Giữa tháng 11-1996, được tin anh Viện lại ốm nặng khó bề qua khỏi, từ Huế tôi lên tàu ra Hà Nội. Nhưng hôm đó, lụt tắc đường ở Quảng Ngãi, chuyến tàu trưa hẹn lại 18 giờ tối; chiều tối ra, lại hẹn 22 giờ. Vừa lúc, có người bạn từ Hà Nội vào cho biết sức khỏe anh Viện đã khá lên nhiều. Thế là tôi trả vé, trù tính hết mưa lụt sẽ lại ra.
Vậy là một lần nữa, anh Viện lại vượt qua. Đời anh, đã nhiều lần vượt qua cái chết. Từ hơn nửa thế kỷ trước, khi còn ở Pháp, anh đã 7 lần lên bàn mổ, cắt mất hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 xương sườn vì ngày ấy chưa có thuốc trị lao phổi. Năm 1963, khi anh về nước, bạn bè ở Pháp nhiều người nghĩ rằng anh chẳng sống được bao lâu trong điều kiện vật chất thiếu thốn hồi ấy... Với một cơ thể như vậy, lại đã 83 tuổi, nên dù biết anh đã "khá" lên, tôi vẫn cứ thấp thỏm. Vì thế, cuối tháng 11, tôi lại lên tàu ra Hà Nội.
Bước vào vuông phòng rộng chừng 20m2 chật cứng sách vở vây quanh trong ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, thấy anh nằm trên giường, đầu gối kê cao - đã từ mấy năm nay, anh thường đọc sách và viết trong tư thế này - nét mặt thư thái, nước da láng bóng, cặp mắt linh hoạt, tôi vui mừng thốt lên:
- Thế này thì anh còn trụ được lâu. Có khi anh còn đi Sài Gòn, còn ghé Huế được vài chuyến nữa!
- Đó chỉ là bề ngoài của người biết thiền, biết dưỡng sinh...
Anh Viện không nói trọn câu, tôi cũng đã hiểu. Thường ngày, anh viết và nói rất súc tích, ít khi có từ vô ích. Nay thở sức yếu, anh càng tiết kiệm từng lời nói. Cũng vì vậy, những ngày ở bên anh, ngoài những lúc thật cần thiết phải làm việc với các cán bộ phụ trách NT (viết tắt của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em), câu chuyện giữa anh và tôi thường chỉ là "một đôi lời" ngắn gọn.
Một đôi lời cũng là tên cuốn sách mỏng mà anh viết năm 1985, do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành. Được biết Nhà Xuất bản chuẩn bị tái bản và anh Viện đã viết lời tựa với tiêu đề Lại một đôi lời, nhưng cũng dài gần 20 trang in, trình bày những suy nghĩ về thời cuộc hiện nay, sau mười năm đổi mới. Tôi gọi điện vào cho anh Lê Hoàng (Giám đốc NXB Trẻ), báo tin tình hình sức khỏe anh Viện để nếu sách in xong thì gửi gấp ra cho anh kịp nhìn mặt đứa con tinh thần của mình.
Trước ngày tôi ra Hà Nội, nghe nói Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tới thăm anh Viện. Ngày 23-11, vào quãng 5 giờ chiều, Tổng Bí thư Đỗ Mười và một số cán bộ Trung ương cũng đã đến thăm anh. Thật tiếc là lúc đó tôi đi vắng. Tôi hỏi anh Viện:
- Anh có nói gì về thời cuộc với đồng chí Tổng Bí thư không?
- Không. Những gì cần nói, mình đã viết thành sách, báo cả rồi; nay chỉ nói về NT, mong rằng trong vài năm tới Nhà nước sẽ có một cơ quan đủ năng lực, đủ điều kiện để NT có thể bàn giao lại toàn bộ sự nghiệp đã khai phá trong mấy năm qua...
Hẳn là không muốn để anh Viện nói nhiều, chị Nhất (vợ anh Viện) xen vào, giọng rất vui:
- Đồng chí Đỗ Mười bảo rằng những năm qua anh đã làm nhiều việc có ích lợi cho dân, cho nước và động viên anh gắng sống đến trăm tuổi.
Sáng hôm sau, nhân có người vào TP.Hồ Chí Minh, anh Viện viết thư cho ông "bạn cọc chèo" - một kỹ sư và cũng là một Việt kiều ở Pháp về tham gia xây dựng đất nước từ nhiều năm trước - trong đó có câu: "Tôi nhất định thực hiện được lời dặn của đồng chí Tổng Bí thư là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, còn chuyện sống đến trăm tuổi thì không theo ý mình được...". Giọng điệu của anh nghiêm chỉnh mà vui, nếu không muốn nói là có chút hài hước.
Từ tháng 4-1996, anh đã linh cảm cái thời khắc kết thúc cuộc đời mình sắp đến, nên đã viết sẵn lời dặn như sau:
Kính gửi các bạn đồng nghiệp ngành y tế,
Tôi nay đã 83 tuổi, từ hơn 40 năm nay bị thiếu thở trầm trọng, nay mai giá thử có tai biến gì, hay mắc thêm bệnh khác, xin các cơ sở y tế tiếp nhận tôi:
- Đừng khám nghiệm gì thêm: X.quang, thử máu, nội soi...
- Đừng cho thuốc men nào, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở oxy...
Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày hay tháng chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn. Chỉ xin thuốc giảm đau, nếu cần dùng morphin cũng chẳng hề gì.
