PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG |
(Theo Piaget) Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - Nhà sáng lập Trung tâm N-T Khởi đầu, em bé mới sinh chưa "thấy", chưa "nghe", chưa "cảm" gì ở ngoài bản thân. Thế giới bên ngoài là một "bức tranh cảm giác" thường xuyên chuyển động theo vận động của nó. Những bức tranh ấy không ổn định, xuất hiện, biến mất, hợp rồi tan, không tồn tại thường xuyên. Không có một không gian khách quan, mọi điều ở trong tình trạng bất phân. Em bé sống ở thời kỳ cảm giác - vận động; cảm và nhận thế giới qua cảm giác và vận động, và vận động càng mở rộng, càng được tổ chức, thì ấn tượng về thế giới chung quanh cũng tiến theo. Mới sinh, em bé cựa quậy, ưỡn mình, tứ chi duỗi ra co lại; cơ bắp co thắt theo phản xạ. Dần dần, qua kinh nghiệm, các vận động được phối hợp, kết lại thành hệ thống để thăm dò một vùng mới. Những bức tranh cảm giác, khi em bé tìm sờ mó, bắt đầu nhận ra là xuất phát từ "cái gì đó" cùng một lúc với những cảm giác từ vận động của mình. Hai mặt trong và ngoài kết với nhau để lại một dấu ấn ký ức. Chưa có nhận ra một đồ vật bên ngoài chỉ có cảm giác về đói no, cảm giác dễ chịu khó chịu, về tư thế của thân thể, tai mắt chưa phân bịêt rõ cảm giác, tách khỏi bức tranh hỗn hợp chung. Khi nhận ra đầu vú, ngón tay, hay một vật gì đút vào miệng, thực ra chỉ nhận một phức hợp cảm giác, và một vài phức hợp như vậy gồm thành thế giới của em bé, trong một tình trạng bất phân giữa bản thân và đối tượng. Đói, khát dẫn đến phản xạ mút bú nuốt, lặp đi lặp lại nhiều lần, rồi từ cảm nhận vận động của mình tiến tới nhận ra sự tồn tại một cái gì ngoài mình, không phải mình, khi nhận ra những thay đổi cảm giác về mình liên quan đến sự có mặt hay vắng mặt của mẹ. Đối tượng, vật thể đầu tiên em bé nhận ra chính là thân thể người mẹ (tức người chăm nuôi): một vật thể tức là một đối tượng tồn tại thường xuyên có những thuộc tính nhất định. Đối tượng ấy hình thành qua một quá trình kéo dài từ 0 đến 18 tháng với 6 giai đoạn: - 2 giai đoạn đầu là phản xạ, rồi một số vận động lặp đi lặp lại thành quen. - Giai đoạn 3: xuất hiện phản ứng quay vòng, một vận động tạo ra một hậu quả, như lắc một đồ vật rồi nghe tiếng kêu, để tìm nghe lại tiếng ấy, em bé lắc lại đồ vật kia. - Giai đoạn 4: đang nhìn một vật gì, thấy biến mất có ý tìm, nhưng không có hướng tìm. - Giai đoạn 5: tìm ngay chỗ mà em bé thấy đồ vật biến mất. - Giai đoạn 6: dù có thấy hay không thấy vật khi biến mất, vẫn tìm. (so sánh với con vượn, thì đến đây em bé đã vượt hơn vượn; nếu vượn thấy chiếc gậy thì biết dùng để khều một quả chuối ở xa, không thấy thì không biết tìm gậy; em bé không thấy đồ chơi quen thuộc đi tìm nó). Lúc này, nhận ra đối tượng là một phức hợp nhiều cảm giác, thấy được, nghe được, sờ được, ngửi được, nếm được mà vẫn tồn tại dù mình có cảm nhận hay không. Có thể xem quá trình do Piaget mô tả như việc xây dựng một toà nhà, hết tầng này đến tầng khác, và người ta có cảm tưởng như diễn ra theo một trình tự có sẵn; thực ra tác động của cảm xúc tình cảm rất lớn, quá trình cảm nhận và xúc cảm quyện lấy nhau. Chính Piaget cũng có lần nói: "Con người khác là đối tượng cảm nhận vào bậc nhất...một đối tượng mà quan hệ qua lại với em bé vừa mang tính cảm giác nhận thức vừa tính cảm xúc tình cảm". Nhưng dù sao trong nghiên cứu của Piaget chỉ chú trọng đến quá trình vận động, cảm giác tri giác và nhận thức. (Sẽ giới thiệu đầy đủ hơn công trình của Piaget và một số công trình trình bày những quan điểm khác nhau trong một tài liệu sau này). Trích "Phát triển tâm lý trong năm đầu" của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
|
|