NT Foundation - GIÓ LẠNH LÙA QUANH MÁI ẤM GIA ĐÌNH  
GIÓ LẠNH LÙA QUANH MÁI ẤM GIA ĐÌNH
 

           Có cảm giác Ngày Gia đình Việt Nam bị "chìm nghỉm" giữa một xã hội có quá nhiều việc phải lo toan và quá nhiều nhu cầu vật chất thúc bách cuộc sống. Một năm 365 ngày, dường như ngày nào mỗi tờ lịch cũng gắn với một sự kiện: Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày phòng chống thiên tai, Ngày Nhà giáo, Ngày Thầy thuốc... Nhiều ngày quá không thể nhớ hết, thế nên Ngày Gia đình cũng chỉ là một ngày như mọi ngày, chẳng mấy ai bận tâm, để ý tới. Hay là vì gia đình - "tế bào của xã hội" đã trở nên quá nhỏ bé, khuất lấp trong một xã hội vật chất lấn át tinh thần? Mái ấm gia đình, nơi nương náu, che trở cho mỗi con người đang trở nên mỏng manh trước những cơn gió "đời" lùa thốc.

Người xưa nói rằng, dù là vua chúa hay anh dân cày, người hạnh phúc nhất là người tìm được sự yên ấm dưới mái nhà của mình. Mái nhà biệt thự, mái nhà chung cư hay mái ngói, mái lá nhưng khó nhất là một mái ấm, tổ ấm. Đơn sơ như tổ chim đan bằng cọng lá, sợi rơm mà ríu ran tiếng chim mỗi sớm nắng, chiều mưa. Con người cũng cả đời nhặt nhạnh, chắt chiu xây tổ ấm, vậy mà có khi giật mình nhìn lại chợt chua xót nhận ra, dưới mái nhà đầy đủ mọi tiện nghi, không hề kém thiên hạ là cả một khoảng trống lạnh; lạnh hơi người, lạnh tình, lạnh nghĩa. Không phải ngẫu nhiên Ngày Gia đình Việt Nam năm nay mang chủ đề "Vì một mái ấm không bạo lực". Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và tổ chức UNICEF vừa công bố một bản điều tra về gia đình Việt Nam. Cuộc điều tra tiến hành trên 9.300 hộ gia đình, gồm các đối tượng người lớn, các bậc cao tuổi và vị thành niên ở 64 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả ra sao? Các tệ nạn bạo hành đã len sâu vào tận ngóc ngách từng gia đình, hơn thế "trèo" lên cả giường ngủ. Không chỉ những ông chồng cục súc mà cả những vị có học, có vai vế trong xã hội cũng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ con. Cuộc điều tra cho thấy, bạo lực "trùm" lên tới 21,2% các gia đình, song thật lạ kỳ, có hơn 90% số người được hỏi vẫn tươi cười mà rằng: "Hài lòng với cuộc sống"? Ngay cả bà MIniza Zaman, Phó đại diện của UNICEF cũng phải ngao ngán nói: Chính thái độ coi bạo lực gia đình là chuyện "bình thường" đã khiến bạo lực tồn tại hiển nhiên và có xu hướng tăng lên. Đằng sau sự "hài lòng với cuộc sống" ấy là gì? Cứ 5 cặp vợ chồng ở nước ta lại có một cặp "dính" bạo lực. Tỷ lệ ly hôn là 2,6% số cặp vợ chồng tuổi từ 18 tuổi đến tuổi... nghỉ hưu; tỷ lệ này ở thành thị là 3,3% so với 2,4% ở nông thôn. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cao gấp 2 lần so với nam giới. Trong số những cặp uyên ương đã "chia tay hoàng hôn", có 27,7% cho biết nguyên nhân là do "mâu thuẫn về lối sống" và 25,9% thú nhận là vì "bồ bịch", ngoại tình. Ai cũng biết, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và con cái trong gia đình. Pháp luật lại chưa phải là chỗ dựa cuối cùng đáng tin cậy của các nạn nhân bị bạo lực trong nhà. Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ can thiệp của chính quyền là quá ít, chỉ chiếm 2,4%; sự can thiệp của hàng xóm tới 62%, Hội phụ nữ là 36% và Công an là 4%. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Lâu nay dư luận xã hội vẫn coi đây là chuyện trong nhà "đóng cửa bảo nhau" chỉ khi nào máu chảy không cầm được, thương tích không giấu được thì mới "lôi" ra chính quyền. Mà chính quyền, đoàn thể có can thiệp thì cũng chỉ là "góp ý", "hoà giải". Bên cạnh đó, người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ truyền thống "nhẫn nhịn", "xấu chàng hổ ai", sợ mang tiếng với láng giềng, sợ "mất mặt" chồng. Đấy chính là một trong những "môi trường" vô hình trung đã nuôi dưỡng bạo lực gia đình.

