Mặc cảm tội lỗi có thể gắn với những lỗi lầm thực tế mà thân chủ gây ra. Đó là trường hợp của những em đã từng có một quá trình tương đối lâu dài biểu hiện những hành vi lệch chuẩn như hay bỏ học, trốn học, chơi bời lêu lổng, nghiện ngập... cho đến một ngày nào đó lương tâm chợt thức tỉnh, thân chủ nhận ra mình đã "trượt chân" quá xa, tội lỗi đã quá nặng nề so với lòng mong đợi của bố mẹ, từ đó dẫn đến ý nghĩ chán sống. Loại mặc cảm tội lỗi này thường được thể hiện bằng những lời sám hối muộn màng trong những thông điệp cuối cùng của những thân chủ tự sát. chẳng hạn như em V (ở Hà Nội, năm 2001), sau một thời gian dài nghiện ma túy đã kết thúc cuộc đời bằng tự thiêu, với những dòng tuyệt mệnh để lại cho bố mẹ như: "... Con là đứa con bất hiếu. Vì con mà cả nhà ta phải nghèo đói. Con phải ra đi để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Xin bố mẹ hãy tha lỗi cho con..."; em P (ở Quảng Ninh, năm 2005) trước khi thắt cổ đã để lại một bức thư tuyệt mệnh cho bố mẹ, trong đó em tự nhận mình là "đứa con hư hỏng"... 1
Khác với trường hợp trên, mặc cảm tội lỗi cũng có thể đến với những em vốn rất chăm ngoan và chưa hề có một quá trình vi phạm lỗi lầm gì, chỉ trừ lần đầu tiên trong đời bị thất bại trên con đường học hành. Chúng ta còn nhớ thông điệp cuối cùng rất bất ngờ và bí ẩn của em H (học sinh trường chuyên ở Nam Định, năm 2005), khi em chia tay mẹ bằng một câu chào qua điện thoại rất ngắn gọn và thân thương: "Mẹ ơi, con đi đây", để rồi 15 phút sau đó, mẹ em phải đau đớn rụng rời trước sự ra đi vĩnh viễn của em 2. Điều đáng nói là trong trường hợp này, dù không một ai kết tội em thi trượt nhưng em vẫn cảm thấy có một tội lỗi thật nặng nề khi không đáp lại được lòng mong đợi của bố mẹ em và những người thân. Phải chăng những kỳ vọng thường ngày của bố mẹ cùng những mong muốn thường trực của các em "con sẽ học giỏi để làm vui lòng bố mẹ", "con sẽ thi đỗ cho bố mẹ ngẩng cao đầu với mọi người"... cũng là những yếu tố để dẫn các em đến mặc cảm tội lỗi khi ước nguyện không thành?
Một loại mặc cảm tội lỗi khác cũng khá phổ biến là mặc cảm tội lỗi gắn với sự mất mát người thân trong gia đình. Đó có thể là trường hợp của những em được bố mẹ hoặc người thân cứu sống sau một tai nạn khủng khiếp nào đó, trong khi chính người đã cứu các em lại không thể thoát khỏi bàn tay của tử thần. Những em này thường mang trong mình nỗi đau khổ kèm theo mặc cảm tội lỗi là vì mình mà người thân đã mất. Cách đây 5 năm, chúng tôi đã gặp một thiếu niên rất hung bạo, ngỗ ngược và đã từng có ý định tự sát. Lúc đầu có nhiều người đưa ra giả thuyết về nguyên nhân của những hành vi này là do bố mất đi, không có ai quan tâm giáo dục, hay do công việc của người mẹ quá bận rộn, không còn đủ thời gian quan tâm đến con... Thế nhưng, sau nhiều buổi trực tiếp làm việc với em, chúng tôi mới được biết nguyên nhân sâu xa của vấn đề là đã nhiều năm rồi mà em vẫn chưa bao giờ quên được hình ảnh cuối cùng của bố đã liều mình cứu em trong một vụ cháy nhà khủng khiếp... Từ đó, em tự kết tội mình đã gây ra cái chết của bố, khiến em cảm thấy lo hãi, bất an và nảy sinh ý muốn kết liễu đời mình...
Lần theo cách nghĩ này, chúng ta có thể tìm thấy một loại mặc cảm tội lỗi hoàn toàn mang tính chất tưởng tượng, suy diễn ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn như có em thấy rất đau khổ, ân hận sau khi bà qua đời chỉ vì một lý do đơn giản là ngày trước đó, khi bà sai đi mua một chiếc bánh mỳ, em đã quên không mua và em luôn tin rằng chính vì lỗi lầm đó mà bà ra đi không bao giờ trở lại...
Tóm lại, có nhiều cách nghĩ và cách cảm nhận khác nhau về những lỗi lầm thực tế hoặc tưởng tượng có thể dẫn thân chủ đến mặc cảm tội lỗi. Do vậy, cần dự báo được những khả năng xuất hiện mặc cảm tội lỗi và phát hiện sớm những biểu hiện của nó để kịp thời giúp các em thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Trước tình huống này, sự nhạy cảm và tinh tế của các bậc cha mẹ, thái độ bình tĩnh, tôn trọng các em, những cuộc đối thoại cởi mở chân thành giữa cha mẹ với con cái đã trở thành những nguyên tắc ứng xử cần thiết trong gia đình. Tuy nhiên, điều này vẫn không thay thế được công việc của các nhà chuyên môn, bởi lẽ để giải mặc cảm tội lỗi cho các em, cần phải có thời gian, phải có một không gian lâm sàng đảm bảo được bí mật cho thân chủ. Và điều quan trọng hơn là phải có các nhà tâm lý lâm sàng làm chủ được kỹ năng giúp thân chủ bộc lộ những cảm xúc tiêu cực và tìm lại niềm vui sống.
Nguyễn Minh Đức
(Nhà Tâm lý lâm sàng)
1 Nguồn: Báo điện tử VietnamNet, ngày 29-4-2005
2 Nguồn: Báo điện tử VietnamNet, ngày 04-8-2005
|