NT Foundation - TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT  
TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
 

BS Nguyễn Khắc Viện

D. Một em bé gái 5 tuổi rưỡi được ông nội dẫn đến khám ở trụ sở N-T. (N-T là cách viết tắt Nghiên cứu Tâm lý) là tên Trung tâm do một số bác sĩ và cán bộ tâm lý giáo dục lập ra. Em D hay nổi những cơn khùng quấy phá gia đình, không chịu đến với cô mẫu giáo, cũng không chịu hoà nhập vào lớp.

 

 Ban ngày nhiều khi đái dầm, ướt quần rồi mới biết. Hễ gặp người lạ là bỏ trốn, lấy hai tay úp vào mặt. Tổ N-T gồm một bác sĩ và hai cô nghiên cứu tâm lý, sau khi hỏi han người ông nội rất kỹ về tính nết em bé khi ở nhà, khi chơi với những em khác và hoàn cảnh gia đình, bác sĩ khám đặc biệt về hệ thần kinh. Không thấy gì bất thường; nghe người ông kể chuyện thì dường như trước lúc đái dầm, có thoáng qua một chốc lát đờ đẫn. Bác sĩ nghĩ đến chứng động kinh, gửi đi bệnh viện để làm điện não đồ. Điện não đồ không làm rõ nét lắm, chỉ cho phép nghi vấn là có động kinh. Tiếp xúc buổi đầu rất khó khăn, hai cô cho em bé vẽ, tự do nguệch ngoạc, cho em bé chơi với một số búp bê; em nắm lấy một con hình tượng một người đàn bà, giận dữ đánh, ném. Quan cơn giận em bé tỏ ra dễ tiếp xúc hơn. Tổ N-T đề nghị với người ông tuần sau dẫn cháu lại và mời bà mẹ đi cùng. Đúng tuần sau người ông lại dẫn cháu đến, cùng với mẹ nó, và kể rằng sau lần đến trước em D. về nhà, tính nết có phần nào dễ chịu hơn, và em cũng tỏ ý muốn gặp lại các cô đến chơi cho vui. Người ông kiên nhẫn mỗi tuần dẫn cháu đến gặp các cô và bảo là cháu đã bớt che mặt và chạy trốn khách, nhưng vẫn còn đái dầm. Và thông thường đem con đi khám ai cũng mong bác sĩ ghi cho một đơn thuốc. Nghĩ rằng có thể là một ca động kinh, bác sĩ ghi cho một đơn thuốc Tegrethol; thuốc phải mua chợ đen quá đắt, dùng ít lâu, gia đình không đủ tiền mua nữa thành thử không thể dựa vào kết quả để xác định chẩn đoán động kinh. Quyết định tiếp tục những buổi chơi và trò chuyện với em bé, trao đổi góp ý với người ông và bà mẹ.

Sau một thời gian, em bé bớt dần những cơn trầm cảm, hưng phấn và bắt đầu đi học chữ cái, chuẩn bị học đọc học viết.

Như vậy, trong nhiều tháng, ba cán bộ tốt nghiệp Đại học phải chăm sóc một em bé không mắc phải một chứng bệnh gì thật nguy hiểm:

Qủa là "chơi sang", trong một nước còn thiếu bệnh viện, thiếu thuốc, thiếu thầy để chăm chữa cho bao nhiêu triệu em bé suy dinh dưỡng, mắc không biết bao nhiêu bệnh tật nguy hiểm. Một phòng khám tâm lý kiểu N-T phải chăng là một xa xỉ phẩm?

Những người sáng lập N-T không có đầu óc không tưởng; họ là những người thầy thuốc, những giáo viên có nhiều kinh nghiệm không những trong nghề, mà còn cả trong lĩnh vực xã hội chính trị. N-T ra đời không được trợ cấp của Nhà Nước, không có biên chế, bước đầu không có trụ sở; hội viên toàn là cán bộ với đồng lương ít ỏi. Và thiếu nhất là cái vốn khoa học; họ là những bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm, những bác sĩ tâm thần chuyên chữa người lớn, những giáo viên sư phạm, chưa hề có ai được đào tạo chính quy về tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em. Có một số anh chị em trẻ có học tâm lý ứng dụng ở nước ngoài về, nhưng chỉ có một số kiến thức sách vở, kinh nghiệm thực tiễn thì hoàn toàn chưa.

Các cơ quan Nhà nước và đoàn thể xã hội còn trăm công nghìn việc lo cho trẻ con ăn no, lo chữa bệnh, lo kế hoạch gia đình, lo mở trường học, nói đến tâm lý mọi người xem như chuyện phù phiếm, không lo đến cũng chẳng chết ai. Ngay trong giới bác sĩ nhi khoa cũng chẳng ai quan tâm đến; chữa bệnh chủ yếu là dùng thuốc hay phẫu thuật; còn các bác sĩ tâm thần cho đến nay chỉ chữa cho người lớn. Ở các trường sư phạm thì chỉ giảng dạy qua sách vở rồi bắt học sinh trả bài, còn tiếp cận với cuộc sống thì thày trò chẳng bao giờ có dịp.

