NT Foundation - Trẻ em cũng bị trầm cảm  
Trẻ em cũng bị trầm cảm
Ảnh minh họa
 

Khanh được bố mẹ đưa đến chuyên gia tâm lý với gương mặt buồn rầu, ủ rũ, bước đi chậm chạp, nói nhỏ đến mức khó nghe. Bệnh nhân trầm cảm này vốn là một thiếu nữ 14 tuổi khỏe mạnh, từng học giỏi và có nhiều bạn bè.

Bố mẹ Khanh cho biết, những năm trước đây em rất vui vẻ, ngoan, được bạn bè yêu mến và bố mẹ, thày cô kỳ vọng. Khanh tham gia vào 4 đội tuyển học sinh giỏi và môn nào cũng xuất sắc. Càng ngày, thời khoá biểu của em càng dày kín lịch học, rất ít thời gian rảnh rỗi để vui chơi giải trí.

 

Mấy tháng gần đây, Khanh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Buổi chiều đến, em muốn được lao vào các phòng chơi game và chọn trò chơi thật mạnh mẽ. Em cũng thích được bố đèo xe máy đi chơi lượn quanh thành phố, hoặc phóng xe đạp thật nhanh để giải toả bớt căng thẳng mệt mỏi. Tình trạng này ngày một tăng dần. Khanh học tập bắt đầu sút kém, cảm thấy buồn chán, khó tập trung, chữ viết ngày một xấu đi, đến lớp chỉ thích ngồi một chỗ không thích nói chuyện hoà đồng với bạn bè và bắt đầu ngại đi học.

Khanh ăn kém, đêm thường trằn trọc khó ngủ, không thích nói chuyện với ai trong gia đình. Rồi em bỏ học, bố mẹ, bạn bè khuyên bảo cũng không chịu đi. Sức khoẻ em ngày một kém. Khanh không chịu ăn uống, bi quan chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống. Gia đình đã đưa em đi khám bệnh.

Tại phòng khám sàng lọc tư vấn rối nhiễu tâm trí, Khanh được bác sĩ chẩn đoán là trầm cảm. Trong ba tháng, các chuyên gia đã trị liệu tâm lý và tư vấn thay đổi nếp sinh hoạt học tập của Khanh. Bố mẹ cũng được hướng dẫn để giúp Khanh đầu tư hợp lý vào các môn học, rút khỏi danh sách một số đội tuyển, không quá kỳ vọng, tạo cho con có điều kiện được vui chơi giải trí thích hợp. Nhờ đó, chứng trầm cảm đỡ dần và em đã tiếp tục đến trường với sự thương yêu, chia sẻ của bạn bè, thày cô giáo.

Trầm cảm là một chứng rối loạn trong đó cảm giác buồn diễn ra rất mạnh và kéo dài từ hai tuần trở lên, có thể ảnh hưởng đến học tập, công tác, quan hệ gia đình, xã hội và chất lượng cuộc sống. Với trẻ em, bệnh ảnh hưởng đến khả năng tập trung, giảm năng lượng và niềm tin, ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và có nguy cơ làm giảm sút nghiêm trọng khả năng học tập.

Trẻ trầm cảm thường tránh các mối quan hệ xã hội, đánh giá thấp về bản thân mình. Sự tuyệt vọng, bất lực có thể dẫn các em đến việc tự sát.

Con bạn có bị trầm cảm?

Bạn nên đưa con đến chuyên gia tâm lý nếu thấy trẻ có cùng lúc 5-6 triệu chứng sau (các triệu chứng phải kéo dài và kèm theo một số biến đổi rõ ràng):

- Cảm xúc buồn chán tồn tại trên hai tuần.

- Mất quan tâm thích thú với các hoạt động thường yêu thích.

- Giảm khả năng tập trung chú ý.

- Thất vọng bi quan.

- Giảm năng lượng, dễ mệt mỏi, thiếu khả năng chăm sóc bản thân.

- Khóc không có lý do.

- Chán ăn, ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều.

- Ngủ ít hoặc ngủ nhiều, có ác mộng vào ban đêm.

- Chậm chạp, ức chế tâm thần vận động, đôi khi giận giữ.

- Giảm thân thiện với bạn bè, không thích quan hệ.

- Tự ti, kém tự tin, cảm giác tội lỗi, có thể xuất hiện ý tưởng tự sát có thể thổ lộ trong thư viết lại.

- Một số rối loạn cơ thể như đau bụng, đau đầu...

Tại sao trẻ bị trầm cảm?

Có thể do yếu tố di truyền thiếu hụt một số chất dẫn truyền thần kinh.

Trẻ phải trải qua một số khó khăn như: gia đình tan vỡ, bố mẹ bị ốm nặng, bị trầm cảm, stress, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mất nguồn thu nhập.

Thay đổi môi trường như chuyển nhà, chuyển trường.

Do học tập quá căng thẳng, sức ép nặng nề trong học tập, thi cử.

Do bị bệnh cơ thể kéo dài.

Đôi khi nguyên nhân không rõ ràng.

Làm gì khi trẻ bị trầm cảm?

Các biện pháp thường được áp dụng là thay đổi điều kiện môi trường sống, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm (chỉ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần và phải được theo dõi chặt chẽ). Các bậc cha mẹ cần:

- Hiểu rõ những lo âu và cảm xúc của trẻ và thử tranh luận với trẻ về sự bình tĩnh. Dành thời gian nói chuyện với trẻ về tình trạng và những cảm xúc của con.

- Không phán xét, tránh khuyên quá nhiều. Không xem thường các lo lắng của trẻ.

- Ở lại với con nếu bạn nghĩ rằng có nguy cơ trẻ tự làm tổn thương ngay lập tức, giúp trẻ có cảm giác hy vọng và được trợ giúp. Đưa ra sự lựa chọn khác thay việc tự tử và khẳng định giá trị của việc trẻ tham gia từ bỏ cảm xúc cô đơn, bất hạnh. Gợi ý rằng trẻ sẽ nhận được sự giúp đỡ sớm nhất có thể.

- Đề nghị các chuyên gia giúp đỡ.

(Bài viết của TS Lã Thị Bưởi - Theo VnExpress.net)

 
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Tìm hiểu lâm sàng và các yếu tố tâm lý trong chứng máy giật cơ (Tic) ở trẻ em
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo và hết)
  • các rối nhiễu tâm lý
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • TRẦM NHƯỢC Ở TRẺ EM
  • RỐI NHIỄU TÂM LÝ SAU 2 NĂM VẮNG MẸ