Môi trường xã hội và tâm lý xã hội ở thành thị |
Thành thị (hay đô thị) là những trung tâm dân cư hình thành trong quá trình thương mại hóa và công nghiệp hóa nền kinh tế xã hội. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào thật hoàn chỉnh về khái niệm "thành thị" (hay đô thị), nhưng về đại thể có thể nêu lên mấy đặc trưng: không gian nén chặt, mật độ dân số cao; có những liên hệ chặt chẽ về sản xuất, lao động, sinh hoạt, giải trí... để trở thành một chỉnh thể thống nhất; dân cư hoạt động phi nông nghiệp và chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ... Ở nước ta, thành thị theo đúng nghĩa của nó chỉ xuất hiện trong mấy thế kỷ gần đây. Sự phát triển của nó không đều và tương đối chậm hơn ở một số nước đang phát triển ở gần ta. Dân cư thành thị ở nước ta chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi ở các nước đó tỉ lệ này cao hơn (ví dụ: Thái Lan 25%, Malaysia 31%, Ấn Độ 24%). Ở một nước kinh tế còn lạc hậu, trình độ công nghiệp hóa còn rất thấp, các quan hệ thị trường chưa phát triển, thành thị ở nước ta - trừ một vài trung tâm lớn ra- chưa phải là thành thị thực sự. Đó chủ yếu là những trung tâm hành chính và dịch vụ. Và ở một mức độ nào đó mà nói, đó là "sự kéo dài" của nông thôn dưới những hình thức tập trung hơn. Có thể chia thành thị ở nước ta thành hai loại chính: thành thị (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng...) và gần như thành thị (hầu hết các thị xã và thị trấn). Do đó, khi bàn tới môi trường xã hội thành thị, cần nhớ rõ sự khác nhau khá lớn giữa hai loại này.
Trên thực tế, những trung tâm dân cư "gần như thành thị" (quasi-urbain) vừa có những nét giống với môi trường xã hội nông thôn, sẽ không nhắc lại ở đây. Trong phần nói về môi trường xã hội thành thị này, chủ yếu là nói tới những thành thị thật sự.
Điều trước tiên là không gian cư trú của thành thị. Khác với nông thôn, không gian thành thị bị nén chặt lại ("sự chật chội tương đối"). Diện tích một thành phố lớn nước ta chỉ bằng diện tích một huyện đồng bằng, có khi chỉ bằng một xã hay vài xã nhưng dân số thì gấp nhiều lần, có khi vài chục lần. Tuy gần đây có được mở mang thêm, nhưng đó vẫn chỉ là những không gian nén chặt. Do đó, người dân thành thì thì chịu sức ép về mặt không gian lớn hơn người dân nông thôn. Điều đó có mặt lợi (đi lại, mua bán dễ dàng, mạng lưới thông tin dày đặc...), nhưng cũng có mặt bất lợi (ít cảnh thiên nhiên, ăn ở chật chội...). Trên thế giới, nhiều nước đã hình thành những khu nhà nghỉ riêng ở ngoài đô thị, để người thành thị sau mỗi ngày hay mỗi tuần làm việc có chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi thoải mái (thường gọi là cư trú "hậu đô thị" - pos-urbain). Ở nước ta, tất cả mọi hoạt động và sinh hoạt đều chỉ diễn ra trong phạm vi thành thị. Tinh thần con người luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng vì có stress có tần số và cường độ cao: đường giao thông đông nghịt; nhà ở tập thể chen chúc giặt giũ và lấy nước; trẻ con không có chỗ chơi, phải chơi ngoài đường phố... Đã thế, những cấu kết hạ tầng ở đô thị, từ cống rãnh, điện nước đến nhà ở phải chịu tải quá lớn và đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù được xây dựng thêm và cải tạo tốt hơn, kết cấu hạ tầng ở thành thị vẫn chưa hợp với những nhu cầu của dân cư ngày càng đông (tốc độ tăng dân cư ở thành thị cao hơn tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng rất nhiều). Trong những điều kiện như vậy, tình trạng vệ sinh trở nên tồi tệ, nạn ô nhiễm môi trường (chưa phải vì có nhiều khí thải của các nhà máy hay của xe ô tô như ở các nước phát triển, mà vì có nhiều rác và nước thải tích dồn lại) ngày càng nghiêm trọng, các bệnh lây truyền dễ lan rộng (sốt xuất huyết, đau mắt, bệnh tiêu hóa...) Không giải quyết một cách hợp lý không gian cư trú ở thành thị, thì khó có thể nói tới sức khỏe thể chất và tâm thần lành mạnh của người dân thành thị.
Dân số là một sức ép ngày càng lớn ở thành thị. Dân số thành thị nước ta chiếm một tỉ lệ không lớn, nhưng sự phát triển dân số ở thành thị lại đạt tới những tỉ lệ cao. Đầu thế kỷ này, Hà Nội chỉ có trên 10 vạn dân, bây giờ con số đó tăng lên gấp 10 lần. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, từ một thành phố vài chục vạn người ở đầu thế kỷ, nay có khoảng 4 triệu dân. Có thể nói "dân gốc" của các thành phố này ngày nay chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ bé, đại đa số dân cư ở đây là từ nơi khác đến, chủ yếu là dân nông thôn. Phần lớn dân cư thành thị ở nước ta là dân nông thôn ra thành thị mới được một hai thế hệ, còn mang nặng những dấu ấn của lối sống văn hóa nông thôn (đã có người nói tới hiện tượng "nông thôn hóa thành thị"). Thật ra, quá trình này bản thân nó không phải là điều xấu, đó là một quá trình tự nhiên ở tất cả các xã hội chuyển từ truyền thống sang hiện đại. Điều đáng nói là dân số tăng quá nhanh, vượt xa những điều kiện cho phép.
Sức ép dân số tăng lên đến một mức nào đó thì, giống như một phản ứng sinh tồn, người dân thành thị phải đẻ ít đi. Những năm gần đây, trong khi tỉ lệ dân số chung ở nước ta còn cao, thì đã xuất hiện một xu hướng tăng dân số thấp hơn ở thành thị. (Ở Hà Nội chẳng hạn, tỉ lệ ấy là khoảng 1,5%). Nhưng với dân số hiện có, sức ép củ nó vẫn còn nặng nề đối với các mặt đời sống thành thị. Giảm bớt tỉ lệ tăng dân số hơn nữa, đi đôi với việc cải thiện những điều kiện sinh hoạt (ăn ở, đi lại, giải trí,...), là những biện pháp cần thiết để góp phần tạo ra một môi trường xã hội bình thường ở các thành thị nước ta.
Là những thành phố nằm trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, lại nằm trong trạng thái quá độ về mặt xã hội, cơ cấu xã hội - giai cấp và xã hội nghề nghiệp của chúng ta cũng có nhiều thay đổi lớn.
Về mặt nghề nghiệp, dân cư hoạt động đông ở những thành phố có thể chia thành mấy nhóm lớn: sản xuất công nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp, buôn bán, "lao động phục vụ" (y tế, giáo dục,...), sáng tạo nghệ thuật và khoa học, hành chính và quản lý. Những nhóm nghề nghiệp ấy lại chia thành hai hình thức của Nhà nước và của ngoài Nhà nước (tập thể, tư nhân).
Trong một thời gian khá dài, do kết quả của các cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (về thực chất là Nhà nước hóa), các nhóm dân cư thuộc Nhà nước chiếm vị trí chủ đạo trong các mặt đời sống ở thành thị. Nhưng vì các ngành hoạt động của Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, đạt hiệu quả thấp, nên mức sống vật chất tinh thần của các nhóm dân cư thuộc Nhà nước không tăng lên được, thậm chí ngày càng sa sút. Trong khi đó, các nhóm dân cư ngoài Nhà nước cũng bị hạn chế hoạt động, nên mức sống của họ cũng thấp và thêm vào đó khá bấp bênh (so với sự "ổn định" của các nhóm dân cư thuộc Nhà nước).