Một em bé quấy phá, chây lười, nổi khùng, bỏ học, cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp,..thì khiển trách, quở phạt, nhiều lắm ông bà cho một trận roi. Cùng lắm đưa ra công an. Việc gì mà phải khám với nghiệm, chẩn với đoán, chăm với chữa? Còn đái dầm, mút tay là chuyện thông thường, lớn lên sẽ hết, lo làm gì?

Đến nơi này nơi khác, đặt vấn đề tài trợ, người ta rất e ngại: cho tiền để xây dựng một nhà mồ côi, mua máy móc thuốc men giúp 1 bệnh viện thì dễ kiểm tra, còn đưa tiền cho nghiên cứu tâm lý thì quá trừu tượng, khó mà nắm bắt được.

Tất cả những khó khăn ban đầu không làm cho các hội viên N-T nản lòng. Họ biết trong xã hội nước ta đang đặt ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ giữa bố mẹ và con cái, giữa người lớn với trẻ em, những mối quan hệ ấy không còn đơn giản như ngày trước nữa. Để giải quyết những mâu thuẫn hàng ngày xảy ra, để có những chủ trương đúng đắn, không thể chỉ dựa vào một vài mệnh đề chung chung, mà phải tìm hiểu thực tiễn. Nếu nuôi con cần hiểu trẻ em cần ăn uống những gì, có những nhu cầu về chất đạm, về vitamin như thế nào, không đáp ứng những nhu cầu sinh lý ấy, làm cho trẻ em còi cọc, dễ sinh bệnh tật, tại sao đối xử với con, dạy dỗ trẻ lại không tìm hiểu tâm lý của chúng, không tìm đáp ứng những nhu cầu tâm lý của chúng, mà chỉ biết áp đặt ý muốn chủ quan của người lớn? Rõ ràng là ở nước ta đang thiếu bộ môn khoa học tâm lý trẻ em, đã từng phát triển ở nhiều nước trong gần một trăm năm qua. Đã đến lúc phải bắt tay vào xây dựng bộ môn này.

Phải xây dựng từ bước đầu, từng bước một, như làm từng viên gạch để xây dựng một toà nhà.

Phải tìm hiểu thực tiễn, khám nghiệm, theo dõi từng em bé một, bình thường hay bất thường; phải điều tra quan sát từng nhóm lớn nhỏ khác nhau trong những môi trường xã hội khác nhau. Những quan sát điều tra cá nhân và xã hội ấy cần được ghi chép tỉ mỉ thành những hồ sơ đầy đủ, rồi phân tích hàng trăm hồ sơ như vậy mới mong rút ra những kết luận này khác.

Những kết quả quan sát điều tra thực tiễn ở nước ta phải đem đối chiếu với những công trình nghiên cứu ở các nước; những phương pháp được vận dụng ở nhiều nước phải đem thử nghiệm, và cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đọc báo tâm lý bằng ngoại ngữ không dễ dàng như là đọc sách toán, lý, hoá, ít người đọc được. Phải dịch ra nhiều sách giáo khoa và công trình khoa học; những kết luận thực tiễn, những bản dịch phải in ra. Mỗi buổi chiều thứ bảy, cái "tổ ong" N-T họp lại, trao đổi về một danh từ, một học thuyết, một ca lâm sàng. Kiến tha lâu đầy tổ, đi mãi rồi vạch ra đường. Dần dần lập nên một số hồ sơ, thu hoạch ít nhiều kinh nghiệm, và lần đầu tiên ở nước ta cho xuất bản một tủ sách N-T chuyên về tâm lý. Một số cơ quan trong nước và tổ chức quốc tế bắt đầu hưởng ứng.

Bước vào năm 1997, sau hơn 5 năm hoạt động, N-T đã đứng vững.

Có nên triển khai thêm những phòng chẩn đoán ở khắp các phố phường không? Hẳn rằng không, đó là một ý nghĩ không tưởng. Ở nước ta một vài phòng chẩn đoán tâm lý vẫn còn là xa xỉ phẩm, N-T không có tham vọng đáp ứng những nhu cầu tâm lý của xã hội, điều này cũng phải đợi qua thế kỷ sau mới giải quyết. Nhưng bất kỳ hàng xa xỉ nào, dù nhất thời chỉ phục vụ một số ít người vẫn giúp cho xã hội đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, giúp cho tìm hiểu và tìm ra biện pháp giải quyết để tương lai có thể vận dụng cho mọi người. Năm mười năm nữa, lúc Nhà nước và các đoàn thể mở ra nhiều cơ sở vận dụng những tri thức về tâm lý trẻ em, thì N-T có thể xin báo cáo là đã chuẩn bị sẵn một số sách vở, công cụ làm việc và một số người có kinh nghiệm làm hạt nhân cho ngành tâm lý và tâm bệnh học trẻ em.

 
  Back to top
More...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý