Viện Dinh dưỡng với nguồn kinh phí của Chính phủ, nguồn hỗ trợ quốc tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động can thiệp dinh dưỡng sớm nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi qua các hoạt động: mở rộng các kênh tư vấn dinh dưỡng, cung cấp sản phẩm đa vi chất: canxi, sắt cho bà mẹ mang thai và cho con bú.
Chiều cao khi trưởng thành của một người phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng được tiếp nhận vào thời kỳ bào thai và 2 năm đầu của cuộc đời.
Thời kỳ bào thai và 24 tháng đầu đời
Thiếu dinh dưỡng bao gồm nhiều loại khác nhau: Kém phát triển bào thai còn nằm trong tử cung người mẹ, dẫn đến cân nặng trẻ sơ sinh thấp (dưới 2,5 kg) - suy dinh dưỡng bào thai; thấp còi - một dạng chậm phát triển chiều cao trường diễn - suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện bằng chỉ tiêu chiều cao theo tuổi thấp, không đạt mức chiều cao trung bình ở lứa tuổi đó. Còn suy dinh dưỡng nhẹ cân (gầy còm) là tình trạng sụt cân cấp tính, biểu hiện chỉ tiêu cân nặng thấp. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất và mắc một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đặc biệt lưu ý: "Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định: chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ bào thai và 24 tháng đầu sau sinh. Giai đoạn này đặc biệt ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ khi trưởng thành". Công bố mới nhất vào đầu tháng 1 vừa rồi của tạp chí Lancet - tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế đã khẳng định: "Tình trạng kém phát triển của bào thai, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng cấp tính nặng trong vòng hai năm đầu đời gây nên những tổn thất vĩnh viễn cho phát triển thể lực của trẻ em. Nếu trong vòng 3-5 năm tiếp theo, cân nặng của trẻ tăng nhanh sẽ là nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành. Trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng bào thai hoặc sinh nhẹ cân cũng sẽ ảnh hưởng đến phát triển trí lực khi trưởng thành".
Vi chất cho mẹ - chiều cao cho bé
"Cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em sẽ có tiềm năng lớn nhất để hạ thấp tỷ lệ tử vong và gánh nặng bệnh tật liên quan đến thiếu dinh dưỡng trong tương lai" - tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý thêm: "Cân nặng và chiều dài của sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng của bà mẹ. Các bà mẹ tăng cân là một tiêu chuẩn, nhưng bổ sung đầy đủ vi chất, trong đó có các vi chất: canxi, sắt, acid folic... sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển chiều dài của trẻ. Nên nhớ, cải thiện cân nặng cho trẻ đơn giản hơn nhiều so với cải thiện chiều cao. Bởi, cải thiện chiều cao cần quá trình lâu dài và phải can thiệp từ rất sớm. Nó đặc biệt quan trọng khi trẻ trong bào thai và liên tục trong 2 năm đầu sau sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn nêu rõ: "Chiều cao có phụ thuộc vào yếu tố di truyền, nhưng việc can thiệp dinh dưỡng sẽ làm tăng cơ hội cải thiện chiều cao cho trẻ, điều này đã được chứng minh trong thực tế, dinh dưỡng đã thể hiện rất rõ vai trò trong cải thiện chiều cao: trong suốt những năm đất nước có chiến tranh, 1945-1975, chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam hầu như không thay đổi. Nhưng đến năm 2007, thời điểm kinh tế xã hội đã được cải thiện nhiều so với thời "bao cấp", chiều cao trung bình của trẻ 12 tháng tuổi đã tăng thêm 3 cm so với chiều cao trung bình của trẻ thời điểm năm 1985. Với trẻ 5 tuổi, mức tăng là 5 cm so với trẻ cùng lứa tuổi thời điểm năm 1985. Như vậy, cải thiện chiều cao có thể có triển vọng và cơ hội nếu dinh dưỡng được cải thiện. Các bậc cha mẹ cần biết: 50% trẻ suy dinh dưỡng chiều cao là trong giai đoạn bào thai và 50% trong giai đoạn 2 năm đầu sau sinh".
(Bài viết của Nam Sơn
Báo Thanh niên, Số 33 ,ra ngày Thứ bảy 2-2-2008)