Những năm gần đây, tình hình đảo ngược lại ở một mức độ đáng kể, do có những thay đổi về đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong khi các nhóm dân cư thuộc Nhà nước vẫn sống thiếu thốn, khó khăn vì đồng lương thực tế ngày lại càng giảm sút, thì các nhóm dân cư ngoài Nhà nước lại có mức sống khá lên rõ rệt vì thu nhập của họ, do các hoạt động kinh doanh mang lại tăng lên nhiều. Vị trí của họ trong đời sống thành thị (từ sản xuất đến tiêu dùng) cũng thay đổi một cách tương ứng.
Đó là nói về đại thể, nhìn sâu hơn có thể thấy rõ một sự phân hóa xã hội đang diễn ra ở các thành thị.
Trong các nhóm dân cư thuộc Nhà nước, một số người lợi dụng chức quyền để tham những, hoặc lợi dụng những sơ hở trong kinh doanh, móc ngoặc với bọn "con buôn" ngoài Nhà nước để làm giàu một cách nhanh chóng. Trong khi đó, số đông viên chức, công nhân làm không đủ ăn.
Trong các nhóm dân cư ngoài Nhà nước, một số người có nhiều vốn, nhiều liên hệ (trong Nhà nước và ngoài Nhà nước), có một số quan chức đã trở thành một tầng lớp giàu có một cách nhanh chóng. Còn những người lao động bình thường (sản xuất hoặc buôn bán) thì tuy có kiếm khá hơn trước, nhưng cũng gặp khó khăn, nhiều lắm chỉ đủ ăn.
Ngoài ra, trong các nhóm thuộc Nhà nước và ngoài Nhà nước, còn có những người mất việc làm (lao động "dư dôi", thực chất là thất nghiệp) hoặc những người không có nghề nghiệp sinh sống ổn định, sống trong nghèo khổ, bấp bênh.
Thu nhập của các tầng lớp dân cư thành thị trở nên chênh lệch hết sức lớn: từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi tháng.
Trong những năm qua, kinh tế thị trường dần dần thay thế cho kinh tế "quan liêu bao cấp". Sự thay đổi này có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta, rõ nhất là ở các thành thị. Nạn thiếu hàng hóa (về hệ quả tất yếu của nó là cảnh xếp hàng) được khắc phục về cơ bản. Tình trạng đầu cơ và chênh lệch giá (và hệ quả tất yếu của nó là sự ra đời của một đội ngũ "con buôn" khá lớn) cũng chấm dứt. Những điều đó làm giảm bớt căng thẳng của sinh hoạt thành thị.
Nhưng kinh tế thị trường kéo theo nó không ít vấn đề. Mọi cái đều được tính toán theo giá trị kinh tế (giá trị thật và giá trị giả), đồng tiền và việc kiếm tiền trở thành thước đo giá trị của mọi hoạt động. Những người kiếm ra tiền cảm thấy thoải mái, ngược lại những người kiếm được ít tiền sống gay go hơn, và trong một nền kinh tế chưa tạo ra đủ những hàng hóa cần thiết cho người tiêu dùng, lại chưa có những công cụ và biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì nạn buôn lậu hàng nước ngoài là không thể tránh. Điều đáng nói là nạn buôn lậu đang trở thành một tai họa lớn của đất nước, xói mòn và phá hoại trật tự kỷ cương xã hội, thúc đẩy sự phân hóa xã hội theo chiều hướng tiêu cực.
Một hệ quả nguy hiểm của tình trạng nói trên là sự tiêu xài phát triển nhanh. Đây không phải là sự tiêu dùng bình thường của mọi nền kinh tế, gắn liền với sản xuất và trao đổi (trong nước và nước ngoài) một cách lành mạnh. "Xã hội tiêu dùng" ở các nước phương Tây dù sao cũng có mặt bình thường của nó, vì nó dựa vào chính khả năng sản xuất và trao đổi ở các nước đó. Ở nước ta, nhất là thành thị, tiêu xài thường vượt quá những khả năng đó, không những thế, tiêu xài không thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sản xuất trong nước. Thị trường tiêu dùng bị bóp méo, tiêu dùng đối với một số người trở thành một hành vi phô trương, ("xài sang"), "trăm nghìn đổ một trận cười như không". Sức ép tiêu xài đè nặng lên tâm lý mọi người, từ trẻ em trở đi. Và để có đủ tiền tiêu xài, trong khi không hiếm đủ tiền một cách chính đáng, thì phải làm những việc bất hợp pháp, không chính đáng, kể cả ăn cắp của Nhà nước và của người khác.
Với kinh tế thị trường mang những yếu tố bệnh hoạn, môi trường xã hội thành thị rõ ràng là không lành mạnh. Nhưng vấn đề không phải là từ bỏ kinh tế thị trường, mà là làm lành mạnh nó từ sản xuất, phân phối đến trao đổi, tiêu dùng.
Còn ở nông thôn, phong tục tập quán bị suy đồi ngày càng tăng... Ở đây, sức ép của việc kiếm tiền bất chính, của sự tiêu xài đã dẫn tới những hậu quả đáng lo ngại, trước hết là làm tăng các tệ nạn xã hội. Trộm cắp, trấn lột, mãi dâm là những hiện tượng phổ biến và ngày càng gia tăng. Việc tiếp nhận một cách tràn lan các thứ văn hóa ngoại lai, bên cạnh sự tiếp cận những yếu tố lành mạnh của nó, càng thúc đẩy mạnh mẽ sự suy đồi về phong tục tập quán (vấn đề không phải là "đóng cửa", là kiểm soát những sản phẩm văn hóa nước ngoài theo những "tiêu chuẩn" hẹp hòi và nông cạn, mà là phải tạo ra những "bộ lọc" nhạy cảm, có trình độ cao để ngăn chặn những luồng gió độc từ bên ngoài).
Những thể chế xã hội quan trọng nhất về mặt giáo dục con người đang bị suy yếu, nhà trường đang xuống cấp, một số đoàn thể ít có tác dụng nhưng lại chưa hình thành những tổ chức xã hội mới để bổ sung.
Nếu như ở nông thôn, tình trạng đó đã tai hại, thì ở thành thị, sự tai hại tăng lên gấp bội. Vì, như đã biết, sự kiểm soát xã hội (gia đình, họ hàng...) ở đây lỏng lẻo hơn ở nông thôn. Ở các thành phố lớn, người dân sống theo kiểu "vô danh", không ai biết ai về mặt cá nhân một cách thấu đáo, điều đó một mặt có lợi cho sự phát triển cá tính của mỗi con người (và đó là mặt tích cực), nhưng mặt khác lại tạo điều kiện dễ dàng cho con người sống bừa bãi, buông thả.
Các quan hệ gia đình ở thành phố cũng phức tạp hơn nông thôn. Hệ thống đại gia đình (họ tộc) không còn tác dụng lớn nữa. Quan hệ gia đình chủ yếu là quan hệ giữa những thành viên của gia đình hạt nhân. Nhưng những quan hệ này cũng đang gặp khó khăn. Tình trạng ly hôn ở thành thị xảy ra nhiều hơn ở nông thôn (theo thống kê, ở các thành phố lớn, tỷ lệ ly hôn trong tổng số hôn nhân là khoảng 10%, thấp hơn ở các nước phát triển, nhưng cũng làm đảo lộn đời sống gia đình ở một mức đáng kể). Tất nhiên, như đã nói trên, không nên coi ly hôn chỉ như một hiện tượng tiêu cực. Đó là kết quả tự nhiên của những cuộc sống gia đình trong đó có những mâu thuẫn vợ chồng không thể điều hòa được, điều không tránh khỏi xảy ra bất cứ ở đâu, nhất là khi cá tính con người ngày càng tăng lên trong môi trường thành thị. Nhưng cũng không phải mọi cuộc ly hôn đều là tích cực, như trong những trường hợp ly hôn do suy thoái về đạo đức của chồng hay vợ, hay của cả hai. Vấn đề đặt ra không phải là ngăn cấm ly hôn (kể cả trong những trường hợp ly hôn tiêu cực), mà là ngăn ngừa nó từ khi kết hôn, và điều quan trọng nhất là bảo vệ sự phát triển bình thường của những đứa con của những gia đình ly hôn.
Trong các quan hệ gia đình ở thành phố, vấn đề những người già chiếm một vị trí quan trọng. Ở đây, những người già bị con cái ruồng bỏ, không nơi nương tựa, sống khó khăn đã đành, nhưng còn bị cô đơn hơn ở môi trường nông thôn, nơi họ có những quan hệ họ hàng và làng mạc. Tuy ở nước ta, tình trạng cô đơn của người già không nặng nề như ở một số nước phát triển (dù ở đó, họ sống không thiếu thốn), nhưng đó cũng là một vấn đề phải lưu ý.
Từ những nhận xét nói trên, có thể thấy rõ môi trường xã hội thành thị nước ta hiện nay mang những mâu thuẫn phức tạp. Những nét tiến bộ và lạc hậu, tích cực và tiêu cực xen nhau, giằng co lẫn nhau trong trạng thái quá độ kéo dài (và còn kéo dài hơn nữa). Phản ánh môi trường xã hội ấy, tâm lý xã hội ở thành thị cũng đang trải qua những biến đổi lớn.
Hơn ở đâu hết, những sức ép về không gian cư trú về dân số, về sản xuất và tiêu dùng, về sự phân hóa xã hội đang làm cho trạng thái tâm lý xã hội ở thành thị mang tính chất hai mặt rõ rệt. Một mặt, những trạng thái tâm lý xã hội tích cực đang hình thành và phát triển. Trước hết phải nói tới tâm lý hướng tới đời sống kinh tế độc lập, không phụ thuộc (hay phụ thuộc ít) vào nhà nước, đang manh nha và ngày càng rõ nét, nhất là trong tầng lớp trẻ tuổi. Tâm lý dựa dẫm vào nhà nước để có chỗ đứng ổn định về việc làm, về thu nhập và về vị trí xã hội ngày càng giảm bớt. Đó là một hiện tượng lành mạnh, phù hợp với xu hướng lịch sử của xã hội nước ta hiện nay là đi tới một xã hội công dân theo đúng nghĩa của nó.
Với kinh tế thị trường bắt đầu hình thành, ý thức và tâm lý kinh doanh đang nảy nở. Nhiều tài năng kinh doanh xuất hiện trước sự ngưỡng mộ của mọi người. Hình mẫu "người kinh doanh", một hình mẫu mới mẻ của xã hội, bắt đầu có sức thu hút.
Trong những năm gần đây, xu hướng dân chủ hóa các mặt đời sống xã hội dần dần chiếm ưu thế chung trong tâm lý chung, tuy chỉ mới ở giai đoạn "học tập dân chủ". Không khí xã hội có phần cởi mở hơn, những dồn ép về tư tưởng được nói ra. Nổi bật nhất là ngày càng nhiều người hướng tới những thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế trên thế giới.
Một mảnh đất thuận lợi về tâm lý xã hội đang được chuẩn bị cho những đổi mới căn bản của đời sống xã hội đất nước nói chung và các thành thị nói riêng.
Nhưng sức sống dai dẳng của những tâm lý xã hội cũ, đặc biệt là tâm lý thụ động ("sức ì"), vẫn còn biểu hiện rộng rãi và sâu sắc. Do đó, ở thành thị hiện nay, không có những chấn động xã hội to lớn, mà chủ yếu là những xung đột nhỏ. Có điều là những xung đột ấy, trong hoàn cảnh môi trường xã hội thành thị như đã phân tích trên đây, diễn ra ở cường độ mạnh và với tần số cao.
Tóm lại, người dân thành thị đang phải chịu nhiều Stress hơn bao giờ hết, do sức ép nhiều mặt tổng hợp lại. Không gian chật chội, kết cấu hạ tầng vô cùng thiếu thốn, đang xuống cấp nghiêm trọng, sự phân hóa xã hội được đẩy nhanh, lối sống tiêu xài chiếm ưu thế, văn hóa suy đồi, tệ nạn xã hội lan rộng, những xung đột về đủ các vấn đề lớn nhỏ trong đời sống hàng ngày... tất cả những yếu tố đó đang ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe thể chất và tâm thần của người dân thành thị, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
(Nguyễn Khắc Viện Trích Môi trường và con người Nhà Xuất bản Phụ nữ, 1992) |
|