Trung tướng Nguyễn Sơn Hà cho biết: Bình quân mỗi năm chúng ta cứu
được cả vạn người, trong đó có trên 7.000 người bị nạn trên biển. VN là
một đất nước luôn phải đối mặt với nhiều loại thiên tai và trong nhiều
năm qua, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng đã có những bước tiến
nhất định, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân, nhưng
hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng hết đòi hỏi của thực tế.
|
Những vụ cứu hộ thất bại gần đây
- Trưa ngày 23.8.2010, tàu cá ĐNa-61406TS (TP Đà
Nẵng) bị hỏng máy, trôi dạt tại vị trí cách bờ khoảng 32 hải lý. Tối
cùng ngày, tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn
hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) đã tiếp cận và thả dây để lai dắt tàu
bị nạn. Tuy nhiên, khi cách bờ gần 8 hải lý, dây kéo tàu bị đứt, tàu ĐNa
61406 TS cùng 10 ngư dân bị mất tích. Ngay sau đó, một lực lượng hùng
hậu, gồm: tàu SAR 271, hai tàu BP 681 và BP 209 của Biên phòng Đà Nẵng,
tàu HQ 625 của Vùng 3 Hải quân, hai tàu cá công suất lớn của người dân,
một máy bay trực thăng thuộc Sư đoàn bay 372 tham gia tìm kiếm nhưng vẫn
không tìm thấy tàu cá và các ngư dân bị nạn. Phải đến khi các bạn chài ở
địa phương ra tay, họ đã nhanh chóng tìm ra những người đi trên tàu cá
ĐNa-61406TS. Trên thực tế, sau khi trở về đất liền, các ngư dân cho
biết, họ đã nhìn thấy máy bay cứu hộ bay rất gần nhưng các nhân viên cứu
hộ đã không phát hiện ra họ.
- Vụ cứu hộ cứu nạn bất thành 2 người đào vàng bị đất
đá vùi lấp tại bãi khai thác quặng trái phép thuộc các xã Quang Trung
và Tri Phương (H.Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) vào cuối tháng 7 vừa qua cũng
để lại những dấu hỏi lớn về khả năng ứng cứu của các lực lượng tìm kiếm
cứu nạn. Sau 7 ngày xảy ra sự cố, người ta đã bắt được tín hiệu cho thấy
2 nạn nhân vẫn còn sống. Lực lượng cứu hộ cứu nạn có cả công an, quân
đội với công cụ là hai máy xúc và cả... mìn được huy động nhưng cuối
cùng chỉ đưa được thi thể của các nạn nhân lên khỏi mặt đất.
|
|
Chưa có điều kiện ứng cứu kịp nếu gặp sự cố
*Những bất cập đó là gì, thưa trung tướng?
- Hiện nay chúng ta đang thiếu những phương tiện, trang thiết bị cứu
hộ, cứu nạn, nhất là những máy bay hiện đại, tàu chuyên dụng tối tân...
Chúng ta có 4 chiếc trực thăng cứu hộ. Phải nói là trong những năm vừa
qua những chiếc máy bay này đã góp phần đắc lực trong việc chuyên chở
cán bộ đi khảo sát hiện trường, đưa nhu yếu phẩm tới vùng thiên tai như
lũ quét ở miền núi phía Bắc hay lũ lụt ở miền Trung. Nhưng đây là máy
bay thế hệ cũ, chỉ bay được trong bán kính 150 km, không thể ứng cứu tàu
thuyền gặp nạn ngoài khơi xa, không bay được trong điều kiện thời tiết
xấu.
Chúng ta chưa có được tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, chịu được sóng lớn để
thực hiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra ngoài khơi xa, trong điều kiện
gió bão mạnh. Tàu Sa41 là tàu cứu hộ hiện đại nhất mà chúng ta đang sử
dụng cũng mới chỉ chịu được sóng cấp 6 mà thôi.
