Để một bộ phận lớp trẻ bớt "ngây ngô" về văn hóa |
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước kết quả quá thấp của môn thi Lịch sử trong mấy kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng gần đây. Điều này đã rõ, nhưng theo tôi, không chỉ có kiến thức về Lịch sử mà một bộ phận của lớp trẻ ngày nay còn thiếu hụt cả kiến thức về đời sống văn hóa dân tộc đến mức đáng lo ngại. Xin nêu một số « vụ việc » cụ thể : Trong chương trình « Ai là triệu phú » phát sóng trên kênh VTV3 Đài THVN vào tối 23-10 vừa qua, có một câu hỏi được đưa ra cho người chơi (một kỹ sư trẻ) là : Hãy điền vào chỗ trống trong câu thành ngữ sau : « Mong như mong mẹ... », chương trình đưa ra 4 đáp án A, B, C, D là : khỏi ốm, về chợ, nấu cơm, cho quà. Không biết chọn đáp án nào cho đúng nên người chơi đã nhờ sự trợ giúp 50/50 (nhờ máy tính bỏ đi 2 đáp án sai). Lúc này chỉ còn lại hai đáp án là : «về chợ » hoặc « khỏi ốm » để người chơi lựa chọn. Sau khi suy nghĩ, anh kỹ sư trẻ quyết định chọn đáp án là « khỏi ốm », có nghĩa là theo anh, câu thành ngữ trên sẽ là « Mong như mong mẹ khỏi ốm » ! Một câu thành ngữ hết sức quen thuộc của người Việt Nam là « Mong như mong mẹ về chợ » mà một kỹ sư trẻ lại không biết. Điều này thật đáng tiếc, song có lẽ không riêng anh mà còn không ít thanh niên cũng không biết ! Trong cuộc thi « Rung chuông vàng" dành cho các sinh viên đại học được phát sóng trên VTV3 cách đây chưa lâu, có một tình huống diễn lại một tích cổ, cảnh một ông thầy đang đi dạo thì gặp một cô gái trẻ đang gánh chiếu đi bán. Ông thầy liền hỏi : « Nàng ở đâu ta bán chiếu gon, chẳng hay chiếu ấy hết hay còn, xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi, đã có chồng chưa được mấy con ? ». Cô gái sắc sảo trả lời : « Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon, cớ chi ông hỏi hết hay còn, xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ, chồng còn chưa có, hỏi chi con ? ». Câu hỏi của chương trình đặt ra là : Ông thầy và cô gái bán chiếu ấy là ai ? Vậy mà hầu hết các thí sinh đều trả lời sai phải rời khỏi sân chơi. Một giai thoại rất nổi tiếng về buổi gặp gỡ ban đầu giữa nhà quân sự, chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi với người vợ yêu quý, tài hoa của ông là Nguyễn Thị Lộ mà các cô cử, cậu cử lại không biết. Ở một sân chơi khác, có một câu hỏi đưa ra là : Hãy điền vào chỗ trống trong câu ca dao sau : « Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt... » (đáp án đúng là « đắng cay muôn phần »). Vậy mà người chơi vẫn trả lời sai. Theo dõi các chương trình vui chơi giải trí trên truyền hình và ở nhiều cuộc thi đã diễn ra ở các địa phương, đôi khi chúng ta phải ngạc nhiên và cười... ra nước mắt khi những người tham gia (phần đông thuộc lớp trẻ) đã không thể trả lời đúng các câu hỏi về những điều tưởng như đã hết sức quen thuộc trong đời sống văn hóa của dân tộc và đất nước ta. Văn hóa là cốt cách, là nền tảng chi phối mọi hành vi của con người. Làm sao con người có thể tự hoàn thiện, có thể sống tốt nếu như không có những kiến thức nhất định về văn hóa truyền thống của dân tộc. Vậy để xảy ra thực trạng trên, lỗi tại ai ? Do các bậc làm cha làm mẹ, các thầy cô giáo hay còn có những nguyên nhân nào khác ? Cách đây vài ba chục năm, tuổi thơ chúng tôi luôn được đắm mình trong những lời ru ầu ơ của mẹ và thế giới thần tiên trong những câu chuyện cổ tích của bà. Các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo luôn răn dạy trẻ em bằng những bài ca dao, tục ngữ, dân ca mà ông cha ta đã đúc rút từ hàng ngàn năm, những câu chuyện cổ thích, truyền thuyết dân gian khắc họa thiên nhiên đất nước con người Việt Nam trong quá trình lịch sử. Đã nhiều năm trở lại đây trẻ em không còn được đọc, được nghe và được giảng giải về những vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc. Các truyện dành cho thiếu nhi ngày nay phần nhiều là những truyện nước ngoài. Đây thực sự là một vấn đề mà theo tôi, cả xã hội cần hết sức quan tâm và có những giải pháp tích cực để khắc phục. Ví như, trong mỗi gia đình, các bậc phụ huynh thường xuyên truyền đạt, răn dạy con cháu bằng những câu tục ngữ, châm ngôn, ngụ ngôn, ca dao và các truyền thuyết dân gian của nước ta, cũng như những phong tục tập quán của địa phương, vùng miền. Trong các chương trình giảng dạy ở nhà trường, các thầy cô giáo cũng nên chú trọng áp dụng, phân tích, liên hệ từ những lời hay ý đẹp, những thuần phong mỹ tục trong văn hóa truyền thống của dân tộc để học sinh được hiểu, ghi nhớ và thấm nhuần thì chắc chắn các em sẽ sống có nền nếp hơn, bớt lệch lạc và sẽ bớt ngây ngô như những trường hợp đã nêu...
(Bài viết của Nam Hồng Trích báo Hà Nội mới, Số ra ngày Thứ ba 6-11-2007) |
|