NT Foundation - Tìm hiểu lâm sàng và các yếu tố tâm lý trong chứng máy giật cơ (Tic) ở trẻ em
 
 
Lượt truy cập: 12510467
 
 
Tìm hiểu lâm sàng và các yếu tố tâm lý trong chứng máy giật cơ (Tic) ở trẻ em
 

Chứng máy giật cơ thường hay gặp ở trẻ em. Tỉ lệ mắc bệnh khá cao trong tất cả các chứng của nhiễu tâm. Tic là sự co giật cơ không có mục đích không phụ thuộc vào ý muốn. Nó có xu hướng lan rộng từ một nhóm cơ đến nhiều nhóm cơ khác.

 

Nhiều tác giả cho rằng tic như là một thói quen bệnh lý. S.N.Davidencop coi tic là biểu hiện của hội chứng ám ảnh và trong tic đơn thuần thường có xu hướng lan toả sau một bệnh nhiễm khuẩn. Khoảng 10% của những người bị tic có tổn thương thực thể ở não gọi là hội chứng Gille de la Tourette. Charcot cho rằng, khả năng di truyền của những người bị tic rất lớn. Levy nhấn mạnh tic là do sự cấm đoán, áp đặt trong giáo dục và là sự dồn nén của những xung năng mà người bệnh cho là nguy hiểm và xấu hổ.

Theo Ferenczi, tic là do những chấn thương tâm lý. Ở những người bị tic có tính ái kỷ cao.

Theo Makier và Fenichec, lúc bắt đầu bị tic, những máy giật cơ là cố ý và có mục đích, sau đó nó cố định và trở nên không có mục đích.

Ở Việt Nam, có một số công trình nghiên cứu bệnh loạn thần kinh ở trẻ em, thấy rằng tỉ lệ mắc tic chiếm 14%, nhưng chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu bệnh tic ở trẻ em.

Với một số tài liệu trong và ngoài nước, chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu chứng máy giật cơ ở trẻ em Việt Nam. Mục đích đề tài này nhằm tìm hiểu các dạng biểu hiện, các yếu tố tâm lý và đánh giá kết quả điều trị chứng tic ở trẻ em.

Số trẻ được chẩn đoán là tic tâm căn (loại trừ hội chứng tic thực thể Gille de la Tourette) vào điều trị tại khoa Tâm thần và Thần kinh, Viện Bảo vệ Sức khoẻ Trẻ em Oloff Palme (Tổ V của NT), từ 5/1990 đến 9/1992 là 30 trẻ. Trong bản báo cáo này, bước đầu nhận xét 15 trường hợp.

1. Kết quả:

* Tuổi và giới:

            Tuổi

Giới

4-6 tuổi

8-10 tuổi

11-13 tuổi

Nam

1

4

3

Nữ

2

2

3

* Địa phương:

       - Thành phố: 9 trẻ

       - Nông thôn: 6 trẻ

* Văn hoá, nghề nghiệp bố mẹ:

•-         Bố mẹ là cán bộ cơ quan nhà nước: 12 trường hợp

•-         Bố mẹ làm ruộng, buôn bán: 2 trường hợp

•-         Bố cán bộ, mẹ làm ruộng: 1 trường hợp

Hầu hết trình độ văn hoá chỉ đạt hết cấp 3 (10/15) và cấp 1 (5/15)

* Con thứ trong gia đình:

•-         Con thứ 1: 8/15 trường hợp

•-         Con út: 5/15 trường hợp

Hầu hết gia đình các trẻ không đông anh chị em. Trong số 15 trẻ, có 2 trường hợp có 6 anh chị em, còn lại gia đình có 2-3 con. Số trẻ là con thứ, phần lớn là con trai (6/8).

Chúng tôi tìm hiểu quá trình mang thai của mẹ bình thường và thai đủ tháng. Những tai biến đặc biệt trong khi sinh không xảy ra, trừ một trường hợp bị mổ đẻ.

