Đối với trẻ em hư, trẻ em phạm pháp, khen thưởng và trừng phạt không phải là phương pháp giáo dục bình thường. Các thực nghiệm cũng như kinh nghiệm cho thấy, đối với trẻ đã chai dạn, phớt đời, quen với mọi tình huống dữ dằn, bạo lực thì chỉ khi nào “xứng đáng” mới được quyền “hưởng” khen thưởng hay trừng phạt.
Đối với trẻ em hư, trẻ em phạm pháp, khen thưởng và trừng phạt không phải là phương pháp giáo dục bình thường. Các thực nghiệm cũng như kinh nghiệm cho thấy, đối với trẻ đã chai dạn, phớt đời, quen với mọi tình huống dữ dằn, bạo lực thì chỉ khi nào “xứng đáng” mới được quyền “hưởng” khen thưởng hay trừng phạt. Chừng nào về mặt tâm lý và thái độ, trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa, tác dụng của phương pháp, nghĩa là dù có phạt, đối tượng vẫn tỏ ra xem thường tất cả, không có cảm giác ăn năn hối lỗi thì tốt hơn là không vội trừng phạt. Cho đến nay những thành tựu giáo dục lại đối với trẻ em hư, trẻ lang thang cơ nhỡ của Macarenco - nhà sư phạm lỗi lạc người Liên Xô (cũ) vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy:
- Trừng phạt phải được đối tượng nhận thức, tiếp thu như là hình thức đặc biệt của yêu cầu chung đối với hành vi của các em, trong nội dung trừng phạt đồng thời phải có các nội dung: Phê phán, chỉ trích việc làm sai trái; lời chỉ dẫn sửa chữa hoặc phải làm gì để khắc phục sai phạm đó; cảnh cáo, răn đe sự việc tái diễn để phòng ngừa về sau.
- Trừng phạt được áp dụng để sửa chữa những lỗi lầm của trẻ phạm sai phạm ở mức nặng nề như chúng đã xúc phạm thô bạo với bạn bè, với mọi người; luôn luôn bộc lộ tính hung tợn, tính chấp nhặt, trả thù, gây sự sợ hãi cho trẻ khác. Nhưng trừng phạt phải chặt chẽ, thích đáng, tránh tạo cơ hội để trẻ bộc lộ sự ranh mãnh, đối phó theo kiểu đạo đức giả.
Mức độ, nội dung, hình thức trừng phạt phải nhằm mục đích giáo dục vì quyền lợi của tập thể, của gia đình, lớp học hoặc đối với cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nhất thiết khi trừng phạt phải vạch rõ lý do xác đáng, đảm bảo cho trừng phạt đạt hiệu quả mong đợi của mọi người, làm cho đối tượng chuyển biến thái độ và hành vi.
- Khi trách phạt, dư luận của lớp, nhóm, gia đình... phải đồng tình, ủng hộ. Về phương pháp phải có sự chuẩn bị thích đáng. Nội dung và hình thức trừng phạt phải thỏa đáng, chính bản thân đối tượng cũng hiểu rõ sự đúng đắn và cố gắng thực hiện đúng.
- Phải nhạy bén, linh hoạt thay đổi hình thức trừng phạt khi cần thiết và cũng không nên trừng phạt một cách máy móc, hình thức, tối kỵ nhất là trừng phạt hàng loạt trẻ với một loại hình sáo mòn nào đó. Khi bản thân trẻ đã hiểu rõ tính nết và cung cách của người lớn mà ta lại không chịu cải tiến, dễ dẫn đến thái độ khinh nhờn của trẻ (chúng thường dùng tiếng lóng, dùng ám hiệu để thông tin cho nhau, thậm chí đưa ra làm trò cười) vì chúng cho rằng chúng ta làm tắc trách, không khách quan “chẳng qua là do bổn phận mà làm việc đó”... Vì thế đối với mỗi đối tượng phải sát với chúng và phải cá biệt hóa cách trách phạt thì hiệu quả mới rõ ràng.
- Việc thực hiện trừng phạt không nên hấp tấp vội vàng, trẻ có lỗi chưa đủ thời gian xem xét đã phạt, ở những em vốn hay phạm lỗi, nay mới vi phạm nhẹ đã phạt.
Về mặt tâm lý khi trẻ vừa mới rơi vào tình thế xung đột, sự cuồng nhiệt, thậm chí điên khùng chưa lắng lại, người phạm lỗi chưa có thì giờ suy ngẫm để phân tích, cảm nhận hết cái sai trái trong thái độ hành vi của mình, kể cả dư luận tập thể chưa rõ ràng, nếu ta phạt ngay dễ dẫn đến sự phân tán trong dư luận và bản thân trẻ cũng chưa đủ điều kiện để tiếp thu. Kinh nghiệm cho thấy khi phạm lỗi, biết chắc là sẽ bị trừng phạt thì bản thân sự chờ đợi trừng phạt cũng là một sự trừng phạt nặng nề. Vậy là trừng phạt đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng mức sẽ rất có tác dụng.
Cần nói thêm rằng khi người lớn trực tiếp xung đột với trẻ thì tốt hơn hết ngay lúc đó nên tránh, không dùng uy quyền để trừng phạt trẻ bởi vì khó tránh thái độ chủ quan của mình; về phía trẻ cũng dễ nảy sinh thái độ tiêu cực, hoài nghi động cơ thái độ của người trừng phạt chúng, ngay cả đối với dư luận chung cũng không thuận lợi.
Về khen thưởng:
- Có nhiều người quan niệm rằng không nên áp dụng ph¬ương pháp khen đối với đối tượng này. Tuy vậy trong giáo dục, sự nâng đỡ khuyến khích cái tốt, cái thiện dù là nhỏ nhất đều rất cần cho sự khôi phục niềm tin của con người lầm lỗi.
Nếu trừng phạt phải thực hiện ba chức năng: Giúp trẻ ý thức đầy đủ về khuyết điểm, từ đó thừa nhận không thể dung thứ được những sai phạm như vậy và từ việc ý thức như vậy sẽ tìm cách khắc phục sai phạm, khuyết điểm và tự điều chỉnh hành vi của mình thì khen thưởng, khuyến khích cũng có các chức năng tương tự.
Nhìn chung việc kết hợp cả khuyến khích và trừng phạt được thực hiện một cách hệ thống, liên tục sẽ giúp trẻ hiểu rõ, phân biệt được: Cái tốt - cái xấu; cái gì được xã hội chấp nhận, cái gì không thể và không được làm. Từ đó khuyến khích trẻ cố gắng làm theo cái tốt, loại dần những sai trái. Đến một mức phát triển cao chúng sẽ hình thành được năng lực tự nhận xét, phê phán, chỉ trích về mọi thái độ và hành vi của mình.
Đặc biệt đối với trẻ thiếu thốn tình cảm gia đình thì sự yêu thương, thông cảm, khuyến khích chúng có sức cảm hóa rất mạnh; ngay cả những trẻ trong suốt quãng đời niên thiếu bị chà đạp, bị ruồng rẫy thì sự khen chê thích đáng cũng rất cần thiết - vậy chỉ nên hạn chế đối với những trẻ ba hoa, tự kiêu tự đại mà thôi. Do vậy:
- Khuyến khích phải mang tính chất cá biệt hóa sao cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, ví dụ có trẻ cần tuyên dương công khai, có trẻ cần trao tặng phẩm, về phép nhưng cũng có trẻ chỉ cần ánh mắt thông cảm, động viên là đủ.
- Việc khuyến khích trẻ phải do người có uy tín, được chúng tin tưởng đề xuất và tổ chức thực hiện; nên tránh trường hợp người vừa có va chạm với chúng lại làm việc khen chê ngay sau đó vì như thế rất dễ bị trẻ hiểu là giả tạo, lấy lòng chúng một cách hình thức, vụng về.
- Khen thưởng đối với loại trẻ này phải nhằm vào sự cố gắng thự c sự của trẻ, không nên khen đối với công việc mà do năng khiếu, không cần cố gắng vẫn làm được.
- Khuyến khích là nhằm khơi gợi những nhân tố tích cực trong con người của trẻ, giúp trẻ hiểu rõ các phẩm chất, năng lực và tính cách của mình. Do đó làm trẻ tin tưởng ở bản thân, hình thành nguyện vọng phấn đấu trở thành tốt hơn. Trong bất cứ tình huống nào không nên khen thưởng kẻ ba hoa, tự kiêu tự đại, những thái độ cực đoan quá đáng - nếu khen trong trường hợp này chỉ gợi tính xấu phát triển.
- Cần khuyến khích với giao việc cụ thể, tổ chức các hành động tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ tiềm năng, thử thách và tự sửa chữa trong thực tế.
Tóm lại: Việc khuyến khích và trừng phạt trong giáo dục trẻ em hư, phạm pháp mới chỉ tạo ra nền tảng cần thiết cho việc phục hồi nhân cách cho trẻ. Mục đích chính của nó là kích thích việc tự đánh giá bản thân của trẻ sâu sắc và khách quan.
ThS. Nguyễn Thị Quy
G/V ĐHCSND
(Thanh Huyền sưu tầm)