NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN |
Bác sĩ: Nguyễn Khắc Viện. (Thuật ngữ trong tâm lý học chưa thống nhất, nhất là lúc chúng ta dịch từ các tiếng Âu châu sang tiếng Việt. Jean Piaget lại đưa ra một số từ đặc biệt cần được định nghĩa. Có thể cách dịch của chúng tôi không giống như một số bạn khác: mỗi lần đưa ra một từ như vậy chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những khái niệm tương đương một cách tương đối rõ ràng và ghi luôn những từ tiếng Pháp do Jean Piaget dùng để bạn đọc dễ tham khảo).
Một thành quả lớn của tâm lý học thế kỷ 20 là khẳng định một cách dứt khoát toàn bộ rằng toàn bộ nhân cách con người phải trải qua một quá trình phát triển lâu năm mới hình thành đến mức hoàn chỉnh. Đặc biệt tâm lý học trẻ em nhất thiết phải nghiên cứu với quan điểm phát sinh phát triển (Psychologie génétique). Jean Piaget đã dày công nghiên cứu những bước phát triển của trí khôn trẻ em, và từ đó nghiên cứu rộng ra sự hình thành và phát triển của trí không loài người nói chung. Danh từ intelligence thường dịch là trí tuệ hay thông minh, tôi xin dịch là trí khôn. Theo Jean Piaget, sự xuất hiện và phát triển của trí khôn kế tục sự thích nghi của các accommodation sinh vật với môi trường. Và cũng trong sinh vật học, sự thích nghi này phát triển với hai cơ chế cơ bản: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation). Cơ thể đồng hoá những yếu tố của môi trường vào những cơ cấu sẵn có của mình, đồng thời luôn luôn phải điều chỉnh những cơ cấu ấy để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Khi hai quá trình đồng hoá và điều ứng ở thế cân bằng là đã thích nghi và ở mỗi thời kỳ tạo ra những cơ cấu và những cơ chế đặc biệt. Sau hơn 30 năm nghiên cứu điều tra, sắp đi xếp lại, Jean Piaget đã xác định là có 3 thời kỳ ở trong lịch sử phát triển trí khôn của trẻ em, mỗi thời kỳ lại chia ra một số giai đoạn. Ngày nay có thể nói hầu hết các nhà tâm lý học, mặc dù còn chưa đồng ý về một số tiểu tiết hay trong sự xác định nguyên nhân phát triển, nhất trí với Jean Piaget về việc phân kỳ đại cương với những đặc trưng chủ yếu từng thời kỳ. Theo Jean Piaget có 3 thời kỳ lớn: •1. Thời kỳ từ 0 đến 3 tuổi, gọi là giác động, tức là phối hợp cảm giác và vận động (sensori-moteur). •2. Thời kỳ những thao tác cụ thể (opérations concrètes) kéo dài từ 3 đến 11 tuổi với một mốc phân đoạn quan trọng là 7-8 tuổi. •3. Thời kỳ những thao tác hình thức (opérations fornelles) tức là tư duy lôgic. Đến đây, tức vào khoảng 14-15 tuổi, trí khôn đứa trẻ đã đạt mức phát triển hoàn chỉnh. Sau đây xin trình bày chi tiết từng thời kì một. I. THỜI KÌ GIÁC ĐỘNG Trẻ em lọt lòng có những hoạt động mang tính phản xạ bẩm sinh. Như khi đặt đầu vào ngực mẹ, có cảm giác tiếp xúc liền có những vận động ở đầu và môi tìm vú mẹ để bú. Vài ngày sau hành động tìm vú được nhanh nhẹn hơn. Nhờ hoạt động mà những hành động có tính phản xạ này được cải tiến dần dần. Sau đó ta thấy em bé không những dùng môi để bú hay mút lúc đói, mà lúc no bất kì gặp một đồ vật gì cũng đút vào miệng để mút và bú. Những cảm giác và vận động như vậy hợp thành một cơ cấu giác động, mà Jean Piaget đặt tên là schème, xin tạm dịch là một cơ cấu sơ đẳng, tóm lại thành sơ cấu (có lẽ nên Việt hoá thành sem vì đây là một thuật ngữ riêng của Jean Piaget). Ta thấy rõ cơ cấu đồng hoá trong việc em bé vận dụng một sơ cấu