NT Foundation - Tính  
Tính
 

I. Ngôn từ:

Không có 2 con người giống hệt nhau; mỗi người là một cá thể một cá nhân, có những đặc điểm riêng, phân biệt với người khác. Tổng hòa cái riêng biệt ấy là TÍNH, cá tính.

Tính bao gồm mọi mặt: sức khỏe, trí khôn, tình cảm, hành động, cách ứng xử - Là một phức hợp...

Một phức hợp không rời rạc, mà có tính thống nhất, là một tổng thể. Thống hợp nhiều đặc điểm khác nhau.

 

Tùy hoàn cảnh, mỗi con người thay đổi cách ứng xử nhưng trong cả quá trình lớn lên, trưởng thành từ bé đến già, ở mỗi người vẫn thấy tồn tại một cái "tính" hằng định - Từ những ngày đầu sau khi lọt lòng, bà mẹ đã nhận ra mỗi đứa con có một tính riêng.

Bản thân mỗi người cũng nhận ra bản lĩnh của mình, ít nhiều có ý thức gìn giữ bảo vệ bản tính, bản sắc của mình.

Xác định được cái "tính" của một người, có thể phần nào dự đoán được người ấy trong một hoàn cảnh nhất định sẽ cư xử ra sao. Đứng trước một người khác, bao giờ chúng ta cũng nhận xét tính người ấy như thế nào để ứng xử cho thích hợp. Nhất là khi phải hợp tác, sinh sống, chia sẻ quyền lợi, tình cảm - kết hôn, lựa bạn, tuyển dụng cán bộ, bầu đại biểu...

Tính gắn liền với những đặc điểm thể chất, nhìn về mặt này thì gọi là tính chất (constitution).

Tính biểu hiện qua mức độ, cung bậc của cảm xúc tình cảm trong cuộc sống: đó là tính khí (humeur, mood).

Tính biểu hiện qua kiểu phản ứng trong các mối quan hệ xã hội, các tình cảnh khác nhau với những tình cảm sắc thái, nông sâu khác nhau đó là tính tình.

Khi một đặc điểm nổi bật lên và tồn tại lâu dài thì trở thành một "nét", đó là tính nết (Trait).

Một số nét kết hợp với nhau thành một cơ cấu cố định biểu hiện qua một phong cách riêng, đó là tính cách (type).

Do có một cái "tính" riêng, do ứng xử thường theo một kiểu cách nhất định. Một con người dễ tìm theo - một cách thường là vô thức - những nghề nghiệp, lối sống, bè bạn, vợ chồng, theo một hướng nào đó rồi ứng xử theo kiểu cách nào đó thành thử có những tình huống, tình cảnh dễ xảy ra, dễ lặp đi lặp lại, như kiểu định mệnh, cho nên gọi là tính mệnh - (chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau).

Toàn bộ những đặc điểm nói trên, với thân thế, vị trí vai trò giữa xã hội họp lại thành nhân cách (personnalité).

Qua các ngôn từ trên thấy rõ, TÍNH là một trong những vấn đề phức tạp, khó khăn vào bậc nhất trong tâm lý học. Và không lạ gì có rất nhiều cách tiếp cận, lý giải, trắc nghiệm, không thể có một học thuyết nào.

II. Tính nết (Trait):

Trong ngôn ngữ có rất nhiều mô tả các loại tính nết: can đảm, nhút nhát, siêng năng, lười biếng... Mỗi nét còn phân ra chi li, như cần thì có cần cù, cần mẫn, cần kiệm, láu thì có láu lỉnh, láu cá, hiền có hiền hậu, hiền lành, hiền khô... Trong văn học có rất nhiều chân dung của các nhân vật như trong Kiều, các tiểu thuyết, trong sử ký của Tư Mã Thiên, kịch... Đó là đúc kết kinh nghiệm lâu đời, với trực giác cảm tính. Tâm lý học từ vốn ngôn ngữ và văn học phong phú ấy phải tìm cách hệ thống hóa, rút ra những nét chủ yếu, mỗi nét chính tập hợp nhiều nét phụ, từ cả mấy nghìn nét do ngôn ngữ đúc kết lại, đề ra một số nét chính, mong rằng từ đó dự đoán được những ứng xử của một con người, sau khi xác định được tính nết của người ấy. Làm sao rút gọn được như vậy? Rồi còn lại bao nhiêu nét chính?

