Những cảm xúc như vậy là rất phổ biến đối với tuổi mới lớn, nhưng không phải tất cả các bậc phụ huynh đều có thể sẵn sàng chia sẻ được với con em khi khoảng cách giữa các thế hệ vẫn còn đó, khi những bận rộn với cuộc sống đời thường che phủ lên một thời "mộng mơ" đã qua đi của họ. Trong khi đó, tuổi mới lớn luôn cảm nhận cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả những khía cạnh lung linh, ngỡ ngàng lẫn khó xử trước những mối quan hệ tình cảm mới chưa từng xuất hiện và trước những khó khăn mới trong những mối quan hệ tình cảm vốn đã từng quen thuộc, gắn bó mật thiết với họ suốt từ thời thơ ấu, bởi tất cả đều trải qua những biến động lớn lao không còn trạng thái nguyên sơ như cái thuở ban đầu...
Vì sao có những bậc cha mẹ chưa cảm thông được với tuổi mới lớn?
Có người cho rằng những bậc cha mẹ quá hà khắc với con thường là những người có một tuổi thơ không êm đẹp, bì vùi dập, hay còn gọi là "tuổi thơ bị đánh mất", nhưng thực tế cho thấy đây chỉ là một trong những lý do có thể chứ không phải là nguyên nhân tất yếu, bởi có nhiều người trải qua tuổi thơ bất hạnh lại có xu hướng vị tha độ lượng rất cao, như muốn bù đắp những mất mát của mình cho thế hệ con cái, như muốn không để con cái lặp lại bi kịch của mình. Không những thế mà nhiều người trong số họ còn tìm cách chia sẻ, giúp đỡ cho biết bao số phận trẻ em bất hạnh khác vì sự thôi thúc của bi kịch trong tuổi thơ của mình.
Hơn nữa, chúng ta cũng gặp không ít các bậc cha mẹ có một tuổi thơ êm đẹp (nói một cách tương đối) nhưng vẫn không đủ độ cảm thông cần thiết đối với con em mình. Trong những lá thư gửi về cho cô Thanh Tâm, có em phải thốt lên rằng "cách đối xử của bố mẹ đối với cháu quá khắc nghiệt, xét nét, thô bạo đến mức có lúc cháu nghi ngờ rằng mình không phải là con đẻ...". Lý do về sự không hài hòa giữa cha mẹ và con cái thường rất đa dạng. Sau đây là một số nguyên nhân tâm lý mang tính phổ biến:
- Sự khác biệt thế hệ: Đây là nguyên nhân thường được đề cập nhiều nhất trong các diễn đàn về chủ đề: "Có mâu thuẫn giữa các thế hệ hay không?". Chúng ta dễ dàng quan sát thấy không ít các bậc cha mẹ quen giữ nguyên những quan niệm cũ, những cách thức giáo dục cũ mà họ đã được thừa hưởng trong quá khứ. Và nhiều người trong số họ còn tin rằng đó là cách tối ưu để giáo dục con em, do vậy mà kiên trì theo đuổi nó một cách bảo thủ, trong khi đó các bạn trẻ lại hướng về những giá trị, những cách thức ứng xử của thời đại mới. Điều này thường dần dần đẩy mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái ở tuổi mới lớn đến độ gay gắt, nhất là những trường hợp vấp phải sự tự khẳng định cực đoan của thế hệ con cái. Những bậc cha mẹ biết nhìn thẳng vào bước chuyển của thời đại mới với những giá trị mới như bình đẳng, dân chủ, nhân quyền, quyền của phụ nữ, quyền trẻ em... để có những ứng xử mềm dẻo thì hạn chế được rất nhiều những bất hòa trong mối quan hệ giữa hai phía.
- Sự khác biệt giữa các cá nhân: Bên cạnh sự khác biệt thế hệ phải kể đến sự khác biệt cá nhân trong những trải nghiệm tuổi thơ. Các công trình nghiên cứu tâm lý học cho thấy, không có một tuổi thơ nào là êm dịu tuyệt đối. Kể cả những bậc cha mẹ đã trải nghiệm tuổi thơ bị bỏ rơi lẫn những người đã qua tuổi thơ có vẻ êm dịu trước khi trở thành người lớn đều phải vượt qua những hẫng hụt trong cuộc sống. Và dấu vết còn lại của những hẫng hụt trong tuổi thơ của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ ứng xử với con cái sau này.
- Những kỳ vọng của cha mẹ áp đặt lên con cái: Một thực tế thường thấy là khi con đến tuổi vị thành niên thì các bậc cha mẹ thường kiểm kê lại những gì mình đã đạt được trên bước đường công danh sự nghiệp, và nhiều người sau cuộc hành trình mệt mỏi đó nay muốn gửi gắm những ước nguyện không thành của mình cho thế hệ con cái bằng cách áp đặt những kỳ vọng thái quá lên con mình, theo kiểu "hy sinh đời bố, củng cố đời con" một cách ảo tưởng, dẫn đến quá sức chịu đựng của con khiến có nguy cơ cả bố lẫn con đều phải trả giá bằng thất bại không những về công danh sự nghiệp mà cả về mối quan hệ trong gia đình. Căng thẳng nhất là trường hợp những bậc bố mẹ chịu ảnh hưởng của quan niệm giáo dục sai lầm: "Thường cho đòn, cho vọt; ghét cho ngọt, cho bùi" và áp dụng nó một cách cực đoan.
- Tuổi hồi xuân của cha mẹ: Đây là một khía cạnh thường được các nhà tâm lý học phương Tây cảnh tỉnh, bởi khi con cái đến tuổi dậy thì thì dường như nhiều bậc bố mẹ bước vào tuổi hồi xuân (nhất là người mẹ) hay như cách gọi của một số tác giả là "dậy thì lần thứ hai", tức là bố mẹ cũng có một số khó khăn nhất định về phương diện tâm sinh lý mà nhiều khi rất khó bộc bạch cùng người bạn đời khiến khả năng trút những bực dọc khó chịu của mình lên con cái theo cơ chế "giận cá chém thớt" cũng có thể xảy ra.
Làm thế nào để bắc được nhịp cầu thông cảm giữa cha mẹ và con cái?
Trước khi nói đến những cố gắng từ phía bố mẹ, không thể không nhắc đến những cố gắng từ con cái. Với cương vị là con, cần có sự cảm thông với các bậc cha mẹ từ những khó khăn có thể gặp phải và nên nghĩ đến động cơ sâu xa cùng những tình cảm thiêng liêng ẩn giấu đằng sau những sự bất đồng trong thực tế, đặc biệt là nên thử tưởng tượng ra viễn cảnh sau này, khi mình trở thành bố, thành mẹ để có những suy xét công bằng, khách quan hơn.
Với cương vị làm bố, làm mẹ, thì một sự hiểu biết sâu xa về bản thân mình đặc biệt là về những khía cạnh tâm lý như đã nêu ở trên để lường trước những sai lầm, bất công mà mình có thể gây ra cho sự xích lại gần nhau giữa hai phía. Mặt khác, bố mẹ cần có những hiểu biết tối thiểu về đặc điểm tâm lý của lứa tuổi mới lớn để tránh những ứng xử gây sốc cho tuổi mới lớn - một lứa tuổi bản lề giữa trẻ em lên người lớn, thường có những khó khăn về tâm sinh lý sau bước ngoặt dậy thì, về những thử nghiệm ban đầu còn vụng về, thậm chí có lúc cực đoan trên con đường tự khẳng định.
Làm người bạn tâm tình của con không dễ, bởi chức năng đó không phủ định chức năng làm bố mẹ. Tình bạn ở đây không nên hiểu theo nghĩa "cá mè một lứa" mà nên hiểu theo nghĩa một sự chia sẻ đồng cảm với nhau về những khó khăn ở một thời điểm nhạy cảm của tuổi mới lớn mà cả cha mẹ lẫn con cái, không ai là người có thể tránh khỏi mọi sai lầm. Các chuyên gia thường lưu ý các bậc cha mẹ nên cảm thông với xu hướng tìm kiếm một hệ giá trị thuần khiết lý tưởng ở tuổi mới lớn, nhiều khi khác xa so với những quan niệm thông thường. Do vậy, một tình huống khá phổ biến và cũng rất dễ hiểu là khi bố mẹ tìm cách ngăn cấm một cách thô bạo các bạn trẻ yêu nhau mà chỉ đưa ra được những lý do hời hợt bề ngoài, thì vô tình bố mẹ đã tạo ra một thử thách cho sự tự khẳng định hệ giá trị của tuổi mới lớn, khiến các em tìm cách "quyết tâm lao vào" cho đến khi thất bại thì thôi. Bài học kinh nghiệm thành công của tình huống này không phải là giải thích với con về "gia cảnh nghèo hèn", về "tương lai mờ mịt" của người bạn yêu của con..., lại càng không phải là rà soát mọi tư trang, đọc trộm thư và nhật ký, mắng đuổi người bạn khác giới của con..., như một số phụ huynh đã xử sự mà là cùng đón tiếp bạn của con một cách đàng hoàng, cùng chia sẻ với con những khó khăn của chính tình yêu tuổi học trò, thậm chí cả những sai lầm vấp váp mà mình hoặc bạn bè của mình đã trải qua để con có thể tự đi đến kết luận về những điều kiện chín muồi của tình yêu. Đó cũng là bài học về nghệ thuật bắc một nhịp cầu thông cảm giữa bố mẹ và con cái.
(Tác giả: Nguyễn Minh Đức)
|