NT Foundation - Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ  
Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
   

Từ 1989, N-T bắt đầu tiến hành việc khám chữa một số trẻ em có những rối nhiễu tâm lý. Các hồ sơ được ghi chép nay tập hợp lại làm tư liệu "sống" cho những ai muốn nghiên cứu tư liệu trẻ em.

 

Hai bố mẹ (trí thức trẻ) dẫn một em bé gái 3 tuổi đến hỏi: Từ mấy hôm nay cháu có tật nháy mắt suốt ngày, đi bệnh viện khám kỹ, bác sĩ bảo chỉ là cái "tic" đơn giản, bố mẹ cứ yên tâm! Tôi khám thấy một đứa bé khoẻ mạnh, cởi mở, vui tính! Không có dấu hiệu bệnh lý nào khác là em nháy mắt không ngừng. Về y khoa tôi cũng đồng ý với bác sĩ bệnh viện. Nhưng lại thấy rõ phía bố mẹ thì chưa thật yên tâm. Tôi hiểu với một bác sĩ, loại "tic" này không chữa rồi cũng lành vì không có thương tổn gì rõ rệt, nhưng với một cắp bố mẹ có một đứa con xinh xắn, mà triển vọng sẽ là con một, bất kỳ hiện tượng nào xảy ra với đứa con quý báu đều quan trọng, vài câu trấn an của bác sĩ không đủ làm cho yên tâm. Đây lại là một cặp trí thức, có được nghe một lý giải nào đó chấp nhận được mới có thể yên tâm. Hai người ấy hỏi dồn tôi hai câu: Có cần cho khám điện não đồ không? Có nên cho châm cứu không? Dựa vào đâu để giải đáp 2 câu hỏi ấy?

Kể ra tôi có thể bảo: Nếu không có gì khó khăn cứ thử làm điện não đồ xem, và thử châm cứu xem. Tôi biết trước là điện não đồ sẽ không đem lại gì hơn, và châm cứu hay không rồi sau một thời gian tic sẽ biến mất. Nhưng bảo vậy tôi sẽ trốn trách nhiệm, phủi tay, làm cho mình yên tâm hơn và giúp ích đứa bé và gia đình. Để từ chối khuyên bảo không nên làm một xét nghiệm, không nên chữa trị một chứng bệnh nào đó nhiều khi đòi hỏi người thầy thuốc một thái độ không dễ dãi với mình. Lỡ ra, đi làm điện não đồ mà phát hiện ra một dấu hiệu bệnh lý thì sao? Trong y khoa không bao giờ có gì là chắc chắn 100% trường hợp sẽ xảy ra như trong sách vở. Vì vậy tôi phải tìm ra một nguyên do xác đáng để lý giải chứng tic kia, để có cơ sở mà giải đáp 2 câu hỏi của bố mẹ em bé, làm cho họ yên tâm.

Khám y khoa kỹ lưỡng, nhưng không ngừng ở đấy. Còn phải nhìn toàn diện, đặc biệt tìm hiểu xem trong cuộc sống của em bé trong thời gian qua có xảy ra sự cố gì đáng chú ý không? Về mặt này không có máy móc nào, xét nghiệm nào khác ngoài việc biết hỏi chuyện bố mẹ. Nhưng hỏi về hướng nào? Trước khi em bé sinh tật nháy mắt, có thể xảy ra sự kiện này, sự kiện khác, xem tivi thấy gì dễ sợ, bị bạn cấu xé hay chó mèo cắn đuổi, ngã đau, v.v... nên chú ý điểm nào?

Thực ra trong khi hỏi bố mẹ, tôi đã sẵn có quan điểm về những nguyên nhân có khả năng gây ra chứng tic để lựa chọn định hướng mà hỏi. Đó là luận điểm về tác động qua lại giữa bố mẹ và con cái, sự tương tác ấy chi phối sâu sắc mọi hành vi của trẻ em. Tôi hỏi: Trong thời gian qua giữa hai ông bà và cháu, có xảy ra việc gì không? Ông bố bảo: Mẹ nó mới ở nước ngoài về sau một năm đi công tác.

Nắm được manh mối này tôi hỏi tiếp:

- Trong thời gian mẹ đi vắng cháu ở với ai?

- Ban ngày ở với bà, chiều bố đi làm về chăm sóc nó.

- Tối ngủ với ai?

- Ngủ với bố. Thích bố kể chuyện, xoa lưng mới chịu ngủ.

- Có phải hôm mẹ về, anh chị cho nó ngủ với mẹ không?

- Đúng thế. Mẹ nó đi cả năm, nay về chỉ muốn quấn lấy con.

Tôi bèn giải thích cho hai người: anh chị quên rằng với một em bé 2 tuổi sau một năm vắng mặt, mẹ đã phần nào trở thành người xa lạ, sau một năm ngủ với bố, quen được bố ôm ấp, xoa lưng, kể chuyện, quen hơi của bố, nay không phải "được" ngủ với mẹ như anh chị nghĩ mà "phải" ngủ với mẹ. Mẹ về, gặp lại mẹ, mẹ cho quà, ôm ấp hôn hít cũng mừng, nhưng không được ngủ với bố nữa, quả là đau khổ. Anh chị nên để dần dần cháu làm quen lại với mẹ, cho nó ngủ ít hôm giữa hai bố mẹ, chứ không phải ngay hôm đầu, tách nó hẳn khỏi bố. Làm vậy nó cảm thấy là bị bố bỏ rơi, trừng phạt. Nó nói lên không được, nó phản ứng bằng cách nháy mắt.

Hai bố mẹ về làm theo lời khuyên ấy, ít hôm, em bé hết nhay mắt.

(Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

- Trích Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam, trang 69-72, Nhà Xuất bản Y học, 1999)

 
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý