Hai anh em đang ngồi với nhau, bỗng chú em khóc òa lên. Mẹ ngoảnh lại, té ra ông anh năm tuổi đã chiếm lấy hết gói kẹo mẹ cho, không chia cho em. Mẹ mắng:
- Mày hư lắm! Đồ tham ăn!
Bố đi làm về, gặp cô con gái 10 tuổi đang đấu khẩu với một thằng lớn hơn, văng đủ thứ tục tĩu. Bố vội kéo tay con, lôi về nhà:
- Đồ hư, suốt ngày ở ngoài đường, ăn nói thô lỗ!
Bố cầm gói thuốc lá, tối hôm qua mới bỏ ra, đã thấy vơi đi. Hóa ra cậu con mười ba tuổi đã "trích" của bố một số điếu, ra đường cùng vài cậu bạn, trốn vào một góc, hút. "Thật là con hư, mới chừng ấy tuổi đã hút thuốc!".
Ba năm sau, bố mẹ chua xót tiếp một chú công an của quận, cho biết tóm được cậu con, đã gia nhập một nhóm lưu manh chuyên ăn cắp xe đạp. Đứa con hư đã hỏng rồi, đã thành con người phạm pháp.
Đối lập với những em hư, là những con ngoan, chia kẹo cho em, ít ra đường la cà, ăn nói lễ phép, không hút thuốc, học hành chăm chỉ, lớn lên trở thành những con người có ích.
"Cá không ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư"
Xưa nay, tiêu chuẩn con hư là làm trái với lời dạy bảo của bố mẹ. Và nói chung, trái với lời khuyên dạy của người lớn, thầy cô, chú bác. Người lớn, trong lúc nuôi dạy trẻ em, tìm cách làm cho các em tiếp nhận lối sống chung của xã hội: đứa bé ngoan chấp nhận những chuẩn mực của xã hội, đứa hư thì cưỡng lại cái gọi là đạo lý của xã hội.
Xưa nay phản ứng của đa số bố mẹ và thầy cô, gặp một em hư, là tìm cách ngăn ngừa những hành động ngang trái: như la mắng, trừng phạt. Thông thường trẻ em chịu khuất phục, lâu lâu nổ ra một cuộc xung đột giữa con và bố mẹ, thầy và trò, rồi đâu lại vào đấy. Mỗi lứa tuổi có một cách hư, và người lớn cũng xử lý khác nhau.
Nhưng cũng có những em hết chứng này lại dở ra trò khác, cho đến cuối cùng vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những biện pháp thông thường, la mắng, thưởng phạt, khuyên bảo không đủ nữa. Lúc ấy phải đặt vấn đề: vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân tại sao? Và cũng không ít trường hợp, lúc ấy đã quá chậm, như một chứng bệnh để lâu ngày quá mới phát hiện và quan tâm đến.
Tại sao trẻ em sinh hư?
Hiện tượng thông thường là ngoan cố, không những không chịu nghe lời của bố mẹ hay thầy cô mà còn làm ngược lại, sau đó đi đến dối trá. Nặng hơn là bắt đầu về nhà cắp tiền cắp của, hoặc lấy của người khác để ăn tiêu. Có khi bỏ lớp học đi chơi và bỏ nhà đi một thời gian. Sau 11-12 tuổi, con trai thành phố đã có một số bắt đầu hút thuốc lá, và cùng đi với thuốc lá, là biết thích cà phê, có khi cả rượu nữa. Tỉ lệ hút thuốc ở lứa tuổi sau 15 ngày càng cao (xem bài hút thuốc). Thống kê tất cả các nước đều cho thấy, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các hiện tượng hút thuốc lá, nghiện rượu, ma túy và phạm pháp cùng tăng lên, theo một nhịp độ chung. Sau tuổi 16-17, quan hệ nam nữ trở thành vấn đề quan trọng.
Nói dối, cắp tiền, hút thuốc, bỏ học, nếu chỉ là một hiện tượng nhất thời, thì sau khi bị quở mắng, trừng phạt, hay được bố mẹ hoặc thầy cô khuyên bảo, sẽ không lặp lại nữa. Nhưng những biện pháp trên thường trở nên vô hiệu khi thói hư đã cố định, có hệ thống. Thực ra lúc ấy mới nên gọi là đứa trẻ hư, còn như đôi khi xảy ra một vụ việc nào đó là một điều bình thường trong quá trình lớn lên của trẻ em.