giác động để bú cho tất cả các đồ vật tiếp xúc được trong những tháng đầu. Những sơ cấu giác động có tính phản xạ khác nhau như nắm chặt những vật đặt vào bàn tay, theo dõi những đồ vật xuất hiện trong tầm mắt, những hành động ngóng theo những tiếng động... xuất hiện dần dần trong những tháng đầu với sự thành thục của hệ thần kinh. Và mỗi sơ cấu ấy cũng có xu hướng đồng hoá mọi đồ vật gặp được, dù không phải là đối tượng của hoạt động phản xạ ấy. Bắt đầu từ tháng thứ hai xuất hiện những hành động mà một tác giả trước kia đã gọi là phản ứng vòng tròn (réaction circulaire Baldwin). Một hành động phản xạ tạo ra một kết quả nào đấy, kết quả ấy lại thúc đẩy hành động và cứ thế lặp đi lặp lại. Phản ứng vòng tròn không phải bẩm sinh mà xuất phát từ những sơ cấu đầu tiên để tạo ra những hành động mới như tay nắm lấy những đồ vật thấy được, tay cầm đồ vật đút vào miệng. Đút ngón tay cái vào miệng để mút là một hành động đồng hoá, đồng thời cũng vì thế nhận ra ngón tay và đầu vú của mẹ có khác nhau và điều chỉnh sơ cấu giác - động ấy để cho phù hợp với đồ vật mới. Hai quá trình đồng hoá và điều ứng quyện với nhau cấu tạo ra một tổng thể mới tức là sơ cấu giác - động mút ngón tay cái. Ở giai đoạn này đồng hoá chiếm ưu thế, lúc đầu hầu như tuyệt đối. Những phản ứng vòng tròn lúc đầu liên quan trực tiếp đến cơ thể: về sau từ tháng thứ năm trở đi xuất hiện những phản ứng vòng tròn cấp hai liên quan đến các đồ vật. Một em bé nằm trong nôi ngẫu nhiên nắm được một sợi dây, kéo giật, rồi thấy một số đò chơi lung lay hay phát thành tiếng động, rồi giật đi giật lại sợi dây để được nghe lần nữa. Trên kia em bé đút một đồ vật vào miệng để trực tiếp có cảm giác, lần này em bé phải gián tiếp tác động lên một đồ vật khác. Trong phản ứng vòng tròn cấp hai này đã hình thành trong hành động mối tương quan giữa hai đồ vật khác nhau. Sự đồng hoá đã bắt đầu mang một tính chất nhìn nhận có ý nghĩa. Từ 8-9 tháng trở đi em bé không những vận dụng những sơ cấu giác - động một cách đơn lẻ mà bắt đầu phối hợp các sơ cấu với nhau. Những hành động của em bé dần dần phức tạp lên. Ta thấy xuất hiện một điểm mới, là những em bé trên 8, 9 tháng bắt đầu có những phản ứng tìm tòi một đồ chơi đang sử dụng, bỗng bị người lớn che giấu đi. Trước đó em bé chuyển ngay sang chơi với một đồ vật khác, không có ý tìm tòi đồ chơi đã bị che giấu. Các đồ vật chưa có một sự tồn tại độc lập tách rời tổng thể hoạt động của em bé, đồ vật và vận động của thế giới bên ngoài hoà lẫn vào những cảm giác và vận động chủ quan. Có thấy đồ vật mới đưa tay ra nắm lấy, đò vật không thấy nữa tay cũng ngừng hoạt động. Lúc nắm cái dây kéo giật thì thấy được mối liên quan giữa vận động của mình và tiếng động của đồ chơi nhưng chưa thấy được mối liên quan giữa sợi dây và các đồ chơi. Vì vây, lúc không nắm được sợi dây, tay vẫn kéo giật và đón chờ các đồ chơi phát ra tiếng động. Lúc phối hợp các sơ cấu giác - động với nhau dần dần nhận ra mối liên quan một bên là giữa những sơ cấu và một bên giữa những đồ vật. Lúc đầu nếu ta che giấu một đồ chơi em bé đang sử dụng đặt vào một vị trí A, em bé có những hành động tìm tỏi rồi tìm ra ở vị trí A. Nếu ta chuyển sang một vị trí khác B, em bé vẫn tiếp tục tìm ở A. Như vậy đã bắt đầu nhận ra có những đồ vật cố định tồn tại độc lập với những cảm giác chủ quan, nhưng vẫn chưa nhận ra những di chuyển của các đồ vật, còn gắn chặt với những hành động đã thành công của bản thân. Tiến một bước nữa, em bé gạt đồ vật cản trở sự tìm tòi, hoặc nắm lấy tay người lớn nhờ tìm cho đồ chơi đã bị che dấu, hoặc xua đẩy bàn tay của mẹ khi mẹ đưa cho một viên thuốc đắng. Mặc dù tất cả những đồ vật vẫn còn gắn chặt với hành động, và mọi sự việc xẩy ra vẫn dính liền với hoạt động của em bé, cũng đã bắt đầu xuất hiện sự nhìn nhận mơ hồ về sự tồn tại khách quan của các đồ vật, những mối tương quan giữa các đồ vật được bố trí trong không gian và sự bố trí của các sự việc trong thời gian. Bước sang năm thứ hai xuất hiện những hành động mang tính thử nghiệm. Em bé lật đi lật lại một cái hộp để xem mặt này mặt kia có khác nhau không, hoặc ném một vật gì nhiều lần, mỗi lần ném một cách khác nhau để dò xem kết quả, và từ kết quả ấy thay đổi dần cách làm của mình. Đến lúc em bé thấy một đồ chơi ở xa nhưng đặt tên trên một tấm chiếu, lần mò rồi kéo tấm chiếu để đưa đồ chơi gần lại mình; cũng như biết dùng một sợi dây buộc vào đồ chơi để kéo nó gần lại mình; hoặc biết dùng một cái que dài hoặc một cái gậy để khều một cái kẹo hoặc một đồ chơi nằm ở xa. Đến đây rõ ràng là sự điều ứng đã có những bước tiến lớn. Và cơ chế đồng hoá bắt đầu mang tính suy diễn. Chúng ta có thể nói đến sự hình thành của trí khôn giác - động. Sau đó lại xuất hiện một lối ứng xử mới. Đứng trước một tình huống mới, em bé không dùng tay chân lần mò nhưng đột xuất tìm ra giải pháp. Đây quả là một "phát kiến" xuất hiện từ bên trong một sự cấu tạo mới của những sơ cấu giác - động không thông qua những hành động trực tiếp mà qua một sự "suy diễn bên trong". Đến đây chấm dứt thời kỳ trí khôn giác - động, và bắt đầu thời kỳ trí khôn có tư duy, và nói một cách nôm na hơn là từ thời kỳ "trí - nghĩ". Em bé bắt đầu nhìn nhận ra, ít nhất trong hành động, một thế giới bên ngoài tách biệt với bản thân. II. THỜI KỲ CHUẨN BỊ VÀ CẤU TẠO TRÍ KHÔN THAO TÁC CỤ THỂ. Jean Piaget dùng từ thao tác (opération) chỉ những động tác của tư duy và phân tích tỉ mỉ những thao tác ấy. Tư duy là phương thức trí khôn kế tục trí khôn giác - động, nâng lên một trình độ cao hơn, phức tạp hơn với những cơ cấu và cơ chế mới: - Một là có những biểu tượng, ý niệm, khái niệm. - Hai là có sự giao tiếp trao đổi với người khác Những thành quả của thời kỳ giác - động không còn dính chặt với hành động, để "nhập tâm" tức đưa vào bên trong (tintérioriser) có người dịch là nội hiện. Như vậy hình thành hai thế giới tồn tại song song, một thế giới bên ngoài tức là sự vật, một thế giới bên trong tức là "tâm". Từ trong những hành động xuất hiện những biểu tưọng, và trong quá trình thích nghi của con người, xuất hiện vào khoảng giữa và cuối năm thứ hai một chức năng mới, thường gọi là chức năng tượng trưng (fonction symbolique) hoặc chức năng kí hiệu (fonction sémiotique). Lúc này, hoạt động giác - động và tư duy hỗn hợp nhưng với những lối ứng xử khác nhau, đồng hoá chiếm ưu thế đối với điều ứng, em bé hoà nhập các sự vật bên ngoài vào những cơ cấu bên trong, đó là những trò chơi; nếu điều ứng chiếm ưu thế, em bé tìm cách bắt chước những sự vật bên ngoài. Cho đến lúc sự điều ứng thoát khỏi những yêu sách trực tiếp của hành động, và những sơ cấu linh động được nhập tâm biến thành một biểu tượng như một bản sao lại và một kí hiệu của sự vật bên ngoài. Lúc ấy đã phân hoá giữa cái biểu đạt (signifant) và cái được biểu đạt (signifíe) và quá trình đồng hoá và điều ứng được hoà nhập vào lĩnh vực nằm ngoài cảm giác và vận động. Bước đầu là một sự bắt chước bằng biểu tượng, với những kí hiệu tạo ra khả năng trò chơi tượng trưng, trong đó một đồ vật nhất định có khả năng biến thành bất kì một đồ vật khác, tuỳ theo hứng thú của em bé. Ở đây đồng hoá vẫn chiếm ưu thế, mặc dù sự phát triển của ngôn ngữ đã giúp cho em bé hình thành nhanh chóng những biểu tượng của thế giới bên ngoài. Đến 3 - 4 tuổi, trẻ em có khả năng kể chuyện, hỏi chuyện, trình bày việc làm của mình, xét đoán, suy luận, làm cho người ta có cảm tưởng tư duy của chúng cũng giống như của người lớn và trong nhiều năm. Jean Piaget đã quan sát, ghi chép những hành động lời nói của nhiều trẻ em ở các tuổi khác nhau, mặt khác, bày ra nhiều thử nghiệm để chúng giải đáp. Quá trình nghiên cứu lâu dài ấy đã giúp ông phân tích tỉ mỉ những thao tác tư duy của trẻ em. Nổi bật lên là một đặc tính chung mà Jean Piaget gọi là égocentrisme, tức là lấy mình làm trung tâm, đứng ở vị trí ấy mà nhìn nhận sự vật, dù là sự vật thiên nhiên hay người khác, hay bản thân. Từ này có thể dịch là tính tự kỷ, cũng có người dịch là duy ngã. Chữ tự kỷ ở đây không mang tính đạo đức trong ích kỷ, vị kỷ, mà cần hiểu theo quan điểm lôgic, hiểu về mặt nhận thức tri thức. Đây là một tình trạng bất phân, hoà nhập bản thân vào sự vật và người khác, hoà nhập những thuộc tính khách quan của sự vật với cảm nghĩ chủ quan. Jean Piaget phát hiện ra tính tự kỷ này lần đầu tiên trong khi quan sát những nhóm trẻ em 3 - 5 tuổi trò chuyện với nhau. Thoạt nghe tưởng chúng trao đổi với nhau, đứa này đứa khác hỏi đi đáp lại, nhưng xét kĩ ra, thật là "ông nói gà bà nói vịt". Hầu như toàn bộ là độc thoại, mỗi đứa nói lên để cho mình nghe là chính, hoặc để lặp đi lặp lại một từ, một câu thích thú hoặc để đệm theo hành động hay suy nghĩ của mình, không đếm xỉa đến hành động hay ý nghĩ của người đối diện. Jean Piaget gọi đây là những độc thoại tập thể (monologue collectif). Sau đó, Jean Piaget nhận ra tính tự kỉ ấy trong mọi thao tác tư duy của trẻ em trước 6 -7 tuổi. Muốn thoát tính tự kỉ ấy để phân biệt được bản thân và sự việc, bản thân và người khác, phân biệt được cảm nghĩ của mình và sự vật là khác nhau, cảm nghĩ của bản thân và của người khác đứng trước một sự vật khác nhau, có thể ăn khớp hay không ăn khớp, tu duy của trẻ em phải tiến qua một bước quan trọng mà Jean Piaget gọi là chuyển tâm (décentration). Còn tự kỉ thì tri giác và tri thức trực quan còn mang tính tuyệt đối, còn chưa biết thích ứng với lời nói và cách nghĩ của người khác. Tính tự kỉ trong lôgic giúp ta hiểu cách xét đoán và suy luận của trẻ em cũng như tính tự kỉ trong cách nhìn nhận sự vật giúp ta hiểu nhận thức của trẻ em về thực tế sự vật và quan hệ nhân quả. Suy luận của trẻ em ở tuổi ấy không mang tính tất yếu lôgic và trẻ em không thấy cần thiết chứng minh luận điểm của mình; đây là một cách suy luận gán ép một yếu tố nào ngẫu nhiên cho một sự vật nào đó để kết luận. Để gọi lối suy luận này Jean Piaget dùng danh từ transduction, do Stern đặt ra, tạm dịch là chuyển luận. Tư duy chuyển từ ý này sang ý khác cũng như hành động tay chân chuyển từ động tác này sang động tác khác, không thể đi ngược lại. Do tính tự kỉ ấy, trẻ em không nhận thức được sự khác biệt giữa chủ quan và khách quan, hiện thực