Hơn bất cứ người chữa bệnh ở mọi chuyên khoa khác, họ là bác sĩ "thám hiểm" sâu nhất trong thế giới nội tâm dễ thương tổn của con người...
Nỗi đau đối diện với tâm hồn
Khi đến gặp tôi, cô gái ấy 27 tuổi, rất xinh nhưng có đôi mắt như vô hồn. Cô đã từng có rất nhiều bạn trai, nhưng chỉ là bạn không hơn, không kém. Chỉ cần họ muốn gần gũi cô hơn, thậm chí chỉ là một cái ôm cũng làm cô khiếp sợ. Cô đến với cảm giác tuyệt vọng vì có thể không bao giờ yêu được ai nữa. Cô ấy kể cho tôi nghe về những ám ảnh từ năm cô 4 tuổi, về những đêm sực tỉnh bởi tiếng kêu rên của mẹ ở phía sau vách nứa. Vách ngăn quá mỏng để ngăn một cô con gái không nhìn thấy cảnh cha mẹ mình đang yêu nhau bên kia giường của nó. Những tiếng kêu la, rên rỉ của mẹ khiến nó cảm nhận và khiếp sợ với nỗi đau đớn tột cùng của người đàn bà...
Cũng tương tự như thế, nhưng cô gái thứ 2 lại là một giáo viên trẻ rơi vào trạng thái hoàn toàn lãnh cảm với chồng. Cô ấy đã hỏi tôi: "Liệu em có thể vẫn sống với chồng nhưng không sinh hoạt tình dục, và để chồng em đi với bất cứ cô gái nào, miễn sao anh ấy vẫn là chồng em có được hay không?". Cô gái ấy chứng kiến quá nhiều lần cảnh bố mẹ làm "chuyện ấy" từ năm 4 tuổi. Khi lên 7, những hình ảnh đó thôi thúc cô cùng những người bạn chăn trâu tập chơi "trò chơi người lớn". Cho tới khi kết hôn, cô ấy mới nhận ra cảm giác tội lỗi lấn chiếm mỗi lần gần gũi chồng. Khi gặp tôi, cô chỉ khóc, vì chồng đã cố gắng rất nhiều bằng những cử chỉ ân cần, kiên nhẫn vuốt ve nhưng chưa bao giờ làm cho cô có cảm giác muốn được yêu đương...".
Có tới hơn 70% đối tượng tìm đến với những bác sĩ tư vấn tâm, sinh lý nằm trong độ tuổi 18-30, một độ tuổi mà theo các bác sĩ, có tỉ lệ tự tử cao hơn gấp 3 so với những độ tuổi khác. TS Tâm lý Trương Thị Bích Hà, GĐ Trung tâm tư vấn Khánh Hà, phụ trách đường dây tư vấn 1900561284 cho biết, những cô gái như thế đã phải mất rất nhiều thời gian để dám nhìn thẳng vào những tổn thương trong tâm hồn mình. "Họ đến với chúng tôi từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không biết bao nhiêu tâm sự làm chúng tôi đau đớn. Những cô gái đều gặp sang chấn tâm lý giống nhau, nhưng ở mỗi người lại có một trạng thái cảm xúc khác nhau. Điều khó khăn là đưa họ nhận ra những sai lầm trong suy nghĩ ấy...".
Điều khó khăn nhất của các bác sĩ chữa "bệnh tâm hồn" không phải là chẩn đoán bệnh. Bác sĩ giống như một "ông bụt", đi theo những ký ức buồn vui, sống cùng bệnh nhân trong những trạng thái khủng hoảng, cô đơn. Bác sĩ giống như một người chấp nhận khóc cùng, đau đớn cùng tổn thương trong tâm hồn "những người không bình thường trong những mối quan hệ bình thường" để đưa họ trở lại thế giới. "Điều chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất, là đã cố gắng hết sức, mà khách hàng vẫn không thể vượt qua được bản thân và làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nhiều người trong số họ vẫn không thoát khỏi cảm xúc tiêu cực của mình...".
Ai sẵn sàng mang tâm hồn đi "vá"?
Chị Hà còn kể về trường hợp cậu con trai 29 tuổi của một bác sĩ, người đang nhờ chị tư vấn, cũng rơi vào trạng thái tâm lý rất kỳ lạ: luôn mệt mỏi không muốn đi làm, ngại tiếp xúc với bạn bè, chỉ thích ở nhà xem tivi, đến bữa xuống ăn cơm, không thích nói chuyện với bố mẹ và ngại cả tắm rửa. Người mẹ đau đớn nói: "Tôi chỉ mong cho con tôi lấy được một cô gái, dù là không ra gì cũng được, miễn sao phá bỏ được tất cả những bức tường bao quanh nó, đưa nó trở về với người bình thường...". Đã đôi lần nói với con về việc thử đi tới nói chuyện với bác sĩ tâm lý, nhưng cậu nổi xung lên: "Con không đi, con bị bệnh gì đâu mà phải đi...". Chị Hà bảo: "Người mẹ bác sĩ ấy có nhờ tôi dành thời gian tới nhà để trò chuyện với cậu con trai, như vai trò là người bạn của mẹ cậu thôi, nhưng thực ra những trường hợp như vậy, để chữa được phải mất thời gian rất dài, mà không ai có thể chắc tin vào kết quả. Việt Nam mình chưa chữa được bệnh tâm lý nhiều, và cũng chưa có bác sĩ thực sự chuyên sâu về lĩnh vực này. Tư vấn giống như thuốc phòng bệnh, giúp ta nhận thức lại để định hướng cuộc sống. Và đòi hỏi bác sĩ phải vô cùng kiên trì".
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc Tổ chức phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng tâm sự: "Tôi làm công tác tư vấn tâm, sinh lý này đã được 17 năm, và có thể coi là những người làm tư vấn cho thanh thiếu niên nhiều nhất. Điều đáng lo nhất bây giờ là mọi người luôn cho sinh viên, các bạn trẻ nói chung là tầng lớp có học thức, hiểu biết rộng, có khả năng tự tìm hiểu thông tin. Cũng từ sức ép đó, các bạn trẻ có tâm lý phải thể hiện mình là người hiểu biết. Họ giấu đi sự khủng hoảng của chính mình. Cách thể hiện ra của người có hiểu biết khiến bác sĩ vô cùng khó tiếp cận, vì họ sợ người khác cười mình!".
Hòm thư của cô bạn Ngọc Linh (nhân vật trong phóng sự Thế giới người mặt buồn, một cô gái được cứu thoát từ căn bệnh trầm cảm từng dẫn cô đến cảm giác muốn chết) luôn đầy nhóc thư. Những tâm sự không đầu không cuối, cần sự giải thoát, cần sự chia sẻ và lắng nghe. Phòng tập của bác sĩ Võ Văn Bản - Phó GĐ Bệnh viện Việt Pháp ở khu Trung Yên - Hà Nội cũng có nhiều người trẻ tìm đến hơn... Bác sĩ Thu Giang tâm sự: "6 năm học trường Y, các bác sĩ chỉ học cách điều trị bệnh. Khóa học của chúng tôi là khi trường còn chưa có bộ môn tâm lý. Nhưng thực ra, nếu kết hợp được điều trị bệnh lý với điều trị tâm lý, thì hiệu quả chữa trị sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Hiện nay Bộ Y tế cũng rất tích cực trong việc lồng ghép tư vấn tâm lý với chương trình sức khỏe sinh sản quốc gia. Mong rằng đó sẽ là giải pháp lâu dài".
(Thùy Dương, Báo Sinh viên Việt Nam, Số 9 năm 2008)