Hai năm qua, hàng trăm học sinh mẫu giáo xã Định An (H.Gò Quao, Kiên Giang) phải ngồi học trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Định An là nơi tôn nghiêm, nay ồn ào bởi tiếng la hét, nô đùa của trẻ nhỏ. Phòng học vốn là chỗ để tiếp khách viếng nghĩa trang, diện tích chưa đầy 20m2, trở nên chật hẹp bởi số trẻ quá đông. Cô Nguyễn Kim Phượng, giáo viên đứng lớp phân bua: "Đây là điểm phụ của trường Mẫu giáo Định An dành cho trẻ ở ấp An Thọ, lớp buổi sáng có 27 trẻ 4 tuổi đi học, còn lớp buổi chiều có 38 trẻ 5 tuổi. Trẻ đông mà phòng thì chật nên nếu xếp bàn cho các cháu ngồi học thì chẳng còn chỗ đi ra, vào". Cô Phượng nói lớp sáng còn đỡ, chứ buổi chiều nắng nóng nên không khí trong phòng rất ngột ngạt. "Nhưng mệt nhất vẫn là việc giữ lũ trẻ sao cho chúng đừng chạy nghịch té xuống các ao mương gần nghĩa trang, vừa hạn chế tiếng ồn để khỏi ảnh hưởng tới khách đến nghĩa trang viếng người thân...", cô Phượng kể.
Vì là phòng mượn tạm nên thiếu chỗ để dụng cụ dạy học hay đồ chơi cho trẻ. Thêm một khó khăn nữa là chỉ có một nhà vệ sinh. Một phụ huynh có con học trong khuôn viên nghĩa trang than: "Đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ nên không gian cần tôn nghiêm, yên tĩnh, trong khi lũ trẻ hiếu động cứ thích la hét, chạy giỡn... Tôi tính cho con chuyển qua nơi khác, kẹt nỗi phải lo chuyện đồng áng, đâu còn thời gian mà đưa đón con, còn nếu không cho con đi học sợ sau này nó thua thiệt".
Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Định An, cho biết vào học kỳ II năm 2006-2007, do thiếu cơ sở ở ấp An Thọ nên trường phải chạy đôn đáo các nơi hỏi mượn, cuối cùng chỉ còn nghĩa trang có phòng trống. Ngay khi trường thông báo đưa trẻ đến nghĩa trang liệt sĩ học tạm trong nhà quản trang, phụ huynh và giáo viên phản ứng dữ dội. "Tôi phải động viên giáo viên và phụ huynh tạm thời chấp nhận cho con em học ở đó, nếu không thì đâu còn chỗ nào mà học", bà Hương thở dài và thừa nhận, việc nhồi nhét quá đông trẻ trong phòng học đã giảm chất lượng giảng dạy cũng như khả năng tiếp thu của trẻ.
Đáng lưu ý, bà Hương cho biết ngoài nhà quản trang, trường còn phải mượn nhiều điểm của nhà dân ở các ấp khác để làm lớp học và cũng bị phụ huynh phàn nàn vì mặt bằng chật hẹp dễ gây bệnh cho trẻ, dụng cụ dạy học, đồ chơi cũng như sân chơi không có, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. "Biết rằng dạy ở những điểm tạm như thế thiệt thòi cho trẻ nhưng chúng tôi đâu còn cách nào khác. Năm học nào cũng vậy, vừa tựu trường chúng tôi vừa năn nỉ phụ huynh cho con học ở nghĩa trang, vừa thuyết phục Ban quản lý nghĩa trang thông cảm cho mượn phòng dạy tiếp. Ban quản lý đồng ý, nhưng cũng báo trước tới năm 2015 họ lấy lại làm chỗ cho khách viếng nghĩa trang nghỉ ngơi và trả lại sự yên tĩnh cho nghĩa trang. Lúc đó không biết các cháu sẽ học ở đâu? Còn đầu tư xây phòng học tại ấp này lại vượt ngoài tầm tay của trường", bà Hương than.
Bài và ảnh: Thanh Dũng
Nguồn Báo Thanh Niên Số 50
Thứ Năm Ngày 19.02.2009
Thêm yêu thích (418) |
Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 4145