SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1) |
Trích "Tuổi mầm non - Tâm lý giáo dục" BS. Nguyễn Khắc Viện - Bà Nguyễn Thị Nhất
Thảo nào khi mới chôn rau Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra Khóc vì nỗi thiết tha sự thế Ai bày trò bãi bể nương dâu Là một nhà Nho nhưng thấm nhuần triết lý Phật, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, người viết những câu thơ trên đây (trong "Cung oán ngâm khúc") chắc chưa bao giờ dự một buổi một em bé loạt lòng mẹ ra đời, nhà thơ chỉ gán cho nó những suy tư mang tính chất bi quan của mình. Suy bụng ta ra bụng trẻ em là phương pháp mọi người thường sử dụng dẫn đến những nhận xét thường sai lầm, vì tâm lý trẻ em càng bé bao nhiêu càng khác của người lớn và gán cho trẻ em những cách suy nghĩ cảm xúc như người lớn là điều nên tránh. Từ cuối thế kỷ 19 người ta đã bắt đầu quan sát một cách tỉ mỉ và có hệ thống trẻ em, rồi kết hợp với thực nghiệm và nghiên cứu các bệnh tật, dần dần mới rút ra được một số kết luận tương đối chính xác. Ở nước ta, việc nghiên cứu này mới bắt đầu, nên chưa có những công trình đầy đủ, chúng ta còn phải dựa vào rất nhiều những công trình của các nước, nghiên cứu trẻ em sống trong những hoàn cảnh xã hội khác nước ta. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, và nhất là vào một hai năm đầu, thì một vài công trình cho thấy sự phát triển tâm lý của trẻ em ta cũng tương tự theo một quy trình giống như ở nhiều nước khác. Muốn nghiên cứu tâm lý một em bé, ta phải quan sát theo dõi ứng xử của nó trong những tình huống khác nhau, nếu tình huống do người quan sát tạo ra với ý đồ chứng nghiệm một giả thuyết của mình, đó là một thực nghiệm. Những yếu tố trong mọi tình huống cũng như những ứng xử, tức hành vi và thái độ của em bé là những biểu hiện bên ngoài, có thể quan sát, theo dõi, đo lường, ghi ký một cách khách quan, từ đó suy ra, đoán ra những cơ cấu và cơ chế ở "bên trong" về cái "tâm" của em bé. Ta kết luận em này "khôn" hơn em kia, hay đã đến tuổi có óc tự lập, tự khẳng định...ta vẽ ra bức tranh tâm lý của các lứa tuổi hay của từng cá nhân. Câu chuyện có thể lý giải bằng nhiều cách, thành thử không lạ gì, có nhiều học thuyết khác nhau. Hiện nay có thể nói chưa có học thuyết nào được công nhận là hơn hẳn học thuyết khác, chúng ta chỉ có cách là cố gắng rút ra từ mỗi học thuyết những gì bổ ích và bản thân mỗi người cũng cố gắng tìm tòi suy nghĩ đóng góp thêm vào khoa học mới mẻ và khó khăn này. Thí dụ: một em bé 7 tháng, một người lạ, muốn bế em. Em có thể cho bế, vui mừng như ta được mẹ hay bố bế, hoặc khóc lên không cho bế. Cách cư xử thứ nhất chứng tỏ là em chưa phân biệt người lạ người quen. Từ đó, có hai học thuyết lý giải và đánh giá khác nhau hiện tượng ấy: - Đối với một bên, đây là một hiện tượng không quan trọng lắm, em bé từ 6 tháng đến 8,9 tháng thường phản ứng với người lạ, sau dần dần làm quen. - Một số học giả cho đây là hiện tượng "hoảng sợ vào tuổi tháng 7, 8" có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý của trẻ em.
|
|