chỉ dàn trải lên một bình diện duy nhất. Để chỉ đặc tính này, Jean Piaget dùng một danh từ dễ gây nhầm lẫn là réalisme (chủ nghĩa hiện thực); có lẽ nên dịch theo nghĩa ngộ nhận về hiện thực, tạm dùng chữ "ngộ thực". Khi đã không phân biệt được giữa cảm nghĩ và sự vật là khác nhau thì cũng dễ cho rắngự vật cứ theo những cảm nghĩ của mình mà biến chuyển; đây là lối tư duy thường gọi là có tính ma thuật hay phương thuật (magie). Hệ quả là trẻ em cho rằng sự vật đều có ý đồ, tình ý như con người; đặc tính này Jean Piaget gọi bằng một danh từ cũng dễ lầm nghĩa là animisme (vật linh). Từ đó trẻ em cũng cho rằng các sự vật sinh ra đều do con người hay một đấng thiêng liêng nào đó tạo ra theo những ý đồ và kế hoạch nhất định. Đặc tính này Jean Piaget gọi là artificialisme, có thể dịch là tính tạo tác. Trẻ em chưa quan niệm được sự vật này là nguyên nhân hay là hậu quả của sự vật khác. Mưa là do ông trời phun nước, sông là do người ta đào ra. Những mối liên quan và quy luật trong thế giới tự nhiên ở giai đoạn này không phân biệt với những mối liên quan mang tính xã hội giữa con người và con người; quy luật tự nhiên cùng một loại với quy tắc xã hội và những quy tắc về giá trị xã hội cũng mang tính tuyệt đối tự tại, ở ngoài tâm thức của con người như thuộc tính và quy luật của thế giới tự nhiên. Đặc tính này Jean Piaget gọi là rẻalisme moral, tức là ngộ nhận luân lý, đạo lý của con người mang tính hiện thực như các sự vật tự nhiên. Đến 6 -7 tuổi trẻ em bắt đầu thoát khỏi ảnh hưởng của tính tự kỉ để chuyển sang giai đoạn hình thành những thao tác tư duy cụ thể. * * * Jean Piaget đã nghĩ ra nhiều thử nghiệm, ví như: ông dùng nhiều lọ thuỷ tinh tiết diện rộng hẹp khác nhau, có lọ miệng hẹp nhưng cao đặt ở cạnh những cái chậu. Ông cho trẻ em múc nước vào một cốc đầy, cũng một cốc nước ấy lần lượt cho các em đổ vào những cái chậu và lọ trên kia, mỗi lần đúng một cốc. Hỏi: Lọ nào có nhiều nước hơn. Những em bé trước 6 -7 tuổi thường trả lời, nước ở trong cái lọ hẹp thân cao nhiều hơn ở trong chậu. Trả lời của em bé xuất phát từ một trực giác tổng thể, trong đó nổi lên bề cao hay thấp của mức nước ở trong lọ hay trong chậu. Đến 7- 8 tuổi, các em bé đã biết dứt khoát trả lời: cũng chứng ấy nước thôi! Khả năng này chứng tỏ: •- Em bé đã nhìn nhận ra trong các trường hợp khác nhau kia, có một yếu tố vẫn giữ nguyên vẹn, là khối lượng nước, với bất kỳ hình thức nào. Đó là nguyên tắc bảo toàn (conservation). •- Trong tư duy đã xuất hiện khả năng gọi là khả năng đảo ngược (réversibilité). Em bé biết rõ nếu lấy nước trong lọ hay trong chậu đổ lại vào trong cái cốc kia, thì bên nào cũng đúng đầy một cốc, hoặc lấy nước ở trong chậu đổ sang chiếc lọ cao thì mức nước cũng giống như lần đầu. Trên cơ sở nguyên tắc bảo toàn và khả năng đảo ngược, cấu tạo nên những cơ cấu thao tác mới: phân loại, xếp hạng, tính số. Phân loại là xếp vào một tổ hợp những đồ vật cùng chung một số thuộc tính. Muốn phân loại phải biết xác định nội dung những điều giống nhau và khác nhau giữa các sự vật (đồng dị) và phạm vi mở rộng của từng loại. Phải biết xuất phát từ những tổ hợp nhỏ tiến lên những tổ hợp lớn, hoặc từ những tổ hợp lớn chia thành những tổ hợp nhỏ. Tức là biết vận dụng mối liên quan cái này bao hàm cái kia. Có những phân loại đơn giản chỉ theo một tiêu chuẩn, gọi là phân loại lối cộng (classification additive); có