Sẻ chia với trẻ tự kỷ |
Đến với Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T (17/663 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) những ngày đầu năm mới, không khí Tết cổ truyền dường như vẫn còn phảng phất đâu đây. Trên khuôn mặt rạng ngời của các cán bộ, nhân viên của Trung tâm, nụ cười luôn thường trực khi giang rộng vòng tay đón nhận thân chủ đến trị liệu. Trong họ đều có chung một mong ước: năm mới sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn cho trẻ tự kỷ để giúp các em hòa mình vào cuộc sống bình thường. Không phải là trường mẫu giáo mà có đồ dùng vui chơi; không phải cơ sở khám chữa bệnh mà có bác sĩ Nhi khoa... Ngày ngày, hàng chục gia đình lại đưa trẻ đến nơi đây để hòa nhập trong... 1 giờ đồng hồ. Trị liệu cho trẻ, niềm vui cho gia đìnhCháu Đ.M (tập thể B.V Bạch Mai) đến với Trung tâm N-T, khi gần tròn 4 tuổi. Nhận biết được những gì diễn ra xung quanh, nhưng Đ.M mới chỉ bập bẹ được vài từ đơn giản như "ông", "bà", "bi", còn lại không nói năng được gì. Ông Vịnh - ông nội cháu cho biết: Thấy con cháu mình đã qua tuổi biết nói từ lâu mà không nói năng được gì, gia đình tôi lo lắng lắm, nhất là khi cháu sắp bước vào tuổi đi học. Nguyên nhân vì sao, chúng tôi cũng không biết. Bố mẹ cháu đều là bác sĩ của BV Bạch Mai đã đưa cháu đi khám xét nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả gì. Nhờ đọc báo biết có Trung tâm NT, gia đình tôi đưa cháu đến. Sau khoảng 3 tháng trị liệu ở Trung tâm, cháu đã nói được nhiều hơn, gọi được "mẹ" và nhiều từ khác. Cũng như vậy, cháu H.L (Ngọc Hà, quận Ba Đình) hơn 4 tuổi mà vẫn không nói được từ nào, ban đầu gia đình tưởng cháu chậm nói nhưng càng lớn càng thấy cháu không nói được, hơn nữa lại nghịch ngợm, hiếu động thái quá, đưa đi khám thì được bác sĩ cho biết, cháu bị bệnh tự kỷ. Lúc đầu đến Trung tâm, cháu tỏ ra là đứa trẻ nghịch ngợm, không biết nghe lời, trèo leo, phá phách đồ đạc, đánh bạn cùng chơi... Đều đặn, một tuần 3 buổi, mỗi buổi 1 tiếng đến trị liệu tại Trung tâm N-T, cháu H.L đã có nhiều chuyển biến tích cực, đỡ nghịch ngợm hơn và chịu khó nói những từ đơn giản. Đây chỉ là 2 trường hợp trong số hơn 200 thân chủ đang theo đuổi chương trình trị liệu ở Trung tâm N-T, nhỏ tuổi nhất là thân chủ dưới 2 tuổi và lớn nhất là trên 17 tuổi. Những thân chủ này mắc phải hội chứng tự kỷ - một căn "bệnh" chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Thông thường, các thân chủ tự kỷ được Trung tâm N-T xác định là những người có các vấn đề trong giao tiếp, cả giao tiếp bằng lời nói và không lời nói. Họ cũng có thể có những hành vi lặp đi lặp lại và đặc biệt chú ý vào những điều họ thích. Trong quá trình hoạt động gần 17 năm, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T do cố Bác sĩ, Nhà Tâm lý học Nguyễn Khắc Viện sáng lập đã phân tích rối nhiễu tâm lý ở trẻ em cần có sự giúp đỡ của nhà tâm lý theo 8 nhóm: Những khó khăn trong học tập; Rối nhiễu ngôn ngữ; Rối nhiễu vận động; Rối nhiễu tâm thể; Rối nhiễu hành vi; Rối nhiễu nhân cách; Rối nhiễu về giới tính; Lo hãi, trầm cảm... Bác sĩ Nguyễn Thúy Hạnh - cán bộ Trung tâm N-T cho biết: Trên thực tế, rất nhiều gia đình không biết con mình mắc phải sự rối nhiễu tâm lý này mà khi thấy bất thường, thường cho trẻ đi khám ở các cơ sở khám chữa bệnh. Điều này sẽ không giúp cải thiện được tình trạng của trẻ, bởi điều trị cho trẻ tự kỷ là cả một quá trình với liệu pháp trị liệu khác nhau. 1 giờ bổ sung cho 23 giờ Mỗi năm, TT N-T đón nhận hàng trăm trẻ đến tư vấn tâm lý và trị liệu, trong đó riêng năm 2006 vừa qua là 204 trẻ với 2772 lượt đến TT. Không chỉ thân chủ ở Hà Nội mà rất nhiều thân chủ ở các tỉnh xa như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vinh, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... đã tìm đến với phương pháp tư vấn trị liệu đặc biệt ở N-T. Nói về hội chứng tự kỷ ở trẻ và cách can thiệp, nhà tâm lý An Trần Trung cho hay: Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra căn nguyên của hội chứng này. Trong khi đó, mỗi thân chủ đến với Trung tâm lại mắc phải những hội chứng khác nhau, cần có cách trị liệu riêng. Muốn can thiệp thành công, cần có sự phối hợp giữa y tế (bác sĩ chuyên khoa nhi, tâm thần nhi) và giáo dục (giáo viên chuyên biệt, nhà trị liệu tâm lý...). Tại N-T, chúng tôi đã thiết kế ra một mô hình can thiệp sớm toàn diện, bao gồm giáo dục đặc biệt và trị liệu cá nhân. Hàng ngày, trong vòng 1 tiếng đồng hồ (khoảng thời gian vừa đủ để trị liệu cho trẻ), các nhà chuyên môn sẽ can thiệp trị liệu cho trẻ về vấn đề ngôn ngữ, huấn luyện kỹ năng sinh hoạt... "Chúng tôi xác định 1 giờ bổ sung cho 23 giờ còn lại trong ngày của thân chủ. Vì vậy, trong 1 giờ này, nhà tâm lý, nhà giáo dục đặc biệt phải cùng bắt tay vào can thiệp trị liệu cho trẻ theo từng nhóm rối nhiễu tâm lý khác nhau. Thân chủ được trị liệu đặc biệt trong các phòng chuyên biệt, sau đó tham gia các hoạt động hội nhập trong các phòng hòa nhập... 1 giờ trị liệu hiệu quả sẽ cho 23 giờ còn lại ổn định hơn với thân chủ và gia đình thân chủ. Điều này đòi hỏi các nhà tâm lý, nhà giáo dục đặc biệt không chỉ có kỹ năng mà phải rất kiên trì, mềm mỏng và quan sát tinh ý mọi biểu hiện, hành vi của trẻ để điều chỉnh" - nhà Tâm lý Nguyễn Thu Hà cho biết. Theo dự đoán của các chuyên gia, Việt Nam có tới 160.000 người mắc chứng tự kỷ và số lượng người mắc hội chứng này càng ngày càng gia tăng. Từ năm 2000 trở lại đây, trẻ tự kỷ xuất hiện ngày càng đông, năm sau cao gấp 2-3 lần năm trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết có những Trung tâm đang làm công việc cải thiện hội chứng này, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường. Trung tâm N-T là một trong số ít Trung tâm ở Hà Nội được thành lập ra để giúp trẻ với mục đích từ thiện, điều kiện và nguồn kinh phí hoạt động rất hạn hẹp do chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước... Song không vì thế mà N-T không tiếp tục công việc khó khăn này. Hiện Trung tâm đang triển khai thêm mô hình bán trú và đào tạo từ xa để thân chủ có thêm thời gian trị liệu, hòa nhập và cải thiện sớm những rối nhiễu tâm thần của mình.
(Kiều NgânTrích báo Phụ nữ thủ đô, Số 09, ra ngày 28/2/2007-7/3/2007) |
|