TRẺ EM TRƯỚC CÁI CHẾT |
TRẺ EM TRƯỚC CÁI CHẾT MỘT HƯỚNG NGHIÊN CỨU CẦN THIẾT
BS. NGUYỄN KHẮC VIỆN (1913-1997)
Trừ ra những trường hợp bất ngờ, con người cuối cùng phải giáp mặt với cái chết, với những thái độ ứng xử khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ đó là những "phản ứng tâm lý" đối với cái chết, mà từ lâu tâm lý học cũng như các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác đã quan tâm nghiên cứu. Nhưng khi nói "con người và cái chết", người ta thường chỉ nói đến người lớn hoặc người già. Còn trẻ em thì sao? Trẻ em có những "phản ứng tâm lý" khi đứng trước cái chết không? Những câu hỏi đó chưa được nghiên cứu tường tận, mà việc nghiên cứu này lại rất quan trọng trong tâm lý học về trẻ em.
Hằng ngày trên thế giới này có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn trường hợp tử vong của trẻ em. Khi giáp mặt với cái chết, những đứa trẻ có ý thức thường nghĩ gì, làm gì? Và điều quan trọng không kém là người lớn (bố mẹ, người thân, thầy thuốc, y tá, hộ lý...) phải làm gì để làm giảm nhẹ gánh nặng tâm lý của những trẻ em đang đương đầu với cái chết?
Vì ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này nên ở đây chúng tôi phải dựa vào những kết quả nghiên cứu ở nước ngoài để nói tới những "phản ứng tâm lý" của trẻ em trước cái chết, như những gợi ý bổ ích cho chúng ta. Chủ yếu chúng tôi dựa vào hai quyển sách sau để trình bày:
•1. Ginette Raimbault. L'enfant et la mort. Ed. Frivat, Toulouse (Pháp), 1991. •2. Elisabeth Kubler-Ross. On Children and Death. Macmillan Publishing Company, New York, 1985.
Câu hỏi đầu tiên là: "Trẻ em có ý thức về cái chết không?"
Elisabeth Kubler-Ross, qua những khảo sát của mình, khẳng định "Những ai học để biết cái chết hơn là sợ và chống lại nó đều trở thành người thầy của chúng ta về sự sống". Có hàng nghìn trẻ em biết về cái chết nhiều hơn sự hiểu biết của người lớn. Người lớn có thể nghe những trẻ em này nói về cái chết nhưng nhún vai coi thường. Họ có thể nghĩ rằng trẻ em không hiểu về cái chết và có thể chối bỏ những ý nghĩ của chúng. Nhưng đến một ngày nào đó, họ có thể nhớ lại những bài học ấy hàng chục năm sau, khi họ phải đương đầu với "kẻ thù cuối cùng" của chính mình. Lúc đó họ mới phát hiện ra rằng những trẻ nhỏ kia là những ông thầy sáng suốt nhất còn họ chỉ là những học trò mới toanh.
Ginette Raimbault không nói nhiều về lý thuyết, mà trả lời câu hỏi đó bằng hàng chục trường hợp cụ thể. Đây là mấy ví dụ:
* Rose, 5 tuổi, nằm bệnh viện vì chứng suy thận nghiêm trọng. Em hay vẽ và chủ yếu vẽ những người thân thích xung quanh mình. Người được em vẽ sau cùng là người ông. Em nói: "Em vẽ ông, nhưng không thấy ông nữa, ông chết rồi... (im lặng). Ông nằm ở nghĩa địa ấy. Ông bị chôn rồi". Bị ám ảnh về cái chết, em thường nói chuyện với bố mẹ về tất cả những người chết mà em đã biết. Mẹ em nói: "Nó nhìn thấy cái chết". Cái chết được Rose cảm nhận như là sự biến mất, không được nhìn thấy nữa, nó được gắn liền với bệnh viện, với bệnh tật và những đau khổ.
* Raymond, 9 tuổi, bị bệnh tiết niệu và không thể chữa được. Em nói về cái chết "Khi người ta chết, chẳng còn gì nữa hết, chỉ còn một cây thánh giá. Em chẳng muốn chết đâu..."
* Amélie, 11 tuổi, nói lên nhận thức của em về cái chết, hay ít ra cũng nói lên việc em sợ phải chết: "Thật buồn khi phải xa bố mẹ. Đây là lần đầu em nằm bệnh viện, em không thể ngủ được... Có một ông mắc bệnh giống bệnh của em và phải cắt ngón chân cái, rồi phải cắt cả ống chân nữa. Điều em rất lo là bệnh em nặng hơn ông ấy". Nghĩa là em sợ bị cắt một chân mà không ai làm nguôi được nỗi lo lắng ấy của em.
* Marcel, 6 tuổi, bị rối loạn chuyển hóa nặng, có thể chết đột ngột. Mọi người đều hiểu được cái nhìn của em, như các thầy thuốc nói: "Em đã nhìn thấy cái chết". Em nói: "Chết, thế là hết. Người ta ở dưới mộ. Một là một cái phòng dưới nghĩa địa. Người ta chết. Thế là hết".
Bằng tất cả những thí dụ khác nhau trong quyển sách của mình, Ginette Raimbault cũng khẳng định rằng trẻ em có ý thức khá rõ về cái chết và nhận thức về cái chết của các em không khác nhau mấy theo những độ tuổi khác nhau. Nói chung, đối với các em, cái chết là "không còn nhìn thấy nữa" và phải ở một nơi riêng biệt (quan tài, mộ, nghĩa trang). Chết là ngừng hết mọi hoạt động, là không đi lại được, là mất tiếng nói, là không nghe được, không thấy được nữa, là không biết gì hết, là không còn gì nữa...
Là một nhà phân tâm, Ginette Raimbault muốn lý giải nhận thức của trẻ em về cái chết như là một sự nhớ lại những sự kiện có thật hoặc tưởng tượng trong quá khứ, và ý nghĩ về cái chết đôi khi ám ảnh trẻ đến mức trẻ phải huy động tất cả các cơ chế phòng vệ để chống lại (Ở những thiếu niên, đôi khi đó còn là nhận thức về tình trạng không có tương lai và muốn có một sự sáng tạo nào đó để làm quà tặng cho đời trước khi rời xa nó). Bà nói: "Nỗi lo ngại về cái chết không còn phải gắn liền với sự biến mất, với sự hủy diệt, mà là với sự tổn thương tính ái kỷ (narcissisme)... Không có chủ thể của cái chết mà trên thực tế có một chủ thể của nỗi đau, của sự hấp hối, của sự thoáng qua; chủ thể bị cắt xẻo đi mà mình không làm chủ được".
Vấn đề thứ hai được nêu bật lên trong hai quyển sách này là tâm lý "chịu tang" của trẻ em, một khía cạnh cũng rất đáng quan tâm trong lĩnh vực tâm lý của trẻ em trước cái chết.
Đặc biệt trong tác phẩm của mình, Elisabeth Kubler-Ross cũng dành một chương riêng bàn về những trẻ em bị mất tích, trẻ em bị giết và trẻ em tự sát. Một số trường hợp trẻ em tự sát rất đáng cho người lớn suy nghĩ. Có khi đó chỉ là do những đối xử lạnh lùng của bố mẹ khi đứa con mang điểm xấu về nhà, có khi là do trẻ bị đánh đập tàn nhẫn không còn muốn sống nữa, có khi là do bị mẹ ruồng bỏ, đi làm con nuôi hết nhà này đến nhà khác... "Bao giờ chúng ta mới bắt đầu hiểu được rằng tình yêu là tất cả những gì cần thiết?" - Tác giả thốt lên như vậy.
Cũng bằng những ví dụ lấy ra từ đời sống hiện thực, Ginette Raimbault mô tả nhiều tâm trạng khác nhau của trẻ em khi có người thân bị mất. Xin dẫn ra một thí dụ: Wendy, 4 tuổi, được nhận vào một trường mẫu giáo vì mẹ em bị một chứng bệnh nặng. Bốn tháng sau khi em vào trường, mẹ tái phát bệnh cấp tính và chết. Trước khi mẹ mất một tháng, em có thái độ rất gay gắt với mẹ vì nghĩ rằng mẹ sẽ bỏ bố để đi nghỉ một mình. Em vừa sợ mẹ chết, vừa muốn điều đó. Em nói với mẹ: "Nếu mẹ chết thì cũng chẳng sao đâu, mẹ ạ, vì đã có bố chăm sóc con". Sau khi được bố báo tin mẹ mất, lúc đầu em tỏ ra như bằng lòng với việc mẹ đi xa, nhưng đến tuần thứ tư, em rất buồn và nói với bố: "Chẳng ai yêu con cả". Em thường nhắc đi nhắc lại rằng mình không muốn lớn nữa. Nếu có lớn thì lớn thành một người con trai và thành một ông bố vì bố thì sống còn làm một phụ nữ thì chết!
Ở đây ta thấy có sự phát triển khá bền vững của một hoang tưởng là mẹ có thể trở về, nhưng thực tế dần dần phá tan hoang tưởng ấy đi. Trong những trường hợp khác, ta cũng thấy có những hoang tưởng ở các trẻ em chịu tang những người thân vừa bị mất.
Phân tam học có một cách lý giải về tâm lý chịu tang rất đáng chú ý. Trong phần cuối quyển sách của mình, Raimbault nhường lời cho Guite Guérin, một nhà tâm lý khác thuộc Trường Freud ở Paris, đưa ra cách lý giải ấy. Theo ông này, trạng thái buồn có thể đi sau một giai đoạn hưng cảm mà những biểu hiện "ồn ào" của nó chính là để phủ định sự mất mát và cảm giác có tội. Khi chịu tang, trẻ em thường trải qua một tâm lý hối hận và cảm thấy mình có tội ("Mình đã làm điều xấu - Lẽ ra mình phải làm điều tốt - Lẽ ra mình có thể ngăn được cái chết ấy - Mình đã không yêu thương người đã mất một cách đầy đủ), rồi chấp nhận cái chết của mình sau này như một số phận. Những quan sát lâm sàng cho thấy đối với trẻ em (từ khi biết nói), cái chết cũng mang những ý nghĩa giống như đối với người lớn. Các em có thể lúc cười lúc khóc, nhưng đó chỉ là cái bề ngoài chốc lát, không có liên hệ đến cái dòng sâu tâm lý đã chịu một tổn thất. Thậm chí ở trẻ em, thời gian chịu tang được cảm nhận về mặt chủ quan còn kéo dài hơn cả ở người lớn.
Guite Guérin viết: "Chúng tôi nghĩ rằng quá trình chịu tang và những cơ chế khác nhau của nó ở trẻ em và người lớn là giống nhau, chỉ khác đôi chút về mức độ... Sự lý tưởng hóa (người vừa mất) có thể chiếm một vị trí quan trọng hơn đối với trẻ em, vì nó cần thiết hơn. Ngoài sự có mặt thực tế của một người bố (hoặc mẹ), trẻ em cần nghĩ rằng người ấy là tốt, mạnh mẽ, hào hiệp, yêu thương, tức là duy trì một chỗ dựa đồng nhất ấy để không bị tính gây hấn của mình động đến. Trẻ sẽ tự đồng nhất với một hình ảnh lý tưởng. Sự lý tưởng hóa với bố (hoặc mẹ) đã khuất có tác dụng kết tinh toàn bộ những tình cảm tích cực của đứa trẻ đối với người đã mất.
Và thế là những tình cảm tiêu cực thường được dồn cho người đang sống. Theo tác giả này, đó chính là một nguyên nhân gây khó khăn trong trường hợp bố mẹ còn sống phải tái kết hôn. Cũng chính vì thế, những đứa con nuôi sau này biết mình là con nuôi thường giữ lại những tình yêu thương của mình đối với những bố mẹ "thật" (vắng mặt) và tỏ ra đối địch với bố mẹ nuôi có mặt bên cạnh mình.
Cái chết của một người thân bao giờ cũng là một vết thương để lại những vết sẹo sâu sắc. Nếu nó là sự kết thúc của một cuộc đời (kể cả đối với trẻ em), nó cũng không phải là sự kết thúc của những mối liên hệ với cuộc đời ấy.
Xin tóm tắt bài giới thiệu này bằng một đoạn trích từ quyển sách của Elisabeth Kubler-Ross:
Như vậy, cái chết là điểm tột cùng của sự sống, là sự tốt nghiệp, là sự tạm biệt trước khi cất tiếng chào khác, là sự kết thúc trước một sự bắt đầu khác. Chết là sự chuyển tiếp vĩ đại. Nhìn thấy, nghiên cứu, học và hiểu rằng hàng nghìn cách chuyển tiếp khác nhau ấy là công việc của mọi người thuộc mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa, thuộc mọi nơi và mọi lúc, và điều này cũng vĩ đại y như sự sinh đẻ vậy. |
|