NT Foundation - TÂM LÝ THANH NIÊN  
TÂM LÝ THANH NIÊN
 

I. LÚC NÀO HẾT TUỔI THANH NIÊN

Mốc khởi đầu xác định không khó khăn lắm: Lúc dậy thì với những hiện tượng sinh lý giới tính, vào khoảng 12 đến 14 tuổi. Mốc kết thúc rất khó xác định, vì liên quan đến cả 3 mặt: (Sinh lý, Xã hội, Tâm lý).

Tự thuật, Khổng Tử nói: Tam thập nhị lập, 30 tuổi thì lập thân, có thể đứng rõ ràng giữa xã hội. Thế nào là lập thân?

Là lập gia đình: có khả năng sinh con, nuôi dạy con.

Là lập nghiệp: Có nghề nghiệp, tự nuôi lấy mình và gia đình.

Là tự lập, tự chủ: Có ý thức về trách nhiệm của bản thân, tự mình nhận thức những giá trị tinh thần, noi theo để định hướng cuộc sống.

Về sinh lý, chỉ báo chủ yếu là khả năng sinh con. Còn sức khoẻ các mặt khác không chi phối một cách quyết định. Quan trọng hơn là những yếu tố xã hội.

15, 16 tuổi, con nhà nghèo, đã lao động góp phần có khi quyết định nuôi dưỡng bố mẹ, em út, là đã lập thân, còn sinh viên, nghiên cứu sinh 25 - 30, còn nhờ vả bố mẹ, chưa làm việc vẫn là vị thành niên, Hiến pháp cho phép đi bầu cử, ứng cử 18 hay 21 tuổi tuỳ nước, cũng như đến tuổi nào thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Về tâm lý, có người 15 - 16 đã chín chắn, tỏ ra "người lớn", có những người kiểu "nghệ sỹ", 30 rồi vẫn ngây thơ.

Đến mấy tuổi thì thôi không phải là đoàn viên hay cán bộ đoàn thanh niên, khó mà trả lời dứt khoát.

Dù sao có thể mô tả quá trình trưởng thành từ tuổi thiếu niên 12 đến 15- 16 tuổi, rồi từ 16 - 17 đến lúc trưởng thành "người lớn", ở dạng trung bình trong xã hội hiện nay, nhưng phải nói ngay từ đầu:

•1.     Giữa hai giai đoạn không có bức tường ngăn cách nào kín, mà các nét tâm lý khác nhau có thể pha trộn, làm cho tính đặc thù của giai đoạn này giai đoạn khác rõ nét.

•2.     Có những người về mặt này mặt khác không bao giờ thực sự trưởng thành, như không tiến lên tư duy lôgic khoa học, khó tự kiềm chế, bao nhiêu tuổi vẫn mang "tính trẻ con".

II. NHỮNG NÉT CHUNG CHO CẢ THỜI THANH THIẾU.

Từ 12 - 13 tuổi, đến 18 - 20 xuất hiện nhiều nét tâm lý, làm cho con người chuyển từ "tuổi trẻ con" sang tuổi thanh thiếu. Những nét tâm lý ấy chớm nở sớm hay chậm, rồi phát triển nhanh hay chậm, tuỳ từng người, tuỳ hoàn cảnh. Và bức tranh chung ở một lúc nào đó, gồm ít hay nhiều nét, đậm nhạt khác nhau cũng tuỳ người và tuỳ hoàn cảnh. Mỗi người một vẻ. Sau đây là một nét chung.

2.1Quan tâm đến thân thể;

Những biến động sinh lý, đặc biệt giới tính gây tâm trạng xao xuyến, tăng cường những cảm giác xuất phát từ thân thể, làm cho các bạn trẻ rất quan tâm đến hình dáng, nét mặt, tư thế của bản thân. Thường soi gương, ngắm nghía, đánh giá thân thể của mình đẹp xấu ra sao, thích chụp ảnh để xem mặt mũi ra sao. Dễ ngượng ngùng vì tay chân vụng về, ở con trai thì giọng nói vỡ ra.

