Trong tình thế hiện nay, "biến nguy thành cơ" không còn chỉ là một khẩu hiệu cổ động. Với sự ý thức rõ ràng về những khó khăn to lớn mà đất nước đang đối mặt, trong hầu hết các ý kiến bàn luận về vấn đề này, đều thấy ẩn giấu phía sau sự tự tin về khả năng vươn lên dài hạn của Việt Nam cùng với những giải pháp đảo ngược thế cờ và tạo sự bứt phá của nền kinh tế.
Luận điểm mang màu sắc nghịch lý - lãng mạn "biến nguy thành cơ" quả thật rất hấp dẫn và mang nhiều tính hiện thực. Với hai bánh xe - khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, cả thế giới đang "lao dốc". Kinh tế Việt Nam thậm chí còn "lao dốc" mạnh hơn, do phải chịu tác động tiêu cực rất mạnh từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu sau hai năm vật lộn với lạm phát cao và bất ổn vĩ mô. Trong khuôn cảnh đó, việc đề cập đến khả năng "biến nguy thành cơ" để Việt Nam tiến vượt lên là một ý tưởng táo bạo và đáng được suy xét nghiêm túc.
Tính táo bạo của ý tưởng này còn nổi rõ hơn khi nhớ lại cảm giác thăng hoa của cả nước cách đây chưa lâu: cũng tại thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới 2006-2007, sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC 14 và gia nhập WTO, cả đất nước tưng bừng với vận hội lịch sử mới mở ra cùng hội nhập với khí thế bay lên để "hóa rồng".
Nhưng cảm giác đó nhanh chóng bị cơn bão lạm phát xua tan. Cơ lớn chưa tận dụng xong, giờ lại phải lo "biến nguy thành cơ". Với một kinh nghiệm nóng hổi như vậy, một cách nghiêm túc, chúng ta phải tự hởi: Biến nguy thành cơ - để làm gì? Và bằng cách nào đây?
Để góp vào việc trả lời mấy câu hỏi "trần tục" đó của năm mới, xin ôn lại đôi ba bài học về thời cơ - thách thức của năm cũ.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô dịch AFF Cúp cuối năm 2008
Cách đây một năm, ông Calisto trở thành Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, được trao sứ mệnh đưa bóng đá Việt Nam vươn lên ngang tầm khu vực, đạt được các chức vô địch, trước hết, ở cấp Đông Nam Á. Đây là một cơ hội, của ông Calisto và của đội tuyển Việt Nam. Và cả của dân tộc yêu bóng đá Việt Nam.
Trước Calisto, cơ hội này đã được trao cho nhiều người nhưng chưa ai thật sự thành công trong sứ mệnh của mình. Chỉ Calisto làm được điều đó, lại chỉ sau có một năm. Có vẻ dường như Calisto đã không khó khăn lắm để biến cơ hội thành vinh quang hiện thực.
Tuy nhiên, như mọi người biết, không hề có một sự để dùng nào như vậy. Ông đã trải qua 8 năm gắn bó lăn lộn gian khổ với bóng đá Việt Nam, đã chịu cay đắng với cả hai lần làm Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia.
Trên con đường đi đến danh hiệu vô địch AFF Cup, Calisto đã dẫn đội tuyển đi qua 10 trận không thắng liên tục, bị nhiều tờ báo chỉ trích nặng nề. Trong suốt một năm, ông đã cắn răng chịu đựng, huấn luyện đội tuyển một cách nghiêm chỉnh, để thành công đến không còn là sự ăn may mang nặng tính ngẫu nhiên. Bài học rút ra từ Calisto là rõ ràng, đơn giản: để trở thành vô địch, ít nhất đội bóng cần có ba điều:
•· Thứ nhất, một huấn luyện viên giỏi. Giỏi về tri thức chuyên môn. Bài bản. Giỏi vì tính chuyên nghiệp. Giỏi vì bản lĩnh, biết chờ đợi, cắn răng chuẩn bị các điều kiện cần để thắng, không sốt lên vì thành tích ăn ngay, dễ dàng.
