I. Xác định vai trò nhà tâm lý trong tham vấn mang tính trị liệu.
C.Rogers, nhà tâm lý trị liệu người Mỹ theo khuynh hướng nhân bản ở nửa đầu thế kỷ 20, là người đầu tiên nêu quan điểm là trong tâm lý trị liệu không được gọi người đến chữa trị bằng phương pháp tâm lý là "người bệnh" mà gọi họ là thân chủ. Chính họ là nhân vật trung tâm trong trị liệu. Nhà tâm lý chỉ tạo điều kiện thuận lợi để thân chủ bộc lộ ra ngoài các yếu tố gây rối nhiễu, đau khổ trong nội tâm, tự trách móc, hối hận, mặc cảm tội lỗi, tự ty v.v... Những tình cảm tiêu cực nói trên gây cho thân chủ bối rối, lo âu, phiền muộn, hoảng sợ khiến họ lẩn tránh thực tế, không dám nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề. Trong tâm trạng chao đảo, hoảng loạn họ dễ chán nản, muốn trút bớt gánh nặng quá tải vào người khác. Sẽ là sai lầm nếu nhà tâm lý lại đón nhận gánh nặng đó, an ủi, khuyên nhủ, dỗ dành, thuyết phục họ, tìm giải pháp hộ họ.
Theo C.Rogers, khi thân chủ phơi bày được ra ngoài những tình cảm tiêu cực ở trong nội tâm của họ một cách tự nhiên, không bị người khác định hướng, thúc ép hoặc gây ảnh hưởng thì khi đó họ không cảm thấy bị tù túng nữa, họ có thể bình tâm đón nhận những cảm nghĩ, những suy tư, những trải nghiệm của mình và lấy lại được cảm giác an toàn. Trong trạng thái an toàn, thân chủ lấy lại được tự tin để nhìn thẳng vào thực tế, xem xét, kết nối những cảm xúc trước kia lộn xộn, mơ hồ, và tự họ sẽ cân nhắc lựa chọn các giải pháp. Vì chính họ là người hiểu rõ hơn ai hết những vấn đề của họ để tìm ra giải pháp thích hợp với họ. Không ai có thể làm thay họ. Do đó cách trò chuyện ở đây không được định hướng, xác định rõ ràng vai trò của mình, nhà tâm lý sẽ không lẫn lộn cách trò chuyện trong trị liệu với các dạng sau đây:
II. Phân biệt tham vấn trị liệu với các dạng khác.
1. Không giống phỏng vấn báo chí nhằm thu thập thông tin sau đó công bố cho quảng đại quần chúng biết. ở đây nội dung câu chuyện chỉ có hai người biết và những điều đã biết chỉ nhằm vào trị liệu. Nhà tâm lý cần giữ những bí mật riêng tư, không tiết lộ ra ngoài.
2. Không hỏi chuyện như kiểu lục vấn của cảnh sát nhằm điều tra một vấn đề. Kiểu đưa câu hỏi liên tiếp thường làm thân chủ mệt mỏi, cảm thấy mình là "nạn nhân", họ sẽ ngán và trả lời qua loa có tính đối phó để chóng kết thúc.
3. Không giống kiểu tu sĩ lắng nghe con chiên thú tội, nếu ta an ủi, thân chủ sẽ có xu hướng muốn trút bỏ gánh nặng một cách thụ động, không gây được tự tin cho họ để tự vươn lên.
4. Không biến mình thành người thuyết giảng, đưa ra quan điểm này khác để thân chủ nghe mình giải thích. Không đưa ra tranh luận, tìm hiểu đúng sai. Nên nhớ là thân chủ hiểu vấn đề của họ hơn mình. Mình cần lắng nghe thân chủ nói để họ yên tâm bộc lộ những nỗi niềm của họ.
5. Không giống bác sĩ thăm khám bệnh nhân nhằm chẩn đoán ra bệnh. Nếu đi theo hướng này, thân chủ mất vai trò trung tâm của họ, ta biến họ thành người thụ động, dựa dẫm, và nhà tâm lý không còn ở tư thế lắng nghe chăm chú tâm sự của thân chủ.
III. Thái độ của nhà tâm lý trong tham vấn trị liệu.
Thái độ của nhà tâm lý hết sức quan trọng và là điều tiên quyết để thân chủ bộc lộ tâm sự một cách tự nhiên thoải mái, chân thật hoặc ngược lại e ngại, đối phó, hoài nghi, chống chế.
1. Thái độ chấp nhận:
Lắng nghe chăm chú thân chủ mà bình thản. Không gây sức ép hay gây ảnh hưởng. Không áp đặt quan điểm, không phê phán, không thuyết phục, không khuyên nhủ... Để họ tự do, thoải mái. Nhà tâm lý chỉ khơi cho dòng tâm sự của thân chủ được bộc lộ ra ngoài như nước nguồn trong khe núi chảy ra.
2. Thái đô tôn trọng:
Dù thân chủ có những hành vi lỗi lầm, ta cần tôn trọng con người họ, không có ý nghĩ phê phán, ghét bỏ, coi thường... Trong tâm trạng bối rối, đau khổ, thân chủ dễ có mặc cảm tự ty, họ rất nhạy cảm để nhận ra ngay khi người khác có thái độ không tôn trọng họ. Khi đó họ sẽ không tin cậy và không thoải mái bộc lộ tâm tư, nhất là những điều dở, điều ác v.v...
3. Thái độ trung lập:
Một mặt nhà tâm lý cần tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở để thân chủ thoải mái, tin cậy, song không được tỏ ra vồn vã, nhiệt tình quá khiến thân chủ muốn trút gánh nặng của họ sang ta, hoặc lôi kéo ta vào cuộc, có ý kiến này nọ về họ. Ngược lại nhà tâm lý không được có định kiến, thờ ơ lạnh lùng, ác cảm.
Có thái độ trung lập là ta chấp nhận những cảm xúc kể cả tích cực và tiêu cực của họ, nhưng không chia sẻ với họ những cảm xúc đó,nếu không họ sẽ lôi cuốn ta vào cuộc và dễ ỷ lại, mong muốn ta tìm giải pháp thay cho họ.
Trường hợp thân chủ đang kể bỗng bật khóc hoặc khóc lặng lẽ, ta không nên bùi ngùi xúc động hoặc xót xa ái ngại; để tỏ thiện cảm ta có thể lấy nước mời họ uống, tỏ ra thông cảm những gì không hoà đồng với cảm xúc của họ. Ngoài ra giữ thái độ trung lập cũng để tránh quan hệ quá mật thiết với thân chủ, không để thân chủ gắn bó sau khi rời phòng tham vấn.
IV. Cách tiến hành một buổi tham vấn.
1. Thiết lập hợp đồng giao tiếp:
Trong lần tiếp xúc đầu tiên với thân chủ (trực tiếp hoặc qua điện thoại, thư từ...) cần xác định rõ khung cảnh gặp gỡ (làm ở địa điểm nào, thời gian nào, mấy lần trong một tuần, tiến hành bao lâu). Nên chọn khung cảnh yên tĩnh, nhất là khi dùng máy ghi âm, không để có nhiễu về tiếng quạt chạy, máy điện thoại nên tắt, không có người ra vào. Cần có sự giải thích để tránh cho sự hiểu lầm khi chỉ có hai người tâm sự. Nên khẳng định để thân chủ yên tâm là tâm sự riêng tư là điều bí mật giữa hai người, không lộ cho người khác biết. Ngay với trẻ em ta cũng cần tôn trọng nguyên tắc này, nếu không trẻ sẽ mất lòng tin, và sau đó không thể hợp tác được, trẻ không tâm sự nữa.
Nói rõ cho thân chủ biết là trong quá trình tham vấn, thân chủ thoải mái kể chuyện một cách tự nhiên các suy tư, cảm xúc của mình cùng các quan điểm, mà không có sự tranh luận, phê phán, hỏi han, ngắt lời. Nếu dùng máy ghi âm cần giải thích là để ghi nhận một cách trung thành và giữ nguyên tắc bí mật. Dù có máy ghi âm vẫn nên chuẩn bị sổ ghi chép những điểm chính cùng thái độ của thân chủ khi nói chuyện (cười, khóc, diễu cợt v.v...). Nhưng tránh mải ghi mà không chăm chú lắng nghe, không theo dõi những diễn biến khi thân chủ kể. Dùng máy ghi âm phải chuẩn bị kỹ thiết bị, pin khoẻ, và thử mấy câu đầu để xem máy chạy tốt hay không.
2. Tạo ấn tượng tốt:
Điều quan trọng để thân chủ được thoải mái tự nhiên là nhà tâm lý tạo được ấn tượng tốt ngay từ đầu và gây được cảm tình khiến thân chủ yên tâm, tin cậy mà dốc bầu tâm sự. Vì thế cần có thái độ nghiêm túc, cách nói, giọng nói, cử chỉ thân mật và tôn trọng, khiêm tốn, giản dị, không hề có chút nào tỏ ra mình hiểu biết hơn họ. Cần xác định hết sức chăm chú lắng nghe thân chủ trình bày dù họ kể những vấn đề mình không thích thú. Nghe với thái độ thông cảm, tức là đặt được mình vào địa vị của thân chủ, chấp nhận những ý tưởng của họ mà không được ngạc nhiên hoặc phán xét...