Hình tượng cơ thể biến động, có khi tự hào vì thân hình của mình, có khi tự ti xấu hổ, cảm thấy thân thể thiếu hụt; có khi cảm giác xa lạ về thân thể của mình

Rất quan tâm đến bộ tóc, áo quần, trang sức, nhạy cảm với mốt, vì áo quần, trang sức gắn chặt với thân thể. Những biến động về hình tượng thân thể làm cho sự tự khẳng định qua những lúc lao động, có khi ái kỷ cao độ, và ngược lại chuyển sang cực ngược lại, buông thả bỏ quên cả những việc vệ sinh tối thiểu.

2.2 Hoà nhập vào thế giới người lớn

Hết làm trẻ con, không còn kiểu chơi thời bé, chơi không còn là hoạt động chủ yếu, đã nhận rõ là có chơi, có học, có làm.

Hết tiểu học, sang trung học hay học nghề, nhiều khi phải đi xa nhà, tự mình đi xe đạp hay xe bus, tàu điện, ở nông thôn có khi lên huyện , hay phải xa nhà ở nội trú. Tự mình mua sắm đồ dùng, có khi làm các thủ tục hành chính. Học tập nhiều môn mới, mở rộng tầm nhìn, quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội văn hoá, tiếp xúc nhiều giáo viên, người lớn các ngành.

Cảm giác thế giới, cảnh vật quen thuộc thời bé thu nhỏ lại (xem bài thơ Trần Đăng Khoa - Em lớn lên rồi);

Cho đến 17 - 18 chưa thực sự có thể đứng trách nhiệm, chức vụ của một người lớn, chưa hoàn toàn thoát ly ảnh hưởng của gia đình, còn thiếu kinh nghiệm sống, mới là "thí sinh".

2.3. Thế giới cùng lứa.

Hết làm trẻ con, chưa thật là người lớn, thanh thiếu chủ yếu giao dịch với bè bạn cùng lứa.

Sau 12 - 13, hết thời bè bạn ngẫu nhiên cùng phố, cùng lớp tập hợp rồi tan thất thường, và bắt đầu những hoạt động cùng lứa tuổi, cùng giới có tổ chức, có quy ước, và có những bạn thân được tuyển lựa. Kinh nghiệm sống với bạn cùng lứa giúp cho thử nghiệm sức lực trí tuệ bản lãnh dễ hơn là đối phó với người lớn. Trước người lớn, dễ tự ti, và thất bại cay đắng có khi không chịu nổi. Đối chiếu với thành tựu thất bại của bạn, suy ngẫm về mình.

Những bạn được mến phục lúc đầu là những đứa trẻ khoẻ, hung hăng, sau là những bạn can đảm, mưu trí; con gái thích những bạn hiền dịu, biết tổ chức hoạt động. Những tổ chức như Đoàn, hướng đạo, nếu không do người lớn quản lý quá chặt chẽ, tạo điều kiện giúp cho tiến lên tự lập. Ở đây trẻ chấp nhận làm những việc khó khăn vất vả mà bố mẹ hay giáo viên bảo thì không làm. Qua các tổ chức này, trẻ nhất là ở các gia đình nghèo, có thể tham gia nhiều hoạt động mà gia cảnh không cho phép, như cắm trại bờ biển, du lịch, xem phim, kịch... Con nhà nghèo lao động quá sớm rất thiệt thòi về việc này.

Tính duy kỷ em chưa hoàn toàn mất đi còn gây ra những mối xung đột trong sinh hoạt các nhóm. Cần có một lý tưởng với những quy ước rõ ràng, và nhất là một người lớn chỉ đạo rất tế nhị, không áp đặt ý muốn chủ quan, theo một kỷ luật máy móc hình thức.

Tạo điều kiện không có nghĩa là cung cấp cho đầy đủ phương tiện tiền bạc, cần để cho các tổ chức thanh thiếu tự do lấy một phần phương tiện và kinh phí để hoạt động.