Quá trình phát triển của các trẻ đều qua các bậc thang của tâm sinh lý và vận động bình thường. Trong quá trình lớn lên không có bệnh tật đặc biệt (chỉ 1 trường hợp sốt cao, hốt hoảng và giật, và 1 trường hợp bị suy dinh dưỡng trong năm đầu)

* Thể hiện các dạng bệnh:

             Dạng

   Giới

Giật cơ

Âm thanh

Hỗn hợp

Nam

4

4

1

Nữ

0

5

1

Tic âm thanh chiếm tỉ lệ cao (9/15) thể hiện như ho, khạc, khịt mũi và xen kẽ thở dốc. Nhóm giật cơ chủ yếu các nhóm cơ mặt, cổ: như nháy mắt, bạnh mồm, lắc đầu. 2 trường hợp tic hỗn hợp biểu hiện khạc, ho, và giật nhiều nhóm cơ (nháy mắt, lắc đầu và cơ các chi).

Thời gian kéo dài của bệnh trước khi đến điều trị dưới một năm (14/15 trường hợp). Như vậy hầu như đều ở nhóm tic nhất thời, 1 trường hợp tic mạn tính kéo dài 6 năm.

* Các yếu tố gây bệnh tức thời:

•-         Viêm họng, phế quản: 8

•-         Hóc xương cá: 1

•-         Bị ám thị hay truyền bệnh: 2

•-         Sau khi bị đánh: 3

•-         Không rõ: 1

8/15 trẻ có viêm họng cấp trước khi bị tic, và số trẻ này đã được điều trị khỏi nhiễm trùng thì xuất hiện tic khạc nhổ, khịt mũi, ho. Một số thì xuất hiện tic song song với bệnh viêm họng, mặc dù đã được chữa khỏi viêm họng, tic vẫn tồn tại. Số trẻ này đều được chữa viêm họng ở nhiều cơ sở, thậm chí có thể bị chẩn đoán lao và được điều trị lao, triệu chứng ho không khỏi nên các cháu lại đến với chúng tôi.

2 trường hợp bị tic lắc đầu, nháy mắt do tập nhiễm tic của những người trong gia đình.

1 trường hợp sau khi bị hóc xương cá và được gắp xương thì xuất hiện tic khịt mũi.

Quan sát và nghiên cứu trên từng cháu, chúng tôi nhận thấy các trẻ đều có biểu hiện sự lo hãi mơ hồ và trầm cảm nhẹ.

* Về hoàn cảnh gia đình: bố mẹ sống hoà thuận (13/15). 1 trường hợp bố mẹ li dị và mẹ lấy chồng khác, nhưng mẹ lại công tác xa nên trẻ sống hầu như phải xa mẹ từ nhỏ (cháu H 5 tuổi có tic khịt mũi sau hóc xương cá). 1 trường hợp bố mẹ lục đục hay đánh con, bố nghiện rượu (cháu C 1 tuổi bị tic khịt mũi sau viêm họng và phế quản). Chế độ giáo dục của bố mẹ đối với con thường là áp đặt, đánh mắng, cấm đoán. Quan hệ tình cảm giữa trẻ với bố mẹ đều có vấn đề. Trẻ không yêu bố, mẹ và các trẻ đều có mong muốn tình cảm ấm áp, thân thiện, công bằng của bố mẹ đối với mình.

* Các trắc nghiệm tâm lý:

Đánh giá trí lực: (Qua các test Gille, Raven, Wisc, Rorschach)

•-         Nhóm trung bình: 8/15

•-         Nhóm khá: 4/15

•-         Nhóm kém: 1/15

2 trường hợp không làm test trí lực được (do điều trị hết tic nhanh, gia đình yêu cầu ra viện) nhưng trẻ theo học đúng tuổi và kết quả học thuộc loại trung bình.

* Đánh giá nhân cách và tình cảm:

Tất cả thuộc nhóm nhiễu tâm và đều có biểu hiện lo âu sợ hãi, hay nghi hoặc, nghi ngờ và hoạt động tâm lý bị ức chế. Quá trình phát triển tâm lý có thoái lùi ở giai đoạn môi miệng và hậu môn.

Trạng thái tình cảm trong gia đình đều có mâu thuẫn với bố mẹ hoặc với anh chị em trong nhà. Các trẻ mong muốn được bố mẹ quan tâm mình nhiều hơn nữa, muốn mình là trung tâm của sự chú ý của gia đình.

* Phương pháp và kết quả điều trị:

Phương pháp:

•-         Nội trú: 3/15

•-         Ngoại trú: 12/15 (2 tuần đầu đến hàng ngày, sau đó 3-4 buổi/tuần)

•-         An thần (Haloperidol 1,5mg/ngày hoặc Seduxen 5mg/ngày): 5/15.

•-         Châm cứu.

•-         Chơi.

•-         Vẽ.

•-         Nhóm.

•-         Thay đổi thói quen.

•-         Thư giãn: Thở sâu, chậm, lúc đầu có hướng dẫn sau đó trẻ tự điều khiển. Hầu như tất cả các trẻ bị tic đều có cảm giác thoải mái, dễ chịu khi xảy ra động tác máy giật cơ. Đó là động tác chống đỡ sự khó chịu, hoặc lo âu trước đó.

Trên cơ sở lý thuyết tập nhiễm và giải ức chế, chúng tôi đã áp dụng các liệu pháp trên. Mỗi khi xuất hiện cảm giác khó chịu, buồn bực thì trẻ phải chuyển sang một hoạt động khác. Phương pháp thở sâu và thay đổi thói quen đã giúp cho trẻ tự điều trị tại nhà. Trẻ thấy có kết quả, đó là một kích thích tâm lý giúp cho trẻ thấy được vai trò của bản thân trong chữa bệnh. Và nó đồng thời giúp cho trẻ tự kiềm chế các xung năng lo sợ...

•-         Liệu pháp gia đình: Ở mỗi trẻ, tuỳ theo tính chất xuất hiện của bệnh để chọn phương pháp thích hợp. Tất cả các trẻ đều được điều trị với các liệu pháp tâm lý. Có 5 trường hợp bị tic kéo dài, hỗn hợp, số trẻ này đã qua nhiều cơ sở y tế và nhận nhiều loại chẩn đoán, thuốc điều trị, đồng thời ở trẻ thể hiện sự lo âu rõ. Bố mẹ trẻ cũng quá lo lắng. 5 trẻ trên, bước đầu chúng tôi áp dụng các phương pháp tâm lý nhưng không có kết quả. Chúng tôi thấy cần giải quyết gấp nỗi lo âu của trẻ và gia đình nên đã dùng Haloperidol hoặc Seduxen. Song song với dùng thuốc, điều trị tâm lý thấy có kết quả hơn. Trong trường hợp dùng thuốc này, chính nó cũng là một liệu pháp tâm lý để trẻ và bố mẹ tin tưởng hơn, đồng thời cắt trạng thái lo âu của trẻ.

Thời gian dùng thuốc chỉ kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần và tiếp tục điều trị tâm lý. Lúc này chính bố mẹ và trẻ đóng vai trò như một thầy thuốc để tự chữa bệnh. 10/15 trẻ chỉ áp dụng liệu pháp tâm lý đã nêu trên.

Thời gian cắt tic trung bình 2-3 tuần. Sau khi hết tic tiếp tục hướng dẫn bố mẹ giúp đỡ trẻ phát triển nhân cách tốt hơn, kết quả trẻ khỏi nhanh, và không tái lại 13/15. 2 trường hợp tái lại nhưng cũng được điều trị lần thứ 2 khỏi hoàn toàn.

2. Xin giới thiệu vài trường hợp trong số trẻ chúng tôi theo dõi.

Trường hợp 1: Cháu gái T, sinh năm 1980. Tiền sử thai nghén của mẹ và phát triển của trẻ bình thường.