3. Quá trình tiến hành:
Nếu chỉ mới làm quen qua điện thoại thì khi gặp thân chủ nên tự giới thiệu ngắn gọn về mình, và nếu là nghe tâm sự về một đoạn đời (kể chuyện đường đời) cần có câu gợi chuyện. Thí dụ, tìm hiểu đời sống của người phụ nữ có con tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, nếu ta gợi bằng câu: "Xin chị cho biết cảm tưởng và suy nghĩ của chị khi lập gia đình và thực tế đã diễn ra như thế nào trong lĩnh vực nhà cửa, vợ chồng, nuôi dạy con cái" thì câu đó thiên về lý tính và người kể sẽ trả lời như một kiểu được kiểm tra. Nếu mào đầu một câu như: "Chị hình dung cuộc sống gia đình chị như thế nào trước khi lập gia đình và thực tế diễn biến ra sao?" sẽ dễ dàng cho việc liên tưởng tự do, thoải mái.
Sau câu khơi mào nên kiểm tra ngay hoạt động của máy ghi âm. Khi thân chủ bắt đầu nói, nên chăm chú lắng nghe, nắm bắt mọi chi tiết về cử chỉ, thái độ, giọng nói, vẻ mặt, kể cả phút ngập ngừng, im lặng chốc lát. Ghi vào sổ tay những điểm chính có thể đánh dấu nếu có chỗ chưa rõ để sau hỏi thêm.
Sau một hồi kể có thể thân chủ ngừng. Phải nắm bắt xem sự im lặng này là cần thiết để thân chủ sắp xếp lại ý tưởng trong đầu, hay là im lặng "rỗng", hết chuyện để nói. Cần bình tĩnh chờ đợi, chưa nên vội đặt câu hỏi ngay vì câu hỏi nói vội không ăn nhập với dòng suy nghĩ của họ, dễ làm mất đi "dòng tâm tư" của họ. Nếu ta đưa ra câu hỏi của ta, rất có thể thân chủ chuyển hướng tâm tư thành hướng chờ đợi ta đặt câu hỏi để họ trả lời từng điểm. Khi đó mất đi chuyện kể tự nhiên mà chuyển thành chuyện kể do ta chỉ định, điều khiển. Vì thế khi họ im lặng thì ta cũng phải suy nghĩ xem ý cuối đoạn kể của họ, để nếu họ còn im lặng lúng túng thì ta đưa đẩy câu chuyện một cách nhẹ nhàng như: "thế rồi sao nữa ạ", "theo tôi hiểu chị đã..." và ta phản hồi ý nghĩ của họ để tỏ ra ta theo dõi đúng và hiểu ý nghĩ của họ. Như thế là gợi cho họ sắp xếp ý tưởng của mình và đẩy đà cho họ kể tiếp ý nghĩ, cảm xúc của họ như dòng chảy lại được khơi thông.
Thực ra có được câu đưa đẩy đúng ý, gợi sâu thêm ý tưởng của họ là rất khó, thường phải qua nhiều trải nghiệm mới có trực giác đúng. Tuy vậy không nên cầu toàn vì thực tế mỗi cuộc mỗi khác, không thể suôn sẻ hết.
Khi đã gần hết thời gian qui định, còn vài phút ta nên nhắc khéo để chốt lại. Nếu cần, hỏi họ có muốn lần sau tiếp tục thì hẹn tiếp. Trường hợp không qui định thời gian cụ thể, nên để tự họ kể đến khi nào họ muốn kết thúc. Lúc đó ta tắt máy ghi âm. Sau đó có thể hỏi thêm những thông tin cần biết, những ý chưa rõ và rất có thể khi hỏi, họ lại nẩy ra những ý nghĩ muốn kể tiếp, lúc đó lại bật lại máy ghi âm vì có khi lại là những ý nghĩ quan trọng mà trước đó họ chưa nhớ ra.
4. Nghe băng ghi âm và ghi ra giấy:
Yên lặng lắng nghe băng ghi âm và ghi trung thực, không bỏ sót câu chữ, kể cả những câu họ lặp lại, và những chỗ họ ngập ngừng, im lặng chốc lát. Nên nghe đi, nghe lại băng vài lần mới nắm hết từng câu, từng từ. Đối chiếu với những điều ghi trong sổ tay. Suy ngẫm cho kỹ những điều đã nghe và ghi, ta có thể phát hiện những từ họ dùng rất điển hình, đặc trưng. Thí dụ người bị HIV lâu năm họ coi như đã nhận bản án tử hình, họ gọi là "thây ma đi rong". Những người kể có thể là nông dân, công nhân, chiến sĩ bình thường, thương binh, nhưng khi họ có những đau khổ, họ ngẫm nghĩ nhiều về cảnh ngộ của họ, đường đời đã trải qua với biết bao cay đắng, vinh nhục, vui buồn, họ có những câu "triết lý" về cuộc đời rất hay, rất chân thực.