2.4. Quan hệ trong gia đình.

Xu hướng tâm lý là thoát ly gia đình, hoàn cảnh khách quan là còn phụ thuộc gia đình về nhiều mặt, quả là một tình thế đầy mâu thuẫn, dễ gây xung đột. Bố mẹ thường vẫn tiếp tục xem con như thời bé, cần bảo vệ, không được phép tự tiện, mặt khác lại mong con thực hiện nhiều nguyện vọng mà bản thân thời thanh niên không đạt được. Tình yêu của mẹ dễ mang tính chiếm hữu buộc chân con, không thấy rõ dạy con thành công, chính là cho con thoát ly gia đình, "ở riêng", tự lập, không cần đến bố nữa. Bố thì nghiêm khắc không đúng lúc, không đúng việc, phản ứng vì cảm thấy uy tín bị sứt mẻ hơn là vì nội dung của sự việc.

Trước 15 tuổi, dễ xẩy ra những vụ bùng nổ, trẻ chưa biết tự kiềm chế; lớn lên trẻ biết tạm nhân nhượng để phản ứng ngầm, im lặng không tuân lệnh. Mâu thuẫn thường nổi lên về hai mặt:

•-                            Về những vấn đề quan trọng như lựa chọn ngành học, nghề nghiệp, như tình yêu, hôn nhân, có khi theo một tôn giáo, lý tưởng khác với bố mẹ, tư cách của những bạn thân.

•-                            Những cách thức sinh hoạt hàng ngày, nhất là ăn mặc, đi sớm về khuya sắp xếp đồ đạc, rượu, thuốc, nhạc...

Một thí dụ: một ông bố thấy con trai 15 tuổi để tóc dài bảo: mày cắt tóc tao thưởng cho 50.000 đồng. Con: bố giữ lấy tiền, con xin giữ lấy tóc.

2.5. Lập nghiệp.

Hết tiểu học, đặt vấn đề: trung học hay học nghề, có một số em phải bỏ học làm ăn. Đến 16 - 18 chuyển sang đại học hay đi làm là một sự việc quan trọng.

Bắt đầu được xếp vào hàng ngũ người lớn: là sinh viên hay công nhân. Nhất là đi làm: bước vào cuộc sống mới, khác hẳn nhà trường, háo hức vì đa số các thanh niên này đã chán nhà trường, lãnh đồng lương đầu tiên, đóng góp chi tiêu với gia đình, có tiền túi do chính mình làm ra là những mối tự hào.

Nhưng cũng nhiều vấp váp. Với học sinh, lầm lỗi trong học tập còn được dung thứ đến một mức độ nào, thầy cô nghiêm đến đâu cũng còn thân tình. Ở xí nghiệp, hiệu quả lao động là chủ yếu, không tha thứ sai lầm nào. Công việc không phù hợp với sơ thích sở trường dễ gây lo hãi cho những con người chậm chạp, quen hoạt động theo những khuôn nếp cứng nhắc.

Càng ít tuổi công việc càng thô sơ đơn điệu, ít gây hứng thú. Dễ chán, bỏ tìm việc khác, trốn đi làm. Trừ phi được đào tạo tốt trong các trường kỹ thuật, hay được bố mẹ truyền nghề từ nhiều năm.

Hướng học và hướng nghiệp không dễ gì giải quyết, vì rất nhiều yếu tố chi phối sự lựa chọn: năng khiếu, sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, xã hội, ảnh hưởng bè bạn...

Từ nghề nghiệp, cao hơn là có ý thức về sự nghiệp. Phân biệt nghề và nghiệp, cùng nghề, mà nghiệp lại khác.

2.6. Lập gia đình

•-                            Thanh niên của tình yêu, câu chuyện muôn thủa.

•-                            Ba mặt, S, X, T của tình yêu.

•-                            Hai thân thể, hai xác thịt có hoà hợp nhau không?

Hai con người có hoà thuận với nhau về cương vị, vai trò xã hội, quan hệ gia đình bè bạn, tộc người, tôn giáo, lối sống hay không?

Từ tình yêu thơ mộng đến chung sống hàng ngày, hàng giờ, đụng chạm với đời sống thực tế, vỡ mộng hay là đằm thắm thêm?

Hôn nhân là một sự lựa chọn hợp tình hợp lý, hay là một cuộc phiêu lưu, một kiểu đánh số cầu may?

Sách vở không thiếu, những ông "thầy", bà thầy khuyên bảo cũng không hiếm, chưa nói là mối lái, là bố mẹ, công đoàn, chi bộ tìm cách vun đắp. Nhưng cuối cùng quyết định vẫn là do chủ thể.

Được quyền tự do lựa chọn, không còn bị áp đặt như xưa nữa, thanh niên ngày nay phải qua bao nhiêu trăn trở dằn vặt. Chưa nói là ranh giới giữa tình bạn và tình yêu nhiều khi không dễ gì xác định. Hoặc bước đầu không phải là yêu một bạn cùng tuổi, mà đắm đuối vì một thần tượng, giáo viên, diễn viên, hoặc một bạn cùng giới.

Tình yêu, trăm đường trăm nẻo, biết đi đường nào?

III. HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH NGƯỜI LỚN

3.1. Trí tuệ

Vận động là cảm giác thành thục, trí giác động chính xác, trí làm được nâng cao nhưng không thay đổi về chất lượng.

Nếu học tiểu học thành công, đến 12-13 tuổi tư duy trừu tượng có thể xem như đã đạt mức tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện tiến lên tư duy lôgic (hình thức, nói theo Piaget), tư duy khoa học thực nghiệm, tức mang tính giả thiết - suy diễn. Từ đó nắm được những phạm trù nhân quả, biện chứng, quy luật, mới hiểu được những vấn đề  môi trường, xã hội, nhân văn, triết lý... 15-16 tuổi có khả năng nhưng không phải mọi người đều đạt được trình độ ấy.

Sau 15 tuổi, xem như các test đo lường trí lực không còn giá trị. Trí lực phát triển theo năng khiếu, sở trường, sở thích hơn là trình độ cao thấp.

3.2. Tự khẳng định

Không còn là trẻ con, chưa thật là người lớn, thanh niên qua giai đoạn trăn trở, tìm đủ cách tự khẳng định. Đầu tiên bằng những dấu hiệu bên ngoài, như chữ ký thêm râu ria, nói năng độc đáo, đi đứng theo điệu bộ nhất định, trong các trò chơi tìm vượt mức, hay đùa giỡn. Thích đồng phục, áo mũ, huy hiệu các tổ chức, thích diễu hành.

Đặc biệt quan tâm đến tai tóc, áo quần, theo mốt, vừa để khẳng định tính độc đáo, vừa để hoà nhập theo số đông, theo thời thượng. Chưa thật theo thẩm mỹ. Con gái có óc thẩm mỹ sớm hơn, nhưng vấn đề ăn mặc lố lăng.

Thường suy nghĩ về bản thân, xác định ngày càng rõ thêm ba ngôi trong nhân cách: tôi, ta, mình. Ta là đối lập với người khác (kể cả chúng ta, đối lập tập thể), tôi là nói rõ cương vị vai trò xã hội (tôi tên là...con ai, nhà ở đâu như khi khai lý lịch), mình là mình biết lấy mình, ngẫm về mình. Nhìn về bản thân, tự đánh giá không tách được việc người khác đánh giá, rất nhạy cảm về sự đánh giá của người khác, mặc dù nhiều khi tỏ ra phớt lờ.

Tự xem mình là một thế giới riêng biệt: Nếu có ít năng khiếu viết văn, ghi nhật ký, nói về mình nhiều hơn là về khách quan. Dễ có những lúc trầm ngâm mơ mộng về tương lai, nhất là những lúc vấp váp trong cuộc sống, nếm trải những kinh nghiệm mới, khi thất bại (hỏng thi, thất tình) cần chuyển hướng. Giữ riêng cảm nghĩ của mình, rất ít khi tâm sự với bố mẹ.

Thường là tâm sự với một bạn thân: tuổi này tuổi kết bạn, tìm một bạn thân có thể tâm sự với nhau, ngồi với nhau hàng ngày thành "cặp đôi cô đơn" tách biệt với mọi người, chia sẻ với nhau buồn vui, hào hứng, thất vọng, bù lại cho một tình trạng gia đình được xem là ngột ngạt, hay cho một tình trạng lép vế do một khuyết tật nào đó gây ra. Vì vậy, song song với những buổi thích cùng số đông gây ồn ào, náo động, có những lúc tìm nơi yên lặng, sống một mình hay với bạn, gần gũi với tự nhiên.

Xu thế hướng nội này giúp cho tự hiểu mình rõ hơn.

Nhân cách lúc này bị xâu xé giữa những xu thế trái ngược nhau: khi hăng hái đến cuồng tín, lúc chán nản, bi quan có thể dẫn đến trầm nhược nặng, kể cả tự sát, nay tôn thờ thần tượng này, mai thần tượng khác.

Những thanh niên có trình độ cao có thể chấp nhận hay tạo cho mình một triết lý, đạo lý nhất định; nhưng từ sự lao mình vào một con đường lý tưởng đến mức thành đạt, con đường còn dài, khúc khuỷu vì còn phải kiềm chế cho được những xung năng đang sôi sục trong lòng.

Tự ép mình vào những khuôn nếp, đòi hỏi của xã hội (khắc kỷ, phục lễ) là cả một quá trình diễn ra từ khi mới lọt lòng, từ những xung động tràn lan ở em bé đang bú mớm đến khả năng ngồi yên ở lớp của chú học sinh lớp một; nay đến cô cậu 17-20 giận mà không được phép vung tay to tiếng, thậm chí còn phải thơn thớt nói cười, nhục vẫn phải cắn răng mà chịu.

Mỗi bước đường đời là một thử thách dễ vấp váp, thất bại cho nên dễ e dè, cũng dễ liều lĩnh; không lạ gì thanh niên dễ đỏ mặt toát mồ hôi, vận động lung tung. Tiếp xúc với người khác trong nhiều tình huống khác nhau không dễ dàng, nhất là khi cảm thấy bao nhiêu người nhìn xem mình ứng xử ra sao.

Có một số ít đạt đến trình độ tự lập tự chủ cao, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, đa số thì dần dần cam phận, phục tùng kỷ cương chung, một số không thích nghi được, không chấp nhận kỷ cương, bị liệt kê vào hạng những con người "ngang trái", "gàn dở" hay "bệnh hoạn".

3.3. Trai gái

Nói chung, con gái thành thục sớm hơn trung bình từ 6 tháng đến 2 năm. Ăn nói lưu loát hơn, thường hướng về các hoạt động nghệ thuật hơn là khoa học trừu tượng, tư duy trực giác, hơn là lôgic.

Con gái cũng phục tùng bố mẹ dễ hơn. Chịu làm những việc tỉ mỉ.

Một điểm đáng chú ý: tỷ lệ nữ thanh niên hút thuốc lá ngày càng cao, ở các nước phương tây, nay tỷ lệ con gái hút cao hơn con trai. Phạm pháp tỷ lệ con trai hơn hẳn.

IV. VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI

Thanh niên: tuổi phơi phới, vui rộn, vì đầy sinh lực, nhiều hứa hẹn. Thanh niên tuổi trăn trở dằn vặt, một thời khủng hoảng.

4.1. Trong xã hội cổ truyền.

15-16 đa số con gái đã lấy chồng, con trai thì 17-18 đã có vợ. Kết hôn do bố mẹ sắp xếp, không được và không phải lựa chọn. Con gái không có nghề nghiệp, con trai thì theo nghề của bố (con thầy chùa lại quét lá đa). Trước mắt không có mẫu hình nào khác về lối sống ngoài các phong tục tập quán, luật lệ tín ngưỡng bất di bất dịch của xã hội, con gái cùng bố mẹ ông bà chung một lối sống. Chuyển đoạn từ thời trẻ em sang thanh niên, từ thanh niên sang người lớn diễn ra trong giai đoạn ngắn, ít mâu thuẫn xung đột. Người nào có phận nấy.

Dù sao bất kỳ xã hội nào cũng bày ra một nghi thức, một thử thách chuyển đoạn để chính thức kết nạp người con trai vào hàng ngũ lớn: tham gia săn bắn, được công nhận là dân đinh trong làng bản, đi chiến đấu, thi đỗ, kết nạp vào phường thợ, vào hội kiến, vào đoàn, đi hành hương xa, tham dự lễ nghi tôn giáo...Những thách thức và nghi lễ kết nạp để lại ấn tượng sâu sắc, thành một cái mốc quan trọng trong cuộc đời, làm chuyển biến tâm lý giúp cho hình thành nhân cách.

Thời xưa, chỉ một số ít không chịu cam phận, sinh ra ngang trái, mâu thuẫn với người lớn; dù ít hay nhiều bao giờ giữa người lớn và thanh niên cũng dễ xung đột. Cách đây 2.500 năm Khổng Tử đã thốt lên: Hậu sinh khả uý! (đáng sợ thay, kẻ sinh sau). Nhưng những khung khổ, phong tục tín ngưỡng tôn giáo xưa tạo ra những ràng buộc chặt chẽ, buộc mọi người chóng chầy vào khuôn nếp.

4.2. Thanh niên ngày nay

Một con người trong bản thân tâm sinh lý trải qua nhiều biến động, sống trong một xã hội thường xuyên biến động, xã hội công nghiệp và sống ở đô thị, tình cảnh ấy làm cho thời chuyển đoạn khó mà diễn ra êm ả. Từ dậy thì cho đến lập thân, được thoả mãn tình dục, tìm được chỗ đứng, tìm ra lối sống, quá trình trưởng thành kéo dài hàng chục năm.

Được tự do, nhưng không có nghĩa là làm gì cũng được. Phải lựa chọn giữa nhiều nước bước đường đi, được bên này mất bên kia, bấp bênh vì không có gì bảo đảm là lựa chọn đúng.

Trước mắt là nhiều triển vọng, nhiều thần tượng: phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật, kinh doanh, chính khách nổi tiếng, diễn viên, vận động viên, đi đó đi đây, thưởng thức trăm thứ ăn ngon, áo đẹp, nhà sang, xe máy, ôtô, catxet... Dục vọng nguyện vọng được kích thích đến cao độ, không háo hức, xao xuyến sao được?

Nhưng để thực hiện các nguyện vọng ấy, thoả mãn các dục vọng sôi sục phải cạnh tranh, đua chen quyết liệt mới ngoi lên được, mới khỏi tụt về sau, thất nghiệp là chuyện thường, lạc hậu trong nghề nghiệp luôn luôn đe doạ. Đường phố phơi bày bao nhiêu cám dỗ (ăn uống, áo quần, phim ảnh, dâm dục...) nhưng nhà trường ngày lại càng đòi hỏi nuốt trôi một chương trình ngày càng nặng. Bịt tai mắt để học thi, để vươn lên trước trăm sự cám dỗ, "tu giữa chợ", đâu có dễ. Giữa những ước mơ và hiện thực cuộc sống quá xa cách, nhất là ở một nước nghèo, nghèo nhưng qua báo đài, tivi, tiếp xúc được thấy, được nghe đủ chuyện, đủ cảnh đời.

Bố mẹ, thế hệ trước không còn là mẫu hình để noi theo, tín ngưỡng tôn giáo không còn giá trị thiêng liêng nữa, những giá trị cổ truyền (trinh tiết, trung hiếu, nhân nghĩa, bác ái...) đều lu mờ, nhất là nhiều khi chính những người lên lớp về đạo đức lại là những kẻ vi phạm đầu tiên.

Mình phải tự vạch cho mình con đường mà đi, mỗi bước đi là đứng trước một sự lựa chọn. Có vượt qua cửa ải Vũ môn, trầy da trượt vẩy mới chen chân được vào hàng ngũ lớn, thanh niên dễ tụ tập với nhau thành nhóm, thành bang, tự tạo ra một xã hội, một văn hoá đối nghịch với xã hội người lớn.

