Bài viết này tuy được thực hiện bởi một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ điếc (khiếm thính), nhưng những nội dung chính về "can thiệp sớm" (Early Intervention) vẫn phù hợp cho việc giáo dục và chăm chữa tất cả các trẻ em thiểu năng có nhu cầu đặc biệt. Do vậy, chúng tôi xin giới thiệu bài viết cùng quý bạn đọc, nhất là cho quý vị phụ huynh của các trẻ em ấy. Việc này cũng là để chúng tôi ghi nhớ lại những kỷ niệm tốt đẹp trong thời gian cùng làm việc với tác giả hơn 15 năm trước.
Trong hai thế kỷ vừa qua những kiến thức về sự phát triển của trẻ, việc học của trẻ và cách giáo dục trẻ như thế nào cho tốt nhất được nâng lên rõ rệt. Ở các nước châu Âu mãi đến thế kỷ thứ 18 người ta vẫn còn suy nghĩ giữa người lớn và trẻ con chỉ khác nhau là người lớn to hơn trẻ con, người lớn có sức khoẻ hơn trẻ con, người lớn có nhiều kiến thức hơn trẻ con.
Khi nói đến giáo dục, các giáo viên có quan niệm rằng việc giáo dục trẻ thật là đơn giản - đó là việc dạy dỗ và chỉ đạo chúng cũng giống như việc đào tạo đối với những người đã trưởng thành: đơn giản là bằng những bài lên lớp. Không có quan điểm nào cho rằng trẻ con là "trẻ con" và chúng khác với những người đã trưởng thành rất nhiều. Không ai quan tâm đến một thực tế là khi đứa trẻ lớn lên chúng cần cả một quá trình phát triển mà trong quá trình phát triển đó nên tính đến phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình sao cho phù hợp.
Sự khởi đầu của giáo dục trước tuổi học.
Vào đầu thế kỷ thứ 19, những nhà giáo dục bắt đầu đặt câu hỏi về ý kiến cho rằng trẻ con là những người lớn thu nhỏ mà thôi, trẻ có thể học giống như người lớn học. Năm 1837, Friedrich Froebel cho rằng 6-7 năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời đối với việc học tập. Froebel cho rằng trẻ học tốt nhất là thông qua trò chơi, thông qua sự quan sát, thông qua việc sử dụng trí tưởng tượng và thông qua việc tham gia một cách tích cực vào quá trình học tập.
Gia đình là môi trường phát triển tốt nhất trong những năm đầu đời
Trong những năm đầu tiên của cuộc đời đứa trẻ (0-3 tuổi) trẻ phát triển rất nhanh chóng. Trong giai đoạn này đứa trẻ bắt đầu phát triển hệ thống ngôn ngữ của gia đình, phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm và những kỹ năng cần thiết để thực hiện các kỹ năng trong xã hội.
Mọi người đều cho rằng gia đình là môi trường thích hợp nhất để trẻ phát triển những kỹ năng trên. Và mọi người cũng đều cho rằng cha mẹ và gia đình có đầy đủ năng lực và khả năng để giúp trẻ phát triển trong những năm đầu tiên. Không còn đắn đo gì, cha mẹ và gia đình là những người thích hợp nhất đảm đương những nhiệm vụ này.
Có những lý do rất rõ ràng để giải thích cho nhận định gia đình là môi trường thuận lợi hơn bất cứ môi trường khác để trẻ phát triển sớm.
1. Trước tiên, trong những năm đầu, phần lớn thời gian của trẻ là ở với các thành viên trong gia đình. Xét trên phương diện thời gian, gia đình có nhiều cơ hội nhất để chăm sóc sự phát triển của trẻ.
2. Thứ hai là, không có ai có thể có được tình yêu thương trẻ như là gia đình đối với bé. Bởi vì gia đình là người nhạy bén nhất đối với trẻ và phản ứng rất chính xác và ngẫu nhiên với những nhu cầu và cố gắng giao tiếp của trẻ.
Trẻ khuyết tật - cần được hỗ trợ về giáo dục
Phần trình bày trên đây nói về trẻ một cách chung chung. Khi chúng ta xem xét đến trẻ khuyết tật, thực ra không có gì khác nhau giữa những nhu cầu chung của trẻ khuyết tật với những nhu cầu chung của trẻ không khuyết tật. Chính vì vậy không có một lý do gì (theo nghĩa chung) lại cho rằng trẻ khuyết tật nên được đối xử theo một cách khác biệt so với trẻ bình thường.
Tuy nhiên, mọi người thừa nhận rằng trẻ khuyết tật cần được giáo dục theo một chương trình giáo dục mà ở đó nhu cầu cần được hỗ trợ lớn hơn so với những trẻ không khuyết tật ở cùng độ tuổi. Đây là vấn đề thực tế bất luận trẻ trong một trường giáo dục nào: chuyên biệt hay hoà nhập.
Trẻ khuyết tật - cần được hỗ trợ sớm hơn
Nếu nói trong giáo dục, trẻ khuyết tật đòi hỏi phải có sự hỗ trợ ở mức độ cao hơn so với trẻ bình thường ở cùng độ tuổi thì điều này cũng rất phù hợp đối với trẻ khi vẫn còn ở nhà được các thành viên của gia đình chăm sóc. Nếu cho rằng giai đoạn phát triển này rất quan trọng, thì một điều logic là môi trường phát triển trong giai đoạn này cần phải có những điều kiện thuận lợi nhất. Điều này có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ cho gia đình ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Điều quan trọng là sự hỗ trợ được thông qua cha mẹ và những thành viên trong gia đình bởi vì cũng như ở trẻ "bình thường", rõ ràng rằng gia đình có cả những điều kiện và năng lực để cung cấp một môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ, không kể trẻ đó có khuyết tật hay không.
Can thiệp sớm - cần có sự cộng tác của nhóm đa chức năng (đa chuyên ngành)
Tiến trình can thiệp sớm phụ thuộc vào việc phát hiện và chẩn đoán sớm loại tật của trẻ. Đây là phần rất quan trọng của toàn bộ tiến trình can thiệp sớm nhờ vào sự cộng tác chặt chẽ giữa các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ sự phát hiện sớm trẻ khiếm thính nhờ vào tiến trình phát hiện sớm (tốt nhất là ngay sau khi sinh) mà công việc này thuộc về các bệnh viện phụ sản. Sự chẩn đoán sau khi phát hiện là của các trung tâm tai mũi họng trong bệnh viện hay các dịch vụ chăm sóc thính học khác.
Can thiệp sớm - Hỗ trợ cha mẹ
Hỗ trợ gia đình là giai đoạn đầu tiên của chương trình can thiệp sớm, một chương trình mà các nhà chuyên môn làm việc với gia đình theo một cách rất thận trọng để hỗ trợ, động viên và cung cấp thông tin giúp gia đình có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ một cách tốt hơn.
Mục tiêu rất rõ ràng của can thiệp sớm là hỗ trợ và làm cho cho gia đình có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ một cách tốt nhất với năng lực và khả năng của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cần bắt đầu can thiệp càng sớm càng tốt. "Can thiệp sớm" có nghĩa là ngay từ khi trẻ nhỏ được phát hiện là bị khuyết tật, hỗ trợ , thông tin và khuyến khích trở nên rất có giá trị đối với gia đình.
Giai đoạn đầu tiên của Can thiệp sớm là "Giáo dục phụ huynh" (Parent Education) hay "Hướng dẫn phụ huynh" (có lẽ đúng đắn hơn nên gọi là "Hướng dẫn phụ huynh"). Sự hỗ trợ sớm này tạo ra một nền tảng vững mạnh cho sự phát triển và giáo dục đối với trẻ khuyết tật trong tương lai.
Can thiệp sớm - Mẫu giáo hoà nhập
Đối với đại đa số trẻ bình thường tiến trình giáo dục được bắt đầu thực hiện khi trẻ bắt đầu vào học mẫu giáo hay bắt đầu đi học ở trường tiểu học. Những trẻ khuyết tật thường thường rơi vào tình trạng bất lợi kép. Không những bản thân khuyết tật có thể bị ảnh hưởng đến việc giáo dục của trẻ mà trẻ lại còn thường bị các trường mẫu giáo loại trừ do bị khuyết tật.
Những trẻ khuyết tật đến các trường chuyên biệt thường thường bắt đầu nhận được sự giáo dục khi trẻ đã 5 hay 6 tuổi bởi vì ở rất nhiều trường chuyên biệt không có lớp mẫu giáo.
Môi trường giáo dục trước tuổi học thích hợp nhất đối với nhiều trẻ khuyết tật là lớp mẫu giáo bình thường mà ở đó có sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. Mẫu giáo hoà nhập được coi là giai đoạn thứ hai của chương trình can thiệp sớm.
Vai trò của chương trình can thiệp sớm trong sự thành công của giáo dục hoà nhập
Ở các nước trên thế giới, các hệ thống giáo dục đang có xu thế hướng tới giáo dục hoà nhập. Một khi xu hướng này càng phát triển thì càng thấy rõ công tác can thiệp sớm đóng một vai trò rất quan trọng.
Một vài ý kiến đề xuất cho việc phát triển công tác can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật:
Có rất nhiều bàn luận về giáo dục chuyên biệt, giáo dục hoà nhập và can thiệp sớm. Sau đây là một vài ý kiến và quan điểm:
Những nguyên tắc cơ bản
•· Giai đoạn đầu tiên của can thiệp sớm bắt đầu từ khi phát hiện và chẩn đoán tật - tốt nhất là ngay khi sinh
•· Nên hoà nhập ngay từ ban đầu - Không nên tách biệt trẻ khuyết tật khỏi thế giới "bình thường" ở bất cứ giai đoạn nào trừ khi có những lý do rất xác đáng.
•· Có hai giai đoạn của chương trình can thiệp sớm:
Ø 0-3 tuổi khi trẻ được chăm sóc riêng tại gia đình (Hướng dẫn phụ huynh)
Ø 3-6 tuổi khi trẻ vào lớp mẫu giáo (Hòa nhập với sự hỗ trợ chuyên biệt).
•· Giai đoạn đầu tiên của chương trình can thiệp sớm bắt đầu khi khuyết tật được chẩn đoán - lý tưởng là ngay khi sinh.
•· Bất luận loại tật nào, gia đình đều là nơi cung cấp một môi trường phát triển tốt nhất.
•· Mục tiêu của sự hỗ trợ trong giai đoạn sớm là làm cho gia đình có khả năng tạo ra một môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ.
•· Tới độ tuổi mẫu giáo trẻ được hoà nhập, và được hỗ trợ trong lớp mẫu giáo bình thường.
•· Chuyên gia sẽ hỗ trợ thêm cho giáo viên mẫu giáo có khả năng cung cấp được môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ khuyết tật ở lớp mẫu giáo.
Sự phát triển các dịch vụ can thiệp sớm
•· Công tác can thiệp sớm cần phải có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều cán bộ chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác nhau - đặc biệt là giữa Y tế và Giáo dục.
•· Hoà nhập (integration, mainstreaming) nên là mục tiêu chung trong sự phát triển của các chương trình.
•· Những trung tâm hỗ trợ tốt nhất là được thành lập ở những nơi tách rời những trường chuyên biệt.
•· Những trung tâm can thiệp sớm riêng biệt nên tập trung vào một loại tật riêng để có thể đáp ứng được những nhu cầu đặc biệt riêng cho loại tật đó.
•· Những cán bộ chuyên môn được đào tạo về công tác can thiệp sớm, đặc biệt là nếu bản thân đã là giáo viên thì cần được đào tạo một cách thích hợp để có thể thực hiện được sự hỗ trợ tới các gia đình và giáo viên mẫu giáo với cách hỗ trợ có mục tiêu là làm cho có thể.
•· Lý tưởng nhất là có một nhóm đa chức năng làm công tác can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Nhóm này có thể bao gồm: giáo viên chuyên ngành, giáo viên dạy trẻ bình thường, nhà chỉnh âm, chuyên ngành y và những thành viên khác.
Sự phát triển của chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính ở Việt Nam
(Lược bỏ phần nói về việc triển khai chương trình đào tạo và triển khai dự án)
... Giá trị nhất là các chương trình can thiệp sớm tự phát triển trên toàn quốc với sự bắt đầu rất nhỏ từ năm 1993 (năm 1993 mới làm thí điểm trên 1 trẻ nhưng đến năm 2001 đã có 30 chương trình can thiệp sớm khác nhau phục vụ gần cho 500 gia đình có trẻ khiếm thính)
Cần phải hiểu rõ rằng những chương trình can thiệp sớm này phát triển không phải là do có dự án, mà những chương trình này phát triển là do những cán bộ chuyên môn của Việt nam đã nhìn thấy ý nghĩa của công tác can thiệp sớm và đã động viên, thuyết phục để công tác can thiệp sớm được bắt đầu một cách độc lập ngay cả khi điều kiện còn có rất nhiều khó khăn.
Mô hình can thiệp sớm ở Việt Nam cho trẻ khiếm thính dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và thực tiễn đã được thử thách. Mô hình được áp dụng từ một mô hình đứng đầu thế giới về can thiệp sớm - Chương trình can thiệp sớm "Taralye" ở Australia. Những cán bộ chuyên môn Việt Nam làm việc với gia đình và trẻ khiếm thính đang phát triển chương trình can thiệp sớm dựa trên nền tảng là mô hình can thiệp sớm này. Họ đang làm việc rất có hiệu quả và thúc đẩy can thiệp sớm phát triển phù hợp với điều kiện Việt nam
Cần phải ghi lại công việc của những cán bộ chuyên môn tiên phong trong năm, sáu năm vừa qua. Những công việc của họ đã đem lại cho rất nhiều trẻ khiếm thính ngày nay có rất nhiều cơ hội giáo dục tốt hơn. Điều quan trọng nhất là những nhà quản lý giáo dục cũng đã ủng hộ cho những công việc của những người đi tiên phong này và đang tiến tới chủ động phát triển các chương trình can thiệp sớm để tạo nhiều cơ hội giáo dục tốt hơn nữa cho nhiều trẻ khiếm thính hơn cho tương lai.
Công tác can thiệp sớm đã được thực hiện ở Việt Nam với một chất lượng cao. Nếu so sánh chất lượng các chương trình can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính ở Việt nam hiện nay với bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới thì Việt Nam rất đáng tự hào.
BARRY WRIGHT - GIÁM ĐỐC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRẺ KHIẾM THÍNH TẠI VIỆT NAM - UỶ BAN II HÀ LAN
Nguồn tamlytrilieu.com