Âm nhạc của tình yêu lớn |
50 năm Hội Nhạc sĩ VN và Huân chương Sao Vàng Nhà nước trao tặng cho các thế hệ nhạc sĩ VN đánh dấu nửa thế kỷ mê say và hào hùng mà âm nhạc cách mạng VN đã dấn thân vì Độc lập Tự do.
Từ một hội nghề nghiệp ban đầu chỉ có 50 hội viên là những người sáng tác âm nhạc, Hội Nhạc sĩ VN giờ đây đã có 1.000 hội viên. Nhưng không chỉ số lượng nói lên sự lớn mạnh của lực lượng sáng tác âm nhạc trong cả nước, mà những đóng góp vô giá của âm nhạc VN trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là trong thời chiến tranh chống Mỹ đã đưa âm nhạc Việt Nam trở thành sự cổ vũ và niềm tự hào của mỗi người Việt Nam yêu nước ở cả hai miền Nam, Bắc. Những ca khúc của các nhạc sĩ hàng đầu như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt... đã thôi thúc bao thế hệ thanh niên VN tự nguyện đi vào cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân tộc với phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở miền Bắc và phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở các đô thị miền Nam. Và cũng từ cuộc kháng chiến và những nỗi niềm dân tộc ấy đã xuất hiện hàng loạt những nhạc sĩ tài năng mà âm nhạc của họ lay động tận đáy sâu tâm hồn và tình yêu Tổ quốc và nhân dân của người Việt. Có thể nói mà không sợ quá rằng, nếu không có âm nhạc yêu nước, yêu dân tộc trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, thì không thể có thắng lợi cuối cùng đầy tình yêu và lòng nhân ái của cuộc kháng chiến ấy. Vì âm nhạc là tiếng nói của con tim, của tâm hồn người VN yêu nước, yêu quê hương và tha thiết với những lẽ sống còn của dân tộc. Có Phạm Tuyên ở miền Bắc và có Trịnh Công Sơn ở miền Nam, họ khác nhau nhưng vô cùng gần nhau ở tình tự dân tộc. Có những nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc cách mạng ở miền Bắc như Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Thương, lại có những nhạc sĩ "đêm Nam ngày Bắc" hay "đêm Bắc ngày Nam" như Trần Hoàn, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu... và rất nhiều những nhạc sĩ thế hệ kế cận đã mang trọn trái tim và tài năng của mình hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu đất nước, nhân dân. Tôi là một trong hàng triệu thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Bắc đã theo những bài hát kháng chiến và yêu nước lên đường vượt Trường Sơn trong cuộc trường chinh giải phóng quê hương đất nước. Bây giờ, sau hơn 30 năm, mỗi khi nghe những bài hát đầy khát khao dâng hiến, đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân, lại như thấy mình trẻ lại, máu mình sôi lên vì những lý tưởng tuyệt đẹp ngày ấy giờ vẫn còn ở phía trước, vẫn chưa thực hiện vẹn tròn. Và mỗi khi Tổ quốc đứng trước những thử thách ngặt nghèo, thì những âm thanh ta nghe vang lên trong máu trong đầu mình chính là những giai điệu của âm nhạc cách mạng, của "nhạc đỏ" như thế hệ trẻ bây giờ gọi một cách trân trọng. "Đỏ" vì màu cờ, đỏ vì máu các liệt sĩ, đỏ như hùng khí dân tộc ta quyết bảo vệ biên cương bờ cõi đất nước mình. Dòng nhạc yêu nước ấy vẫn chảy trong huyết quản của những thế hệ sáng tác nhạc và yêu nhạc đương đại, dù nó có thể nhẹ nhàng như suối chảy, như lá xanh, như gió thổi. Con người không thể sống nếu thiếu âm nhạc. Và người VN không thể sống đúng với bản chất mình nếu thiếu tình yêu từ những "giai điệu Tổ quốc" những "giao hưởng tình yêu" những "nỗi niềm dân tộc" những "khát vọng trẻ" mà âm nhạc khởi lên trong tâm hồn họ. "Yêu Tổ quốc là một điều nghiêm trọng" - một nhà thơ chiến đấu Tây Ban Nha đã viết như vậy. Hãy hỏi những chiến sĩ đang canh giữ đất đai Tổ quốc ở Trường Sa, yêu Tổ quốc là thế nào? Họ sẽ hát lên giai điệu những bài ca thân thuộc để trả lời bạn. Âm nhạc đồng hành với con người là âm nhạc của tình yêu. Mãi mãi là như vậy. (Bài viết của Thanh Thảo - Trích báo Thanh niên, Số 363, ra ngày Thứ bảy 29-12-2007) |
|