MỘT ĐÁM CƯỚI CẢM ĐỘNG LÒNG NGƯỜI |
Nhìn tấm ảnh vợ chồng An - Huy đi trong đám cưới, chụp nửa thân, gương mặt cô dâu xinh tươi nhưng phảng phất nét buồn. Chú rể có đôi mắt sáng, ánh lên nét thông minh, mấy ai biết được những bất hạnh trong quá khứ mà đôi bạn trẻ này đã trải qua; bao thử thách hiện tại mà họ phải đương đầu, muôn vàn khó khăn chưa lường hết đang ở phía trước... Đôi vợ chồng ấy chỉ có 3 chân. Một chân của cô vợ còn lành; hai chân của anh chồng yếu ớt khó đi, nếu nhập lại cũng chưa bằng một chân của người khác. Nỗi bất hạnh của chàng trai từ tấm bé Võ Tá Huy sinh 1983 quê thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh; là con thứ 3 trong gia đình 5 anh em. Bố là ông Võ Tá Tuyên, mẹ là bà Nguyễn Thị Nghĩa, dân cày. Khi lên hơn một tuổi đôi chân của Huy có biểu hiện teo dần. Bố mẹ chăm sóc và rèn luyện mãi đến 5 tuổi Huy mới biết lững chững bước đi. Tuổi thơ của Huy đến trường phải vịn vào đôi vao của bạn bè đồng lứa. Gắng gỏi lắm cậu bé này mới học xong lớp 9 trường làng. Khi bước vào tuổi thanh niên, Huy thuộc dạng thấp bé nhẹ cân. Nhà có người chị gái lấy chồng vào một tỉnh ở miền Nam, Huy được anh rể đem vào phụ nghề nhôm kính, nhưng sức khoẻ của cậu quá yếu không thể đảm đương, Huy đành tự giác quay về quê. Hàng ngày thấy bố mẹ đã già, chẳng nhẽ cứ còng lưng gánh vác để nuôi sống mình thế này mãi hay sao? Huy đã gia nhập vào đội quân đánh giầy, vật vạ men theo những bức tường dọc theo các quán hàng trên đường Lý Tự Trọng. Khoản tiền kiếm được cũng đủ để nuôi thân qua ngày. Một hôm vận may đến với Huy, ông Hoàng Sỹ Thu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh bắt gặp "chú bé" đánh giày lớn tuổi tàn phế, cảm thương hoàn cảnh ấy, đã nhận Huy về làm việc tại cơ quan mình. Tại đây, Võ Tá Huy chọn nghề tin học để mưu sinh. Sau nhiều tháng mày mò trên máy tính, Huy đã thành thạo nghề in lưới. Cơ quan mở hiệu làm dịch vụ ngay trên Đại lộ Trần Phú, mặt tiền QL 1A giao cho Huy phụ trách, mỗi tháng thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người, và nộp cho cơ quan 2 triệu đồng/tháng để giúp đỡ những người khác. Đời Huy thực sự có ý nghĩa từ đây. Tai hoạ bất ngờ với cô gái Ngô Thị An, sinh 1981 là cô gái khoẻ mạnh, khá xinh là con thứ ba của ông Ngô Văn Cháu và bà Nguyễn Thị Hoa trú tại thôn Minh Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà. Năm 2001 sau kỳ thi ĐH lần đầu tiên bị trượt, An xác định được năng lực của mình và chọn hướng đi lâu dài là vào miền Nam lập nghiệp tại Công ty Cao su Phú Riềng - Bình Phước. Sáng 24/9/2003, khi đang vận hành máy sơ chế, do một khối cao su quá nặng không thể dùng tay đẩy, An nghiêng người dùng chân đạp choài vào, không may lỡ đà bị trượt, một phần chân phải của An bị cán nát. Sau nửa năm qua nhiều bệnh viện ở TPHCM, An trở lại với đời thường bằng đôi nạng gỗ. Người yêu cùng quê, một thời gắn bó nay đã cao chạy xa bay. An phải quay về nương nhờ bố mẹ tại xã Thạch Ngọc. Một cô gái tàn phế sống giữa trập trùng đồi núi làm tăng thêm ghánh nặng cho gia đình. An quyết định xuống TP Hà Tĩnh xin học may ở Xí nghiệp Hoàng Phúc. Cô gái khá xinh một thời mơ mộng tình yêu đôi lứa nay an phận trong gian nhà trọ vắng lặng cuối phố. Nhiều lúc An nghĩ quẫn... Vào khoảng giữa tháng 4/2006 một người đàn ông đến hiệu may thấy cô thợ Ngô Thị An mặt mũi sáng sủa, làm việc chăm chỉ, ông ta gợi ý: "Nếu cháu thích làm việc ổn định lâu dài ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thì chú sẽ giúp". Ông Trần Văn Sinh - Trưởng phòng tổ chức của Trung tâm, đã chuyển cho Ngô Thị An về làm giáo viên hướng dẫn cắt may cho những lao động khuyết tật, với mức thu nhập khá ổn định, làm An yên tâm. Tình yêu và thử thách Trong 3 năm An - Huy sống gần nhau, đôi trai gái này có tình cảm qua lại rất đặc biệt. Từ sự cảm thông chia sẻ, họ yêu nhau. Nhiều lần Huy ngỏ lời với gia đình muốn cưới An làm vợ. Ông Tuyên bà Nghĩa nghe nói vậy từ hoảng hốt đến bần thần; ông bà nói: "Nhiều đôi vợ chồng lành lặn, mạnh khoẻ cưới nhaucó được chút con còn vất vả gian truân chưa lo nổi cuộc sống... huống nữa các con sức khoẻ như thế, rồi đây sinh con đẻ cái làm sao lo được đời sống cho một gia đình". Biết bố mẹ không đồng tình, Huy nhờ các chú trong cơ quan tác động giúp đỡ cũng không xong. Nhiều đêm đôi trai gái này bàn tính rồi mạnh dạn báo cáo với tổ chức là quyết tâm xây đựng gia đình. Tối 5/6, Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh đã đứng ra làm đám cưới cho Võ Tá Huy và Ngô Thị An. Hôn lễ được tổ chức ngay tại cơ quan, có khoảng 300 người tới dự. Mâm cỗ được bày ra là bánh kẹo và trái cây. Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh đang đi công tác đã nhờ người mang quà tới tặng cô dâu chú rể. Giám đốc Sở LĐ TBXH, Giám đốc Bảo hiểm tỉnh và nhiều cán bộ lãnh đạo ở Trung tâm, các nhà báo và bạn bè cũng đến chung vui. Lễ rước dâu từ sân Trung tâm vào một căn hộ khép kín mà cơ quan dành cho đôi vợ chồng trẻ, rộng khoảng 30m2. Chiếc giường cưới sang trọng có chăn, ga, nệm gối là của một tổ chức từ CHLB Đức gửi tặng. Được biết tiền mừng cho chú rể cô dâu cũng được trên vài chục triệu. Sau lễ cưới, chúng tôi gặp đôi vợ chồng trẻ tại phòng riêng, trên gương mặt của hai người vẫn thoáng chút buồn. Cô An nói lời nhỏ nhẹ: "Nhờ tập thể, gia đình, cộng đồng giúp đỡ vợ chồng cháu mới có được như hôm nay, nhưng để vượt qua khó khăn thử thách phía trước không hề đơn giản... Tất nhiên, chúng cháu đã quyết... tình yêu thương nhau sẽ tạo nên động lực vượt qua hoàn cảnh..." Võ Minh Châu (Báo Tiền phong số 161 thứ hai 9/6/2008) |
|