Cho đến khi vận dụng toán thống kê, cụ thể là phân tích nhân tố (analyse factorielle), chỉ dựa vào kinh nghiệm và suy luận trừu tượng. Một nét được định nghĩa là một phức hợp tâm - sinh lý vừa có tính chung có thể tìm thấy ở nhiều người, vừa có tính riêng, của một con người nhất định. Toán thống kê sử dụng vi tính giúp cho xử lý những khối thông tin lớn, phát hiện các mối liên quan giữa các nét này nét khác, phân biệt những nét chính. Từ trước để nghiên cứu vấn đề, nhiều học giả dùng những bảng câu hỏi - Hai tác giả Mỹ từ một số bảng câu hỏi, rút ra 1.726 câu, rồi bỏ bớt những câu dư trùng lặp, còn 400 câu, huy động một số nhà tâm lý ở khắp nước Mỹ, phỏng vấn 1.003 người, thu được 400.000 câu trả lời rồi dùng toán thống kê để xử lý. Từ khối thông tin khổng lồ ấy rút ra 11 nét chính:

1. Nhút nhát. Câu hỏi thứ nhất: Tôi thường chủ động tìm kết bạn -  liên quan âm (-). Câu thứ hai: Thường tôi đợi người ta hỏi chuyện, tôi mới trò chuyện - liên quan dương (+)

2. Cởi mở: dễ làm quen với người khác, lịch thiệp liên quan (+) với những câu: thích chen vào đám đông cho vui, thích dự những lễ hội.

3. Tính khí thất thường: nhiều khi vui buồn không hiểu vì sao, có khi cảm xúc mạnh không có lý do rõ rệt.

4. Nhạy cảm (dễ lo hãi) khác với nét 3.

Liên quan (+): dằn vặt điều gì dễ mất ngủ.

Liên quan (-): gặp rủi ro cũng bình thản.

5. Dễ xung động. Liên quan (+): nghĩ điều gì, hành động ngay (+): ai gợi gì, phản ứng ngay, tuy vẫn tiếp tục suy nghĩ.

6. Kiên định. Liên quan (+). Phân vân gặp vấn đề khó, cố tìm cách giải đáp.

7. Ưu bệnh (hypocondric). Liên quan (+) không thích nhàn cư nằm suy nghĩ miên man - (+): Thường thay đổi kế hoạch vì lý do sức khỏe.

8. Chơi trội (Thủ lãnh) (+) họp hành, tôi thích đứng nhận trách nhiệm (+) Thích chỉ đạo vì nghĩ rằng tôi nắm vấn đề biết rõ cái gì lợi cho tập thể.

9. Hoạt bát năng động về thể lực

(+) Thích thể thao hơn là hoạt động trí tuệ.

10. Tin ở người khác - đối lập là đa nghi

(+) Tôi là một con người độc lập.

11. Siêu tôi mạnh (theo nghĩa tôn trọng những giá trị đạo đức của xã hội) hay đánh giá người khác không chịu tôn trọng pháp luật và chuẩn mực đạo đức.

III. Tính cách (Type) :

Những nét khác nhau có thể tập hợp thành những « hội chứng » và phân loại tính có thể rút gọn thành vài ba « tính cách ». Tự nghìn xưa, nhiều trường phái xuất phát từ những quan điểm khác nhau đã phân ra một số tính cách - dựa trên những đặc điểm thể chất hay tâm lý - vì thể chất dựa vào hình thái thân thể (tướng mạo), hoặc vào chức năng sinh lý (tang, cơ địa), về tâm lý theo các đặc điểm bình thường hay bệnh lý. Những triệu chứng bệnh lý chỉ là những nét, những tính cách bình thường biểu hiện ở một mức độ cao hay lệch đi - người có tính cách phân biệt (schizoid) có nét tự khép mình lại. Ít chịu giao tiếp, còn người bệnh phân liệt (Schizophrérie) thì hoàn toàn cắt đứt giao tiếp, sống với một thế giới riêng, thường đầy hoang tưởng. Có những người có một vài nét nhiễu tâm, kiểu hystéri, nhưng trong cuộc sống bình thường, nét đặc biệt kết hợp tương đối hài hòa với những nét khác, chứ không nổi lên như một « dở chứng » làm rối nhiễu cuộc sống. Thông thường phân loại tính cách kết hợp cả những đặc điểm thể chất và tâm lý.

