Chậm nói ở trẻ là một trạng thái rối nhiễu tâm lý thường để lại nhiều hậu quả. Thường trẻ có trí tuệ phát triển bình thường, nhưng do không thể biểu hiện hay bộc lộ ra bằng ngôn ngữ thông thường, nên dẫn đến dễ cáu giận và căng thẳng.
Nguyên nhân
Bé H.A (4 tuổi), được cha mẹ đưa đến Trung tâm tham vấn tâm lý (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, Biên Hòa, Đồng Nai) kiểm tra, vì bé nói được rất ít các từ (chỉ nói được một số từ đơn giản như ba ba, me) khó phát âm, mặc dù bé có hiểu từ đó. Ngoài ra, bé còn có tình trạng hung tính, hay đánh em, cáu gắt,... H.A được chẩn đoán mắc chứng chậm nói - một trong những tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, xuất hiện từ 10 tháng đến 2 năm tuổi và kéo theo cho đến 10 tuổi.
Phần lớn các bé được đưa đến bác sĩ bởi lý do chậm nói có độ tuổi từ 2-3 tuổi, nhưng ngôn ngữ lời nói chỉ như trẻ mới tập nói. Nhiều gia đình thường nghĩ ngay đến các nguyên nhân về bệnh lý tâm thần như chậm phát triển, tự kỷ, điếc bẩm sinh... Tuy nhiên, chỉ một phần trong số trẻ đó có những triệu chứng của các bệnh lý tâm thần, thần kinh còn đa số không tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Rối loạn ngôn ngữ nói chung và chậm nói nói riêng là một bệnh cảnh khó chẩn đoán trên góc độ lâm sàng và khi xác định nguyên nhân thường rất khó khăn và đòi hỏi nhiều chuyên khoa như tai, thần kinh, tâm thần nhi, tâm lý lâm sàng... Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh yếu tố, khía cạnh tâm lý phổ biến dẫn tới tình trạng chậm nói ở những trẻ có tư duy và trí tuệ phát triển bình thường.
Giai đoạn từ 2-3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển về tư duy ngôn ngữ rất nhanh. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, vai trò của môi trường ngôn ngữ gia đình cực kỳ quan trọng, đặc biệt là vai trò của người mẹ. Tuy nhiên, hiện nay các cặp vợ chồng trẻ thường rất bận bịu với công việc, đa phần sau khi sinh khoảng 4-5 tháng, người mẹ trẻ đã phải lao vào công việc. Thậm chí nhiều bà mẹ và ông bố, buổi tối về vẫn không có thời gian dành cho trẻ. Như trường hợp bé H.A nói trên, cha mẹ bé đều làm trong công ty nước ngoài, sau khi sinh bé được 4 tháng, mẹ phải nhờ người giúp việc đến trông nhà và coi bé. Buổi tối đi làm về thì lại ít có thời gian để trò chuyện cùng bé. Chính điều đó làm cho trẻ rất khó khăn trong việc tập phát âm và tìm hiểu ngôn ngữ. Đã có những công trình nghiên cứu về việc chậm phát triển ngôn ngữ lời nói ở trẻ là do trẻ ít được trò chuyện cùng cha mẹ. Đây có thể xem là nguyên nhân hàng đầu về mặt tâm lý dẫn tới việc chậm nói ở trẻ em.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em sống trong gia đình đa ngôn ngữ cũng phải chịu áp lực tương tự. Việc có bố và mẹ thuộc hai ngôn ngữ khác nhau tạo cho trẻ áp lực khi phải tập phát âm và hiểu hai ngôn ngữ cùng lúc. Nhiều trẻ không thể tiếp thu ngay được do vậy, thường là rơi vào tình trạng chậm nói.
Cần dành thời gian cho bé
Để giải quyết tình trạng chậm nói do căn nguyên tâm lý ở trẻ phải xuất phát từ môi trường ngôn ngữ và tình cảm của gia đình, nhà trường và xã hội xung quanh mà vai trò của cha mẹ là đặc biệt quan trọng. Cha mẹ hãy dành một quỹ thời gian vào các buổi tối và ngày nghỉ để trò chuyện, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và phát âm, như vậy, trẻ mới có thể tiến bộ nhanh và vững chắc về mặt âm ngữ. Điều này là cực kỳ quan trọng bởi, các phân tích ở trên, do môi trường ngôn ngữ và văn hóa chiếm vị trí quan trọng trong việc hình thành ngôn ngữ nói chung và phát âm nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn trẻ tập nói. Hãy quan tâm, chăm sóc và giúp trẻ bộc lộ càng nhiều càng tốt, đừng để trẻ cô đơn và không có định hướng trong việc phát triển ngôn ngữ.
Với những trẻ đã có biểu hiện chậm nói, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để xác định nguyên nhân chính xác và có hướng can thiệp kịp thời và đúng phương pháp sẽ giúp trẻ ổn định và hòa nhập tốt hơn.
(Lê Minh Công - Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2
Báo Thanh niên, Số 68, ra ngày Thứ Bảy 08-03-2008)