những phân loại theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau, gọi là phân loại lối nhân (classification multiplicative). Thí dụ như phân loại một số đồ vật chỉ theo một tiêu chuẩn là màu sắc hoặc theo hai tiêu chuẩn là màu sắc và hình thù. Thao tác thứ hai là xếp hạng, như bảo trẻ em lấy mười que dài ngắn khác nhau bảo xếp từ cái ngắn nhất đến cái dài nhất. Những em bé ít tuổi xếp lung tung, rồi chỉnh đi chỉnh lại, lần mò mãi mới ra. Đến khoảng 7 tuổi thường các em không cần lần mò nữa mà xếp đúng ngay từ đầu. Lúc ấy các em cũng có khả năng với hai loại đồ vật khác nhau, như một bên là một bó que, một bên là một số búp bê to nhỏ khác nhau, xếp thành hai hàng tương đương. Các em thường biết xếp hạng trước lúc biết phân loại. Trong những thao tác này, thấy rõ khả năng đảo ngược: gom lại và tách ra, xếp vị trí và dời vị trí, xếp theo một trật tự nhất định và theo trật tự ngược lại. Lẽ dĩ nhiên, trẻ em biết vận dụng những thao tác ấy một cách vô ý thức, nhưng dù sao thông qua hành động và ngôn ngữ chúng ta thấy đã xuất hiện khả năng phân tích quy nạp, nhận thức và trừu xuất (abstraire) những thuộc tính của sự vật để có thể so sánh, định nghĩa, phân loại. Khả năng phân loại và xếp hạng tạo ra khả năng đếm số. Những em nhỏ đã trực giác được những con số đầu tiên, nhưng phải đến 7, 8 tuổi mới vận dụng được hệ thống những con số với những thao tác cộng trừ nhân chia. Phân loại dựa trên những yếu tố giống nhau mà không đếm xỉa đến những gì khác nhau, ngược lại xếp hạng là để ý đến cái khác nhau mà không đếm xỉa đến những điểm giống nhau. Tính số là kết hợp cả hai thao tác. Mỗi con số có hai mặt: một là để chỉ số lượng ít nhiều, gọi là số từ (nombre cardinal) và mặt khác để chỉ rõ thứ tự (nombre ordinal). Vận dụng số từ bao hàm một sự phân loại còn vận dụng số thứ tự bao hàm một sự xếp hạng. Vì vậy khả năng phân loại, khả năng thấy rõ mối liên quan giữa các sự vật và khả năng tính số không thể tách rời với nhau về mặt tâm lý cũng như về mặt lôgic. Phân loại, xếp hạng để mà tính số là những thao tác cụ thể lôgic và toán học sơ đẳng cho phép đồng hoá sự vật vào cơ cấu trí khôn với khả năng hai mặt, một bên là định tính, một bên là định lượng. * * * Có thể xem những thao tác trên kia là mặt hình thức vận động của trí khôn, còn về nội dung của sự vật, phải vận dụng một số cơ cấu thao tác khác. Jean Piaget lấy một cục đất sét cho trẻ em nhào nặn thành những hình thù khác nhau vo tròn, đập dẹt, vuốt dài ra như con rắn, cắt khúc con rắn ấy, và mỗi lần làm như vậy hỏi trẻ em những khối đất sét ấy nặng nhẹ, thể tích có như nhau không. Thông thường dưới 10, 11 tuổi các em thấy bánh dẹt to hơn, nặng hơn và thể tích lớn hơn; đến 10, 11 tuổi mới nhận ra là nặng như nhau, và 12 tuổi nhận ra thể tích như nhau. Jean Piaget lấy một miếng đường cho hoà tan vào một cốc nước. Trẻ em nhỏ cho rằng đường đã mất đi. Về sau mới nhận ra dù đường không thấy nữa, vẫn còn nguyên chất đấy với trọng lượng không thay đổi, thể tích cũng vậy. Như vậy đã nắm được nguyên tắc bảo toàn về nguyên chất, trọng lượng, thể tích. Trẻ em cho rằng miếng đường trong khi giữ nguyên những đặc tính trên đã hoá thành những hạt rất bé; như vậy đã có một quan niệm "nguyên tử" về vật chất. Đến đây thế giới vật chất được nhìn nhận qua một cấu tạo rõ nét, với những đồ vật cố định, những mối tương quan nhất định, với những thuộc tính khác nhau, với những yếu tố có thể đo lường được, khác với bức tranh hỗn hợp, biến động theo hứng thú và có ý đồ hành động của bản thân. Rồi đến những thao tác sắp xếp các đồ vật trong không gian mà Jean Piaget chia làm ba loại: •- Xác định những quan hệ tiếp cận với nhau, tách rời, thứ tự, liên tục và gián đoạn, Jean Piaget gọi đây là những thao tác tô -pô. •- Những thao tác xác định vị trí và khoảng cách đối chiếu với một quan điểm, một vị trí đứng nhìn nhất định, Jean Piaget gọi đây là những thao tác xạ ảnh (projectile). •- Thao tác nắm được mối quann hệ giữa một đồ vật đang vận động và những vị trí kề nhau của vật ấy. Đến đây vào 9, 10 tuổi, khả năng đo lường xuất hiện, muộn hơn khả năng đếm số. Những thao tác này Jean Piaget gọi là thao tác mang tính ơclid. Cùng với phạm trù không gian hình thành phạm trù thời gian. Trước đó trẻ em chỉ có những cảm giác gắn liền với hành động, và mỗi hành động gắn liền với tình ý mong chờ, nôn nóng, nhưng mỗi khoảnh khắc ấy cứ biến theo các tình huống trong cuộc sống, không liên kết với nhau. Vì vậy, trẻ em chỉ sống trong hiện tại. Thông qua hành động với những vật thể vận động với tốc độ khác nhau, phạm trù thời gian dần dần hình thành. Đầu tiên giữa hai vật thể vận động nhanh chậm khác nhau, biết so sánh tốc độ của hai bên; sau đó với một vật thể nhận thức ra tốc độ, khoảng cách vận động và thời gian vận động, hiểu được công thức: V (vận tốc) = e (khoảng cách vận động)/ t (thời gian). III. THỜI KỲ THAO TÁC HÌNH THỨC LÔGIC Tóm lại vào 11, 12 tuổi, hệ thống thao tác cụ thể hình thành một cách hoàn chỉnh với hai đặc điểm lớn là khả năng đảo ngược và xuất hiện một yếu tố bất biến. Nhờ đó tư duy không bị chìm ngập trong luồng cảm giác và hành động thao thao của cuộc sống, mà sắp xếp lại luồng sống ấy trong một thế giới có phân loại, có những mối tương quan lôgic và toán học; thế giới tư duy xây dựng trên cơ sở một quá trình khái niệm hoá và định lượng. Khái niệm và con số không phải là những yếu tố có sẵn mà là những sơ cấu được hình thành trong một quá trình hành động và cấu tạo lâu dài: đồng thời nằm trong cả một hệ thống thao tác và cơ cấu. Thế giới tư duy một mặt linh động hơn thế giới cụ thể, mặt khác cấu tạo một cách chặt chẽ hơn, có tính cố kết hơn (cohérence). Hai yếu tố quan trọng đã thúc đẩy trẻ em dần dần thoát khỏi tính tự kỉ. Một là sự chống lại của sự vật với tình ý chủ quan, hai là sự hợp tác và mâu thuẫn với người khác. Tư duy được xã hội hoá. Trẻ em nhận rõ người khác có thể quan điểm khác với mình, ví như đối với một người đứng trước mặt mình thì chính bên phải của mình lại là bên trái của người ấy và có thể thực hiện một thao tác đảo ngược lại.`````````````````````````````````````````` Những thao tác cụ thể được vận dụng với những biểu tượng phản ảnh những sự vật và hành động "có thực". Sau đó xuất hiện khả năng thao tác hình thức thoát li hẳn thế giới có thực để vận dụng những biểu tượng không nhất thiết có thực mà chỉ là "có thể". Nếu ta bảo một con gà có năm chân, như vậy 3 con gà có bao nhiêu chân? Đối với người lớn một bài toán như vậy chẳng có gì khó khăn, nhưng trẻ em lại rất lúng túng. Thông thường chúng bảo: làm gì có gà 5 chân. Tư duy chưa thoát khỏi thế giới cụ thể, chưa nhận thức được thực chất của từ "nếu". Nếu gà có 5 chân, là một điều không có thực, chỉ có óc con người giả định, đặt ra một giả thiết (hypothèse) như vậy, rồi từ đó suy diễn (déduction) ra kết luận. Tư duy thao tác hình thức bao gồm hai yếu tố, giả thiết và suy diễn. Tư duy không xuất phát từ sự việc và hành động cụ thể, mà từ chính những thao tác của tư duy, từ những mệnh đề (proposition) vì vậy lôgic của lối tư duy này gọi là lôgic mệnh đề (logique propositionnelle). Đây là thao tác trên thao tác, thao tác ở cấp 2. Nếu trong thao tác cụ thể, quan trọng là đúng hay sai, tức là ăn khớp hay không với sự vật và hành động có thực, thì trong thao tác hình thức, quan trọng là tính tất yếu. Khi đã chấp nhận là mỗi con gà có 5 chân, tất nhiên 3 con gà cộng lại là 15 chân, không cần và cũng không thể kiểm tra, thử nghiệm bằng cách đối chiếu với thực tế. Tính tất yếu này nằm ngay trong cơ chế tư duy. Một thí dụ thường đưa ra là câu hỏi: có 3 cô, cô Tâm da trắng hơn cô Liên, nhưng cô Tâm lại da đen hơn cô Hương, cô nào trắng nhất, cô nào đen nhất. Nếu 3 cô đứng trước mặt, trẻ em nhận ra ngay. Nhưng nếu chỉ nghe câu hỏi, thông thường trẻ em dưới 10 tuổi trả lời: cô Liên là trắng nhất, còn cô Hương là đen nhất. Vì tư duy còn vướng phải lối thao tác phân loại cụ thể, xếp Tâm và Liên vào loại trắng, Tâm và Hương vào loại đen, và Tâm thì vừa trắng vừa đen, cho nên mới bảo vì Liên chỉ có trắng nên trắng nhất, Hương chỉ chỉ có đen, nên đen nhất, còn Tâm thì ở giữa. Sau 11, 12 tuổi, trẻ em giải được bài toán này, vì tư duy thao tác không phải với những hình tượng cụ thể mà trên những thao tác tư duy là hai sự so sánh giữa màu da của ba cô. Kết quả là: -Tâm đen hơn Hương, tất nhiên Hương trắng hơn Tâm. Tâm lại trắng hơn Liên, tất nhiên Hương cũng trắng hơn Liên, vì vậy Hương là người trắng nhất. Bảo Hương là người đen nhất là trái ngược với mệnh đề Tâm đen hơn Hương, kết luận mâu thuẫn với đề dẫn. Biết thao tác tư duy tức là biết tránh mâu thuẫn giữa những kết luận được suy diễn ra với những giả thiết, mệnh đề được đưa ra từ đầu. Một thí nghiệm dễ thực hiện cho ta thấy sự khác biệt giữa hai lối tư duy. Lấy một đòn cân với điểm treo lên là O, ở đầu A treo một quả cân một kilô. Ở đầu B treo 2 kilôgam, cán cân nghiêng xuống, làm sao lấy lại thăng bằng. Những em bé dưới 5, 6 tuổi chỉ biết lấy tay mình giữ đòn cân lại, dùng bản thân can thiệp trực tiếp. Những em lớn hơn biết xịch đi xịch lại quả cân ở phía A cho đến lúc đòn cân nằm ngang lại và nếu treo thêm một vài quả cân nữa bên B cũng xịch đi xịch lại mà tìm ra giải pháp. Nhưng nếu ai hỏi một bên treo đến 100 hay 1000 kilôgam, mà bên kia chỉ có 1 kilôgam, thì làm sao. Không thể thử nghiệm cụ thể được nữa, em bé đành chịu. Mãi đến 13, 14 tuổi trở lên, lúc ấy, không cần lần mò, mà nhận ra ngay mối tương quan giữa sức nặng nhiều ít với cự li ngắn dài của hai khoảng cách OA và OB. Lúc đó, có thể giải đáp bất kì trường hợp nào. Từ giới hạn của thao tác cụ thể, đóng khung lại trong phạm vi "có thực", tiến lên hoạt động trong một phạm vi vô hạn của tất cả những trường hợp "có thể", khái niệm về tỉ lệ đã xuất hiện, được toán học biểu hiện với công thức: P L٫ P٫ L P: trong lượng bên A, P׳ : trọng lượng bên B L: cự li OA, L׳ : cự li OB. Với sự vận dụng giả thiết và suy diễn, khả năng của tư duy được mở rộng rất nhiều: hết thời kì này tư duy đã đầy đủ khả năng.
Hà Nội, tháng 6 năm 1985. Trích sách Tâm lý học và Giáo dục học. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1985.
|
|