1. Phân loại TC theo Kretschmer:

Là một bác sĩ tâm thần, K xuất phát từ tâm bệnh bệnh học. Có 3 TC chính:

- TC to mập tính khí dao động - pycnique - cydothyme. Thân thể phát triển theo chiều ngang, vòng ngực, vòng bụng và tứ chi lớn. Tính khí khi hưng phấn quá mức, khi trầm muộn (Kretschner xuất phát từ tâm bệnh hưng - trầm luân phiên (psychore maniaco-dépressive) bệnh này thường gặp ở những người to mập).

- TC mảnh khảnh phân liệt - (leptosome - schiorthyme) thyme là tính khí. Thân thể phát triển chiều cao. Ít chịu giao tiếp - dễ phát bệnh phân liệt.

- TC vạm vỡ - xương to đô, vai u bắp thịt vai ngực nở tính khí thường chậm phản ứng, tuy có đôi khi nổi cơn khùng (athléthique).

- TC dị hình (dysplasique) với sự phát triển hoặc quá mức, hoặc kém của một bộ phận - Dễ bị động kinh.

Những nghiên cứu về sau dẫn đến 2 kiểu TC chính là to mập (pycrique) và mảnh khảnh (leptosom), TC vạm vỡ là một thể trung gian. Mối tương quan giữa hai thể tâm bệnh chủ yếu phân liệt và hưng-trầm đã được nhiều học giả khác chứng minh. Ở các nước dùng tiếng Đức, hay sử dụng kiểu phân loại này.

Sau đây là đặc điểm tâm lý của 2 TC dao động và phân liệt:

TÍNH CÁCH PHÂN LOẠI THEO KPETSCHNER

Các chức năng tâm lý

TC Dao động

TC Phân liệt

Trắc nghiệm

Nhịp điệu riêng

Chậm

Nhanh

Tốc độ gõ

Cách làm việc

Thất thường

Đều đặn

Thử kéo ngón tay

Mỏi mệt

Dần dà

Đột ngột

Ergographe

Đãng trí

Dễ lơ đãng

Ít

Thời gian phản ứng

Xu hướng phân ly

Ít

Mạnh

Giao nhiều nhiệm vụ cùng một lúc

Diễn biến các hình tượng trong suy nghĩ

Nhiều liên tưởng

Ngẫm đi ngẫm lại

Test liên tưởng các từ

Tầm rộng chú ý

Rộng

Hẹp

Test gạch bỏ

Hướng tri giác

Nặng về màu sắc

Nặng về hình thái

Test thích thú màu sắc hay hình thù

Nhạy cảm (dễ kích thích)

Yếu, chóng kiệt sức

Mạnh, kéo dài

Phản xạ điện da

2. Phân loại TC theo Sheldon:

Xuất phát từ phôi thai học: trong các phôi có 3 lớp, nội bì (endoderme), biểu bì (ecto derme), trung bì (mésoderme). Ở mỗi người mức độ phát triển từng lớp một dễ sinh ra các bộ phận trong cơ thể khác nhau, phát triển khác nhau.

- Ở kiểu nội bì (endonorphe) thân phát triển hơn tứ chi, người tròn trặn, da thịt mềm mại, cơ bắp yếu, xương nhỏ tay chân nhỏ - chức năng nội tạng phát triển - Cho nên gọi là TC nội bì - nội tạng (endomorphie - viscerotonie).

- Ở kiểu trung bì xương và cơ bắp phát triển. Chân tay dài. Vai rộng háng hẹp. Sheldon gọi là Trung bì - Thể hình (mesomorphie - sonatotonie).

