Hiện nay trên thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 12% người trưởng thành mắc trầm cảm. Trong đó, tỷ lệ người trên 65 tuổi mắc bệnh chiếm tới 1/3.
Nguyên nhân
Bác N.T.A, 59 tuổi (ngụ ở TP.HCM) đến khám than phiền về sự mệt mỏi cơ thể, thường xuyên mất ngủ, chậm chạp trong sinh hoạt và biểu hiện chán nản, mất hứng thú. Bác thường xuyên tỏ ra bực tức, khó chịu, luôn nghi ngờ con cái không quan tâm và chăm sóc chu đáo cho mình. Đôi khi bác có suy nghĩ rằng, giá mình chết đi sẽ tốt hơn. Các triệu chứng của bác xuất phát từ khá lâu, cách đây một năm. Triệu chứng ngày càng gia tăng và có xu hướng mạnh hơn. Bác được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, một bệnh lý phổ biến ở người già, nhất là người già ở thành thị.
Trầm cảm đang trở thành bệnh lý phổ biến và có tác hại rất lớn đến đời sống con người và xã hội nếu đem so sánh bệnh trầm cảm và một số bệnh phổ biến khác như: đái tháo đường, cao huyết áp và viêm phổi...
Ở mỗi lứa tuổi có một đặc trưng mắc bệnh trầm cảm khác nhau, tuy nhiên càng về già thì triệu chứng trầm cảm càng phổ biến hơn. Biểu hiện chủ yếu là suy sụp tinh thần, mệt mỏi, không có khí lực, mất đi lòng tin đối với cuộc sống, đánh giá bản thân quá thấp, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa, có người nảy sinh hành vi tự sát.
Hiện nay trên thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 12% người trưởng thành mắc trầm cảm. Trong đó, tỷ lệ người trên 65 tuổi mắc bệnh chiếm tới 1/3. Nguyên nhân xuất hiện trầm cảm ở người già chủ yếu là do sự lão hóa của tế bào thần kinh, mạch máu trong não trở nên hẹp đi, khí oxy cung cấp cho não hạn chế làm cho chức năng của đại não yếu đi, khả năng thích ứng tâm lý kém. Bên cạnh, đó là những biến cố lớn như sự về hưu, con cái ra ở riêng, nhàm chán trong cuộc sống, sự mất đi của người bạn đời, không còn địa vị trong xã hội, khả năng thích ứng kém...
Điều chỉnh cuộc sống để phòng bệnh
Các triệu chứng trầm cảm ở người già có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của họ và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sự ngắn dài của tuổi thọ. Vì vậy, việc cải thiện các yếu tố trong chất lượng cuộc sống để đề phòng bệnh trầm cảm ở người già là rất quan trọng.
Tinh thần người già dễ bị kích động, dễ xảy ra mâu thuẫn với mọi người. Vì thế, đối với mọi chuyện phải bình tĩnh không nên vì một chuyện nhỏ, một câu nói không thuận tai mà bực tức. Gia đình hòa thuận là hạnh phúc của tất cả mọi người, cũng là nhân tố quan trọng để phòng bệnh. Người già không những thích ứng gia đình mà còn thích ứng xã hội. Đối với một số hiện tượng xã hội ngày nay cần phải có sự nhận thức chính xác những vấn đề mà bản thân không tự nhận thức được thì cần phải tìm hiểu người khác, không nên quá lo lắng buồn phiền. Cần có tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Điều này rất có lợi đối với việc dự phòng bệnh trầm cảm.
Tạo ra cuộc sống phong phú muôn hình. Người già phần lớn đã nghỉ hưu hoặc ở nhà, áp lực tư tưởng tương đối lớn, trong lòng luôn tồn tại một cảm giác bất an. Lúc này cần sắp xếp cuộc sống trình tự để giúp tăng thêm sự thú vị trong cuộc sống như, tham gia câu lạc bộ, làm thơ, chơi cây cảnh... điều này giúp ích rất nhiều cho chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Tập luyện thể dục thể thao - hoạt động cơ thể thông qua xúc tiến sự trao đổi vật chất tăng cường cơ năng sinh lý của các cơ quan, để nâng cao tố chất cơ thể đồng thời có thể nâng cao tố chất tâm lý, nâng cao khả năng thích ứng đối với các sự kiện bất ngờ.
Lê Minh Công
(BV Tâm thần T.Ư 2)
Nguồn thanhnien.com