Đây không thể coi là "bức tranh" toàn cảnh gia đình Việt Nam. Có chăng chỉ là mảng tối nhất - bạo lực và ly hôn - nhưng nó đang có chiều hướng loang rộng, làm rạn nứt và phá vỡ gia đình - nền tảng vững chắc nhất của mọi xã hội. Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhận định: "Cuộc điều tra cho thấy một bức tranh toàn diện về những thay đổi trong các mối quan hệ gia đình cũng như vai trò của mỗi thành viên, góp phần làm sáng tỏ những thay đổi các giá trị dưới tác động của công nghiệp hoá và hiện đại hoá". Một chuyên gia Viện Khoa học xã hội Việt Nam đặt câu hỏi: "Phải chăng mối liên kết gia đình đang bị... hoá lỏng".

Cơn lốc thị trường lùa vào mái ấm gia đình, rường cột lung lay, những mối gắn kết truyền thống đang có nguy cơ rời ra, rụng rơi. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái thời @ ngày càng rộng ra, sâu hơn.

Một đứa trẻ không được "tắm" trong môi trường gia đình "giàu có" về văn hoá tinh thần (chứ không phải internet, video, tivi...) thì sẽ khiếm khuyết, thiểu năng vĩnh viễn phần hồn làm nên nhân cách mai sau. Chớ nhầm tưởng rằng, thời "thế giới phẳng" chức năng dạy dỗ trẻ từ trong gia đình sẽ được tráo đổi cho xã hội. Xã hội dù tốt đẹp đến mức lý tưởng cũng trộn lẫn trắng - đen, sáng - tối, tốt - xấu, thiện - ác. Xã hội có thể dạy cho chúng ta bài học kiếm sống, những va vấp nhớ đời, chứ không thể yêu thương, dạy cho chúng ta những lời nói thật, sự trung thực như cha mẹ dứt ruột đẻ ra. Được ở phòng riêng, được sở hữu riêng tivi, vi tính, dàn nghe nhạc hiện đại, thật là một "thế giới riêng" bất khả xâm phạm. Vậy sao con trẻ vẫn cảm thấy buồn chán, bế tắc? Tự kỷ, ích kỷ, co mình lại bắt đầu từ đây. Theo kết quả điều tra, có tới 1/5 các ông bố và 7% các bà mẹ hầu như không có thời gian ngó ngàng, chăm sóc con cái vì phải lo kiếm tiền. Thể chất, trí tuệ và tình cảm của trẻ em cứ "đâm chồi nảy lộc" tự nhiên như cỏ cây hoang dại, nhất là khi thừa điều kiện online, truy cập vào các website "rác rưởi" đầy trên mạng, những cuộc hẹn "ảo" và kết bạn qua mạng.

Lần đầu tiên, "bộ mặt" chung của hàng triệu gia đình Việt Nam thời đô thị hoá, công nghiệp hoá đã lộ diện. Mối quan hệ huyết thống: ông bà - cha mẹ - con cháu đang xô lệch, lỏng lẻo. Một triết gia phương Tây từng nói: "Dù tồi tàn đến đâu nhưng không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình". Dân ta thì nôm na: "Không đâu bằng ở nhà mình". Thời thiếu thốn, khốn khó, gia đình quây quần, đầm ấm; nay khấm khá, dư dả, gia đình trở nên mong  manh, dễ vỡ. Làm sao hài hoà, cân bằng được mong muốn giàu có, thành đạt mà vẫn giữ được những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, tinh tế trong một mái ấm gia đình, khó thật!

          Hồng Hạc (Báo An ninh thế giới số 770 thứ bảy 5/7/2008)

 
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • "Hèn đại nhân"
  • Không có tuổi thơ
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện
  • "Chữa bệnh tâm lý không giống sửa xe máy"
  • Giới thiệu sách mới: Tâm lý lâm sàng Trẻ em Việt Nam
  • TƯ DUY TÍCH CỰC
  • Thăm lại "Kỳ nhân" đất Hương Khê
  • TƯNG BỪNG LỄ KỈ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM N-T
  • Bài phát biểu của GS-TS Vũ Hy Chương
  • Bài phát biểu của Phụ huynh các cháu
  • BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM N-T
  • SAO TRỜI LUNG LINH
  • Thương con quá, hóa... hại con
  • Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
  • Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện