kéo dài, sau 7 tuổi vẫn tiếp tục mới thành vấn đề.

Vấn đề ở đây không mấy khi  là do bệnh tật, thương tổn thực thể ở đường tiết niệu. Chớ nghe một số thầy thuốc không rõ vấn đề bắt con đi khám đủ thứ, chụp phim, thử máu, tội nghiệp em bé, mà lại gây thêm lo âu cho nó và cả bố mẹ. Đái dầm kéo dài chủ yếu là do ngyên nhân tâm lý hoạ chăng trăm em có một bị bệnh và tật thực thể.

Cũng như trong đại tiện, quan hệ bố mẹ, con yên vui hay căng thẳng thì em bé dễ hay khó đi vào kỷ cương, không "đái bậy", ít đái dầm. Mà tâm lý ở đây khá phức tạp, vì phải giải quyết vào thời điểm 3 đến 5-6 tuổi, với một đứa bé tâm tư đã phát triển, sôi động hơn nhiều so với thời dạy dỗ cho ăn uống và đại tiện đúng kỷ cương.

Tính đứa con lúc này ngang bướng hơn nhiều, vì là ở vào tuổi tự khẳng định mạnh mẽ, ý muốn tự lập cao độ, khó chấp nhận sự can thiệp của kẻ khác vào công việc "nội bộ" của bản thân, nhưng lại còn duy kỷ, ái kỷ, suy nghĩ và hành động vẫn bị cảm xúc chi phối mạnh mẽ, nhiều khi bất chấp thực tế, bất chấp kẻ khác. Nói theo học giả Freud, trẻ sống theo nguyên tắc khoái cảm hơn là theo nguyên tắc thực tế. Tự khẳng định mạnh mẽ, muốn tự lập, nhưng chưa đủ năng lực, còn phải dựa vào người lớn, vì vậy dễ gây xung đột mâu thuẫn.

Chân tay không ngừng nhảy múa, sờ mó, đánh đá, tất vấp phải nhiều đồ vật, có khi đứt tay chảy máu dần dần nhận ra thuộc tính của sự vật, mang tính khách quan, không tuân theo ý muốn chủ quan của mình. Nhìn nhận ra thực tế sự vật vật chất còn tương đối dễ, phức tạp, bí hiểm, hơn nhiều là thế giới ngôn ngữ, thế giới xã hội của con người với nhau.

Sau 3 tuổi, ngôn ngữ phát triển nhanh chóng, vốn từ phong phú thêm nhiều, ngữ pháp dần dần nắm vững, nói thành câu, rồi thành chuyện, đến 5 tuổi thì về cuộc sống hàng ngày, em bé sử dụng ngôn ngữ thành thạo. Nhưng ngôn ngữ đâu có thu gọn lại trong cuộc sống hàng ngày của trẻ em. Em bé nghe đủ thứ chuyện, xem hình ảnh, ti vi, tắm mình trong một cái biển mênh mông, lạc vào một khu rừng rậm rạp rộng lớn. Chữ được chữ mất, chuyện hiểu chuyện không, chuyện gì là có thật, chuyện gì là hư cấu tưởng tượng, bịa đặt, cái nọ xọ vào cái kia thật là  cả một mớ bòng bong. Nhìn nhận cho ra đâu là thực tế, cái gì nghĩ đúng, cái gì sai, điều gì tốt xấu, được làm, nên làm, đối xử với người này người khác nên thế nào, đâu có dễ; một em bé nói là thấy một mụ địa ghẻ tàn nhẫn, nghĩ mãi tôi mới hiểu là em đã kết hai chữ địa chủ và dì ghẻ làm một, thành tên một nhân vật đáng sợ.

Hư thực trong đầu óc chưa phân biệt rõ ràng, nhưng hình ảnh phim hoạt hình, những câu chuyện nghe ngóng, chứng kiến được lẫn lộn với nhau tạo nên một thế giới thật có, ảo huyền có. Rồi vui sướng, đau khổ, giận dữ, kinh hãi vì những hình tượng ảo huyền, nhiều chuyện đùa người lớn đưa ra tưởng là thật, đâm hoảng sợ. Sợ vì bố mẹ bỏ rơi, thả lạc vào rừng. Sợ cọp, rắn, chó sói nuốt chửng như em bé quàng khăn đỏ, sợ bị cắt thiến mất chim hay một bộ phận nào khác trong cơ thể, các em thường sống trong những kịch cảnh tưởng tượng ra mà tâm lý học gọi là huyễn tưởng.

Thông thường cuộc sống phong phú, sôi động, cho các em được ăn, được chơi, được người lớn âu yếm chăm sóc, cái vui bù cho cái khổ, rồi những ấm ức được giải toả. Nhưng gặp hoàn cảnh khách  quan không thuận lợi, bố mẹ, thầy cô, ông bà, chú bác, bác sĩ, y tá quá gay gắt, dở tính, dở chứng, thì tình cảnh bế tắc.

KHÔNG THỂ TRÁNH NÉ

Khó hiểu nhất với các em còn ngây thơ, là phản ứng mãnh liệt của người lớn khi các em mân mê, sờ mó con chim hay âm đạo của mình. Sờ vào thấy cảm giác dễ chịu, cũng như trước đó đút tay vào miệng, các em muốn tìm loại khoái cảm ấy, các em đâu có cơ sở hiểu làm vậy là đụng phải một điều cấm kỹ thuật sâu sắc nhất, lâu đời nhất của những xã họi gọi là văn minh.

Bộ phận tiểu tiện cũng là bộ phận sinh dục. Sờ và nói đến, tệ hơn nữa, cố tìm khoái cảm ở đấy, là bậy bạ, là trái đạo đức, là dâm ô, là phạm tội nặng, không phải như mút tay, hay vui sướng khi tắm rửa, da thịt được làn nước vuốt ve, dễ chịu, sảng khoái. Dội nước lên đầu, rồi vui sướng gội tóc, vuốt ve thì được phép, chơi với con chim hay âm đạo là bị nghiêm cấm, bị trừng phạt, là mang tội thủ dâm.

Sinh dục, tình dục, người lớn cũng phải trách nhắc đến, nói gì phơi bày bộ phận ấy ra, công khai lộ liễu tìm khoái cảm. Bị mắng vài lần, các em trước mặt bố mẹ thôi không sờ mó nữa, nhưng sau lưng sao? Ai có ý quan sát hành vi của các em không khó gì mà nhận thấy cấm đoán của người lớn ít tác dụng. Tìm khoái cảm là một nhu cầu tự nhiên, và đến tuổi nào đó bộ phận này hay bộ phận khác tạo ra những khoái cảm đặc biệt.

Không những trẻ em tìm khoái cảm, mà còn tò mò tìm hiểu, tìm lý giải, biết bao nhiêu thắc mắc dồn dập trong đầu óc: tại sao con trai như thế, con gái như thế? Thế thì bố khác mẹ như thế nào? giữa bố và mẹ quan hệ như thế nào? Đừng ngạc nhiên khi thấy một em bé 3-4 tuổi rình lúc bố mẹ thay quần, tắm, xem mẹ có chim không? để tự giải đáp thắc mắc là lúc lớn lên, rồi mình là con gái cũng sẽ có chim thôi. Các bạn nhìn vào hình vẽ sau đây của một em bé 6 tuổi: một người đàn bà có vú, tóc dài, bụng chửa, nhưng lại có chim. Em tưởng tượng mẹ em là như vậy. Các bạn để ý quan sát các em 4-5 tuổi chơi với nhau làm bố mẹ, trò chuyện, ăn ở với nhau, hồn nhiên, có khi rất hiện thực. Có gì lạ đâu, mẫu người để các em bắt chước, để các em nói theo ngôn từ tâm lý học: tự đồng nhất với bố mẹ và diễn lại một cách ngây thơ, cuộc sống giữa hai bố mẹ với nhau là một trong những trò chơi "phân vai" của trẻ em.

Hơn nữa, tôi đã từng nghe một cậu bé 4 tuổi bảo, lớn lên con sẽ lấy mẹ, và dĩ nhiên là bị mắng là nói bậy. Một cậu bé khác, con một cô giáo dạy văn hỏi mẹ: si mê là thế nào? Mẹ: là yêu mê cả người đi. Con: con si mê một người. Mẹ: ai? Con: người ấy tên là T.H. dĩ nhiên T.H. là tên mẹ. Ai yêu mẹ bằng con, ai yêu con bằng mẹ?

Thế thì tình yêu mẹ con, bố con là như thế nào? Nếu cho câu hỏi là vớ vẩn thì miễn nói chuyện tâm lý học, miễn bàn những chuyện rối loạn hành vi ở trẻ em, rối loạn tâm thần ở người lớn, miễn nói đến vui sướng khổ đau của con người. Cho đến cách đây 100 năm, không ai đặt ra câu hỏi ấy một cách thấu đáo. Bố mẹ yêu con, con yêu lại, câu chuyện tự nhiên thôi: nhưng khoa học chính là tìm hiểu "tự nhiên" bình thường nhất, lý giải cho ra, và trong quá trình tìm tòi có khi phát hiện ra những điều bất ngờ, thoạt nghe như là vô lý, vô nghĩa, trái ngược với những hiểu biết trước đó của mọi người.

Việc này đã xảy ra với bác sĩ Freud vào cuối thế kỷ 19. Trong quá trình chăm chữa một số bệnh nhân tâm thần nhận thấy nhiều rối loạn tâm trí ở người lớn bắt nguồn từ những trải nghiệm, những chấn thương thời bé liên quan đến cái mà người ta gọi là tình dục, rồi Freud khẳng định: Tính dục, tính dục thứ khoái cảm xuất phát từ những bộ phận sinh dục, không phải đợi đến tuổi dậy thì, khi có khẳ năng sinh con mới xuất hiện mà các em bé đã có cảm giác nầy rất sớm. Tức thì một chiến dịch rầm rộ dần dần lan khắp Âu châu lên tiếng phản đối: Freud "nói bậy" và có kẻ còn đòi bỏ tù ông ta. Freud kiên nhẫn chịu đựng, tiếp tục nghiên cứu, trình bày công trình và ý kiến qua nhiều sách, tài liệu và yêu cầu các học giả, nếu cơ sở phản bác thì cũng làm theo phương pháp khoa học, xem xét sự việc đó đúng sai như thế nào, chứng nghiệm kỹ lưỡng, chữ không phải la ó lên là trái đạo đức, phi luân lý.

CÓ HAY KHÔNG CÓ?

Vấn đề là ở trẻ em, có những khoái cảm xuất hiện từ các bộ phận sinh dục hay không? nếu có thì chỉ là một hiện tượng tự nhiên chứ không có nghĩa gì bậy bạ cả. Tính dục ấy ở trẻ em xuất hiện vào thời nào, với tình tiết ra sao? Một trăm năm đã trôi qua, hàng nghìn học giả, bác sĩ y khoa, triết gia, các nhà giáo dục phương Tây đã lao vào nghiên cứu vấn đề: môn Phân tâm học ra  đời với hàng nghìn quyển sách, tạp chí. Ở Liên Xô trong 1 thời gian dài người ta gạt bỏ Phân tâm học, cho là một học thuyết phản động, nhưng cũng chỉ trên cơ sở đạo đức lập trường mà phản bác, chứ không phải nghiên cứu cụ thể. Ngày nay, có thể nói tất cả những người nghiên cứu tâm lý trẻ em trên thế giới đều công nhận Freud nói đúng, chỉ khác nhau là có người thuộc phe "giáo điều" xem Phân tâm học là đã giải quyết triệt để mọi vấn đề nhân sinh, và đa số thì cho rằng trong học thuyết Freud có một hạt nhân là đúng, từ đó cần nghiên cứu thêm, để bổ sung một số điểm, gạt bỏ một số điểm. Freud cũng đã nói, người làm khoa học sẵn sàng đổi ý kiến khi được thuyết phục là sai, và ông cũng đã nhiều lần bổ sung hay thay đổi ý kiến này, ý kiến khác.

Hạt nhân mà hầu hết học giả các nước công nhận là từ các bộ phận cơ thể, ngay từ lúc lọt lòng, đã xuất phát những khoái cảm, đó là khoái cảm của xác thịt, ta gọi là "nhục dục", mà Freud gọi với tên la tinh là Libido. Trong các bộ phận cơ thể, thì khoái cảm từ bộ phận sinh dục là sâu sắc nhất đó là tính dục, lấn át mọi khoái cảm khác, nhờ vậy mà bảo đảm sự bảo tồn của nòi giống, còn những khoái cảm khác như khi ăn uống, tắm rửa, chỉ bảo tồn sinh sống của cá nhân.

Như trên đã nói, phát hiện của Freud là khoái cảm xuất hiện cao độ ở bộ phận nào là tuỳ theo lứa tuổi. Trong hai năm đầu, khoái cảm ở môi miệng là chủ yếu, đến năm thứ 2-3 lại ở hậu môn, khi đại tiện. Rồi từ năm thứ 3 lại ở bộ phận tiểu tiện, cũng là bộ phận sinh dục, cho nên khoái cảm mang sắc thái tính dục. Và điều Freud nói ra làm gây sự phản đối kịch liệt là tình cảm thương yêu giữa bố mẹ và con cái có mang yếu tố tính dục. Khi bố và nhất là mẹ bế bồng, ôm ấp, nô đùa với con, sự âu yếm, ở cả hai bên đều có sắc thái tính dục. Và dĩ nhiên do giới tính khác nhau, tình cảm của đứa con trai hay con gái với bố hay mẹ là khác nhau. Đứa con trai yêu mẹ có phần như một người đàn ông yêu một người đàn bà và con gái yêu bố cũng có phần như yêu một bạn trai, mà đã yêu thì có ghét và ghen.

Khổ là đây là tự nhiên, là bản năng, trẻ thơ đâu nhận thức ra, bị tình cảm thôi thúc, yêu mẹ, ghen bố, yêu bố, ghen mẹ. Tình cảm ở tuổi này là vậy, mang tính tuyệt đối, ham muốn gì đòi tất cả cho mình, không chịu chia sẻ với ai. Ghen với bố, với mẹ, với anh chị, em út, là việc thường ngày. Khổ là muốn chiếm lấy mẹ hay bố một mình, muốn ôm ấp, vuốt ve mẹ hay bố, một cách nào đó, khi đã qua tuổi bú, tuổi bế bồng rồi, lại bị xã hội cấm đoán nghiêm khắc, là vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của bố mẹ và người lớn nói chung.

Trích cuốn "Nỗi khổ của con em" - Tác giả Nguyễn Khắc Viện

            Chú thích:                                                                    

(1) Kỷ: tiếng Pháp là Soi, tiếng Anh là Self

     Tha là l'Autre và The Other

     Duy kỷ : egocentrism

      Ái kỷ   : narcissism

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...