NT Foundation - TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
 
 
Lượt truy cập: 13184612
 
 
TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
 

                                                BS Nguyễn Khắc Viện

Đã qua rồi thời kỳ đấu tranh gay gắt giữa hai phe giáo điều, một bên là giáo điều Phân tâm học gồm những người cho rằng những phát kiến của Freud là chân lý tuyệt đối, một bên cho là không những sai lầm mà còn phi lý nữa gạt bỏ hoàn toàn. Trong thời gian khá dài có đến gần nửa thế kỷ những hội Phân tâm học hoạt động như những giáo phái, khai trừ những hội viên bị kết án là sai lệch và ngược lại bị một số người xem là tà đạo. Điển hình là trường hợp của Vilhem Reich vào những năm 30, một hội viên hội Phân tâm  học Đức đồng thời là Đảng viên đảng cộng sản Đức. Ông Reich đề xuất ý kiến là có thể kết hợp hai học thuyết của Marx và Freud để lý giải các vấn đề xã hội và con người. Kết quả Reich bị cả hai bên khai trừ.

          Ngày nay đại đa số học giả nghĩ rằng:

•-                           Freud đã có thiên tài phát hiện ra nhiều vấn đề mới, đề xuất một số khái niệm tâm lý giúp con người hiểu sâu về con người, và bất kỳ ai quan tâm đến con người đều phải nắm được.

•-                           Mặt khác trong lúc chuyển sang suy luận và vận dụng cho thực tiễn, Freud và các đồ đệ về sau đã có nhiều kết luận và cách làm khó chấp nhận đứng về khoa học.

Ở đây chúng ta không bàn đến những vấn đề xã hội và triết lý mà Freud đã đề cập đến mà chỉ đứng về góc độ tâm lý học. Đặc biệt những nhà tâm lý học (thường gọi là tâm thần học) là những người chuyên theo dõi lâm sàng và chăm chữa những tâm bệnh đã có những nhận định có thể nói là chặt chẽ nhất đối với phân tâm học, vì một mặt họ vận dụng một số khái niệm và phương pháp của Freud để chữa bệnh, đồng thời lại đối chiếu Phân tâm học với thực tiễn và lý luận của tâm bệnh học. Phải nói tâm bệnh học, nhất là của người lớn có hai đặc điểm.

•-                           Một là bắt nguồn từ Y học, vận dụng những khái niệm cơ bản và phương pháp luận của Y học thực nghiệm.

•-                           Hai là thường xuyên tiếp xúc với những loạn bệnh tâm hoặc những rối loạn hành vi nghiêm trọng, chống đối, quấy phá xã hội hơn là chứng nhiễu tâm.

Trong y học bao giờ cũng phải tìm cho ra cơ sở vật chất, thương tổn gây ra bệnh chứng, nếu không thì chưa thể nói đến khoa học. Chưa tìm ra thì phải nghĩ ra đủ cách đưa vào những phát minh vật lý, hóa học để phát hiện ra cho được vết tích của bệnh chứng. Y học không phủ nhận vai trò của những yếu tố tâm lý, nhưng không chấp nhận quan điểm tâm lý thuần túy, chỉ biết đến những cơ cấu và cơ chế tâm lý, bỏ quên mất sinh lý. Freud xuất thân là một bác sĩ chuyên về thần kinh đã có những công trình về thần kinh học tiến hành đúng theo phương pháp y học và cả về lý thuyết ông cũng khẳng định sinh học là chỗ dựa quan trọng của tâm lý học, ông không cho rằng tâm lý học là một lĩnh vực độc lập với những qui luật riêng. Điều ấy đứng song song, về sau gần như bản thân ông và nhiều đồ đệ trong lúc xây dựng học thuyết không hề đặt quan hệ với sinh học.

Phương pháp y học thực nghiệm, mỗi điều suy luận là phải được chứng nghiệm, hoặc qua thống kê, hoặc qua thực nghiệm. Đề xuất khái niệm. Xây dựng học thuyết bao giờ cũng phải được bản thân và nhiều người khác kiểm tra và chứng nghiệm.