Lúc đã thành thói hư cố định, trừng phạt đơn giản, khuyên bảo vụng về nhiều lắm chỉ tạm thời giải quyết tình hình căng thẳng trong gia đình hay lớp học; thói hư hoặc tái phát như cũ, hoặc biến dạng. Có tìm ra nguyên nhân mới mong có biện pháp hữu hiệu. Lúc ấy, không thể đơn giản la mắng trách móc đứa trẻ là lười, là hư hỏng. Lúc ấy phải làm như một thầy thuốc chẩn đoán cho ra chứng bệnh, phân tích cho rõ nguyên do, xác định mức độ bệnh tình rồi mới cho thuốc.
Trước hết, tìm hiểu trong cuộc sống của trẻ, em đang bị thiệt thòi, hay là có cảm tưởng bị thiệt thòi cho nên tỏ thái độ phản ứng hoặc tìm cách bù đắp lại sự thiệt thòi ấy. Cần nhớ, nhiều khi theo cách nhìn của người lớn, đứa trẻ không bị thiệt thòi gì cả, bố mẹ thầy cô vẫn bảo đảm cho em bé mọi điều kiện đầy đủ, nhưng vì một sự việc, một chi tiết nào đó mà đứa trẻ vẫn cảm thấy mình bị thiệt.
Trẻ em có những nhu cầu vừa khách quan, vừa sinh lý, vừa tâm lý:
- Nhu cầu sinh lý: cần được ăn no, mặc ấm, ngủ yên, được vận động.
- Nhu cầu tình cảm: được người khác yêu thương, và được yêu thương người khác.
- Nhu cầu an toàn: cảm thấy cuộc sống không bị đe dọa, không những về vật chất mà cả về mặt xã hội.
- Nhu cầu hòa nhập cộng đồng: cảm thấy mình gắn bó với một tập thể, là thành viên của một tập thể, không sống lẻ loi đơn chiếc.
- Nhu cầu tự khẳng định bản lĩnh của mình, được diễn đạt tình cảm riêng, được hoạt động phát huy tiềm lực về nhiều mặt, có một cương vị, một vai trò trong xã hội.
Những nhu cầu trên liên quan với nhau, tác động lẫn nhau, thiếu hụt phần nào mặt này, có thể nhờ mặt khác được đầy đủ bù lại. Ví như gia đình nghèo, ăn chưa hẳn no, nhưng nếu tình cảm bố mẹ anh chị dồi dào, em bé vẫn khôn lớn một cách bình thường. Trái lại có thể ăn mặc đầy đủ, nhưng gia đình bất hòa, bố mẹ thờ ơ với con cái, trẻ em thấy bị bỏ rơi, tình cảm thiếu thốn, cảm thấy cuộc sống không an toàn, trẻ tìm cách bù đắp lại bằng bạn bè ngoài đường, ngoài phố. Lúc một em bé ba bốn tuổi chịu chia kẹo cho em, là vì để được mẹ yêu; đạo đức con người bắt đầu như vậy, muốn được bố mẹ bảo đảm tình yêu, em bé nhiều khi phải hy sinh quyền lợi, kiềm chế những dục vọng sôi sục trong lòng. Nếu trẻ em cảm thấy bố mẹ không yêu mình nữa, không có gì bù đắp sự hy sinh ấy, khó mà tự kiềm chế, nên có những phản ứng ngoan cố để tự khẳng định bản ngã riêng, hoặc để nhắc nhở bố mẹ. Điều khó cho bố mẹ hay thầy cô, như trên đã nói, là đứng về quan điểm của đứa bé, hiểu tâm lý trẻ, biết trẻ có cảm giác bị thiệt thòi, chứ không phải đứng về quan điểm của người lớn mà bảo: nó sống như vậy là đầy đủ lắm rồi.
Đối với một em bé 4, 5 tuổi hay nhỏ hơn, trước kia là trung tâm của gia đình, nay mới có đứa em, thấy bố mẹ săn sóc em nhỏ, mặc dù bề ngoài hay miệng nói thì rất thương em, nhưng trong đáy lòng, trong thâm tâm - hay nói như những nhà tâm lý học: trong tiềm thức - là ghen tị em, hằn học với bố mẹ. Bố mẹ không hiểu, thấy con có những hành động bất thường thì la mắng quở phạt, có khi lại bồi thêm một câu: em nó nhỏ, nó còn ngoan hơn! Thế là càng củng cố cảm tưởng của em bé bị bố mẹ bỏ rơi, phản ứng càng khó chịu. Nếu bố mẹ hiểu tâm lý, thì:
- Một mặt không quên có những cử chỉ âu yếm với đứa con lớn.
- Mặt khác giúp cho nó tự khẳng định là đứa con lớn trong nhà, có những quyền hạn, trách nhiệm mà đứa em nhỏ không có, (như được đi chơi với bố, cầm dao kéo cắt giấy chơi...) và cho đứa con lớn tham gia việc chăm sóc cho em như cho ăn, rửa tay...
Trong hoàn cảnh mẹ hay bố đi "bước nữa", trẻ em trước kia sống một mình với mẹ hay bố, nay có một người lạ chen vào giữa, không những đoạt mất tình cảm của bố hay mẹ, mà còn áp đặt lên đứa bé kỷ luật bó buộc của một người có quyền hành lớn trong gia đình. Đối với đứa bé, người dì ghẻ hay bố dượng quả là kẻ không hiểu tâm tư của con, càng la mắng càng đẩy nó vào những hành động trái ngược - hoặc nếu ở nhà thấy mình quá cô độc hay bị áp bức, đứa bé bỏ nhà đi tìm bạn. Bố mẹ hiểu biết hơn, đối xử thân tình, người dì ghẻ hay bố dượng không phải nuông chiều, nhưng biết giúp cho đứa bé phát huy tiềm năng của mình, tạo điều kiện cho hoạt động phong phú hơn trước, giúp cho nó tự khẳng định cao hơn, dần dần tạo nên tình cảm sâu sắc giữa hai bên, lúc ấy mới có thể khuyên bảo đứa trẻ. Đối xử với con nuôi cũng cần tế nhị hơn là với con đẻ.
Nói chung, hễ gặp một trường hợp trẻ em hư hỏng, việc đầu tiên là tìm xem trong cuộc sống của gia đình có gì không bình thường. Hoặc nhà cửa quá chật chội, ăn ở chồng chất lên nhau, về nhà không có chỗ chơi, không đùa nói gì, mà chỉ cần ngồi yên, bố mẹ không biết sắp xếp cuộc sống cho trật tự yên tĩnh thân ái, lại luôn luôn cau có cãi vã, buộc con cái phải ra đường phố lêu lổng suốt ngày. Hoặc chính bố mẹ ngày ngày phe phẩy, hành động phi pháp, tiền ra tiền vào quá dễ dãi, rượu chè nghiện ngập, tránh sao con cái không noi gương xấu? Điều tra trong gần 2000 thanh thiếu niên Hà Nội, thấy rõ số trẻ em hút thuốc trong những gia đình có bố hay anh hút đông hơn nhiều lần so với các gia đình trong đó bố và anh không hút.
Một hoàn cảnh đáng thương hơn là những gia đình vì lý do bệnh tật hay bố mẹ đi công tác phải xa nhà lâu ngày, con cái sống với một người bố hay mẹ, cuộc sống gia đình bị xáo trộn về mặt vật chất và cả tình cảm. Thông thường trong gia đình, bố mẹ thường phân công: đối với con trai, bố nghiêm khắc đòi hỏi tôn trọng kỷ luật trật tự, mẹ thì chiều chuộng, đối với con gái thì ngược lại. Trẻ con lớn lên trong một thế cân bằng, vừa thỏa mãn nhu cầu tình cảm, vừa sống có quy củ. Vắng đi một người lâu ngày, ít khi người ở lại đóng được cả hai vai trò, vừa chiều chuộng nâng niu vừa nghiêm khắc.