•· Thứ hai, một đội tuyển có ý chí, biết đúng giá trị của cuộc đấu vì màu cờ sắc áo và có niềm tin vào người dẫn dắt cuộc chơi.
•· Thứ ba, có sự hỗ trợ đúng cách của hệ thống - mà ở đây chính là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Sự hỗ trợ này, như trong trường hợp Calisto hóa ra rất đơn giản: VFF chấp nhận không can thiệp vào công việc chuyên môn của Huấn luyện viên, người được giao trực tiếp tổ chức cuộc chơi.
Cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO
Khi gia nhập WTO vào đầu năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đứng trước vận hội lớn chưa từng có.
Thực chất của việc chuyển hóa "cơ" thành "nguy" của hai năm 2007-2008: bùng nổ thời cơ phát triển nhưng việc chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận chúng một cách hiệu quả và bền vững - thực chất là việc giải tỏa các nút thắt tăng trưởng, vốn đã được phát hiện và chỉ ra từ trước - đã không được quan tâm đúng mức.
|
Hầu như tất cả mọi người đều tin rằng việc gia nhập WTO sẽ làm bùng nổ những cơ hội phát triển cho Việt Nam. Cộng với thế, lực và đà tăng trưởng tốt đạt được sau 20 năm đổi mới, với tư cách thành viên WTO, Việt Nam sẽ nhanh chóng cất cánh bay lên. It có sự nghi ngờ tính hiện thực của một viễn cảnh như vậy.
Nhưng cũng ít ai ngờ, chỉ sau một năm, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ tình trạng bất ổn vĩ mô, lạm phát gia tăng nhanh và trở nên khó kiểm soát Nhiều doanh nghiệp, thay vì gặt hái lợi ích hội nhập, lâm vào tình thế ngày càng khó khăn. Giữa năm 2008, đã xuất hiện những lo ngại khả năng khủng hoảng của nền kinh tế.
Tâm trạng phấn khởi, hào hứng đến mức sẵn sàng "thăng hoa" ngự trị cuối năm 2006, đầu năm 2007 nhường chỗ thoạt đầu cho sự kinh ngạc, vì một sự đảo chiều nhanh chóng của nền kinh tế, sau đó là tâm lý lo lắng và có phần bi quan.
Vì sao "cơ" lại biến thành "nguy" nhanh như vậy?
Cho dù thừa nhận vai trò quan trọng của tác động tiêu cực của các yếu tố bên ngoài (ví dụ, giá dầu, giá gạo thế giới tăng cao), song như nhiều sự phân tích chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu là ở phía chủ quan: trước sự bùng nổ của thời cơ phát triển mà hội nhập mang lại, những thành tích tăng trưởng dễ làm say mê lòng người đã không thể che mờ những điểm yếu cốt tử của nền kinh tế. Những điểm yếu đó - kết cấu hạ tầng yếu kém, hệ thống thị trường khấp khểnh", nguồn nhân lực chất lượng thấp, năng lực quản trị phát triển "tụt hậu', cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô, một cơ cấu ngành kém sức cạnh tranh, v.v. - tạo thành những điểm "tắc nghẽn" tăng trưởng. Khi hội nhập mở ra cho cơ hội "ùa vào", sự tắc nghẽn đó "bục" ra, hóa thành lạm phát và bất ổn vĩ mô, làm tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại.
Vậy là có thể lý giải thực chất của sự chuyển hóa "cơ" thành "nguy" của hai năm 2007-2008: bùng nổ thời cơ phát triển nhưng việc chuẩn bị các điều kiện cần để tiếp nhận chúng một cách hiệu quả và bền vững - thực chất là việc giải tỏa các nút thắt tăng trưởng, vốn đã được phát hiện và chỉ ra từ trước đã không được quan tâm đúng mức. Nền kinh tế ngất ngây với triển vọng "bay lên", "vươn ra biển lớn", các doanh nghiệp lo gặt hái nhanh, rất dễ dàng các cơ hội ngắn hạn đang nở bừng ra. Bùng nổ doanh nghiệp, bùng nổ các định chế tài chính và các nhà đầu tư tài chính để "chộp" các cơ hội từ thị trường chứng khoán; bùng nổ mở trường đại học, với định hướng thu lợi nhuận mạnh hơn định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực chất - đó là những mẫu mực của sự bùng nổ ngắn hạn, lo gặt hái mà không chuẩn bị nền tảng cho một cuộc chơi dài hạn, với tri thức kinh doanh căn bản và tầm nhìn chiến lược toàn cầu và dài hạn.