Nhiều nhà tâm bệnh học cho đây là điểm yếu nhất của Phân tâm học làm cho học thuyết này giống một triết lý siêu hình hay thuộc về văn hóa học hơn là khoa học. Đặc biệt Phân tâm học được số đông hưởng ứng, say mê tiếp nhận một cách mù quáng chính là do tính không khoa học đó.

Những đòi hỏi về tính khoa học là xác đáng, và đích thị nhiều nhà Phân tâm học đã tỏ ra là thiếu tính khoa học, những sản phẩm của họ mang nhiều tính hư cấu không thuyết phục, mặc dù nhiều khi đọc thấy thú vị. Ở đây cũng phải nói lên một vấn đề quan trọng là tính khoa học trong tâm lý cũng như những môn khoa học khác về con người, có nhất thiết phải vận dụng những phương pháp thực nghiệm như trong sinh học không? Hay tâm lý học khó mà thoát khỏi ảnh hưởng trực tiếp của triết học và văn học? Dù sao đã gọi là tâm lý học thì nhất thiết phải cố gắng vận dụng tối đa phương pháp thực nghiệm.

Thí dụ như giải đáp một câu hỏi: Trong xã hội Việt Nam có mặc cảm Ơdíp hay không? Không thể nói chung chung xã hội của ta khác với xã hội phương Tây thời Freud mà bảo là không có. Đó chỉ là một kiểu suy luận thiếu tính khoa học. Thực ra muốn trả lời câu hỏi như thế phải nhiều năm vận dụng phương pháp của Freud, quan sát theo dõi nhiều ca rồi mới kết luận được có hay không có. Cũng như không thể dùng con mắt bình thường mà kết luận có vi khuẩn này vi khuẩn kia mà không vận dụng kính hiển vi và những phương pháp cấy nuôi hay miễn dịch học rồi mới kết luận được.

Để cụ thể hóa những nhận xét khái quát nói trên, chúng tôi xin trình bày ý kiến của một nhóm tâm bệnh học người Anh qua quyển sách "Tâm bệnh học lâm sàng". (Clinical Psychiatry).

Freud đã tìm cách lý giải thoát khỏi những điểm khó khăn nhất của tất cả những ai muốn đưa tâm bệnh học vào khuôn khổ của y học cổ điển. Freud là một nhà tâm thần kinh học của thế kỷ 19 cho nên học thuyết của ông có hai tính chất:

•-                           Tính máy móc tức là muốn đi thẳng từ nguyên nhân đến kết quả với con đường nhân quả đơn tuyến một chiều.

•-                           Tính nhị nguyên đối lập Tâm và Thể.

Bệnh án gốc của Freud là một ca hystêri được chữa bằng thôi miên. Trong một buổi thôi miên bệnh nhân sống lại một sự cố từ thời bé, đã quên từ lâu, sống lại với cảm xúc sôi động và sau đó chứng bệnh đã giảm hẳn. Từ đó Freud đề xuất ra quan niệm về vô thức, khái niệm trấn áp và luận điểm cho rằng những cảm xúc bị trấn áp từ xa xưa có thể tác động đến cách đối phó những sự kiện hiện tại. Đối với thời ấy những quan điểm ấy mang tính cách mạng, là một tiến bộ lớn. Ngày nay dưới hình thức này hay hình thức khác những điều ấy được đại đa số công nhận. Trong những trường phái tâm lý, tác động qua lại giữa nhân cách của con người và môi trường xã hội. Quá trình triển khai học thuyết dẫn đến chủ nghĩa tâm lý thuần túy, bỏ qua những yếu tố thực thể và cơ địa rồi chỉ tập trung vào những chứng nhiễu tâm đặc biệt hystêri và tâm trạng lo hãi. Có những phát hiện quả là thiên tài, nhưng tự biện không có gì kìm hãm, kiểm nghiệm. Lúc đầu Freud còn tìm cách lấy lâm sàng làm cơ sở cho học thuyết nhưng về sau không hề thấy ông lo việc chứng nghiệm ấy nữa. Kết quả cuối cùng là một hệ thống lý luận phức tạp, hầu như không liên quan gì đến sinh lý và thần kinh học, và cũng ít liên quan đến những dự kiến lâm sàng ban đầu. Có những đồ đệ có óc biệt phái đòi hỏi học thuyết phải được chấp nhận toàn bộ hoặc phủ nhận, không thể cải biên một tí nào! Một thái độ chính thống cứng nhắc như vậy không phù hợp với khoa học. Phân tâm học đã xâm nhập rộng rãi, trong dư luận làm cho những người không chuyên môn viết về các đề tài này thường đồng nhất. Phân tâm học với tâm bệnh học. Các trường phái ở Mỹ đã hào hứng nắm lấy và xem như có nhiệm vụ xuất trở lại cho châu Âu mà họ xem như là lạc hậu. Trái lại ở châu Âu, sau cao trào của những năm sau đại chiến thứ nhất, thời mà từ ngữ văn học của giới tri thức châu Âu đầy rẫy Phân tâm học, thì nay phổ biến dưới hình thức thô sơ dầu vấp phải sự phản bác mạnh mẽ của nhiều học giả.

Như Gruhle phê phán cơ sở lý giải của Phân tâm học, vì trong nhiều trường hợp không chứng minh được đúng sai chỗ nào. Ông xem học thuyết ấy như một kiểu chơi hấp dẫn gần với văn thơ, huyền thoại, phương thuật, không thể xếp vào khoa học được. Điều ấy càng rõ trong học thuyết của Jung hoàn toàn thờ ơ với tính khoa học và quan tâm nhiều hơn đến những mê tín của Á đông. Ông cho rằng bề ngoài duy lý của học thuyết Freud khoát cái áo khoa học, có lẽ là phương pháp chữa bệnh bằng niềm tin hữu hiệu nhất ngày nay. Gruhle căn dặn chớ vội vàng kết luận từ những kết quả chữa bệnh, vì kết quả ấy có thể đạt được với những cách làm và tín ngưỡng khác nhau. Jaspers cũng không thể tìm ra một tiêu chuẩn nào để phân định đúng sai trong cách biện giải thao thao của phân tâm học, trong đó điều gì cũng có thể đưa ra để nói ngược lại. Đôi khi Freud xem bệnh tật như một tội lỗi, đó là thái độ phản y học, trái với đạo lý ngành Y. Trong một vài tác phẩm ông thấy rõ xu hướng cuồng tín, nắm lấy cách chăm chữa để áp đặt quyền hành lên tâm trí người khác. Jespers phản đối mạnh mẽ tính hẹp hòi của các Hội và Trường phái phân tâm học đòi hỏi người nào muốn hành nghề phải qua một quá trình được một ông thầy phân tích cặn kẽ. Đấy là một kiểu hy sinh tự do tư tưởng, giống như cách tu luyện của đạo giáo. Jaspers nghĩ rằng như vậy khó mà phù hợp trong không khí tự do của văn hóa phương tây.

Ngay trong các đồ đệ cũng có nhiều người đòi hỏi thái độ khoa học hơn, tránh kiểu tự biện không có chứng nghiệm, vượt qua chính thống.

Trên đây là những phê phán. Vì Freud và đồ đệ đề xuất nhiều quan điểm mới quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, chúng ta cần phân tích kỹ hơn những luận điểm quan trọng nhất.

Học thuyết Freud cơ bản dựa trên khái niệm vô thức. Điều này chúng tỏ không chỉ trong những trường hợp bệnh lý mà trong cả rất nhiều lĩnh vực tâm lý bình thường, kể cả những hành vi cao cấp như sáng tác nghệ thuật. Freud phân biệt hữu thức và vô thức, tiềm thức. Những gì trong tiềm thức nếu tập trung chú ý có thể biến thành hữu thức, còn khó làm như vậy với những điều vô thức, vì ở đây hình như có sức mạnh ngăn cản, trấn áp cảm nghĩ không chuyển sang hữu thức được. Điều này không rõ ràng, phân biệt giữa tiềm thức và vô thức khó mà xác định, giả thuyết về một sức mạnh một cái lực trấn áp không có cơ sở. Theo Freud mọi hoạt động tâm trí đều bắt đầu trong vô thức và tùy theo tương quan lực lượng giữa những lực thôi thúc và ngăn cản mà xuất hiện. Kiểu suy luận cộng trừ như vậy khó mà chấp nhận, nhất là khi nói đến những hiện tượng vô thức. Freud dùng hình tượng những cảm nghĩ vô thức rảo quanh ngoài cửa, tìm cách lọt vào vòng hữu thức. Nhưng người gác cửa chỉ cho lọt vào những gì không có vẻ nguy hại. Những gì không thể chấp nhận buộc phải ngụy trang, thay đổi hình dạng, hoặc thừa lúc ông gác cửa lơ là hoặc ngủ quên; đó là những giấc mộng, hoặc bất lực như trong các trường hợp bệnh lý. Phân tâm học thường dùng nhiều hình tượng như vậy, rồi xây dựng học thuyết ngày càng phức tạp hoặc lắt léo, ngày càng xa vời những khái niệm cơ bản của tâm lý học và thần kinh học. Cái tôi, cái siêu tôi, ông gác cửa, được mô tả như là diễn viên trong vở kịch chứ không phải như những chức năng hay quá trình.

Vô thức được quan niệm như một bộ phận có vị trí không gian. Kể ra cũng có thể lấy tương ứng với quan điểm sinh lý về sự thống hợp của các chức năng thần kinh từ tủy sống đến đồi thị, và hữu thức là do hoạt động của vỏ não. Quan điểm của Phân tâm học cho răng có thể với những biện pháp nhất định tạo ra những mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động của vỏ não và của vùng dưới vỏ. Đó là một giả thuyết lý giải được hiện tượng vô thức trở thành hữu thức, có thể chấp nhận nhưng cần được chứng nghiệm.

Phần quan trọng trong học thuyết Freud nói về hình thức ngụy trang và tượng trưng thông qua đó những cảm nghĩ vô thức biểu hiện ra ngoài. Chính những cảm nghĩ vô thức là phần quan trọng nhất với xung lực mạnh nhất trong tâm trí con người và hoạt động của vô thức diễn biến theo những luật khác hẳn với hữu thức. Đó là đóng góp quan trọng nhất, lâu dài nhất của Freud cho tâm lý học. Sau Freud không thể tìm lý giải con người với những hiện tượng bên ngoài và những cách biện giải hợp lý. Không thể còn ai chối cãi được là con người thường bị những động cơ bản thân không nhận thức được thôi thúc, dẫn đến những hành vi phá hoại những gì mà  con người cho là có giá trị nhất. Không thể chối cãi được là muốn đánh giá nhân cách một con người thì nên phân tích kỹ hành vi, hơn là dựa vào cách người ấy tự đánh giá một cách có ý thức. Song để chấp nhận quan điểm ấy, không phải là chấp nhận toàn bộ những huyền thoại của Phân tâm học.

Về bản năng, Freud cho rằng là xuất phát từ những kích thích bên trong. Cuối cùng Freud chấp nhận có hai loại bản năng: Tính dục và bản năng chết,một bên dẫn đến những hành vi giúp cho cá nhân hoặc chủng loại tồn tại, một bên dẫn đến phá hoại bản thân. Đáng chú ý là cách đặt ra hai vế đối lập và qua đó dễ dàng lý giải bất kỳ hiện tượng nào không khác gì cách suy nghĩ siêu hình ngày xưa như đối lập cái thiện cái ác. Đây là một khái niệm phi sinh học, nhưng kết quả nghiên cứu của nhiều nhà nhân chủng học cho thấy không thể lý giải chiến tranh với một bản năng chết. Sinh học với quan điểm tiến hóa cho thấy các bản năng khác nhau từ chủng loại này sang chủng loại khác; và thông thường là để đáp ứng một nhu cầu sinh sống, nhưng cũng có lúc tồn tại, lúc không còn phù hợp nữa. Không thể tách rời bản năng bảo tồn với bản năng phá hoại. Dựa vào một ý kiến phân biệt hai bản năng chung chung như vậy không giúp ích gì trong việc lý giải mọi hành vi phức tạp của con người.

Một phần quan trọng của học thuyết nói về sự phát triển tính dục thời tấm bé đến tuổi trưởng thành với tất cả những sai lệch, hẫng hụt phải trải qua. Freud đi ngược hẳn quan niệm truyền thống khi ông khẳng định tính dục xuất hiện ngay lúc mới sinh ra, và từ đầu không liên quan gì với chức năng sinh dục. Tính dục ở đây có những khoái cảm xuất phát từ  một số bộ phận của cơ thể  gọi là những bộ phận kích dục căn nguyên của những nhiễu chứng ở người lớn phải tìm trong những sự thoái lùi về những giai đoạn phát triển tính dục trong thời thơ ấu. Có nhất thiết khoái cảm xuất phát từ miệng thuộc về tính dục không? Tại sao khoái cảm ăn uống đáp ứng nhu cầu sinh sống lại nhất thiết thuộc về tính dục? Thật là khiên cưỡng khi cho rằng cảm giác dễ chịu sau khi đại tiểu tiện, cảm giác từ hoạt động cơ bắp, trò chơi ở trẻ em và mọi hoạt động văn hóa khác đều phụ thuộc vào tính dục.

Những gì Freud nói về mặc cảm Oedip ngày nay còn đứng vững. Đối tượng ham muốn của trẻ em đầu tiên là vú mẹ, dù cho sự ham muốn ấy là thuộc về bản năng tính dục hay bản năng ăn uống. Do vậy trẻ em yêu mẹ và người mẹ cung cấp cho em bé mọi sự thỏa mãn. Còn cho rằng sự phát triển tình cảm của trẻ em rất khác nhau khi được bú mẹ hay uống sữa, khi được một hay nhiều người chăm sóc sẽ rất khác nhau là một khẳng định chưa được chứng nghiệm chính xác.

Vai trò của người bố chỉ xuất hiện về sau. Đặc biệt đối với con trai bố xuất hiện như là một đối thủ tranh dành tình yêu của người mẹ. Phân tâm học cho rằng những mối quan hệ tình cảm trong nội bộ gia đình là cội nguồn của sự yêu ghét, ganh tỵ, hằn thù của con người về sau. Từ đó giải thích những chứng nhiễu tâm khác nhau, với những khái niệm ngụy trang và tượng trưng của những quan hệ tình cảm thời bé. Hẳn rằng những mối quan hệ đó cho đến Freud chưa được nghiên cứu và người ta không thấy hết là bị những bản năng tình cảm thô lậu chi phối, chứ không chỉ có tình yêu sáng sủa chi phối. Nhưng không chỉ vì vậy mà khuếch đại tác động của quan hệ tình cảm thời bé đến cuộc sống vào tuổi trưởng thành. Những mối quan hệ ấy diễn ra dưới nhiều hình dạng từ gia đình này sang gia đình khác, từ xã hội này sang xã hội khác, mà không thấy ảnh hưởng sâu sắc lâu dài đến tình cảm người lớn.

Freud không đả động đến những bẩm chất tác động tâm lý của trẻ em, cũng không nói đến sự thành thục dần dần của hệ thần kinh làm cho trẻ em rất khác với người lớn và không thể quan niệm như Freud là cơ chế tâm lý đều giống nhau ở người lớn và trẻ em.

Việc Freud phân biệt cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi mặc dù mang tính vật thể hóa, tức biến những quá trình chức năng thành vật thể , vẫn có phần đúng là những phát hiện đáng kể. Rõ ràng là nhiều hành vi, mục tiêu, những nét tính tình thường do những yếu tố vô thức chi phối, kể cả những cấm đoán mà mỗi người đặt ra cho mình. Nhưng không thể xem đấy là toàn bộ tâm lý con người, và học thuyết Freud nếu đi quá xa sẽ dẫn đến sùng bái tính phi lý. Lý trí luôn luôn vẫn giữ vai trò giúp cho nhận thức thực tế và tác động đến hành vi.

Kể ra chức năng của cái siêu tôi cũng có thể quan niệm theo thuyết của Pavlov như một loại phản xạ có điều kiện, trong đó những phản xạ sinh ra vào thời sớm nhất và sâu sắc nhất thì bị dìm vào vô thức. Điều kiện xã hội khá phức tạp không lạ gì sinh ra mâu thuẫn giữa những phản xạ có điều kiện và những nhu cầu bản năng, giữa những phản xạ ấy với những đòi hỏi của lý trí.

Khi Freud lý giải những bệnh chứng nhiễu tâm như là xung đột giữa cái ấy và cái tôi, và loạn tâm thức như khi cái tôi bị cái ấy trấn áp, Thực ra chỉ là cách giải quyết thuần túy bằng ngôn ngữ không có cơ sở thực nghiệm nào cả.

Khó mà chấp nhận thuyết Freud trong toàn bộ của nó vì mang tính duy tâm lý và duy tính dục, tức là giải thích mọi sự việc bằng tâm lý và tính dục. Toàn bộ sự phát triển tâm lý chỉ gắn liền với kinh nghiệm thời bé, không đếm xỉa gì đến những sự khác biệt giữa các cá nhân về di truyền và trong lĩnh vực tâm bệnh học không kể đến những yếu tố thực thể. Học thuyết được xây dựng trên cơ sở lâm sàng với những bệnh nhân hystêri cho nên khi vận dụng vào những chứng bệnh ngoài hystêri thì các lý giải thường là khiên cưỡng. Về phương pháp luận hễ thấy điều gì có khả năng chấp nhận là đã thỏa mãn và không hề tìm cách chứng nghiệm, phản bác. Một luận điểm chưa được chứng nghiệm thì đã đề ra một luận điểm mới. Lý luận không dùng để dự đoán sự việc mà chỉ để giải thích những gì quan sát được.

Khó mà thấy được học thuyết này tự nó trở thành một bộ phận quan trọng của khoa học, hay là còn phải trải qua một sự định hướng mới khác cơ bản là biết tự phê bình và có óc nghi vấn khoa học. Nếu không thì giống như những tín điều tôn giáo hơn là một hệ thống khoa học, trong đó từng khâu một được chứng nghiệm kỹ càng. Chính vì thiếu tính khoa học đó mà trở thành hấp dẫn đối với những nhà tâm lý học nghiệp dư, nhà văn, nhà báo, mà không tranh thủ được những thầy thuốc chuyên thần kinh học hay tâm bệnh học đã có một kinh nghiệm lâm sàng phong phú.

Các tác giả phê phán Freud về việc lạm dụng những từ ngữ nói về tính dục của người lớn vào tâm lý học trẻ em. Như tính trẻ em nhiều khi hành hạ súc vật, phá phách đồ đạc thì gọi là ác dâm (sadisme). Trẻ em chơi với một vài bộ phận trong cơ thể  thì gọi là ái kỷ (narcissisme). Lúc trẻ em tự hào khoe cái chim của mình thì gọi là chứng phô bày (exhibitionisme) tất cả những từ ngữ ấy ở người lớn đều mang tính bệnh lý. Hẳn rằng đấy là một phát hiện quan trọng và Freud đã dùng cảm xúc xé toạc cái màn đạo đức giả của xã hội, nhưng sai lầm khi đồng nhất tâm lý trẻ em và người lớn.

Dù sao không thể xem nhẹ công lao của Freud. Trong một lĩnh vực trước kia không hề ai biết gì. Freud đã mang lại ánh sáng, óc hiện thực và một kỹ thuật thăm dò tác động có hiệu lực. Tâm bệnh học không thể có một tiến bộ nếu không có Freud. Nhưng cũng khó mà hy vọng những đồ đệ phát huy được những điều cơ bản. Tâm lý học được vận dụng trong phương pháp trị liệu nhóm, nhưng không thể thu hẹp trị liệu này trong khuôn khổ Phân tâm học. Còn vận dụng để lý giải những chứng bệnh tâm thể thì điều này đã bị nhiều người phản bác. Những trang phê phán Freud trình bày ở trên kia được viết chung với sự phê phán một số học thuyết khác. Các tác giả quyển Clinical Psychiatry chủ trương dùng một phương pháp tiếp cận nhiều mặt, không chấp nhận độc quyền của bất kỳ học thuyết nào. Họ cho rằng mọi học thuyết có phần đúng khi nêu lên một mặt hay một khía cạnh nào đó, còn bao giờ cũng sai khi có tham vọng lý giải toàn bộ cuộc sống của con người.

Chúng ta trình bày một cách khái quát học thuyết Freud từ những khái niệm cơ bản ban đầu đến những bước phát triển về sau, nhất là tâm lý trẻ em. Chúng ta cũng đã nêu lên những điểm phê phán chủ yếu của một số học giả. Theo chúng tôi tổng hợp lại có thể nhận xét như sau:

•-                           Freud là một con người vĩ đại đã phát hiện ra nhiều điểm quan trọng giúp cho hiểu biết sâu sắc về con người, đặc biệt là tâm lý. Ngày nay không thể không biết đến những khái niệm và quan điểm chủ yếu của Phân tâm học. Nhất là về quá trình phát triển tình cảm và nhân cách của trẻ em thì không có học thuyết nào đưa ra được một hệ thống khái niệm, hoàn chỉnh như Phân tâm học.

•-                           Freud cũng đề ra một phương pháp phân tích đồng thời trị liệu tâm lý, đặc biệt trong những chứng nhiễu tâm mà ít hay nhiều trường phái nào cũng đều vận dụng.

•-                           Chúng ta không bàn đến những điểm mà Freud đã nêu ra ngoài lĩnh vực tâm lý học. Điểm mà nhiều người tập trung phê phán Freud và đồ đệ là xa rời khoa học thực nghiệm. Ta không bàn đến xu hướng giáo điều của những tác giả thiếu nghiêm túc, cái gì cũng giải thích được với một số khái niệm cơ bản chỉ cần sắp xếp lại theo một kiểu suy luận siêu hình, không cần chứng nghiệm.

•-                           Freud và những đồ đệ nhiều lúc cũng nhấn mạnh về sự cần thiết cải biên lý luận mỗi khi gặp những sự kiện không ăn khớp với những quan niệm đã nêu ra. Những tư duy của Freud thường vận động theo kiểu trực giác phát hiện, từ một sự kiện nào đó bỗng lúc nào đó nảy lên một số khái niệm và quan trọng giúp cho lý giải những quá trình phức tạp. Đáng lẽ sau mỗi lần như vậy cần kiểm nghiệm kỹ lưỡng và đợi cho nhiều người khác cùng kiểm nghiệm rồi mới chuyển qua những khái niệm mới. Tư duy suy luận siêu hình lấn áp tư duy thực nghiệm, một bên nhảy từ phát hiện này sang phát hiện khác, tiến tới xây dựng hệ thống hoàn chỉnh: một bên đi từng bước nhỏ, gõ từ khâu một, thận trọng nối khâu này với khâu khác, chỉ vạch ra một phương hướng đi mới, không có tham vọng xây dựng những hệ thống hoàn chỉnh.

Trong một ngành như tâm lý học đòi hỏi tiếp cận con người một cách tổng hợp theo kiểu tâm lý học thực nghiệm phân tích từng điểm, đi từng bước là ít hấp dẫn; những học giả các trường phái này cho rằng phải đành vậy, đi từng bước, phải bắt đầu với những điều đơn giản nhất, vô vị, và thường phải thú nhận, điều này chưa thể biết được. Trái lại tư duy theo kiểu phân tâm học gây cảm tưởng là đi sâu, nhằm đúng vào những gì cơ bản nhất  của con người như nắm được những chìa khóa có tính quyết định giúp cho soi sáng vào những ngõ ngách thầm kín nhất; kết hợp được hai lối tư duy không phải dễ.

Phải chăng nên quan niệm cái mà Freud gọi là Métapsychology tức là một luận thuyết tâm lý được kiến tạo trên cơ sở một số phát hiện cụ thể, với những khái niệm như là cái ấy, cái siêu tôi và những mặc cảm này khác cùng với một loại cơ chế như phóng chiếu, chuyển di... tất cả những điều ấy gộp lại thành một cái mà ngày nay gọi là một loại model (mô hình). Đây không phải là một bức ảnh trực tiếp chụp lấy sự việc, mà chỉ là một mô hình do trí tuệ con người vẽ ra để tìm hiểu và tìm cách tác động lên sự vật. Trong mọi mô hình ấy có những cơ cấu (structure) và những cơ chế (mécanisme) phức tạp tác động chằng chịt lẫn nhau, luôn luôn biến động. Không thể vận dụng ở đây kiểu tư duy máy móc đi từ một nguyên nhân thẳng tới một hậu quả, theo một đơn tuyến. Ở đây nhiều căn nguyên tác động lẫn nhau và khó mà nói bắt đầu từ đâu cũng như điều gì là chủ yếu nhất. Mà cũng không phải chỉ có một mô hình độc nhất, có thể vẽ ra nhiều mô hình khác nhau cho nên không thể nào vận dụng chỉ một học thuyết. Tâm lý học không thể thu gom lại thành những thủ thuật, chỉ cần nắm được một chỉ báo nào, như tướng mặt, chỉ tay, một vài câu hỏi đơn giản, rồi đoán được tính tình, tiến độ một con người, kể cả kết quả những test đã được chuẩn hóa cũng không cho phép kết luận. Không thể dựa trên một vài khái niệm để có những kết luận tổng quát. Nhận xét, chẩn đoán, chăm chữa, lý luận về  tâm lý học bao giờ cũng phải dựa trên sự tổng hợp, đúc kết của nhiều quan sát, thử nghiệm, theo dõi, đối chiếu, thử nghiệm. Tâm lý học khác với khoa học tự nhiên, nhưng phải được nghiên cứu chặt chẽ; không phải là văn, triết lý nhưng phải có linh động và chiều sâu của văn chương và đạo lý.

Tạm kết thúc cuộc tranh luận về Freud.

Freud đã đưa rất nhiều ý kiến trong nhiều lĩnh vực; thêm vào là nhiều ý kiến của các đồ đệ. Chắc rằng cuộc tranh luận còn chưa hết. Không còn ai bảo vệ toàn bộ học thuyết Phân tâm và hình thức nguyên thủy về trị liệu, nhưng cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết ấy đến tư tưởng chung của thời đại đặc biệt về tâm lý học, tâm lý trị liệu.

Vấn đề cốt lõi là chấp nhận hay không ý của Freud cho rằng tính dục đã biểu hiện rõ nét ngay từ tấm bé, không đợi đến tuổi dậy thì và do đó trong quan hệ bố mẹ và con, sắc thái tính dục đóng một vị trí quan trọng, tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách bình thường hay bất thường.

Ở Việt nam có hay không có mặc cảm Oedipe ? "không thể chỉ tranh luận về luận điểm mà có thể trả lời câu hỏi ấy, mà phải quan sát, điều tra có hệ thống.

Xin lấy một đoạn trong "những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng kể lại thời bé gặp lại mẹ sau một thời gian xa cách khá lâu:

"Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả hơi thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng thì mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng".

Bảo rằng những cảm giác như vậy có gì bậy bạ, chắc không ai nghĩ vậy. Nhưng phủ nhận hoàn toàn với sắc thái tình dục thì có phù hợp với thực không? Nhiều tiểu thuyết nói đến cảm giác của bao nhiêu người tìm lại trong quan hệ với người yêu hơi ấm, hình ảnh của người mẹ.

Đây là đề tài tâm lý của ta nghiên cứu trong cuộc sống bình thường, cũng như trong những trường hợp bệnh lý.

 

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...