Phần lớn con em cán bộ, công nhân ngày nay mới vài ba tháng đã phải đi nhà trẻ, rời vú và vòng tay ôm ấp của mẹ, rời căn nhà quen thuộc đến ở suốt ngày với các cô, các bạn. Cho ăn, cho uống như thế nào, chăm sóc dạy dỗ như thế nào? Những vấn đề ngày xưa ít ai nghĩ đến, nay trở thành bức thiết. Khoa học dinh dưỡng trẻ em ra đời, cũng như khoa tâm lý giáo dục các em. Ngay từ thuở chưa đến trường học chữ, và người làm bố,làm mẹ,làm cô dạy trẻ, cô mẫu giáo cũng như những cán bộ lãnh đạo đều phải nắm được những hiểu biết cần thiết về mặt này. Trong bài này, không bàn đến những vấn đề tâm sinh lý, vấn đề nuôi và chăm sóc cơ thể mà nhiều sách báo đã nói đến, chỉ tập trung vào lĩnh vực giáo dục từ lọt lòng đến 14-15 tuổi.
Nói đến trẻ em là nói đến sự phát triển không ngừng của cơ thể, đặc biệt của bộ não, mà mỗi bước phát triển sinh lý ấy lại là tiền đề cho những quan hệ xã hội khác nhau, và những thay đổi tâm lý quan trọng. Một em bé trước 12-15 tháng chưa biết đi; thường xuyên được bế bồng, muốn lấy cái gì phải nhờ mẹ (hay một người lớn khác), khác hẳn một em bé đã biết đi, tự mình đi tìm những gì hấp dẫn, tâm lý tự khẳng định lấy mình, tự lập bắt đầu chớm nở, và từ sự hòa mình với mẹ và người lớn chuyển sang mâu thuẫn đối lập.
Quá trình khôn lớn của một em bé diễn ra trên cơ sở một mối mâu thuẫn cơ bản:
Một bên là do sức lực về cơ thể cũng như về trí khôn còn non yếu, luôn luôn đòi hỏi sự bảo vệ nâng đỡ của bố mẹ và người lớn, đòi hỏi một cảm giác an toàn, một môi trường quen thuộc, những hành vi lặp đi lặp lại mới dần dần làm quen được với một cuộc sống khá phức tạp, cuộc sống của một con người trong một xã hội văn minh.
Một bên là lại cần tiến lên thăm dò thế giới chung quanh, thế giới tự nhiên và xã hội, cần tự khẳng định, cần tự lập, cần những hoạt động mang tính chủ động, cần một môi trường ngày càng mở rộng, càng phong phú, không chấp nhận sự can thiệp của người lớn.
Mâu thuẫn biểu hiện rõ rệt khi ta quan sát một em bé khoảng 3 tuổi: Làm gì cũng muốn bố mẹ hay người lớn chứng kiến, tham gia; nhưng đồng thời lại gạt tay bố mẹ, làm đổ chén nước tung tóe nhưng nhất thiết không chịu cho ai cầm tay giúp. Ở một em 10-12 tuổi thì mâu thuẫn ấy biểu hiện một cách tinh vi hơn, nhiều khi người lớn không để ý, tưởng chừng như không có vấn đề gì, nhưng thực chất xử lý đúng trong nhiều trường hợp, quả là rất tế nhị. Trong cuộc sống ngày nay, mâu thuẫn nổi lên gay gắt.
Có thể nói chăm sóc dạy dỗ trẻ em, cơ bản là xử lý đúng, xử lý khôn khéo mâu thuẫn ấy, đáp ứng cả hai nhu cầu của trẻ em, nhu cầu được nâng niu giúp đỡ chiều chuộng, và nhu cầu được hoạt động độc lập được khẳng định nhân cách của mình.
Mỗi lứa tuổi lại có nhu cầu riêng.
Em bé từ lúc mới sinh ra đến 15-18 tháng, chưa đi vững, chưa nói rõ đòi hỏi một sự nâng niu đặc biệt, thường xuyên bên cạnh cần có một người lớn với hai đức tính chủ yếu:
Luôn luôn sẵn sàng, bất kỳ giờ giấc nào cũng đáp ứng yêu cầu của em.
Nhạy cảm với sự đòi hỏi của một con người không nói lên được ý muốn của mình. Đó là hai đức tính của một người "mẹ hiền".
Thiếu mẹ hiền, em bé khó mà lớn lên, khôn lên bình thường.
Thường là người mẹ máu mủ, nhưng sẩy mẹ, mẹ đi vắng lâu ngày, bị bệnh, hay mất đi, thì phải có người "dì" tức là người thay thế mẹ. Các cô nhà trẻ trước hết phải là những người mẹ hiền.
Hiện nay, các cô khó mà làm mẹ hiền, vì nhiều lý do:
Cuộc sống vật chất chưa đảm bảo, không thể toàn tâm toàn ý với các em, vừa giữ trẻ vừa đan len.
Nhiều người chưa được đào tạo đầy đủ, đặc biệt giáo trình tài liệu về tâm lý trẻ em quá nghèo nàn.
Cơ sở vật chất quá eo hẹp, và nhất là số em quá đông mà biên chế thì không thể nào tăng được.
Cần thấy rõ, các cô chỉ đủ thì giờ cho ăn, làm vệ sinh, không còn chút thời gian nào trò chuyện, nô đùa, hú hí với các em: Đây là điểm yếu nhất của nhà trẻ chúng ta hiện nay, các em không phải chỉ thiếu chất đạm, chất mỡ, vitamin A hay D, mà thiếu những con người để chơi đùa, trò chuyện hàng ngày. Đây là "món ăn tinh thần" không kém quan trọng so với sữa hay hoa quả. Thiếu đi, không những các em sẽ chậm phát triển về cơ thể, dễ bệnh tật, mà còn non kém về trí tuệ, thiếu hụt về tình cảm.
Xin có một đề nghị cụ thể.
Đưa việc giúp các cô nhà trẻ mẫu giáo vào chương trình lao động của học sinh cấp 2 và 3. Mỗi ngày các nhà trường cử đến các nhà trẻ và lớp mẫu giáo trong khu phố, học sinh thay phiên nhau, cứ hai em giúp một cô. Đồng thời đưa vào chương trình văn hóa bắt buộc môn chăm sóc, dạy dỗ trẻ em, kể cả cho con trai. Một mũi tên bắn trúng hai đích:
- Giải quyết việc các nhà trẻ mẫu giáo thiếu biên chế.
- Giáo dục thiếu niên và thanh niên về một vấn đề hết sức quan trọng, còn quan trọng hơn việc biết sông Missisipi chảy từ đâu, đổ ra đâu. Và xã hội sẽ không cần in sách báo rất nhiều để cho các bà mẹ, các ông bố chăm dạy các con em như thế nào. Và đây là một vế quan trọng vào bậc nhất trong việc gọi là giáo dục giới tính (vấn đề này sẽ có bài riêng). Chưa có nước nào áp dụng giải pháp này ta làm được tức là đi tiên phong. Chứ không phải ngồi mơ hão- nhất là sau một vài chuyến đi tham quan nước ngoài- có sớm những nhà trẻ khang trang, với piano, mỗi cô phụ trách vài ba em.
Những vấn đề quy chế, lương thưởng, biên chế liên quan đến nhà trường mẫu giáo cũng giống như của nhà trẻ; cũng nên đưa học sinh phổ thông vào thực tập ở đây. Nhưng vào lứa tuổi này, thì vấn đề dạy dỗ chiếm ưu thế so với việc chăm sóc. Điều quan trọng nhất là giáo dục ở đây phải thoát ly hoàn toàn quan điểm dạy rập khuôn theo phổ thông, tức lấy việc truyền đạt kiến thức làm cơ bản, lấy việc lên lớp giảng bài là phương pháp chủ yếu.
Hoạt động là phương châm cơ bản, hoạt động tay chân, giác quan, hoạt động bằng lời nói, hoạt động trong tư duy. Một lớp mẫu giáo trong đó các em ngồi im phăng phắc, đúng hàng lối, khoanh tay nghe cô giáo từ đầu đến cuối là một lớp làm sai phương châm cơ bản. Vì tuổi này là tuổi để tập luyện đôi tay, cắt, vẽ đan, buộc, cởi, xây dựng, tập luyện lời nói, ca hát, kể chuyện, đóng kịch, để mơ tưởng, khi đóng vai cô giáo, khi vai bác sĩ, khi nhập vai vào em bé tí hon hay nàng Cám thơm thảo, hay Thạch Sanh giết quái vật.
Cô giáo và cũng cần có cả thầy giáo mẫu giáo không phải uyên bác lắm, nhưng cần có một đức tính chủ yếu, là nhạy bén, vào lúc nào, với em nào, nhận việc gì biết nắm lấy thời cơ để hoặc luyện tay chân, hoặc học một cách nói, hoặc đưa vào kỷ cương, hoặc gây ra một tình cảm tích cực. Ở đây không học làm văn, làm toán, không học sử địa, sinh vật hay hóa học gì cả, ở đây rèn luyện, cải tạo con người để biến dần dần một con người vụng về thành một con người khéo léo, một con người tư duy còn thô sơ, còn ngây ngô dại dột, tư duy một cách hoàn toàn chủ quan, nhiều phi lý thành một con người với tư duy hợp lý, một con người chưa chế ngự được tình cảm sôi sục trong lòng thành một con người biết tự kiềm chế, dần dần hiểu được sự vật không phải bao giờ cũng chiều theo ý muốn của mình, và phải có người có ta, quan hệ với cô và bạn bè không chỉ có một chiều; mình đòi gì được nấy; mà phải nghĩ đến người khác, kẻ đối thoại và đối thủ với mình.
Em bé 2-3 tuổi là một con người ngây thơ, chưa tư duy được như một người lớn, tư duy trừu tượng và lôgic chưa thành thục, phải thông qua hoạt động tay chân và giác quan, thông qua lời nói, chơi chung với bạn bè, đối xử với người lớn mà thoát bỏ được tình trạng ngây ngô dại dột, mà "khôn" lên; nhưng trẻ em là một con người hồn nhiên, rất nhạy cảm, cảm xúc dồi dào, tính ngây thơ phải bảo vệ bồi dưỡng. Xóa được cái ngây, không bỏ mất tính thơ là mục tiêu của mẫu giáo, làm sao cho đến lúc giao lại cho nhà trường phổ thông một em bé có khả năng.
Dạy con từ thuở còn thơ, tre măng dễ uốn, những châm ngôn đúc kết kinh nghiệm nghìn xưa nay được môn tâm lý học trẻ em xác nhận, chính tuổi mầm non lọt lòng đến 6 tuổi là thời kỳ quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ em. Đây là giai đoạn hình thành những nếp sống, thói quen, cách cư xử, tình cảm làm nền tảng cho nhân cách, sau này rất khó thay đổi. Phân tích tiền sử của nhiều rối loạn tâm lý của thanh niên hay người lớn đều thấy bắt nguồn từ những chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu, từ những điều kiện éo le trong sinh hoạt gia đình, hoàn cảnh xã hội.
Những trẻ em lớn lên trong gia đình ly tán- về vật chất và tinh thần- như xa con lâu ngày, hoặc vì ly dị, góa bụa thiếu mất một người, hoặc vì vợ chồng thường xuyên bất hòa, con cái không biết nhìn vào ai mà tìm chuẩn mực cho cuộc sống, buộc phải lựa chọn đứng vào phe bố hay phe mẹ, hoặc bố mẹ làm ăn phi pháp, tế nhị hơn là bố mẹ bề ngoài thì rất đàng hoàng nhưng thực chất lại là giả dối, cơ hội hạng nặng, lời nói và việc làm của bố mẹ mâu thuẫn nhau, gương của bố mẹ trái ngược với những điều học ở trường, ở Đội, ở Đoàn. Hoàn cảnh sinh sống, nhà cửa quá chật hẹp, phố xá nhếch nhác lộn xộn, cảnh tiêu cực hàng ngày diễn ra trước mắt trẻ em không thể không ảnh hưởng đến tâm tình con trẻ.
Từ suy dinh dưỡng, mắc đủ thứ bệnh hiểm nghèo đến tính tình hư hỏng, rối loạn tâm lý dẫn đến những hành động phá hoại, phạm pháp, tự sát, trẻ em ngày nay rất dễ trở thành nạn nhân của một xã hội chưa xây dựng được cơ sở vật chất và kỷ cương ổn định.
Không đợi đến lúc bệnh hoạn phát ra, mà ngăn từ gốc, làm sao cho sinh hoạt gia đình và các nhà trẻ, trường mẫu giáo đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của trẻ mầm non là một trong những nhiệm vụ xã hội quan trọng vào bậc nhất. Cho đến nay, lứa tuổi này chưa được quan tâm đầy đủ, như các lứa tuổi thi vào đại học. Theo tính toán của bác sỹ Benjamin Spock, xã hội Mỹ phải bỏ ra 3 vạn đôla kinh phí để ứng phó với một trường hợp thiếu niên phạm pháp, một khoản tiền gấp mấy chục lần so với kinh phí giáo dục một em bình thường.
Đến 6 tuổi, em bé bước vào một thời kỳ mới, bước vào cuộc đời học sinh, mà số đông sẽ kéo dài đến 14-15 tuổi. Em bé 6 tuổi bắt đầu:
- Có thể đi học, là được tự hào chuyển từ quy chế xã hội của một em bé lên quy chế của một cô cậu học sinh, ngày ngày quàng khăn đỏ, cắp sách đến trường.
- Phải đi học, nghĩa là phải từ bỏ cuộc sống tự do được chiều chuộng trong gia đình và nhà trẻ mẫu giáo, đi vào cuộc sống có quy tắc, kỷ luật chặt chẽ, bỏ chơi, phải học.
Nhà trường trở thành nơi, không phải độc nhất, nhưng quan trọng nhất để:
- Rèn luyện thành một con người sống theo một số quy tắc và lý tưởng xã hội.
- Nắm được một vốn kiến thức cơ bản, chuẩn bị cho việc học một nghề, hoặc để học tiếp, tiến lên trình độ cao hơn.
- Rèn luyện và được cung cấp một số tri thức để biết giữ gìn bồi dưỡng sức khỏe.
- Phần nào chuẩn bị để sau này đi vào một ngành nghề nào đó.
Cho đến nay, nhà trường đặt việc tiếp nhận kiến thức lên trên hết, trọng văn khinh võ và khinh tất cả các mặt khác, nghề nghiệp, nghệ thuật. Ngoài học sinh giỏi của nhà trường truyền thống, truyền thống ấy còn kéo dài đến nay, là con người văn giỏi, toán giỏi, cao hơn là bách khoa, môn gì, sử, địa, lý, hóa, ngoại ngữ đều giỏi. Ai không đạt những tiêu chuẩn ấy đều bị đào thải, dù có ca hát hay, chạy nhanh, bơi giỏi, vẽ đẹp, chữa máy móc thông thạo. Vì vậy, xu thế của nhà trường là đề ra chương trình kiến thức nhiều môn, rồi sự phát triển chương trình kiến thức nhiều môn, rồi sự phát triển của khoa học văn hóa, nhiều nội dung ngày càng phong phú.
Những người đề ra chương trình thường quên mất hai điểm hết sức quan trọng:
Một là, mỗi người có năng khiếu, sở trường riêng, tích lũy nhiều kiến thức trừu tượng là một sở trường trong nhiều sở trường khác. Một trẻ em chữa máy móc giỏi cũng có giá trị không kém một cậu tú tài nắm được nhiều kiến thức. Vấn đề là làm sao mỗi học sinh phát huy được sở trường của mình, chứ không phải tạo ra chỉ một mẫu người, ai không vào được khuôn mẫu thì cho là không thành đạt. Phi đại học, chỉ còn bất đắc dĩ chấp nhận một nghề nào đó.
Hai là, nghĩ rằng chỉ có thời gian ở nhà trường mới tích lũy kiến thức, cho nên trong thời gian ấy cố gắng nhồi nhét tối đa. Quên rằng ở thời đại chúng ta, ngoài nhà trường, còn rất nhiều nguồn cung cấp kiến thức - báo, đài, sách, phim, triển lãm...
- Và bất kỳ ai, học xong ở nhà trường đều phải thường xuyên học thêm về nghề nghiệp, về những biến chuyển trong cuộc sống xã hội; chỉ cần không đọc sách báo một hai năm thì một tiến sĩ đâm ra lạc hậu. Như vậy nhà trường phổ thông không cần nhồi nhét quá nhiều kiến thức, mà phải làm sao:
- Cho học sinh giữ mãi hứng thú học tập, và biết lấy tự học là chính.
- Nắm một số kiến thức cơ bản; có hệ thống để sau này dễ dàng tiếp nhận kiến thức mới.
- Nắm được những phương pháp học tập, quan sát tra cứu, thực nghiệm, suy luận, tóm lại bước đầu của những phương pháp khoa học cơ bản.
Trên những cơ sở trên, có thể hình dung đến một cuộc cải cách sâu sắc về nội dung cũng như về chương trình và phương pháp giảng dạy và giáo dục nói chung ở trường phổ thông hiện nay. Những phương châm chủ yếu cho cuộc cải cách ấy có thể tóm lại như sau:
· Giảm nhẹ chương trình kiến thức đại trà (tức cho tất cả các học sinh) khá nhiều (có thể đến 50%) để cho giáo viên và học sinh đủ thời giờ học và dạy kỹ, hiểu rõ hơn là học nhiều mà hiểu lơ mơ, và để có thì giờ, tiến hành những hoạt động khác, thể thao, văn nghệ, quan sát điều tra tự nhiên và xã hội.
· Mở ra cho mỗi học sinh con đường tiến lên theo sở trường, có những buổi ngoại khóa, những câu lạc bộ trong đó ai giỏi môn gì cứ thế mà tiến lên; một học sinh lớp 5 có thể học toán lớp 10 hay đại học, văn giỏi, vẽ giỏi, vật lý giỏi... cũng vậy. Không buộc chui vào một khuôn, đi vào con đường độc đạo, và mở ra nhiều con đường.
· Tạo ra nhiều phương tiện tự học, nhất là sách báo tham khảo, trong lúc sách giáo khoa đại trà không cần nặng nề quá.
· Nhà trường mở cửa rộng, giao dịch trao đổi, kết nghĩa với các cơ quan, xí nghiệp, kể cả đơn vị dịch vụ để cho học sinh tham quan; học tập lao động; để kết hợp sản xuất (có thu hoạch), được giúp đỡ về vật chất, về người giảng dạy, biểu diễn nghệ thuật.
· Linh hoạt về tổ chức, có nhiều hệ, nhiều lớp và chương trình khác nhau, với thời biểu linh động để phù hợp với rất nhiều đối tượng. Như không nhất thiết phải học một trường nào vẫn được thi vào đại học, hay thi tốt nghiệp phổ thông, không nhất thiết phải thi tất cả các môn vào một lúc, mà thi theo từng môn, rải đều trong nhiều tháng, nhiều năm.
Không phải trẻ em nào cũng may mắn sống trong điều kiện thuận lợi để có thể phát triển bình thường; nhiều trẻ em không may, vì di truyền, vì bệnh tật, vì hoàn cảnh gia đình xã hội lớn lên trong những điều kiện bất thường, nên sự phát triển sinh lý và tâm lý bị nhiễu loạn. Cho đến nay, gia đình hoạc cam phận, xem con cái như là vật phế phẩm dành để sống leo lét, nhờ vả vào lòng thương hại của xã hội, hoặc nuôi những ảo vọng, phí công chạy thầy, chạy thuốc, tiền mất tật mang.
Cần biết là với những phương pháp dạy dỗ đặc biệt, những em ấy có khả năng học tập đến mức nào, tiến tới làm được một nghề nào đó, phù hợp với khả năng, không đến nỗi là gánh quá nặng cho gia đình và xã hội. Cần xây dựng một ngành chuyên trách trên cơ sở khoa học, rồi tổ chức những cơ sở chăm sóc dạy dỗ thích hợp. Đây là một ngành đòi hỏi vừa có cơ sở khoa học, vừa một tình thương, tinh thần tận tụy hết sức cao, cho nên những tổ chức nhân đạo, của thanh niên, phụ nữ hay các tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng.
Nhiều trẻ em vì không may phải sinh sống trong điều kiện không thuận lợi.
Để phòng ngừa những hậu quả không tốt, và chăm sóc dạy dỗ, trước hết cần phải xác định rõ trong mỗi trường hợp cần làm gì, đối với em này thì chữa bệnh, em khác thì chỉ cần bố mẹ hay giáo viên hiểu và thay đổi cách đối xử, đối với em khác thì phải đưa vào một cơ sở chuyên trách chăm sóc dạy dỗ lâu ngày, có em thì phải đưa đi các trường đặc biệt cải tạo bằng nhiều phương pháp. Các thành phố lớn cần có những cơ sở nghiên cứu chẩn đoán góp cho gia đình, xã hội và các cơ quan phụ trách về cách giải quyết từng trường hợp cụ thể.
(Tác giả Nguyễn Khắc Viện, Trích Tri thức trẻ, số 206 và 207 ra ngày 10 và 20-4-2007)
|