(Tamly) - Nhiều thanh niên không được chuẩn bị tâm lý làm quen với cuộc sống xa gia đình, phải tự lập ở trường đại học/cao đẳng. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống nhiều khó khăn ở đây. Điều đó có ảnh hưởng không tích cực đến sức khoẻ và học tập của các em.
Thực hiện theo quy định của pháp lệnh dân số “Mỗi gia đình chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con”, hầu hết các gia đình Việt Nam hiện nay chỉ có 1 hoặc 2 con, không phân biệt là trai hay gái. Với số con hạn chế như vậy, đa số trẻ em nói chung, học sinh nói riêng được gia đình quan tâm chăm sóc rất chu đáo, thậm chí, nhiều gia đình quá bao bọc con em mình, đúng như có người nhận xét: lo cho chúng “từ A đến Z”.
Các em học sinh nông thôn tích cực hơn trẻ em thành phố trong việc giúp đỡ gia đình làm việc nhà, làm một số công việc sản xuất phù hợp với sức khoẻ và năng lực của mình và tự chăm lo bản thân. Tuy nhiên, trong thời kỳ học sinh (trước khi trở thành sinh viên), các em ít có điều kiện “ra khỏi luỹ tre làng”, ít có những cơ hội sống tự lập, tách biệt khỏi gia đình, các em được bố mẹ lo cho gần như mọi phương tiện cần thiết cho cuộc sống như: cơm ăn, áo mặc, sách vở, đồ dung sinh hoạt…. Điều đó có nghĩa là các em phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ. Kết quả quan sát và trò chuyện với một số phụ huynh, cũng như với sinh viên cho thấy, người lớn chưa quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý cho các em để bước vào cuộc sống tự lập khi xa gia đình.
Trong điều kiện sống như vậy trước lúc trở thành sinh viên, không ít tân sinh viên gặp khó khăn khi phải thay đổi cách sinh hoạt hoàn toàn so với thời gian học phổ thông. Điều này dễ dẫn đến chán nản, lo lắng. Những sinh viên chưa quen sống tự lập càng có nguy cơ bị khủng hoảng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Sinh viên N.V.B. (Đại học Sư phạm TP HCM) tâm sự: “Những ngày bước vào giảng đường em phát bệnh triền miên, từ chỗ gia đình lo liệu toàn bộ thì nay em phải học cách tự chăm sóc mình, nào là cơm nước, giặt giũ quần áo, chi tiêu... sau vài tháng em mới có thể ổn định”. Nhiều em khó tránh khỏi những khó khăn, lung túng khi lần đầu tiên được cầm một khoản tiền khá lớn (so với số tiền mà các em được tiếp xúc trước đó) để tự chi tiêu cho nhiều việc: nộp tiền học phí một học kỳ đầu, mua sắm các đồ dùng học tập, mua sắm các đồ dung sinh hoạt cá nhân, chi tiêu cho ăn uống trong một thời gian nhất định… Đối với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, eo hẹp về điều kiện kinh tế, số tiền được gia đình cho không nhiều, các khoản cần chi tiêu thì lắm, bản thân các em chưa tự lo liệu bao giờ, càng khó khăn, lúng túng hơn trong việc chi tiêu của mình.
Việc các em phải giải quyết trong những ngày đầu tiên là lo ổn định “nơi ăn, chốn ở”. Các em có một số khả năng lựa chọn như: sống ở ký túc xá sinh viên, ở nhà dân, ở “làng sinh viên” (đối với một số trường). Sống ở đâu cũng khó tránh khỏi những khó khăn nhất định. Trong điều kiện hiện nay, ký túc xá nội thành chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu ở của sinh viên (Phạm Trọng Cung, 2002), mặc dầu điều kiện sống ở ký túc xá không mấy thuận lợi, “Cuộc sống tập thể ồn ào, phức tạp, 5 – 10 người trong một phòng từ 10 – 12 m2, với hai dãy giường kê sát nhau, chỉ chừa một lối đi nhỏ”, phần lớn sinh viên vẫn muốn được sống ở ký túc xá vì giá nhà rẻ, cả năm chỉ khoảng 300 – 500 ngàn đồng/năm (Phạm Trọng Cung, 2002). Ở làng sinh viên, nhà cửa, phòng ở và một số điều kiện sinh hoạt có khang trang hơn, nhưng trong mỗi phòng, số lượng người ở vẫn đông đúc (có phòng từ 6 đến 8 người, có phòng 10 – 12 người) “vẫn là kiểu sống tập thể, ô hợp vì không cùng lớp, cùng trường”. Trong khi đó, giá cả thuê nhà đắt hơn, chưa kể các phí dịch vụ như điện, nước, gửi xe… Những sinh viên không được ở ký túc xá, làng sinh viên, phải thuê nhà dân, điều kiện sống được thoải mái, rộng rãi hơn, nhưng phải chịu giá thuê nhà cao và sử dụng điện, nước với mức giá cao nhất theo quy định của mức luỹ tiến của Nhà nước.
Để tháo gỡ những khó khăn của sinh viên, rất mong các dự án xây nhà cho sinh viên sớm được hiện thực hoá. Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho con làm quen dần với cuộc sống tự lập ít nhất trong những năm cuối trung học phổ thông để các em khỏi hụt hẫng với cuộc sống mới khi vào đại học/cao đẳng.
Hoa Thị
Thêm yêu thích (611) |
Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 9246