V. BỆNH LÝ

5.1. Phản ứng hay bệnh

Ăn cắp, quấy phá, bỏ nhà, bỏ học, rượu, thuốc lá, ma tuý, trầm muộn, thậm chí tìm cách tự sát... bố mẹ, giáo viên, công an, xí nghiệp hàng ngày phải xử lý. Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là:

Đây chỉ là một phản ứng trước một sự vấp váp, một thủ thách, một xung đột rồi sớm chậm cũng trở lại bình thường?

Hay là triệu chứng ban đầu của một bệnh chứng có thể nghiêm trọng, đòi hỏi một sự chăm chữa thường là phức tạp, lâu dài?

Cần hết sức thận trọng trong việc suy đoán, và trước hết là không vội vàng kết án, những yếu tố liên quan, để tìm ra những khâu chủ yếu, gỡ từng mối một, tác động nhiều mặt (thuốc men, tập luyện, dạy nghề, tác động lên gia đình, bè bạn, vận dụng các loại tâm pháp...), mới mong trong những trường hợp phức tạp (ma tuý, phạm pháp) giải quyết được phần nào.

Lên án, trừng phạt chỉ làm cho bệnh nặng thêm.

5.2. Những yếu tố liên quan đến bệnh lý

Không trình bày chi tiết về các chứng bệnh, đã có từng bài riêng từng bệnh. Chỉ nêu một số phương châm:

•-                            Những luận điểm về di truyền (có gien này gien khác) hiện nay chưa có thể xác định được một cách chính xác, tức chưa thể làm cơ sở cho cách xử lý.

•-                            Ở con gái thường kết hợp rối loạn nội tiết (về kinh nguyệt) và triệu chứng tâm lý như bỏ ăn, có khi đến chết.

•-                            Hút thuốc lá, rượu là hai loại ma tuý phổ biến nhất, không những được xã hội dung thứ, mà thường còn khuyến khích, và được quảng cáo rộng rãi thường xuyên. Phòng ngừa ma tuý phạm pháp phải bắt đầu với việc chống hút thuốc lá, uống rượu. Điếu thuốc lá, cốc bia đầu tiên lúc 9-10 tuổi mở đầu cho con đường nguy hiểm dẫn đến ma tuý phạm pháp. Đợi sa vào ma tuý mới tìm cách chăm chữa thì quá chậm. Một chính sách chỉ nhằm ma tuý và phạm pháp là nhằm ngọn mà quên gốc, tốn tiền và công sức, hiệu quả không bao nhiêu.

•-                            Những xáo động ở tuổi thanh niên khuấy lại những cung đột thời tấm bé, trước 5-6 tuổi; Những mối "thất tình thất thế" thời bé, những mặc cảm tuổi thơ chưa giải toả, đến tuổi thanh niên, trước vấp váp trong cuộc sống, và quan tâm đến con từ bé là một trong những yếu tố liên quan thường gặp nhất.

•-                            Thất nghiệp, thường thay đổi chỗ ở, công việc, bỏ học sớm cũng vậy.

•-                            Tìm bù lại thất tình thất thế, tìm bù lại thách đố người lớn, tìm hoà nhập vào bè bạn, tự khẳng định một cách dễ dàng, tình cảm không thành thục, không chịu nổi ấm ức hẫng hụt, co mình lại trước khó khăn trầm muộn, lo hãi, tự tách mình đến tự toả là những yếu tố tâm lý chung thường gặp ít hay nhiều ở trong mọi trường hợp, ở mỗi người nổi bật một hay vài nét chính. Vấn đề chủ yếu vẫn là những nét ấy đã đến mức hình thành một cơ cấu bệnh lý cố định hay chưa? Chỉ mới lao tâm, khổ tâm, hay đã là nhiễu tâm, loạn tâm? Là dị tính (Psychopathe) hay giáp ranh? Trước những trường hợp khó, không thể đi sâu về tâm bệnh học.

                                                       BS Nguyễn Khắc Viện

 
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý