NGƯỜI THẦY TRƯỚC HẾT DẠY ĐẠO HIẾU TRUNG |
Là một học thuyết xã hội - chính trị, Nho giáo luôn dạy các môn đồ của nó tinh thần và cách thức vào đời hành đạo. Dĩ nhiên, cái "đạo" ấy gắn liền với một lý tưởng xã hội và một xã hội lý tưởng còn nhiều điểm phải bàn, nhưng cần lưu ý rằng cái học Nho gia là cái hướng về sự quản lý "vĩ mô", nên họ ít chú trọng đến khoa học kỹ thuật, kinh tế hay thị trường mà tập trung vào việc trị nước yên dân - quản lý xã hội. Hoặc làm quan giúp vua, hoặc làm thầy đọc sách, họ đều ý thức rằng phải xxây dựng một xã hội có tổ chức, trong đó con ngưòi nhờ có học vấn sẽ tự giác tuân thủ các chuẩn mực xã hội, biết tôn trọng các lợi ích xã hội. Trong hệ thống khái niệm Nho giáo thì có lẽ "trung hiếu" mang ý nghĩa khái quát hơn cả, vì nó bao gồm cả phần "vĩ mô" (trung thành với vua với nước) lẫn phần "vi mô" (hiếu đễ với cha mẹ anh em) trong các chuẩn mực cơ bản của hệ thống quản lý xã hội theo mô hình Nho giáo. Cho nên ở một mức độ nhất định, nó mang giá trị biểu trưng cho đạo làm người. Võ Trường Toản không ra làm quan dù rằng Nguyễn Ánh có lần đích thân tới mời, nhưng gần 80 năm sau khi chết vẫn được các sĩ phu yêu nước Nam Kỳ dời mộ từ Gia Định về Vĩnh Long trong phong trào tị địa sau Hoà ước 1862 với ý nghĩa không để cho hài cốt của bậc cao hiền nằm trên vùng nhượng địa đã bị giặc Pháp làm ô uế. Nguyễn Đình Chiểu với hai hoá thân văn chương từ người mù hiếu thảo Lục Vân Tiên Tới người mù yêu nước Kỳ Nhân Sư là một điển hình về đạo lý làm người của toàn dân tộc. Hồ Huân Nghiệp với phong thái ung dung của người ẩn sĩ lồng trong ý chí kiên cường của người chiến sĩ đã trở thành một tấm gương yêu nước sáng chói nửa sau thế kỷ XIX ở Nam Kỳ... Cũng có thể kể thêm viên Đông cung Phụ đạo Ngô Tòng Châu (thầy học của Đông Cung Cảnh) với lời đề nghị Nguyễn Ánh bỏ không thờ bài vịcủa Tham tri Bộ hộ Trần Văn Mỹ trong đền Hiển trung Gia Định vì ông này lúc sống có tật ăn hối lộ "Mỹ là kẻ bề tôi ăn trộm (đạo thần), sao có thể làm gương (về lòng trung)?". Rõ ràng, hiếu trung đối với người xưa là đạo đức và nhân cách, lý tưởng và trách nhiệm; nên những người thầy ngày xưa phải đem cả học vấn và kinh nghiệm cuộc sống và nhiều khi cả cái chết của mình để dạy cho môn đệ hai chữ hiếu trung. Dĩ nhiên, muốn dạy thì phải học và làm... Người xưa học làm người rồi mới dám làm thầy, cũng như họ dạy lễ nghĩa liêm sỉ trước khi dạy văn chương chữ nghĩa. Vì mặc dù nhiều khi phải dạy học để sinh nhai, cơ bản họ vẫn không coi việc làm thầy là đứng một bên trong hợp đồng mua bán với học trò, nhà trường và xã hội. Chẳng hạn Võ Trường Toản có rất đông môn đệ tới xin học nhưng không hề mở Sổ vàng, Nguyễn Đình Chiểu tuy mù loà nhưng không lấy sách của người khác làm thành giáo trình riêng để bán, Hồ Huân Nghiệp cất trường dạy học trên đường qua lại của đám trộm cướp nhưng không để lộ đề thi. C.T.T (Báo Tia sáng số 17 ngày 5/9/2008) |
|