NT Foundation - Bài phát biểu của Phụ huynh các cháu  
Bài phát biểu của Phụ huynh các cháu
Bà Đ.M.H đại diện phụ huynh cháu đang trị liệu tại Trung tâm phát biểu tại buổi lễ
 

Lời phát biểu tại lễ kỉ niệm 20 năm thành lập Trung tâm N-T của bà Đ.M.H - Đại diện phụ huynh tại Trung tâm

 

Kính thưa: Bác Nhất - Giám đốc Trung tâm N-T Cùng các nhà trị liệu tâm lý của Trung tâm N-T và các vị khách quý cùng các bậc phụ huynh!

Hôm nay, tôi vô cùng xúc động khi được đến đây, tham gia lễ kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm. Trước hết, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả các quý vị khách quý có mặt trong buổi lễ hôm nay.

Thưa các vị khách quý và các nhà Tâm lý! Tôi muốn các anh các chị ngược dòng thời gian, cùng tôi quay trở lại 6 năm trở về trước.

Đó là thời điểm tôi nhận được cùng một kết luận từ Khoa Tâm bệnh học Viện Nhi Thuỵ Điển, Khoa Tâm Bệnh trẻ em Bệnh Viện Bạch Mai, các Bác sĩ - Giảng Viên trường Đại học Y Khoa Hà Nội. Kết luận : Con trai tôi mắc một hội chứng rối nhiễu tâm lý.

Khủng hoảng, suy sụp, thương con, tôi hoàn toàn chới với, chênh vênh, mất cân bằng trong cuộc sống. Tôi không hiểu nổi rồi mình sẽ đi đến đâu khi mà đứa con trai đầu lòng của mình bị mắc hội chứng rối nhiễu tâm lý như vậy.

Cùng lúc đó, những lời ca thán về cháu từ những người thân trong họ hàng không lúc nào ngừng.

Tôi, lúc đó, đã hoàn toàn mất phương hươngs trong cuộc sống. Nhưng là một Nhà giáo, tôi sợ nhất là sự mất phương hướng trong cách dạy con. Vậy mà lúc đó, tôi đang phải đối diện với cái điều mà tôi lo sợ nhất. Bởi với tôi, con cái là sự nối dài những ước mơ của cha mẹ, là sự nối dài cuộc sống của mỗi chúng ta, là sự nối dài nề nếp, gia phong một dòng họ.

Trong lúc đó, tôi đã may mắn,thực sự là rất may mắn khi tôi được một Bác sĩ Bệnh Viện Bạch Mai chỉ dẫn cho tôi đến với Trung tâm.

Bây giờ tôi vẫn tự hỏi: Nếu không có Trung tâm tôi sẽ ra sao để vượt qua được những dằn vặt của một người mẹ luôn bị ám ảnh rằng tại mình mà con mắc hội chứng này.

Bây giờ tôi vẫn tự hỏi: " Nếu không có Trung tâm thì tôi sẽ như thế nào trong hành trình vô cùng gian nan của một người mẹ: Hành trình dạy con thành người tốt, thành người có được những nhận thức về chuẩn mực đạo đức của con người trong khi thế giới bình thường của chúng ta lại đang là một hành tinh xa lạ đối với cháu; trong khi cháu đang xây dựng trong tâm hồn cháu một thế giới khác, hoàn toàn xa lại với chúng ta. Và nếu không có Trung tâm thì không biết gia đình tôi có bình yên được như ngày hôm nay không - Tôi cũng không biết nữa?"

Thực tế là 6 năm qua Trung tâm đã bên tôi, đã cho tôi một điểm tựa: điểm tựa của một bệnh nhân đã tìm được một thầy thuốc giỏi; điểm tựa của một kẻ lạc đường đã tìm được con đường cần lựa chọn; điểm tựa của một người mẹ đã tìm được một phương pháp yêu con đúng đắn nhất.

Thực tế là trong 6 năm qua, Trung tâm đã cho tôi một niềm tin: Niềm tin vào khoa học tâm lý; niềm tin vào tình yêu thương các bé bị bất hạnh; niềm tin vào một Trung tâm luôn đặt niềm vui, sự hạnh phúc và mỗi tiến bộ của các cháu lên hàng đầu.

Thực tế là trong 6 năm qua, Trung tâm đã mang lại cho tôi hy vọng và nghị lực. Con tôi đã tiến bộ. Có thể sự tiến bộ đó phải tính theo tháng, theo năm, những cũng là sự tiến bộ hướng về phía cái tốt, cái thiện. Vì vậy, tôi đã hy vọng. Hy vọng cứ nhân lên trong tôi khi tôi dõi theo những hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức mà con tôi đã nắm bắt được nhờ sự dẫn dắt của Trung tâm.

Và nghị lực trong tôi đã lớn lên theo thời gian. Bởi Trung tâm đã cho tôi hiểu rằng những trẻ bị rối nhiễu tâm lý luôn cần một sự trợ giúp đúng cách của cha mẹ. Nói một cách khác, bố mẹ của trẻ phải luôn là người "giải mã" được những thông điệp cuộc sống mà không phải mọi người trong cộng đồng ai cũng hiểu và ai cũng cảm thông.

Đến lúc này, tuy vẫn còn quá nhiều việc phải làm đối với cháu, nhưng tôi đã có được sự bình tĩnh, có được phương pháp để giải quyết vấn đề, bởi bên tôi, tôi luôn có Trung tâm để tư vấn, để giải thích và giải toả.

Tuy con đường hướng cháu đến với những điều hay lẽ phải của những phụ huynh như tôi còn rất lắm chông gau; tuy trước mắt, với những hạn chế rất lớn ở nhận thứ của người Việt Nam về tâm lý học; tuy nền giáo dục nước nhà còn quá nhiều bất cập, không dễ để những trẻ như con tôi hoà nhập được một cách bình đẳng với các bạn đồng trang lứa, tôi vẫn luôn tin rằng Trung tâm sẽ luôn bên tôi, cùng tôi vượt qua những khó khăn để đưa cháu thành người có ích.

Lúc này đây, tôi đã có thể tự hào về con tôi. Con tôi là người thứ hai sinh ra tôi; con tôi là người hoàn thiện tôi về phẩm chất của một người mẹ; con tôi dạy tôi hiểu rằng tôi phải là một người mẹ khác những người mẹ khác. Nói tóm lại, con trai tôi đã cho tôi hiểu thế nào là bản lĩnh làm mẹ trong tôi - điều mà những người mẹ có những đứa con bình thường không thể nào tìm được, không thể nào biết được mình có được bản lĩnh đó hay không? Niềm tự hào đó cũng là nhờ những nhận thức đúng đắn mà Trung tâm đã xác lập cho tôi trong suốt 6 năm tôi đưa cháu tới Trung tâm trị liệu.

Cuối cùng, một lần nữa cho tôi nói lời cảm tạ tới tất cả Ban lãnh đạo Trung tâm, cảm tạ tới các nhà trị liệu tâm lý; lời cảm tạ từ tấm lòng của một người mẹ được bước ra từ khổ sở, bất hạnh để đến được với một con đường có ánh sáng, có lối thoát và có cả niềm vui và hạnh phúc.

Tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách quý và toàn thể các bạn đã lắng nghe lời tâm sự của tôi. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn!

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • "Hèn đại nhân"
  • Không có tuổi thơ
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện
  • "Chữa bệnh tâm lý không giống sửa xe máy"
  • Giới thiệu sách mới: Tâm lý lâm sàng Trẻ em Việt Nam
  • GIÓ LẠNH LÙA QUANH MÁI ẤM GIA ĐÌNH
  • TƯ DUY TÍCH CỰC
  • Thăm lại "Kỳ nhân" đất Hương Khê
  • TƯNG BỪNG LỄ KỈ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM N-T
  • Bài phát biểu của GS-TS Vũ Hy Chương
  • BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM N-T
  • SAO TRỜI LUNG LINH
  • Thương con quá, hóa... hại con
  • Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
  • Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện
  • [ Quay lại ]