- Ở kiểu ngoại bì, chân dài, trán cao, ngực dẹp - não phát triển gọi là ngoại bì. Não bộ (ectomorphie - cérébrotonie).

Sau đây là những nét tâm lý chính trong 3 TC này:

NHỮNG NÉT TÂM LÝ CHÍNH TRONG 3 TC THEO PHÂN LOẠI SHELDON

Nội bì - Nội tạng

Trung bì - Thể hình

Ngoại bì - Não bộ

Tư thế vận động buông thả

Tư thế vận động vững vàng

Tư thế vận động dè dặt

Ham đầy đủ tiện nghi

Ham phiêu lưu vận động

Phản ứng nhanh

Phản ứng chậm

Có "nghị lực"

Thích chuyện riêng tư

Giao tiếp cởi mở

Thích vận động

Suy nghĩ nhiều hay e ngại

Cảm xúc ổn định

Tác phong dễ thô bạo

Biến đổi nét mặt có ý thức

Bao dung

Chiến đấu can trường

Tránh giao dịch

Tự mãn

Hung hăng ganh đua

Bị ức chế trong giao tiếp xã hội

Thiếu nghị lực

Ăn to nói lớn

Ăn nói nhỏ nhẹ sợ tiếng ồn

Trao đổi tình cảm dễ dàng hướng ngoại

Bề ngoài hoàn chỉnh

Tác phong căng kiểu thanh niên

3. Phân loại TC theo Pavlov :

Xuất phát từ những thí nghiệm điều kiện hóa, nhận ra những đặc điểm chức năng hoạt động của hệ thần kinh, trường phái Pavlov chia làm 4 kiểu TC, ở thú vật cũng như ở loài người.

- Nhạy cảm : dễ bị kích thích, khó ức chế.

- Ức chế : trái ngược với TC trên.

- Cân bằng : dễ thích nghi mọi tình huống có khả năng nhạy bén lúc này, kiềm chế trong tình huống khác.

- Lờ đờ : không nhạy cũng không bị ức chế. Có khi một phản ứng (kích thích hay ức chế) dễ lan tỏa.

4. Phân loại TC theo Heymans và Wiersma :

Xuất phát từ giả thuyết, mỗi kích động lên hệ thần kinh gây ra một phản ứng tức thì sơ cấp, rồi sau đó một phản ứng kéo dài, tác động đến tâm tư, phản ứng cấp hai - cho nên có thể phân biệt những người phản ứng sơ cấp mạnh, nhưng nông, và những người có phản ứng cấp hai lâu bền, theo chiều sâu : sơ cấp nông, cấp hai sâu.

H và W cho rằng hai đặc trưng chủ yếu của con người là : tính nhạy cảm, dễ cảm xúc hay không và tính năng động, những biểu hiện của 2 yếu tố này diễn ra chủ yếu ở mức sơ cấp nông, hay cấp hai sâu. Từ đó có thể phân ra 8 loại tính cách như sau (trong bảng Liệt kê ký hiệu (+) là mức trên trung bình, (-) dưới trung bình).

C : cảm (nhạy cảm)

Đ : động (năng động)

N : nông (sơ cấp)

S : sâu (cấp hai)

Nhạy cảm

Năng động

Nông - Sâu

Tính cách

-

-

S

Lờ đờ

-

-

N

Ủ rũ

+

-

S

Mẫn cảm

+

-

N

Đa tình

-

+

S

Nông nổi (máu)

-

+

N

Thản nhiên

+

+

S

Nóng nảy

+

+

N

Nhiệt cuồng

Tiếng Pháp (theo thứ tự) là:

amorphe - apathique - nerveux - sentimental (kém Đ)

sanguin - flegmatique - colérique - passionné.

5. Phân loại theo Jung :

Tương tự với hai hướng nông-sâu. Jung chia làm 2 TC chủ yếu:

- Hướng ngoại: hướng về thế giới bên ngoài (của cải, quyền chức danh lợi) thích hoạt động, giao du - nhạy cảm nhưng nông cạn.

- Hướng nội: hướng về bản thân, về nội tâm, về ý tưởng thâm thúy, trầm ngâm.

Rohrschach lúc đề xuất test của mình cũng phân chia hai loại TC. Hướng ngoại và hướng nội, thêm vào hướng thứ 3 là co rúm (coarté) sinh lực, xung năng yếu đuối không hướng nào rõ rệt. Trong trắc nghiệm Rohsschach cũng phân biệt 2 kiểu tri giác là phân tích từng bộ phận chi tiết, hay quan tâm phía tổng hợp.

6. Phân loại TC theo phân tâm học:

Trong quá trình trưởng thành, nếu tình cảm cắm chốt lại một giai đoạn nào đó (xem bài những khái niệm cơ bản của phân tâm học), thì tạo ra một tính cách tương đương:

- TC môi miệng: ỷ lại - ham ăn - ham của.

- TC hậu môn: hà tiện - cục cằn - nói năng huênh hoang.

- TC dương vật: tự tin, táo bạo.

- Tình dục trưởng thành, hài hòa, giải tỏa mặc cảm ocdipe.

7. Phân loại TC theo lâm sàng:

Xuất phát từ việc phân định các rối nhiễu tâm lý.

- Hưng phấn dễ cao hứng náo động.

- Trầm nhược, uể oải, bi quan.

- Lo âu, đa cảm.

- Cuồng nhiệt, kiểu paranoia, tự kiêu, suy luận cứng nhắc.

- Thích phô trương (lên sân khấu) có nét hystêri.

-  Bất ổn, đứng ngồi không yên, hay đòi làm việc.

- Tính phá ngang, bùng nổ.

- Lờ đờ, lạnh lùng, ít cảm xúc.

- Mất ý chí, dễ bị điều khiển.

- Mỏi mệt.

Xác định tính nết và tính cách còn có nhiều hệ thống các trường phái, đều vận dụng hai phương pháp cơ bản: là theo trực giác mà phân định bước đầu, sau dùng toán thống kê tìm các mối liên quan để có tính khách quan chính xác hơn. Không thể nói phương pháp nào là hơn.

IV. Trắc nghiệm về tính cách, nhân cách:

1. Thẩm vấn (bảng câu hỏi) cũng gọi là bảng liệt kê (inventaire). Đặt ra những câu hỏi, chủ thể cho biết cảm nghĩ về một điểm bằng cách trả lời: đồng ý hay không - hoặc phải lựa chọn một trong một giải đáp được đưa ra - có thể buộc phải lựa chọn: vẽ ra 2 chân dung, hỏi bên nào giống bản thân nhất - có thể nhằm xác định một mặt nào đó, hay rất nhiều mặt (inventaire multipharique như MPI tức Minnesota Multi Phasic Inventory): với 550 câu hỏi.

Phương pháp thẩm vấn nay được áp dụng rộng rãi. Báo chí cũng thường phổ biến những bảng câu hỏi, vận dụng có vẻ dễ dàng. Thực ra đề xuất được một bảng câu hỏi, rồi biết trắc nghiệm, rút kết luận chính xác tự kết quả trắc nghiệm là một công việc khoa học hết sức khó khăn, đòi hỏi có cả hai năng lực, kinh nghiệm lâm sàng dày dặn, toán thống kê giỏi - chủ thể có thể bằng nhiều cách, có ý thức và vô thức, trả lời xuyên tạc, tránh né, bóp méo (lưỡi không xương trăm đường uốn éo) - không thể áp dụng thẩm vấn một cách bừa bãi.

2. Test phóng chiếu - (X. bài riêng về test P.C)

Đặt chủ thể trước một tình huống nhất định: như xem một hình vẽ, đọc một câu chuyện, vài hàng, tưởng tượng ra một tình huống, rồi qua sự đối đáp thấy được chủ thể cảm nghĩ những gì và suy đoán về tính tình nhân cách một cách tổng hợp.

Mỗi kích thích phải làm sao gợi ra nhiều cách giải đáp để chủ thể dễ lựa chọn những gì thích hợp với mình - chủ yếu thăm dò về tình cảm nêu ý nghĩa của hình vẽ không được quá rõ, vì đây không phải thăm dò trí năng (mặc dù thông qua cách đáp ứng hiểu được phần nào về trí năng). Không bố trí một tình huống có cơ cấu rõ nét, để cho chủ thể tự mình đặt ra một cơ cấu nhất định như trong test Rohrschach chỉ là một vết mực long ra. Không rõ hình thù gì cả, nhưng từ đó có người thấy là những con thú vật người nhận ra là một con người... Như nhìn vào một đám mây, nhà thơ nhận ra là một con chó, gọi là "vân cẩu", từ những biến dạng của đám mây mà thốt lên: "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương" (Cung oán). Qua thí dụ đám mây, thấy rõ lý giải kết quả một test phóng chiếu không phải chuyện dễ, rất dễ đoán "liều" (Interprétation sauvage).

Trong những trắc nghiệm về trí lực, kết quả là những con số, kết hợp lại thành một đồ họa (profil), trong trắc nghiệm phóng chiếu, kết quả là những "nét". Kết hợp thành mọi chân dung (portrait) không thể tính thành con số - cho nên vận dụng toán thống kê không được hiệu nghiệm lắm, chủ yếu vẫn dựa vào trực giác cảm tính của người sáng chế ra test; vì vậy chỉ nên sử dụng những test đã được chứng nghiệm qua kinh nghiệm lâu năm, được nhiều người xác minh.

3. Cuối cùng, giá trị của một cách phân tích hay một phương pháp trắc nghiệm là cho phép dự đoán hành vi của chủ thể. Cái khó là mối liên quan giữa tính nết, tính cách và hành vi ứng xử rất lỏng lẻo. Kinh nghiệm cho thấy tính nết và tính cách ít thay đổi, có tính tương đối hằng định, nhưng hành vi ứng xử lại thường biến động tùy hoàn cảnh, tình huống. Một đứa con, ở nhà thì lười biếng, không chịu quét nhà, rửa bát, nhưng đến nhà bạn lại tích cực (việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng). Kể cả con gà, con chó, xa nhà, xa chuồng thì e sợ, nhưng cậy nhà, cậy chuồng thì tỏ ra hung hăng. Cho nên, sau khi tập hợp các chỉ báo qua quan sát trực tiếp, qua trắc nghiệm, cần đi sâu về quan hệ xã hội (nghề nghiệp, thành phần, cương vị, vai trò) và tiền sử. Nhận định một con người là có hướng nội hay hướng ngoại nhiều khi không quan trọng bằng việc điều tra biết người ấy là con buôn hay nhà khoa học, đã ở nước ngoài lâu năm, đã đi B, đã mấy đời chồng...

Không thể tách rời cơ cấu của nhân cách với hoàn cảnh sinh sống với thế giới bao quanh, thế giới vật chất, thế giới xã hội văn hóa. Tính nết, tính cách, nhân cách không phải là những cái khung trống rỗng, bao giờ cũng mang theo một nội dung nhất định trong từng hoàn cảnh. Cấu trúc luận không thể lý giải tất cả.

V. Luận thuyết về nhân cách:

Mô tả, phân loại, trắc nghiệm là tâm lý học cụ thể, lý giải các hiện tượng thành hệ thống là "siêu tâm lý" (métapsychologie) - tức suy luận để xây dựng một luận thuyết thống hợp các mặt khác nhau, và lý giải quá trình hình thành nhân cách trong cuộc sống - Những luận thuyết quan trọng sẽ được trình bày trong những chương riêng. Tóm lược lại, có 3 hướng:

- Chú trọng về tính chất. Lấy đặc điểm sinh học làm cơ sở.

- Chú trọng về tác động của môi trường, của hoàn cảnh sinh sống.

- Chú trọng về vận động của dục vọng, của các xung năng (điển hình là phân tâm học).

Nghiên cứu về cái TÍNH là một đề tài hết sức hấp dẫn, về cả thực tiễn và lý luận, nhưng cần tránh nhất là sự "đoán liều", dẫn đến những hậu quả tiêu cực (chụp mũ, trị liệu sai lầm, ám thị chủ thể...)

(Tác giả Nguyễn Khắc Viện)

 
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý