NT Foundation - BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM N-T  
BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM N-T
Cô Thu Hiền Phu nhân nhà Tâm lý lâm sàng Nguyễn Minh Đức tặng hoa cho bà Nguyễn Thị Nhất Giám đốc Trung tâm N-T
 

BÁO CÁO TỔNG KẾT 20 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM N-T (1989 - 2009)

 

Kính thưa các vị khách quý!

Thưa các bạn đồng nghiệp thân mến!

Trước hết, xin cho phép chúng tôi được nói lên niềm xúc động được đón chào quý vị, và xin chân thành cảm ơn quý vị đã quan tâm bỏ chút thì giờ quý báu đến với chúng tôi hôm nay, ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em Việt Nam (N - T) Nguyễn Khắc Viện, cũng là sắp đến ngày giỗ lần thứ 12 (ngày 10-5-2009) của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người đã đề xướng ra việc thành lập Trung tâm, và được chính thức hoạt động từ ngày 22/4/1989, theo Quyết định số 488/THKH ngày 22/4/1989, của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sự có mặt của Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em Việt Nam này, từ 20 năm nay, có thể một số bạn đã có dịp biết qua, nay chúng tôi chỉ xin phép tóm lượt ngắn gọn vài dòng về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm N-T, đó là:

Tìm hiểu cơ chế hình thành hoạt động tâm lý của trẻ em Việt Nam với những vướng mắc có thể gặp phải trong các giai đoạn trưởng thành của trẻ, và tìm phương cách giúp trẻ tự điều chỉnh cùng với sự nâng đỡ của các nhà tâm lý trị liệu chuyên khoa.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đã diễn ra qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (8 năm) Từ 1989 - 1997 (Lúc Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ra đi vào cõi vĩnh hằng)

Nhiệm vụ của giai đoạn này là đặt nền móng cho hoạt động nghiên cứu tâm lý trẻ em Việt Nam về lý thuyết và thực hành tại chỗ, thông qua những việc làm cụ thể sau đây:

•1.        Nghiên cứu kết quả các công trình về tâm lý trẻ em của nước ngoài, cụ thể là của Pháp và các nước Châu Âu (Là những nước đã đi trước chúng ta rất lâu, từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai)

•2.        Xây dựng các công cụ dùng để hoạt động tâm lý, gồm có việc hình thành hệ thống thuật ngữ chuyên ngành, từ đó biên soạn Từ điển Tâm lý thuần Việt chuyên dùng cho toàn ngành và Việt Nam hoá một số trắc nghiệm đo lường tâm lý của nước ngoài về trí lực và về cảm xúc.

•3.        Xây dựng cơ sở thí điểm thực hành, khám chữa các rối loạn tâm lý của trẻ em và vị thành niên, đặt trong khuôn viên của Bệnh viện đa năng Đống Đa - Hà Nội; đối chiếu với lý thuyết, nhận dạng sự giống nhau và khác nhau về tâm lý giữa trẻ em Việt Nam với trẻ em các nước trên thế giới, trên cơ sở những nền văn hoá khác nhau.

•4.        Biên soạn tài liệu giảng dạy và trị liệu, tiến hành mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho các giáo viên tiểu học và mẫu giáo. Từ năm 1994 - 1996, mở một khoá đào tạo sau đại học trong 2 năm cho 25 cán bộ giảng dạy tâm lý ở đại học và cho các Bác sĩ tâm thần người lớn. Những học viên này sau khi mãn khoá đã trở về cơ sở địa phương để ứng dụng và phát triển ngành trị liệu tâm lý (Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà nội đến Thanh Hoá, Vinh, Huế, Thành Phố Hồ Chí Minh).

Giai đoạn 2: Từ 1997 - 2009, qua 12 năm dài không còn Người Thầy để chỉ đạo và hướng dẫn về mọi mặt, nhưng tập thể Trung tâm, cùng các đồng nghiệp tâm huyết, nhiệt tình đã luôn chung vai góp sức, cố gắng duy trì và phát triển mọi hoạt động của Trung tâm (Mặc dù vẫn tiếp tục trong tình trạng 3 không: không tiền, không nhà, không nhân sự)

Đồng thời Trung tâm đã nhận được sự ủng hộ, động viên của Đảng và Nhà nước, đặc biệt Trung tâm đã có sự ghé thăm của Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười với những lời động viên, khích lệ, duy trì và phát triển Trung tâm.

Trong thời gian này, Phòng khám Đống Đa vừa làm nhiệm vụ trị liệu cho trẻ và nâng đỡ tinh thần cho gia đình các thân chủ, đồng thời cũng là nơi thực tập tay nghề tâm lý trị liệu cho các sinh viên chuyên ngành tâm lý ở các trường Đại học trong và ngoài nước.

Đến năm 2005, do tình hình kinh tế nước nhà phát triển, áp lực công việc ngoài xã hội quá nặng nề đã làm cho thời gian cha mẹ gần gũi con trẻ quá ít. Các cháu cảm thấy cô đơn, bơ vơ ngay tại nhà mình, từ đó sinh ra nhiều rối loạn về tâm lý. Theo đó, số lượng trẻ em đến trị liệu tại phòng khám Đống Đa ngày càng đông, cơ sở chăm chữa trở nên chật hẹp không đủ điều kiện để chăm sóc tâm trí cho các cháu.

Đứng trước nhu cầu đó, Trung tâm quyết định thành lập một cơ sở chăm chữa độc lập, có tầm cỡ, nằm ngoài bệnh viện - đó là cơ sở nghiên cứu và trị liệu tâm lý trẻ em tại số nhà 17 - Ngõ 663 - Đường Trương Định - Quận Hoàng Mai, với cơ sở vật chất khá khang trang và hấp dẫn, cùng với độ ngũ cán bộ chuyên môn trẻ, nhiệt tình, được đào tạo bài bản (Hầu hết đã tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sỹ chuyên nhành tâm lý), nhờ đó đã thoả mãn được phần nào yêu cầu của đông đảo phụ huynh.

Kết quả là chỉ sau một năm thành lập, cơ sở Trương Định năm 2006 đã tiếp nhận 2 788 lượt khám chữa, và năm 2007 là 3 827 lượt khám chữa. Tổng cộng qua 20 năm thăm khám và trị liệu Trung tâm đã đón nhận 14 946 lượt khám chữa.

Về phương pháp trị liệu tâm lý, chúng tôi luôn duy trì định hướng lâm sàng của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, cụ thể là; thường xuyên yêu cầu cao đối với các nhà trị liệu chuyên khoa trong N-T; mỗi người phải thực lòng yêu thương và đồng cảm với những khó khăn tâm lý của trẻ và với tất cả những thành viên cùng sinh hoạt trong gia đình của các cháu, xem các vị này như những cộng tác viên tích cực hợp tác với N-T, thường xuyên tiếp nối kế hoạch trị liệu của N-T tại nhà, góp phần đẩy nhanh việc hoà nhập của các cháu vào cuộc sống bình thường ở mọi nơi, mọi lúc. Nhờ đó, kết quả trị liệu nhanh chóng thành công và được duy trì bền vững.

Về các loại rối nhiễu, Trung tâm đã đúc kết và tạm chia thành từng nhóm như đã trình bày trên poster, kính mời quý đại biểu cùng tham khảo và cho ý kiến.

Tóm lại, sau 20 năm nhìn lại những kết quả đạt được tuy chưa đáp ứng hết các yêu cầu của phụ huynh, nhưng về đại thể có thể kết luận rằng; Trung tâm đã góp phần xây dựng được những  nền móng đầu tiên cho chuyên ngành tâm lý trẻ em Việt Nam.

Nhân đây, tôi xin được phép nhân danh Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói lên lời cảm ơn nồng nhiệt đến tất cả các bạn và các đồng nghiệp thân yêu. Đồng thời cũng xin chân thành cảm ơn tất cả các cơ quan đã hợp tác, các Vụ, Viện, Sở, Phòng và các Bệnh viện khắp nơi đã nhiệt tình ủng hộ, động viên, góp sức với chúng tôi!

Xin trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị đại biểu!

Và xin kính chúc quý vị cùng gia đình sức khoẻ hoàn hảo và hạnh phúc!

                                            Hà Nội, ngày 22/04/2009

                        Trung tâm N-T

 
  Back to top
More...
  • "Hèn đại nhân"
  • Không có tuổi thơ
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện
  • "Chữa bệnh tâm lý không giống sửa xe máy"
  • Giới thiệu sách mới: Tâm lý lâm sàng Trẻ em Việt Nam
  • GIÓ LẠNH LÙA QUANH MÁI ẤM GIA ĐÌNH
  • TƯ DUY TÍCH CỰC
  • Thăm lại "Kỳ nhân" đất Hương Khê
  • TƯNG BỪNG LỄ KỈ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM N-T
  • Bài phát biểu của GS-TS Vũ Hy Chương
  • Bài phát biểu của Phụ huynh các cháu
  • SAO TRỜI LUNG LINH
  • Thương con quá, hóa... hại con
  • Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
  • Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện