Quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số đều là những chuyện quan trọng của công tác dân số Việt Nam. Quy mô là "đứa con cả" luôn được quan tâm và vẫn đang phải quan tâm. Chất lượng dân số là chuyện không cũ nhưng vẫn đang rất mới. Trong khi đó, sức khỏe tinh thần (SKTT) trẻ em là một vấn đề của chất lượng đang nổi lên ở quy mô quốc tế, quốc gia, gia đình... lại chưa thực sự được nhìn nhận đúng mức.
Sợ bị "dán nhãn"
Nhiều gia đình đã sợ khi nghĩ đến cụm từ "sức khỏe tinh thần trẻ em" vì lo con, em bị "dán nhãn" tâm thần chẳng hay ho gì. Nhưng SKTT liên quan đến mọi người, mọi nhà, không loại trừ ai. Đơn giản vì SKTT "là trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cân bằng về cảm xúc, hòa hợp giữa các mối quan hệ gia đình, xã hội, có cảm xúc tình cảm và hành vi ứng xử phù hợp với nhu cầu xã hội". Đây không chỉ là nguồn lực giúp trẻ sống khỏe mạnh mà còn là động lực phát triển trí tuệ của trẻ.
Ai dám nói đến một chất lượng dân số cao, trong khi tỉ lệ trẻ bị rối nhiễu tâm lý, rối loạn hành vi ở mức không nhỏ và ngày càng tăng? TS. Tiếp Quyền, ĐH California, Mỹ, trong một cuộc trao đổi với chuyên gia Việt Nam đã chia sẻ: Đây là vấn đề toàn cầu, không riêng gì ở các nước phát triển. Tỉ lệ trẻ em gặp một trục trặc về tâm lý trong một giai đoạn nào đó ở nhiều quốc gia gần tương đương như nhau, khoảng 17%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do nhận thức chưa đúng, nhầm lẫn giữa SKTT với bệnh tâm thần phân liệt nên nhiều trường hợp được phát hiện và xử lý muộn. Những hành vi uống rượu, đua xe, hút thuốc... cũng không được cha mẹ nhìn nhận do căn nguyên từ SKTT không tốt.
Trong khi đó hoạt động chăm sóc SKTT cho trẻ ở nước ta hiện nay còn mới mẻ với điều kiện thiếu thốn. So với lịch sử ngành tâm lý trẻ em của Pháp đã 100 năm tuổi và những nghiên cứu SKTT trẻ em của nhiều quốc gia khác đã bắt đầu từ cách đây vài chục năm thì ta mới đi những bước chập chững, từ dăm năm trở lại đây. Can thiệp cho trẻ của ta cũng chủ yếu là giải quyết hậu quả chứ chưa phải là ngăn ngừa.
Cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam cách đây 2 năm đã cho thấy một tỉ lệ không nhỏ, khoảng 31% VTN-TN có những trục trặc về tâm lý và cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân.
Thật khó tạo dựng được một cuộc sống chất lượng cao khi giới trẻ còn phải loanh quanh với những áp lực cuộc sống. Động lực để sống vui, khỏe, sáng tạo và phát triển luôn có nguy cơ bị nhấn chìm bởi "sự đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi cấu trúc gia đình, phân hóa giàu nghèo, biến đổi những chuẩn mực giá trị, đạo đức".
Dân số Việt Nam đã qua mức trẻ, đang ở cơ cấu dân số vàng (2007-2022, với 100 người trong độ tuổi lao động chỉ phải nuôi 50 người phụ thuộc). Một cơ cấu "thời cơ" như vậy rất cần những nguồn lực thực sự khỏe mạnh về tinh thần để tạo đà cho sự phát triển của đất nước. SKTT trẻ em không chỉ là chuyện gia đình mà là chuyện của CLDS quốc gia.
SKTT trẻ em và đề án quốc gia về chất lượng dân số
Một trong những vấn đề "nghiêm trọng" được xác định có ảnh hưởng tiêu cực tới CLDS Việt Nam hiện nay là tỉ lệ dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% và đang tiếp tục tăng thêm hàng năm. Trong đó "rối nhiễu tâm lý, tự thương, tự tử, vi phạm pháp luật do có vấn đề về sức khỏe tinh thần ở giới trẻ đang nổi lên đầy thách thức".
Viện Nghiên cứu DS-GĐ và TE (Bộ Y tế) cùng nhiều ngành liên quan hiện đang nhanh chóng hoàn thành đề án khung, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án tổng thể nâng cao CLDS Việt Nam về cả thể lực, trí lực và tinh thần. Bộ chỉ số để đánh giá CLDS sẽ không dừng lại ở HDI (thu nhập bình quân, tuổi thọ, giáo dục) mà vươn tới những nội dung quan trọng khác.
Các gia đình hy vọng đề án tổng thể về CLDS quốc gia sắp tới sẽ tạo ra nhiều mô hình giúp chăm sóc SKTT trẻ em. Hiện nay, những hợp tác ở phạm vi quốc tế, quốc gia về vấn đề này cũng đang được khởi động và thu hút được sự quan tâm của xã hội.
Tuy nhiên, đó là những bước đi khá vĩ mô liên quan đến đào tạo nguồn chuyên gia tâm lý trẻ em, xây dựng mô hình can thiệp SKTT dựa trên cơ sở khoa học. Còn trước mắt thì...
Cha mẹ phải vào cuộc
Các nguồn thông tin bổ ích về SKTT trẻ em ngày nay được công bố khá rộng rãi. Cha mẹ ở thành thị có thể tìm trên các website về chăm sóc trẻ em. Gia đình ở các vùng ngoại thành và nông thôn có thể tìm kiếm qua tài liệu mới nhất Làm cha mẹ tốt được gửi về cơ sở do Viện nghiên cứu DS-GĐ và TE cùng tổ chức Cứu trợ TE Thụy Điển (SCS) công bố năm 2007. Đầu tháng 12, SCS cũng đã ký kết với website làm cha mẹ (lamchame.com) cùng TT nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) cung cấp biện pháp chăm sóc tinh thần cho trẻ bằng kỷ luật tích cực thông qua mô hình CLB làm cha mẹ. Tuy nhiên, bước đầu chỉ mới thực hiện ở nội thành Hà Nội.
Xét cho cùng, cho dù đây là câu chuyện CLDS quốc gia, nhưng nhiều nguyên nhân gây rối nhiễu tâm lý, hành vi cho trẻ lại xuất phát từ gia đình. Do đó, không nơi nào bắt đầu nhanh hơn và giải quyết tốt hơn là từ chính mỗi gia đình nhỏ.
(Bài viết của Hà Dương
- Trích báo Hà Nội mới, Số 13957, ra ngày 25-12-2007)