Bài học ở đây là tầm nhìn, là sự nghiêm khắc với cái chủ nghĩa thành tích dễ dãi nhưng đầy bất trắc, rằng thời cơ lớn luôn đi kèm với cạm bẫy. Lo gặt hái thời cơ nhanh mà không có tri thức bài bản, thiếu tầm nhìn thì rối loạn, thậm chí sụp đổ, sẽ là kết cục khó tránh khỏi. Đó là thông điệp đáng nhớ mà năm 2007-2008 gửi lại cho những năm sau.
Bùng nổ FDI
Việc gia nhập WTO hứa hẹn sẽ kéo vào cho Việt Nam một lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài. Trong hai năm 2007 - 2008, FDI cam kết đạt mức kỷ lục: hơn 21 tỷ USD năm 2007 và hơn 60 tỷ USD năm 2008, gấp nhiều lần những năm trước đó. Đặc biệt, có hàng loạt siêu dự án FDI với số vốn lên tới lên 4-5, thậm chí 8-9 tỷ USD.
Quả thật là WTO đã mở ra một chân trời FDI mới, tạo niềm tin chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng bay lên. Các nhà đầu tư quốc tế đang bỏ phiếu cho tương lai của Việt Nam bằng nhiều tỷ USD vốn đầu tư.
Nhưng có lẽ đó chi mới là một mặt của vấn đề.
Năm 2008 cũng là năm bùng nổ của những dự án đầu tư siêu lớn, tập trung vào các lĩnh vực khai thác tài nguyên - khai thác sắt và luyện thép, lọc dầu, sân golf, kinh doanh bất động sản, khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp.
Đó là những dự án thuộc loại "tranh chấp" tài nguyên và nguồn lực quyết liệt nhất. Tranh chấp nguồn nước, tranh chấp đất, tranh chấp năng lượng, khai thác trên quy mô lớn tài nguyên không thể tái tạo, sử dụng không nhiều lao động, ít tạo sự lan tỏa phát triển, gây ô nhiễm, v.v. Toàn là những đặc tính "chèn lấn" cơ hội và điều kiện phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam vốn còn rất non yếu và cần được tích cực hỗ trợ phát triển, ít định hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Nghĩa là tốt cho thành tích tăng trưởng ngắn hạn nhưng thiếu định hướng phát triển bền vững.
Chinh phủ đã bắt đầu phản ứng lại với xu hướng FDI này: không cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà máy luyện thép của POSCO ở vịnh Vân Phong; trừng phạt Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải. Tín hiệu là rõ ràng: hoan nghênh FDI nhưng không phải bằng mọi giá, phải tính đến những lợi ích lâu dài của sự phát triển chứ không đơn thuần chi là tăng trưởng sản lượng.
Nhưng vẫn còn cần rất nhiều phản ứng như vậy.
Trên thực tế, Việt Nam có thể đang là cơ hội lớn cho nhiều dự án FDI - cơ hội tài nguyên, cơ hội di chuyển đến công nghệ thấp, gây ô nhiễm, cơ hội nhân công rẻ, cơ hội thị trường, cơ hội về sự dễ dàng đến mức "dễ dãi" của các điều kiện đầu tư, Những dự án FDI đó không nhất thiết là cơ hội của Việt Nam, cho Việt Nam bay lên.
Chấp nhận cơ hội FDI mà không tính đến điều đó thì cơ hội sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành tai họa.
Đôi điều về "cơ" và nguy " như vậy. Mong cho năm mới 2009 và những năm mới tiếp sau đất nước và mọi người dân Việt Nam không phải lo phải "biến nguy thành cơ", để vững vàng bay lên.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
|