Có những trường hợp tế nhị: bề ngoài bố mẹ rất đàng hoàng, gia đình sống không có gì chật vật, nhưng không vì thế mà không có vấn đề. Có khi giữa bố mẹ có những sự bất hòa, vì sĩ diện, vì cương vị xã hội, không thể bùng nổ, nhưng bao nhiêu ấm ức lại trút lên đầu con, giận cá chém thớt, làm cho đứa trẻ không hiểu đầu đuôi, chỉ thấy mình chịu oan, đi tìm bù đắp tình cảm bằng những con đường bất thường, có khi bố mẹ, bị lép vế trong cuộc sống ngoài xã hội, về nhà trút hờn giận lên đầu con, làm cho con cái phản ứng bất thường. Có những ông bố hay bà mẹ, vì bản thân không thành đạt, nên đặt tất cả hy vọng vào con, mong cho nó học hành xuất sắc, đỗ đạt thành tài, buộc con làm những việc quá sức. Nói chung khi tính tình của bố mẹ không ổn định, thường tạo ra một cuộc sống không bảo đảm cho con những nhu cầu cơ bản, làm cho tâm tình của trẻ em phát triển lệch hướng. Hoàn cảnh con một cũng dễ dẫn đến hư hỏng. Trong gia đình, mỗi đứa con có hai mối quan hệ:
- Quan hệ với bố mẹ là quan hệ không bình đẳng.
- Quan hệ bình đẳng giữa anh chị em.
Con một chỉ có quan hệ với bố mẹ, không có dịp rèn luyện tính tình trong mối quan hệ bình đẳng, với những người ngang hàng, làm gì có đi có lại, có tôn trọng quyền lợi của người khác thì quyền lợi của mình mới được bảo đảm. Đứa con một chỉ biết, hoặc phục tùng bố mẹ, hoặc tìm cách nũng nịu, thậm chí phỉnh gạt để thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Bố mẹ nuông chiều con, nhiều khi sợ không cho con chơi với trẻ em khác lại càng tạo nên tâm lý ỷ lại, đòi hỏi quá mức.
Ngoài gia đình, trẻ em còn sinh sống trong hai môi trường: hàng xóm, nếu ở nông thôn, và đường phố (cũng xin gọi là hàng phố) nếu ở thành thị, và nhà trường.
Hiểu biết ngày càng rộng cũng là một nhu cầu của trẻ em được nhà trường đảm bảo cho: thêm vào là được mở rộng giao du, có bè có bạn, có lớp có trường, trẻ em thấy mình hòa nhập vào những tập thể rộng lớn hơn gia đình, có tổ chức chặt chẽ hơn, và ở đó trung tâm là thầy hay cô giáo. Những yếu tố: chương trình học tập, tập thể lớp và nhà trường, thầy cô, bè bạn trong chừng mực nào đảm bảo những nhu cầu cơ bản của trẻ em, và trong trường hợp nào tạo ra cảm giác thiếu hụt, thiệt thòi, đẩy học sinh đến chây lười, rồi hư hỏng.
Có thể đúc kết thành quy luật: một học sinh còn thích thú học bài, hay đến trường đến lớp, về nhà kể lại chuyện ở lớp ở trường một cách hào hứng, là một đứa trẻ không có khả năng hư hỏng. Trái lại, lúc một đứa trẻ chán học, không muốn đến lớp đến trường nữa, là con đường hư hỏng đã bắt đầu. Không thể đơn giản bố mẹ cùng nhà trường chúng sức ép buộc đứa trẻ đi học như đẩy một tù nhân đi khổ sai. Phải tìm cho ra manh mối: trong nội dung, trong phương pháp học tập, giảng dạy, hay trong thái độ của thầy cô, trong ảnh hưởng của một số bè bạn? Phải hiểu cho được tâm tư đứa trẻ, đến lớp đến trường bị lép vế như thế nào, không khẳng định được bản ngã của mình? Phải tìm trong cách tổ chức quản lý của trường của lớp đã có gì chà đạp lên con người của đứa trẻ, hay làm cho nhà trường không bao giờ có một giờ phút nào vui vẻ hoan lạc, không tạo nên mối tình gắn bó giữa thày và trò, giữa học sinh với nhau? Không phải chỉ có giỏi văn giỏi toán, mà nếu bất kỳ giỏi một môn gì, chạy nhanh, hát hay, vẽ giỏi, đóng kịch tốt, may khéo, kể cả "tếu" hay trong giờ nghỉ, nếu mỗi học sinh có dịp tự khẳng định giữa tập thể trường lớp, thấy mình hòa nhập gắn bó với trường với lớp là tránh được con đường hư hỏng. Sinh hoạt của nhà trường càng tẻ nhạt càng tạo ra nhiều em hư hỏng, sinh hoạt phong phú là phương pháp phòng ngừa và "cải tạo" hay nhất.
Nói đến môi trường hàng phố, người ta nghĩ ngay đến câu chuyện bà mẹ của Mạnh Tử, thấy ở gần chợ con dễ hư bèn dọn nhà đi nơi khác, tránh cho con khỏi chịu ảnh hưởng của một khung cảnh không tốt. Ngày nay có nhiều người tự hỏi: "Có phải trẻ em bây giờ dễ hư hơn ngày trước không? Trong môi trường xã hội ngày nay, có gì làm cho trẻ con dễ hư hơn?"
Quả là môi trường xã hội ngày xưa, trong làng xóm, khác hẳn môi trường thành phố ngày nay: quan hệ gia đình thay đổi một cách cơ bản, làm cho sự phát triển của trẻ chịu ảnh hưởng sâu sắc. Trong xã hội xưa, trong khu nhà và vườn, nơi trẻ em khôn lớn lên trong năm, sáu năm đầu, những năm quyết định cho sự phát triển sinh lý và tâm lý, tập trung cả sinh hoạt sản xuất, trồng vườn, chế biến nông sản, thủ công, và hoạt động gia đình. Trẻ em lớn lên dưới sự bảo vệ và dạy dỗ hàng ngày của bố mẹ, đặc biệt của mẹ, bố mẹ dạy cho con từng ly từng tí, cho con "học ăn, học nói, học gói, học mở". Đến 7, 8 tuổi trẻ em mới bắt đầu bước ra khỏi nhà, và sau đó, kể cả nghề nghiệp, thường cũng học tập tại gia đình. Hoàn cảnh ấy tạo ra những con người thuần tính, nhưng cá nhân thường chìm vào trong không khí cộng đồng, ít khẳng định được bản lĩnh, và ít phát huy được tài năng. Người hư thì ít, nhưng người tài cũng hiếm hoi.
Ở thành phố ngày nay, sản xuất đưa ra khỏi gia đình, nhà không có vườn, môi trường gia đình đối với trẻ em vừa thu hẹp vừa nghèo nàn đi. Bố mẹ suốt ngày đi làm, bỏ con ở nhà, nếu không có nhà trẻ và mẫu giáo. Lúc trẻ em lên ba, bốn tuổi, đi lại được, nếu không có mẫu giáo, chúng thường ra vỉa hè đường phố tụ tập lớn nhỏ với nhau, không ai quản lý, chơi đùa bẩn thỉu. Gặp đứa lớn hơn bắt nạt, cướp mất đồ chơi, đứa bé chỉ còn vũ khí độc nhất là... chửi. Lúc trẻ em lên bảy, tám vào trường phổ thông thì đã nhiễm thói hư tật xấu. Phải cố gắng cho tất cả các em ba đến sau tuổi ở thành phố có mẫu giáo (đối với nông thôn điều này không cấp bách lắm) phải đào tạo một đội ngũ thầy và cô (cần có cả thầy) mẫu giáo nhiệt tình, có nghiệp vụ, và bố mẹ cần giúp đỡ liên hệ thường xuyên với trường mẫu giáo, theo dõi sự phát triển tình hình của con em. Ở giai đoạn nhà trẻ và mẫu giáo, lúc trẻ em còn măng thơ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của người lớn chăm sóc chúng, thầy cô đóng một vai trò rất lớn trong sự hình thành tâm trí và đạo đức của các em. Cho đến nay các cô nhà trẻ và mẫu giáo chưa được xã hội xem trọng, đó là một thiệt thòi cho con em.
Vào trường phổ thông, ngày học một buổi, trẻ em các đường phố trong buổi nhàn rỗi thường chơi với nhau, chịu ảnh hưởng sâu sắc của bè bạn đường phố. Thành phố của chúng ta quá ít chỗ chơi, quá ít trò chơi cho trẻ em. Nếu mỗi đường phố có được một hay vài anh chị chuyên trách tổ chức cho các em chơi cho có kỷ cương, có kỹ thuật, có văn hóa, số trẻ em hư chắc sẽ giảm đi rất nhiều. Hiện nay hoạt động của đội thiếu nhi và đoàn thanh niên ở đường phố hầu như không có gì, hoặc có làm gì thì nội dung khô khan, nặng hình thức chính trị, không thu hút các em. Các cơ quan chuyên trách thể thao văn nghệ thường chỉ chú ý đến hoạt động của thanh niên và người lớn, có khả năng thi đấu hơn là lo cho các em được chơi đùa rộng rãi. Một trò chơi như đá cầu dễ phổ biến nhất, có từ nghìn xưa, nay các cơ quan thể thao vẫn không chú trọng.
Hết cấp hai (hết phổ thông cơ sở) đến tuổi mười năm, mười sáu nếu không lên được trung học, và sau trung học đến 17-18 nếu không vào được đại học, đa số thanh niên, hoặc không tìm ra trường để học một nghề, hoặc không chịu làm những nghề tay chân vất vả. Trong một nước chưa công nghiệp hóa cao, đa số thanh niên tất phải đi vào những nghề tay chân vất vả. Nhưng nhà trường và gia đình cho đến nay chưa tổ chức học tập và sinh sống, làm sao cho con em quen dần với lao động khó nhọc, cho nên ùn lại ở các thành phố một số ngày càng đông thanh niên không làm việc, ăn bám vào gia đình, la cà đường phố.
Đối với các em nhỏ, môi trường thành phố, trong đó các thành phần con buôn, lưu manh, du đãng chưa được cải tạo triệt để, rất nguy hiểm cho sự phát triển tính tình của con em. Trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường, không chỉ có những vấn đề kinh tế chính trị mà có cả vấn đề đạo đức của con em chúng ta. Chỉ trong một xã hội xã hội chủ nghĩa ổn định phát triển, thì con em chúng ta mới có điều kiện đầy đủ trở thành những con người được phát huy hết tài năng và đạo đức.
Lẽ tự nhiên không phải chúng ta khoanh tay ngồi đợi, mà phải tiến hành cùng một lúc cả một loạt biện pháp:
- Tổ chức cuộc sống gia đình có tình cảm, có kỷ luật, nâng cao nhận thức của bố mẹ về giáo dục và hiểu biết tâm lý con em.
- Tổ chức rộng rãi và tốt hệ thống nhà trẻ mẫu giáo.
- Xã hội có tổ chức giúp đỡ trẻ em đường phố tham gia nhiều trò chơi, nhiều hoạt động ngoài nhà trường.
- Nhà trường cần làm cho việc học hành gây được hứng thú cho học sinh, làm cho học sinh gắn bó với thầy, với bạn.
- Xã hội, tức các xí nghiệp, cơ quan, công đoàn, giúp các nhà trường tổ chức tốt việc học tập lao động cho học sinh.
- Các đoàn thể giúp đỡ tích cực những gia đình neo đơn, có bố hay mẹ phải đi xa, hay những người vợ, chồng góa.
- Giữ gìn kỷ cương, cuộc sống của thành phố, đừng để cho trẻ em bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu do chính người lớn thường phơi bày dưới con mắt của chúng.
Khi trẻ em có những hiện tượng hư hỏng, cần:
- Tìm hiểu xem trong gia đình có gì làm cho em cảm thấy thiệt thòi thiếu tình cảm không? Bố mẹ trước hết tự xét mình có những cư xử bất công đối với con hay không? "Con hư vì bố mẹ" từ người xưa đã đúc kết như vậy. Thiếu tình cảm gia đình là nguồn gốc chủ yếu. Có những trẻ em "bụi đời" trong Nam xăm vào đầu 5 ngón tay, "mỗi ngón" một chữ T.T.T.T.T, tức "tuổi trẻ thiếu tình thương".
- Tìm cho trẻ một hoạt động hấp dẫn, nhờ đó em có thể tham gia gắn bó với một tập thể nào đó, nó có thể có một vai trò nhất định, tự khẳng định được mình mà trong khi ở gia đình, ở lớp học em bị lép vế - chữa máy móc, thể thao, ca hát, thủ công... Không phải em bé nào cũng có thể ham mê học tập trừu tượng văn, toán, sử, ngoại ngữ. Được giữ một vai trò nổi bật, được giao trách nhiệm rõ ràng thì chính những trẻ hư thường lại trở thành những con người tích cực năng nổ.
Xin nhắc lại năm nhu cầu cơ bản đã kể trên, để trong mỗi trường hợp tìm xem đứa trẻ chịu thiệt thòi nặng nhất về mặt nào, để bố mẹ phối hợp với thầy cô có một "chiến lược" và những "chiến thuật" phù hợp.
(Tác giả Nguyễn Khắc Viện * Trích Tìm hiểu trẻ em, tập II, Nhà Xuất bản Phụ nữ, 1985)