TRỞ THÀNH ÁC THÚ VÌ GAME ONLINE |
Là căn nguyên của nhiều vụ án xảy ra trong thời gian gần đây, game online (GO) đang trở thành nỗi bức xúc đầy ám ảnh đối với dư luận xã hội. Chỉ tính riêng năm 2008, đã xảy ra những vụ án "kinh thiên động địa" mà có lẽ từ trước tới nay thuộc hàng hiếm trong "lịch sử", các vụ án như con giết mẹ, anh giết em,...vì GO. Phải chăng do nội dung của các trò chơi trực tuyến hiện đang lưu hành ở nước ta quá bạo lực nên đã tác động không nhỏ tới suy nghĩ, hành động của game thủ để rồi dẫn đến những hệ luỵ khôn lường về mặt xã hội? •· TỪ NHỮNG TRẬN THƯ HÙNG TRONG GO... Hiện nay theo thống kê của ngành thông tin - Truyền thông có khoảng 20 trò chơi trực tuyến đang thịnh hành ở nước ta. Những GO này chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và do các công ty nội địa như Vinagame, FPT, Công ty cổ phần học tập và giải trí trực tuyến VDC - Net2E, Intecom....phát hành. Điểm lại trong số những trò chơi trực tuyến nói trên, chỉ trừ Audition, còn lại hầu hết các GO đều mang nội dung đối kháng hay nói cách khác là bạo lực. Chỉ nghe tên các trò chơi đó đã toát lên đầy đủ nội dung bạo lực của nó như: "Đột kích", "Cao bồi không gian", "Võ lâm truyền kỳ", "Cửu long tranh bá", "Thiên long bát bộ", "Biệt đội thần tốc", và "Thuận thiên kiếm"...Nói chung, nói đến GO người ta hình dung ngay đến đặc trưng nổi bật đã được "đóng đinh vào đầu" là tính "chiến đấu". Ở đây, tính "chiến đấu" không phải bao hàm nghĩa bóng mà thực sự theo nghĩa đen ở các GO. Bởi vậy mà các trò chơi trực tuyến, gần như đều "tuân thủ" tuyệt đối theo một nguyên tắc chơi: game thủ buộc phải "nhập vai" một nhân vật hoặc là giang hồ kiếm khách hoặc là anh hùng gươm đao để đi "giết quái vật, công thành, diệt đạo tặc". Chẳng hạn, trong "Cửu long tranh bá", những cuộc tranh bá được phân chia làm ba loại: Tranh bá giữa các môn phái, tranh bá giữa các giáo phái và tranh bá giữa các trang viên. Quan hệ giữa các phái, những xung đột hằn thù truyền đời giữa các bang hội đều được dựa trên các giai thoại võ lâm được nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết võ hiệp. Những trận thư hùng tranh bá liên tục xảy ra khiến cho giới giang hồ luôn dạy sóng và là mục đích của những ai đã dấn thân vào chốn giang hồ. Hay trong con đường tơ lụa, game thủ có thể nhập vai thành thương nhân giàu có (trader), Bảo tiêu (hunter) đại diện cho công lý hay đạo tặc khét tiếng (Thief) để chiến đấu với nhau hết ngày này sang ngày khác nhằm dành được những "chiến lợi phẩm" trên con đường tơ lụa...Không chỉ dừng lại ở những vũ khí truyền thống, thô sơ mà đầu năm 2008, 3 game bắn súng đầy bạo lực cũng đã được tung ra thi trường khiến ngay cả những người chơi cũng hoang mang vì tính bạo lực của nó. Ba game này gồm: "Biệt đội thần tốc", "Đặc nhiệm anh hùng", và "Đột kích". Tuy khác nhau về cách chơi nhưng cả 3 game nói trên đều chung một mục đích: bắn và giết. Và bắn được càng nhiều, triệt hạ được càng nhiều game thủ càng "thăng cấp" nhanh, càng có nhiều "tiền" để trang bị những loại súng tối tân hơn...Song những trò bắn và giết đó cũng tác động vô cùng lớn tới một số người chơi để rồi dẫn đến những suy nghĩ, hành động thực tế như trong game. *ĐẾN NHỮNG TỘI ÁC NGOÀI ĐỜI GO là một thế giới ảo, không luật pháp, tôn ti trật tự....con người hành động hoàn toàn theo bản năng, suy nghĩ tự tại mà không có sự kiểm soát, giới hạn của bất kỳ ai. Khi tham gia trong thế giới đó, chắc chắn các game thủ ít nhiều cũng ảnh hưởng tính cách như vậy từ trong game. Và khi đã có đặc tính ấy từ game, với những hành động thực tế ở ngoài đời, người ta cũng dễ dàng bị chi phối. Đã xảy ra cách đây khoảng 8 tháng nhưng đến bây giờ nhắc lại có lẽ vẫn không ít người "sởn gai ốc" trước cảnh 2 cậu bé tuổi còn cắp sách tới trường thế mà đã hành động dã man chẳng khác gì những game thủ mà hai cậu bé "nghiền" chơi. Có thể nói GO đã biến hai cậu bé ấy từ những học sinh trong sáng, đầy ước mơ, hoài bão thành các "ác thủ" dã tâm. Phan Đình Cử và Nguyễn Văn Trọng là 2 học sinh lớp 8 ở Thị Trấn Thường Tín. Học cùng lớp, gần nhà nhau nhưng có lẽ sợi dây vô hình buộc Trọng và Cử thân nhau là sở thích chung: GO đặc biệt là "Thiên long bát bộ". Cả hai đều là "đệ tử" trung thành của bang chủ "kiều phong", một nhân vật giết người không ghê tay trong game online. Mặc dù được giám sát rất chặt chẽ và nghiêm khắc của gia đình nhưng hàng ngày Trọng và Cử vẫn "vượt rào" để đi "luyện công" tại các quán internet. Cứ vào giờ nghỉ của buổi học hoặc vào thời gian mà bố mẹ chưa đi làm về, Cử và Trọng lại lén lút rủ nhau đi "tỉ thí" trong Thiên long bát bộ. Sau nhiều ngày "luyện công", Cử say sưa với một vũ khí (tài sản ảo) trong GO này mà mong ước sở hữu nó. Tuy nhiên. để làm chủ được vũ khí đó, Cử phải có 30 triệu đồng để mua nó. Là học sinh, gia đình lại chẳng khá giả gì vì bố mẹ là công chức nhà nước, "đào" ra số tiền ấy đối với Cử quả là một khó khăn. Đang loay hoay với cách kiếm tiền như thế nào thì tình cờ nhìn thấy cô Phượng ở cùng Tiểu khu Nguyễn Du, đồng thời là cô họ của Cử cất tiền vào trong két sắt, Cử nảy sinh ý nghĩ lấy trộm tiền của nhà cô Phượng để mua vũ khí trong "Thiên long bát bộ". Cử đã vạch ra kế hoạch mà có lẽ chỉ một đứa trẻ ham GO và chịu ảnh hưởng nặng nề từ "bang chủ Kiều Phong" như Cử mới có thể nghĩ ra và dám hành động như vậy. Cử bàn với Trọng mua một gói thuốc chuột 5.000 đồng về đầu độc cả nhà cô Phượng rồi đợi đến khi mọi người "ngấm" thuốc, sẽ vào nhà lấy trộm tiền mua vũ khí và chia nhau chơi game. Về sau, kế hoạch này phải thay đổi, do Cử và Trọng nhận biết, nếu giết chết cả nhà thì tiền trong két sắt làm sao lấy được do không biết mã khoá. Do vậy, chỉ còn cách bắt cóc và giết chết cháu Tuấn Anh, con của cô Phượng sau đó đòi tiền chuộc. Như vậy chắc ăn hơn. "Kịch bản" được Cử chi tiết hoá: Cử sẽ hoà tan một gói thuốc chuột vào nước. Sau đó lấy nước này bơm bằng xa-lanh vào một hộp sữa "Cô gái Hà Lan" mà Cử mua sẵn. Hộp sữa ấy, Trọng sẽ là người mang theo khi đến đón cháu Tuấn Anh ở trường Mẫu Giáo Hoa Sen và cho Tuấn Anh uống. Vì không ở cùng trong Tiểu Khu Nguyễn Du như Cử nên thực hiện việc này, Trọng sẽ không bị phát hiện. Khi đã hoàn tất việc "hạ độc" cháu Tuấn Anh, Cử và Trọng sẽ viết thư tống tiền cô Phượng với nội dung đại ý: thông báo cháu Tuấn Anh đã bị bắt cóc. Gia đình không được báo Công an. Hẹn 21 giờ 30 phút ngày 15/5, gia đình lấy 30 triệu đồng cho vào một túi đen, bỏ vào thùng rác trước cửa nhà rồi tắt đèn đi ngủ. Hôm sau cháu Tuấn Anh sẽ về nhà. Nếu không thực hiện theo đúng yêu cầu, cứ chậm một ngày, cháu Tuấn Anh sẽ bị chặt đứt một ngón tay. Đúng như dự định, khoảng 11giờ 30 phút ngày 13/5 Cử đèo Trọng bằng xe đạp mang theo hộp sữa đã pha sẵn thuốc chuột, chiếc bao tải và nửa gói thuốc chuột còn lại đến trường Hoa Sen đón Tuấn Anh. Trong vai cháu cô Phượng mới từ quê lên, Trọng đã dễ dàng qua mắt các cô giáo của cháu Tuấn Anh và đón được Tuấn Anh. Tuy nhiên, khi cho Tuấn Anh uống sữa pha thuốc chuột, Cử và Trọng đã phát hiện ra thuốc chuột rởm vì đã uống hết hộp sữa mà không có "hiệu ứng"gì. Vậy là Cử và Trọng đã đưa Tuấn Anh ra khu vực bãi rác, phía sau trường Cao Đẳng sư phạm sát hại rồi bỏ xác cháu vào khu nhà vệ sinh bỏ hoang. Thực hiện xong hành vi mất nhân tính đó, Cử và Trọng thản nhiên về chơi điện tử, đợi đến chiều tối mang thư tống tiền lén bỏ vào nhà bố mẹ cháu Tuấn Anh. Hiện nay, Cử đã bị khởi tố về tội giết người tống tiền. Còn Trọng do chưa đầy 14 tuổi nên được chuyển vào trường giáo dưỡng. Trong vụ án này quả là GO đã trở thành nguyên nhân gây nên tội ác và dẫn các game thủ vào vòng lao lý. Một vụ án khác ỏ Nghệ An xảy ra cũng đã khiến đau lòng các bậ phụ huynh và tạo ra làn sóng dữ dội phản đối GO. Đó là một vụ học sinh lớp 9, đồng thời là một "tín đồ" của GO đã ra tay "hạ sát" em trai ruột thịt và làm bị thương người mẹ mang nặng đẻ đau của mình vì tiêm nhiễm những trò chơi bạo lực trong game. Chả là sau khi xin tiền chơi game, không những không cho mà mẹ còn "giáo huấn" cho một bài, Phan Việt Cường, sinh năm 1993 đã tức tối muốn trả thù mẹ bằng cách làm cho mẹ phải đau lòng để hả giận. Nghĩ mãi không biết làm thế nào, cuối cùng đợi mẹ đi vắng, Cường trút hết mọi tức giận lên đầu em trai 6 tuổi bé bỏng. Mà cách Cường trút giận lên em trai của mình thì không thể lời nào diễn tả nổi: tàn ác hơn cả sự tàn ác. Nó thể hiện "máu lạnh" đến ghê người của Cường. Cường đã đánh em trai của mình đến chết sau đó đẩy xác em vào gầm giường. Khi nghe tiếng mẹ về ngoài sân, Cường lăm lăm con dao trên tay và núp sau cánh cửa để mẹ bước vào là "ra đòn" một cách bất ngờ. Và bị tấn công bất ngờ nên mẹ của Cường - chị Nguyễn Thị Khánh Vân - không kịp trở tay đã bị ngất, nằm sõng soài trên vũng máu ngay ở trong nhà. Thực hiện xong hành vi tàn ác, Cường bỏ trốn. Nhưng chỉ sau 2 tiếng đồng hồ truy tìm của các chiến sĩ công an Huyện Quỳ Châu, Cường phải thú nhận tội ác của mình trước cơ quan điều tra. Tú Anh (Báo An Ninh thế giới số 822 thứ bảy ngày 3/1/2009)
|
|