Tự tin khẳng định trong giao tiếp |
Những hành động tự tin và khẳng định trong giao tiếp được mô tả là: "biểu lộ và phát biểu ý tưởng và cảm xúc một cách trực tiếp, thành thật, và đúng mức nhưng không vi phạm đến quyền hạn của người khác". Khi tự tin, bạn cảm thấy tự chủ và có quyền làm hoặc nói những điều cần thiết, và có thể lựa chọn đúng lúc và đúng mức. Nhưng để phát biểu được những cảm tưởng, bạn phải chú tâm và hiểu biết chính mình trước. Như thế bạn mới có thể nhận định được những nhu cầu, mong muốn, và mối quan tâm của bản thân. Ngược lại, có những hành vi giao tiếp thiếu sự tự tin và không khẳng định được nhu cầu của cá nhân như những hành vi sau: I. HÀNH VI THỤ ĐỘNG: Khi bạn hành động theo ý muốn của người khác, mặc dù bạn không nhất thiết đồng ý với họ. Lúc đó, bạn phủ nhận chính quyền hạn cá nhân của mình, và không dám lên tiếng phản đối. Trong trường hợp này, bạn cũng không dám khẳng định và lựa chọn theo ý bản thân vì không cảm thấy được tự chủ và sợ người khác phật lòng. Nếu để tình trạng này kéo dài lâu ngày, bạn sẽ có nhiều nỗi bực dọc, uất ức vì cứ bị kiềm chế ý muốn của mình. Hành vi này có một số đặc điểm như sau: * Hy vọng đối tác sẽ đoán hiểu được ý muốn của mình. Vì vậy, có những câu nói như: "Không sao đâu, tôi không nề hà, bạn có thể lựa", "Bạn cứ quyết định - tôi sẽ theo ý bạn", "Bạn làm sao cũng được". * Không muốn có bất đồng mâu thuẫn, luôn luôn tìm cách giữ hoà thuận, không dám đối nghịch, và thường không đạt được những mong muốn. * Qua thời gian, sẽ mất tự tin, hay ngại và sợ không dám nói ý nghĩ thật, mọi người sẽ coi thường và không để ý đến. * Vì phải đè nén cảm xúc và ý muốn, dễ nổi giận và nổi xung đột xuất. * Có thể tạo vấn đề về tâm thể, đau đầu, đau lưng, mệt mỏi. II. HÀNH VI LẤN ÁT: Khi bạn hành động lấn át và vi phạm đến quyền cá nhân của người khác, nhất là với những hành động và lời nói quá khích, đe doạ. Trong lúc này, bạn tỏ vẻ oai quyền, đòi hỏi người khác phải chiều theo ý của mình. Sau mỗi lẫn biểu lộ hung hăng, hay cảm thấy thắng lợi và đắc chí. Nhưng bởi vì những hành vi này thường biểu hiện cho những nỗi bực dọc uẩt ức và hay xảy ra đột xuất và không đúng mức nên sau đó có thể bạn vẫn cảm thấy bực bội, như vẫn chưa tự chủ được. Hành vi này có những đặc điểm sau: * Hay có những hành vi và lời nói quá đáng. * Có những hành động như: mắng chửi, la lối, chỉ tay, nhìn đe doạ, chồm đến, đứng hoặc ngồi sát đối tác, giọng nói gằn. * Có những lời nói như: "Anh luôn luôn quên mang tài liệu", "Anh không bao giờ đi làm đúng giờ". * Những hành động này thường làm người khác trốn tránh hoặc đối nghịch lại, đôi khi xung đột. * Trong lúc tức thời, có thể sẽ đạt được ý muốn và làm người khác sợ mình. * Nhưng hậu quả lâu dài là: người khác không muốn đến gần, không muốn nói chuyện, dễ bị cô lập, cảm thấy cô đơn, và quen phải hung hăng mới đạt được ý muốn, không biết kiềm chế. III. HÀNH VI GIÁN TIẾP: (Đôi khi còn được gọi là sự mạnh bạo lấn át giao tiếp). Khi bạn không thẳng thắn phát biểu ý muốn của mình và phải giả bộ chiều theo ý người khác, bạn đang hành động một cách gián tiếp, không khẳng định tự tin. Trong trường hợp này, bạn không dám tỏ bất đồng, nhưng bạn không chịu nhượng bộ, bạn giả bộ tỏ vẻ nhượng bộ, nhưng khi không có mặt đối tác, bạn thể hiện sự đối nghịch một cách rõ ràng và phát biểu cảm tưởng của mình. Hành vi này có những đặc điểm: * Chỉ dám ngỏ ý gián tiếp, và hy vọng đối tác sẽ hiểu ý mình. Đòi hỏi người khác phải hiểu ý của mình. * Hay phải giả bộ yếu đuối, lo sợ, e dè, ngại ngùng. * Phụ thuộc vào người khác vì không độc lập tự chủ. * Lúc tức thời thì có thể đạt được ý muốn gián tiếp, nhưng dễ bị hiểu lầm và dễ trở nên bực tức vì người khác không làm theo ý. * Qua thời gian thì sẽ dễ mất lòng tin của người khác, mất tự tin và không dám trực tiếp đòi hỏi. Vì giả bộ nhiều nên dễ bị vướng mắc vào trường hợp khó xử. Vì vậy, hành vi tự tin khẳng định là khi bạn tự tin phát biểu ý muốn và cảm tưởng của mình đúng lúc và đúng mức. Bạn có thể phát biểu một cách bình tĩnh, rõ ràng và đủ quyền lực. Ngay cả lúc có nhiều áp chế, bạn vẫn giữ mức tự tin đủ để khẳng định lập trường và cảm nghĩ của mình. Mặc dù bạn tỏ ra tự chủ, bạn không vi phạm hoặc lấn át quyền hạn của người khác, và vẫn bảo vệ quyền lợi của mình. IV. HÀNH VI TỰ TIN KHẲNG ĐỊNH: Có một số đặc điểm như sau: * Trực tiếp: truyền đạt ý một cách rõ ràng đến đúng đối tác. * Thành thật: thông tin phản ánh đúng cảm tưởng và ý muốn. * Chừng mực: đúng lúc và đúng mức. Lúc mới đầu thì có thể là: những người khác khi chưa quen giao tiếp có thể giận hoặc chỉ trích, bạn cảm thấy hơi áy náy về việc khẳng định trực tiếp. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi phát biểu được những ý muốn của mình, và khi thành công trong giao tiếp. Những thành quả lâu dài có thể là: giao tiếp thật tình và mối quan hệ chặt chẽ, tín tưởng, cảm thấy tự tin và tự chủ, và mọi người để ý nghe lời của bạn. Để đạt được sự tự tin khẳng định trong giao tiếp, chúng ta đều phải có một số quyền cơ bản:
Những hành vi tự tin khẳng định trong giao tiếp: * Nhìn trực tiếp * Nói rõ ràng, đủ câu, không bỏ dở * Giọng vừa đủ nghe, nhưng vững chắc * Không la lối, không lí nhí * Nói đúng vấn đề, không rào trước đón sau * Phát biểu hết ý, không để người khác đoán ý * Cử chỉ, phong thái, dáng điệu bình thường, không thu hẹp, không đe doạ * Trong lúc phát biểu không nên phân tán tư tưởng. Cách nói tự tin khẳng định trong giao tiếp: * Phát biểu những ý, mong muốn, cảm tưởng của "tôi". Sử dụng "tôi" nhiều trong giao tiếp. Ví dụ: "Tôi e công việc sẽ không xong kịp nếu anh nghỉ nhiều" thay vì "Anh nghỉ nhiều việc sẽ không làm xong". * Khi đặt câu hỏi, sử dụng những câu như "Cái gì", "Làm thế nào" thay vì "Tại sao". * Tránh nói một cách tổng quát như "Anh không bao giờ đến họp". Nói một cách cụ thể như "Ba bốn tuần rồi không thấy anh đến họp". * Tránh sử dụng những từ làm giảm bớt ý như: "Cũng như", "ahhh", "Anh biết đó", "uhmm". * Khi nói về vấn đề, tránh đặt giả thuyết vô cớ. Một tình huống đặc biệt trong giao tiếp là yêu cầu sự thay đổi. Trong trường hợp này, chúng ta thường có một mong muốn nào, và đòi hỏi đối tác phải thay đổi để thích ứng với ý muốn của mình. Thay vì có những hành vi tiêu cực như đe doạ hoặc châm biếm, chúng ta có thể đưa ra yêu cầu một cách trực tiếp và thẳng thắn, nhưng đúng mức và tôn trọng đối tác. Trước hết, cần phải: 1. Quan sát hành vi cần phải sửa đổi. 2. Ghi chú những điều cụ thể, mắt thấy tai nghe. 3. Ghi chú những phản ứng của mình đối với hành vi đó. 4. Đề cập và mô tả những hành vi cụ thể với đối tác. 5. Phát biểu những phản ứng và cảm tưởng cá nhân với hành vi. 6. Đề nghị thay đổi. 7. Dự đoán những kết quả tích cực nếu có sự thay đổi. Trong quá trình này, có thể bắt đầu bằng những câu như: * "Tôi nhận thấy..." * "Tôi thấy bạn..." * "Tôi nghe bạn..." * "Khi bạn nói/làm..." Xong đến phần phản ứng cá nhân: * "Tôi nghĩ..." * "Tôi cảm thấy..." * "Tôi thích..." * "Tôi không thích..." Xong đến phần đề nghị: * "Tôi mong rằng..." * "Tôi muốn..." * "Tôi hy vọng..." * "Tôi nghĩ nếu..." Và phần kết quả: * "Nếu bạn làm... thì có thể..." * "Khi bạn làm... thì..." Nên nhớ, bắt đầu bằng mô tả những hành động cụ thể của đối tác (như tôi nhìn thấy bạn...) rồi mới diễn tả những phản ứng cá nhân của mình (tôi cảm thấy...) để tránh sự hiểu lầm và mâu thuẫn.
KỸ NĂNG CHO VÀ NHẬN PHẢN HỒIMột trong những điều bạn cảm thấy thoải mái và dễ chấp nhận hơn khi bạn tự tin khẳng định trong giao tiếp là về vấn đề phản hồi. Khi có tự tin và cảm thấy mình có thể tự chủ được những việc làm của mình thì bạn có thể cho và nhận phản hồi một cách bình tĩnh hơn. Bạn có thể nghĩ phản hồi là liên hệ đến một số hành động cụ thể, không phải là tổng quát về cả con người mình. Sự phản hồi cũng trực thuộc vào bối cảnh, thời gian, người cho và nhận, hành động cụ thể, và vấn đề cụ thể. Một ý phản hồi có thể được gọi là một ý kiến xây dựng, để bổ xung và hoàn chỉnh. Khi cho ý phản hồi, nên nhớ: * Nói rõ và cụ thể * Trực tiếp về vấn đề, không đi quanh vấn đề * Đề cập đến từng vấn đề một, không tổng hợp hết tất cả cùng một lúc * Không cần phải xin lỗi khi phản hồi theo ý xây dựng * Phản hồi ngay lập tức, ngay sau hành động hoặc sự việc cụ thể nào đó. Khi nhận ý phản hồi có phần tiêu cực: (nếu ý phản hồi hợp lý) * Đồng ý, nhưng khẳng định cá nhân (ví dụ: "Vâng, tôi đến trễ, nhưng thường khi tôi vẫn rất đúng giờ, và tôi sẽ cố gắng không trễ nữa") * Đồng ý, nhưng yêu cầu sự giúp đỡ hoặc góp ý (ví dụ: "Vâng, bản báo cáo không được đầy đủ lắm, nhưng anh có thể góp ý cho tôi về...") * Không nhất thiết phải xin lỗi hoặc tạo lý do. * Nếu trong trường hợp gấp rút, không kịp ứng phó với ý phản hồi tiêu cực, trì hoãn tình huống (ví dụ: "Vâng, có thể chị đúng, nhưng chúng ta có thể bàn thêm ngày mai vì tôi bận...") * Trong những trường hợp này, không nên tỏ ra giận hoặc buồn lòng. Qua cử chỉ phi ngôn ngữ và lời nói, tỏ ra mình biết đã có mắc lỗi nhưng không phải cố tình và sẽ có thể sửa đổi. Khi nhận ý phản hồi có phần tiêu cực: (nếu ý phản hồi không hợp lý) * Không đồng ý (ví dụ: "Tôi không có giữ hồ sơ đó, có lẽ anh lầm") * Không đồng ý với một phần ("Tôi không đồng ý hoàn toàn. Hôm nay tôi đến trễ nhưng không phải hôm nào tôi cũng đến trễ") * Nếu ý phản hồi không cụ thể thì yêu cầu cho ví dụ cụ thể ("Chị có thể cho một ví dụ cụ thể về ý của chị"). ![]() ![]()
|
|