Sau khi sinh, thời điểm nào là tốt nhất để bạn cho bé bú? Ngoài sữa mẹ, bé cần thêm gì nữa không? Làm thế nào để nuôi con bằng sữa mẹ được thuận lợi và đạt hiệu quả cao?
Không phải ai cũng biết cách duy trì tốt nguồn sữa mẹ - chất dinh dưỡng quí báu nuôi trẻ. Thời gian quan trọng nhất của nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là những ngày đầu tại bệnh viện. Trẻ vừa lọt lòng mẹ, hộ sinh đã đặt nằm trên ngực mẹ để được tiếp xúc da-kề-da với mẹ, tạo sự gắn bó mẹ - con và giúp cho NCBSM thuận lợi. Một số điều cần làm trong những ngày đầu tại bệnh viện để NCBSM thành công:
Cho trẻ bú sớm sau sanh
Mẹ sanh thường, có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau sanh. Mẹ sanh mổ, thời gian bắt đầu khoảng 6 giờ sau mổ sanh, vì mẹ phải hồi phục sau tác dụng của thuốc mê. Trường hợp gây tê để mổ thì thời gian ngắn hơn. Thường, sau 6 giờ, nếu hậu phẫu ổn, mẹ được chuyển phòng để nằm cạnh con và tập cho con bú. Con cần nằm cùnggiường với mẹ hoặc nằm nôi cạnh mẹ. Sự tiếp xúc mẹ con qua những cái vuốt ve, cái nhìn trìu mến, thương yêu, có tác động tinh thần giúp mẹ mau xuống sữa.
Đa số bà mẹ thường chờ "sữa xuống" tức là 1-2 ngày sau sanh mới cho bú, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Cho bú muộn, trẻ không nhận được sữa non. Trong đó có nhiều sinh tố A chống bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp bé chống sự nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp bé đỡ vàng da. Ngoài ra, cho trẻ bú muộn, sẽ làm chậm sự tiết sữa của mẹ. Động tác mút vú mẹ sẽ kích thích sự tiết oxytocin ở não mẹ. Đó là chất làm cho sữa trong vú chảy ra, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp ngưng chảy máu sau sanh.
Ngoài sữa non không nên cho trẻ uống thêm bất cứ thứ gì khác
Nếu không cho trẻ bú sớm trong những ngày đầu sau sanh thì bà mẹ phải cho trẻ loại thức ăn khác như: sữa bột, nước đường, nước cam thảo... Các thức uống này dễ nhiễm khuẩn, khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy. Nước cam thảo làm xuất tiết nhiều đàm nhớt nên dễ làm trẻ nghẹt thở. Trẻ dễ hình thành khả năng không dung nạp chất protein trong sữa nhân tạo nên dễ bị dị ứng, chàm. Trẻ sẽ mất cảm giác thích sữa mẹ vì không còn cảm thấy đói. Nếu trẻ bú bình với núm vú cao su thì sẽ gặp khó khăn trong việc ngậm bắt vú mẹ. Trẻ không mút vú tốt sẽ làm mẹ bị căng tức vú, gây cho mẹ gặp nhiều khó khăn khi NCBSM và dễ dẫn đến việc ngừng cho con bú sớm.
Khi bế bé để cho bú, cần lưu ý tư thế bế đúng
• Đầu và thân bé trên cùng một đường thẳng
• Bụng bé áp sát bụng mẹ
• Mặt bé đối diện với vú, môi đối diện với núm vú
• Đỡ đầu, thân và mông bé.
Dấu hiệu ngậm bắt vú tốt:
• Miệng bé mở rộng
• Cằm bé chạm vào vú mẹ
• Môi dưới đưa ra ngoài
• Bé ngậm cả quầng vú, quầng vú còn lại ở phía trên miệng bé nhiều hơn ở phía dưới
• Má bé phồng ra.
• Khi bú đúng, bé sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và ta có thể nghe tiếng nuốt "ực" của bé.
Thời gian bú: trung bình từ 5-20 phút. Nếu bé bú chậm thì cũng chỉ ngừng cho bú khi bé muốn ngừng, không ngừng sớm vì bé sẽ không nhận đủ sữa. Mẹ nên thường xuyên cho bú và nên cho bú đêm, nếu bé đòi, vì sữa xuống nhiều và nhanh hơn. Không nên qui định khoảng cách giữa 2 lần bú. Nên cho bú hết vú này rồi hãy cho bú sang vú kia. Không nên cho bú một nửa vú này rồi một nửa vú kia vì như vậy bé sẽ không nhận được sữa cuối. Sữa cuối giàu chất béo giúp trẻ mau lớn. Ngoài ra, lượng sữa còn tồn đọng trong vú sẽ ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Nếu bé bú không hết bầu sữa thì mẹ phải vắt hết sữa để tiếp tục tạo sữa.
Những ngày đầu sau sanh bé sẽ bị sụt cân, có khi đến 10% cân nặng của bé khi sanh. Nếu cho bú mẹ ngay, bé sẽ lên cân nhanh hơn trẻ không được bú mẹ ngay và sau 10 ngày sẽ trở lại cân nặng lúc ban đầu.
Trường hợp mẹ có cắt may tầng sinh môn hay mổ sanh, trong khi cho con bú, mẹ vẫn có thể sử dụng thuốc: kháng sinh (Ampicilin, Amoxicilline, Cephalexin), thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol, Aspirin), với liều bình thường mà không ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Các loại sinh tố, khoáng chất (sắt, iod,...), một số thuốc trị bệnh khác như: cao huyết áp, tiểu đường, suyễn, dị ứng,... cũng có thể dùng cho bà mẹ NCBSM.
Tóm lại, những ngày đầu tiên cho con bú là thời gian rất quan trọng, quyết định sự thành công của việc NCBSM. Cán bộ y tế cần tham vấn tốt cho những bà mẹ trẻ, nhất là mẹ sinh con so, về cách cho con bú, cách bảo vệ nguồn sữa mẹ, cách xử trí khi gặp những khó khăn do núm vú, đau vú,... Thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, chắc chắn các bà mẹ sẽ thành công khi NCBSM.
TS.BS. Vũ Thị Nhung
Theo suckhoa360.com
Đăng tin N-T
|