Nếu cứ ép buộc tôi, tôi sẽ hết sức cưỡng lại.
Tôi xin tuyên bố gánh lấy trách nhiệm hoàn toàn về tôi.
Xin trân trọng cảm ơn các bạn.
Lời dặn rất nghiêm chỉnh này đã được đăng trên báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế. Thật ra, đây là một quan niệm về cách kết thúc cuộc đời của người già mà trên thế giới đang được tranh luận gay gắt; một phái chủ trương "còn nước còn tát", phái khác cho rằng dùng kỹ thuật để kéo dài cuộc sống của những người già ốm đau thực chất là bất nhân. Anh Viện đã viết một bài báo về vấn đề này và bằng cách in kèm "lời dặn" ở trên, anh bày tỏ quan niệm của mình không chỉ về lý thuyết, mà dành những ngày cuối cùng của cuộc đời mình làm nơi thực nghiệm - cũng có thể là một thực nghiệm mở đầu. Nếu tôi không nhầm, trong cuộc đời mình, với phong cách "nói đi đôi với làm", anh Viện đã mở đầu, đề xướng một số việc ít nhiều có lợi ích: viết sách về khí công dưỡng sinh, đồng thời mở lớp tập luyện từ đầu những năm 60; đề xướng khôi phục môn đá cầu đồng thời cho sản xuất và tự bán cầu cho trẻ em quanh phố; sáng lập tổ chức nghiên cứu khoa học phi chính phủ đầu tiên và cũng là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam có kế hoạch nghiên cứu tâm lý trẻ em một cách toàn diện, đồng thời để duy trì được hoạt động của tổ chức, anh đã chuyển phần lớn giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp (có giá trị gần 200 cây vàng) vào quỹ Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em... Và bây giờ là mở đầu cách kết thúc cuộc đời của người già...
Có điều oái ăm là do công phu tập luyện khí công dưỡng sinh, ý định rút ngắn "những ngày nằm dài... chỉ làm khổ cho bản thân" của anh không thực hiện được. Suốt từ tháng 12-1996 đến cuối tháng 4-1997, đã nhiều lần phần lá phổi còn lại xơ xác sau mấy trận viêm phế quản tưởng như không còn thở được nữa, nhưng hệ thần kinh và quả tim vẫn bền bỉ hoạt động không ngừng, mặc dù cơ thể tiếp thu năng lượng rất ít.
Trong những năm cuối cùng, đúng là với tinh thần "chiến đấu đến hơi thở cuối cùng", anh Viện đã ký một số văn bản nhằm duy trì và phát triển hoạt động của Trung tâm NT, trong đó có việc thành lập giải thưởng hàng năm cho các công trình xuất sắc về tâm lý trẻ em (giải thưởng từ 2 đến 10 triệu đồng). Nhà tài trợ giải thưởng này trong bốn năm, mỗi năm 25 triệu đồng.
Ngày 28-4, khi gia đình và các đồng chí lãnh đạo Trung tâm NT, cùng Nhà Xuất bản Thế giới đã phải lo tính đến những việc phải làm khi anh ra đi, thì anh lại bảo lấy tờ giấy và chiếc cặp đen kê trước ngực viết những dòng sau đây gửi bác sĩ P - một thành viên đã rời Trung tâm NT sang làm cho một liên doanh với Mỹ (hẳn là để có đồng lương cao gấp nhiều lần, do nhu cầu cuộc sống gia đình):
Nhân cảm hứng 1-5, thân nhắn gửi anh đôi lời
Tôi biết anh ra đi, lại trở về
Rồi ngày một, ngày hai, nhiều lắm
tuần một, tuần hai, tôi sẽ nhắm mắt ra đi
Niềm tin tôi vẫn còn đó
Tôi biết anh ra đi, lại trở về.
Những hàng chữ viết còn ngay ngắn, chữ ký chưa run, nhưng nhìn đôi bàn chân phù to và cầm bàn tay lạnh mướt mồ hôi, tôi nghĩ có lẽ đây là những dòng chữ cuối cùng của anh.
Tưởng nhớ anh Viện - một người đã dành tất cả tâm huyết trong những năm cuối đời cho lớp trẻ - tôi xin được trích mấy dòng cuối trong bài Lại một đôi lời. Sau khi nhắc đến nhóm trẻ ở trại cai nghiện ma túy Bình Triệu xăm năm chữ T ở năm đầu ngón tay (Tuổi Trẻ Thiếu Tình Thương) và băng thanh niên phạm pháp tự đặt tên là 5T (Tiền, Tình, Tội, Tù, Tử), anh Viện đề nghị một quan niệm sống 3T như sau:
1. Tạo cho mình một cái thế đứng vững giữa xã hội, tự lập, không phải nhờ vả vào ai.
2. Nuôi dưỡng cái tình người cho phong phú, gắn bó với nhiều người, nhiều cộng đồng khác nhau.
3. Tự tạo cho mình một cái tâm ổn định, mình làm chủ lấy mình, đời có sóng gió, cái tâm của mình vẫn vững vàng.
Nhắc lại "Một đôi lời" của anh Viện trong những ngày cuối của cuộc đời - cả khi anh nói về cái chết, tôi nghĩ nhiều đến cách sống của một con người luôn vì mọi người - cách sống của một người cộng sản. Phải, trong lời dặn anh em tôi về lễ tiễn đưa anh, anh nói hẳn: "... Và nhớ mình là một người cộng sản".
(Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Trích báo Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 19-1997)