Bố mẹ đều là cán bộ nhà nước. Gia đình có 2 chị em gái, trẻ là cả. Em gái được bố mẹ chiều. 2 chị em thường xung khắc. Em gái hay tìm sơ hở của chị để báo với bố mẹ. Gia đình ở trong một căn hộ chật chội 12m2/4 người. Bố mẹ lo làm ăn và thường đánh mắng con. Trong gia đình mẹ làm chủ, nhất là kinh tế. Mẹ luôn đòi hỏi trẻ phải cố gắng cao hơn khả năng của mình.

Từ nhỏ, trẻ đã thể hiện một cô gái bướng, thường "chống" lại lệnh của bố mẹ. Xuất hiện đái dầm ở tuổi đến trường, và nói lắp, đánh trống ngực khi giáo viên hỏi. Gần đây, sau một đợt viêm họng, xuất hiện tật hất đầu ra phía sau và khịt mũi. Trẻ đã được điều trị tại khoa Tai mũi họng, không khỏi.

Trẻ vào khoa trong trạng thái trầm cảm nhẹ, nhưng khi tiếp xúc thì cởi mở. Trẻ thích làm dáng. Luôn thích các cô nói nhẹ nhàng ngọt ngào. Mong muốn có tình cảm ấm áp từ mẹ.

Các trắc nghiệm tâm lý:

- Trí lực trung bình khá.

- Vẽ cây: cây quá cao to, không có phần dưới của thân và rễ, tán cây bị che kín.

- Vẽ gia đình: Vẽ toàn bộ gia đình, hình ảnh bà mẹ to, diện và quyền lực, bố và em bé đứng xa. Trẻ được vẽ trang trí như công chúa đứng cạnh mẹ. Giữa mẹ và trẻ có một đống lửa đang cháy, và trên cao có mặt trời mọc để sưởi ấm cho cả gia đình. Trong tranh vẽ, hình ảnh mẹ và trẻ nổi lên và được trang điểm như công chúa và hoàng hậu.

- 10 câu chuyện của DUSS thể hiện phụ thuộc, có tính ái kỷ, hay ghen tỵ, mẹ mong con học giỏi.

Trong quá trình tiếp xúc và kết quả tâm lý ở trẻ luôn thể hiện một đứa bé mong muốn có tình cảm từ bố mẹ, đặc biệt là mẹ. Trẻ đòi hỏi bố mẹ chú ý đến bản thân mình và mình như một công chúa trong gia đình.

Tic xuất hiện sau một đợt viêm họng là biểu hiện mong muốn được chú ý đến bản thân và giải phóng sự dồn nén của tình cảm.

Chúng tôi đã điều trị cho cháu như sau: hàng ngày đến khoa ngồi vẽ tranh tuỳ thích, chơi với các đồ vật theo ý thích. Bác sĩ và y tá phòng chơi cùng với bệnh nhân, trò chuyện, đôi lúc cho trẻ hướng dẫn các bệnh nhân khác cùng chơi.

Với gia đình: Trao đổi với mẹ nguyên nhân gây bệnh. Bà tán thành phương pháp điều trị của chúng tôi và hứa sẽ tham gia giúp đỡ cháu. Bà nhẹ nhàng, chăm sóc con hơn. Riêng với cháu, chúng tôi phân tích vai trò làm chị trong gia đình, không thể luôn đòi hỏi bố mẹ phải chú ý mình hơn.

Sau 2 tuần điều trị, trẻ hết các triệu chứng. Sau này trẻ đến khoa 1 tuần từ 1 - 2 buổi, trẻ tỏ ra gắn bó với bác sĩ và y tá đã tham gia điều trị cho cháu.

Trường hợp 2: Cháu C, sinh năm 1977. Bố mẹ là cán bộ nhà nước. Trẻ là con thứ 2/3 (trong đó anh cả chết lúc trẻ 4 tuổi, và có một em trai út). Mẹ có thai và sinh trẻ bình thường. Phát triển từ nhỏ tốt. Lúc 2 tuổi bị sởi sốt cao, hốt hoảng và giật nhẹ được đưa đi bệnh viện cấp cứu khỏi. Thường bị viêm họng, amidan.

Tháng 1/1982, hai anh em đi chơi bị chó cắn. Mặc dù cả 2 được tiêm phòng nhưng 9 ngày sau anh trẻ lên cơn dại và chết. Anh trai chết, tuy còn nhỏ nhưng trẻ luôn hỏi mẹ "anh đâu, đi tìm anh về". Sau khi con cả chết, bố mẹ tập trung chăm trẻ và luôn ở tâm trạng lo sợ con bị chó cắn. Trẻ thường xuyên bị bố mẹ cấm đi ra khỏi nhà. Một năm sau (1983) mẹ sinh em trai. Trẻ tỏ ra thương em, nhưng đôi lúc lại ghen tỵ với em vì bố mẹ chăm em. Trẻ thích bố mẹ chiều mình như trước kia. Năm 1984 tự nhiên xuất hiện nháy mắt, bắt đầu lơ là học tập. Bố bực mình vì trẻ học kém nên càng cấm trẻ đi chơi. Tật nháy mắt tăng lên. Gia đình cho trẻ đi khám thì được chẩn đoán là "tật" nên không điều trị gì đặc biệt, nhưng bố mẹ vẫn lo lắng không yên tâm với trẻ. Tháng 1/1990 trẻ đi chơi về, trời nắng. Bố quát mắng, trẻ cãi lại nên bị tát. Sau một ngày xuất hiện lắc đầu, nháy mắt tăng. Gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế ở địa phương, điều trị không khỏi, trẻ được vào điều trị nội trú tại khoa chúng tôi, tỏ ra lo lắng, không cụ thể là lo gì. Nháy mắt, lắc đầu, thỉnh thoảng khịt mũi. Bố mẹ trẻ cũng lo về bệnh của con.

Ở khoa, trẻ lại tỏ ra cởi mở, thích chuyện trò với các cô. Thích chơi với các bệnh nhân khác.

Các test tâm lý:

- Trí lực IQ: 83% (Wisc).

- Vẽ cây: Thân cây cụt. Tán lá mọc đối xứng. Hình vẽ đơn giản, vẽ phía trên của giấy.

- Vẽ gia đình: không vẽ bố mẹ, chỉ vẽ bản thân và anh em (mặc dù anh đã chết)

- CAT và 10 câu chuyện của DUSS: có biểu hiện mâu thuẫn với bố mẹ, đặc biệt với bố. Có ý nghĩ sợ bị bắt. Chủ đề chính là cuộc sống của động vật với rất ít nhu cầu. Thế giới xung quanh ít được nhắc tới. Hẫng hụt về tình cảm. Thích được nhốt trong chuồng.

- Rorschach: Có biểu hiện phát triển tâm lý bị thoái lùi ở giai đoạn môi miệng và hậu môn.

Bệnh nhân này được điều trị, vì quá lo âu nên phải cho Halopéridol 1,5mg/ngày.

+ Châm một số huyệt an thần.

+ Chơi nhóm.

+ Thở sâu.

+ Thay đổi thói quen.

Chúng tôi gặp bố, mẹ để thông báo tình trạng bệnh của trẻ và yêu cầu ông, bà cùng tham gia trong quá trình chữa bệnh cho trẻ.

Ở C thấy rõ có sự thoái lùi về quá trình phát triển tâm lý. Anh C chết là một chấn thương lớn về tình cảm đối với gia đình. Với C, sau khi anh chết rồi mẹ sinh em trai và C luôn ở tình trạng bị cấm đoán của bố mẹ. Tic là biểu hiện một đòi hỏi tình cảm của bố, mẹ đối với mình. Nó cũng là một phương tiện giải phóng sự dồn nén về tình cảm. Vì ở C mỗi khi xảy ra tic là một lần C được bố mẹ lưu ý, và nó cũng gây một cảm giác dễ chịu và yên tâm.

Chúng tôi đã cắt tic sau 1 tháng với các phương pháp trên. Trẻ ra viện được theo dõi hàng tháng. 5 tháng sau trẻ vào viện do bệnh trở lại cũng sau khi đi chơi về bị bố mắng và đánh. Lần thứ 2 cháu được điều trị trong 10 ngày.

3. Kết luận và bàn luận:

Bước đầu nghiên cứu 15 trường hợp bị tic, thấy tỉ lệ mắc bệnh chủ yếu ở lứa tuổi từ 8-13. Giữa nam và nữ không có sự chênh lệch.

Trẻ ở thành phố cao hơn ở nông thôn (9/15), phần đông ở gia đình cán bộ ít con.

Vị trí con cả chiếm 8/15, trong đó con trai nhiều hơn (6/15). Đây là một điều cần lưu ý. Con cả lại là con trai, số trẻ này cho rằng mình có một vị trí trung tâm trong gia đình nên đã đòi hỏi tình cảm quá cao của bố mẹ đối với mình. Tic là biểu hiện của tính ái kỷ. Mặt khác do trẻ có vị trí trên nên bố mẹ quá hy vọng vào con, làm cho trẻ trở nên ích kỷ.

Các dạng của tic là âm thanh (9/15). Số đông trẻ này đều có 1 nhiễm trùng hoặc dị vật đường hô hấp trên như viêm họng, viêm phế quản, hóc xương cá (9/15). Có thể lúc đầu là một phản xạ để giải thoát kích thích đường thở như đờm, dị vật do nó gây cảm giác khó chịu ở họng. Sau khi trẻ ho, khạc... nó gây cảm giác dễ chịu cho sự thở. Nhưng sau này tic vẫn tồn tại và kéo dài thì nó trở thành thói quen gây cảm giác dễ chịu. Ở số trẻ này lại có hẫng hụt về tình cảm, có sự dồn nén do sự áp đặt của bố mẹ. Tic là thể hiện sự giải phóng các dồn nén đó, hoặc là 1 dấu hiệu thông báo đòi hỏi sự chăm chút tình cảm của bố mẹ.

15 trường hợp chúng tôi chưa thấy rõ những chấn thương thời kỳ thai nghén của mẹ hoặc bệnh tật đặc biệt của trẻ. Sự phát triển tâm sinh lý và vận động của trẻ đều qua các thang bình thường.

Test trí lực cho thấy hầu hết các trẻ đều đạt mức khá và trung bình (14/15). Trẻ bị tic không làm giảm sút trí lực và đồng thời loại trừ tic thực thể (Gille de la Tourette). Các test nhân cách và bộc lộ tình cảm đều thể hiện rõ ở trẻ này có sự rối loạn của quá trình phát triển tâm lý và luôn ở tâm trạng lo âu, sợ hãi và thường xuyên có nhu cầu bù đắp tình cảm.

Kết quả điều trị tốt, khỏi hoàn toàn, nếu kết hợp với liệu pháp gia đình. Phương pháp điều trị tốt nhất là tâm lý. Liệu pháp vẽ được ứng dụng vừa là để đánh giá những mâu thuẫn tâm lý của trẻ, nhưng cũng là một phương pháp giải thoát sự dồn nén tình cảm. Dùng an thần kết hợp chỉ khi rất cần thiết để chống sự lo âu, lo hãi của bệnh nhân.

(Tác giả: BS. Hoàng Cẩm Tú, Nguyễn Hữu Cầu và cộng sự)

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo và hết)
  • Trẻ em cũng bị trầm cảm
  • các rối nhiễu tâm lý
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • TRẦM NHƯỢC Ở TRẺ EM
  • RỐI NHIỄU TÂM LÝ SAU 2 NĂM VẮNG MẸ
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...