Vì thế, khi bão lớn gây sự cố trên biển, chúng ta chưa có điều kiện
ứng cứu kịp thời. Như trong cơn bão Chanchu, hàng trăm ngư dân ta bị
chết trên biển. Khi đó, ngư dân bị nạn ở đảo Đông Sa nhưng chúng tôi
không thể có mặt kịp thời, phải nhờ sự giúp sức của các nước bạn. Nhiều
vụ sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung, máy bay
không tiếp cận được hiện trường, các đoàn cứu trợ phải lội bộ, vượt núi
băng rừng mấy ngày trời mới vào đến nơi.
*Thưa trung tướng, lực lượng cứu hộ chuyên trách của chúng ta còn
yếu và thiếu cũng đang là trở ngại lớn trong việc ứng cứu khi có các sự
cố?
- Đúng là những đơn vị chuyên trách còn ít. Hiện mới có 3 trung tâm
cứu nạn của hàng hải và 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu là chuyên
trách và một số đơn vị của bộ ngành khác như cấp cứu mỏ. Các lực lượng
còn lại cơ bản là kiêm nhiệm. Lực lượng chuyên trách lại mới được xây
dựng nên trình độ chuyên môn còn hạn chế. Các lực lượng kiêm nhiệm thì
thời gian huấn luyện rất ít nên chất lượng chưa thật sự tốt.
 |
Trung tướng Nguyễn Sơn Hà - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Quan điểm của chúng ta là huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ
thống chính trị để đối phó với thiên tai, nhưng hiện nay có những tình
huống, thảm họa, sự cố, không phải cứ đông người là có thể ứng cứu được
mà cần phải có những đơn vị chuyên nghiệp có chuyên môn và thực sự tinh
nhuệ mới đảm đương được.
*Ông đánh giá như thế nào về khả năng ứng phó với các sự cố thiên tai của các địa phương?
- Tính từ 2000 đến nay, Chính phủ cấp gần 1.000 xuồng và nhiều trang
bị phương tiện như máy bơm công suất lớn, áo phao cứu sinh... cho các
địa phương và các bộ ngành. Các tỉnh, thành phố đều được trang bị phương
tiện nhưng phân bổ chưa đều, diện phủ chưa đồng khắp. Như trong trận
lụt năm 2009, Phú Yên có trên 200 xuồng, ca-nô cứu nạn nhưng điều động
không kịp nên tại hiện trường vẫn thiếu thốn trầm trọng các phương tiện
cứu nạn.
Khi sự cố xảy ra, lực lượng ứng cứu tại chỗ triển khai ngay lập tức
các hoạt động cứu hộ cứu nạn sẽ đem lại hiệu quả rất cao trong việc giảm
thiểu tác hại do thiên tai gây ra. Chúng ta đã đề ra phương châm “4 tại
chỗ” nhưng tôi đi kiểm tra, tôi biết trên thực tế tại nhiều nơi từng
người dân, từng hộ gia đình, từng thôn bản chưa có sự chuẩn bị chu đáo
để chủ động đối phó với mưa bão, lũ quét, ngập lụt. Rất tiếc, ở nước ta
hiện vẫn xảy ra tình trạng người dân chưa biết tự cứu mình, thôn xóm
chưa biết tự cứu nhau một cách hiệu quả.
Xây dựng lực lượng chuyên trách
*Chúng ta sẽ phải làm gì để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn trong thời gian tới?
|
Bắc Trung Bộ có 76 người chết vì mưa lũ
* Tìm được thêm một thi thể trong vụ xe khách bị lũ cuốn
Hôm qua 22.10, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thêm một
thi thể nổi trên sông ở khu vực cầu Bến Thủy, cách vị trí chiếc xe khách
gặp nạn khoảng 6 km.
Chiều qua, người thân đã nhận diện được nạn nhân là anh
Phạm Văn Tuyên (19 tuổi) ở xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
Thi thể anh Tuyên đã được người thân đưa về an táng trong chiều qua. Như
vậy đã có 15/20 thi thể trong vụ tai nạn này đã được tìm thấy. Lực
lượng tìm kiếm sẽ tiếp tục tìm kiếm 5 thi thể của những người còn lại.
* Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư
hôm qua 22.10 cho biết, mưa lũ tại các tỉnh bắc Trung Bộ trong những
ngày qua đã làm 76 người chết, 6 người mất tích và 42 người bị thương.
Trong số những người tử nạn, Nghệ An có 24 người, Hà Tĩnh 20 người,
Quảng Bình 12 người, Thanh Hóa 5 người và 15 người trên xe khách
48K-5868 bị lũ cuốn trôi.
Khánh Hoan - Quang Duẩn
|
|
- Có thể nói, đây đang là một trong những câu chuyện thời sự, thu hút
sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chính phủ cũng đã và đang rất quan tâm
đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ
Nội vụ nghiên cứu xây dựng mô hình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn
theo hướng có lực lượng chuyên trách, có đơn vị chuyên trách kể cả ở
trung ương và địa phương. Lực lượng này được huấn luyện tốt, bài bản,
được trang bị hiện đại để ứng phó với các sự cố. Chính phủ cũng đã quyết
định đầu tư mua sắm thêm nhiều phương tiện cứu hộ cứu nạn chuyên dụng,
hiện đại. Cụ thể, mua thêm 2 chiếc máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn
hiện đại của Pháp, bay được xa và bay được trong thời tiết xấu. Lực
lượng Bộ đội Biên phòng đóng mới 10 tàu. Các tỉnh ven biển đến năm 2020
mỗi tỉnh có ít nhất 2 chiếc tàu cứu nạn. Bộ Quốc phòng đang triển khai
dự án đóng 5 chiếc tàu cứu nạn xa bờ. Cảnh sát biển đóng 4 chiếc tàu đa
năng, hiện đang triển khai đóng 2 chiếc rồi. Các trung tâm ứng phó sự cố
tràn dầu sẽ đóng 5 chiếc tàu chuyên dụng đồng thời được trang bị ứng
phó với sự cố tràn dầu. Bộ Công an có dự án 1.000 tỉ đồng mua trang
thiết bị cứu hỏa. Dự án này đã thực hiện được một nửa, cho lĩnh vực cứu
nạn trong cứu hỏa.
Chúng ta cũng đang đầu tư cho các trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn ở đảo
và quần đảo: Trường Sa, Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ và sẽ tiếp tục
trang bị cho các đảo: Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô trong những năm
tiếp theo.
*Thưa trung tướng, nếu xảy ra thảm họa, liệu chúng ta có bị lúng túng?
- Tôi cho rằng với trang thiết bị và lực lượng hiện có, kể cả sự bổ
sung trong tương lai gần, nếu gặp bão mạnh có sức tàn phá ghê gớm như
bão Nagis có sức gió 200 km/giờ, đổ bộ vào Myanmar hoặc sóng thần như ở
Indonesia, động đất ở Trung Quốc và Haiti, thực sự chúng ta sẽ gặp khó
khăn, sẽ lúng túng và hiệu quả ứng phó kém.
Những người thợ lặn can trường
Ít ai nghĩ việc tìm kiếm
chiếc xe khách 48K-5868 gặp nạn tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà
Tĩnh lại trở nên khó khăn đến thế.
Chia sẻ nỗi đau
Suốt hai ngày ròng rã, lực lượng tìm kiếm cả trăm người
tham gia, nhiều phương tiện đặc chủng của quân đội kể cả máy dò mìn cũng
đã được huy động, nhưng tung tích chiếc xe này cùng với thi thể của 20
nạn nhân vẫn mù mịt.
|
“Ban đầu có 7 doanh nghiệp tham gia tìm
kiếm, trục vớt xe, sau đó có thêm một số doanh nghiệp khác cùng tham
gia. Chúng tôi làm hoàn toàn tự nguyện, bằng kinh phí, phương tiện và
con người của mình. Chúng tôi làm thực tâm với tinh thần chia sẻ nỗi đau
mất mát với những người nhà nạn nhân, không hề có ý định quảng bá doanh
nghiệp. Chúng tôi có kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng đã may mắn trong
việc tham gia tìm kiếm này”, ông Trần Nhất Thành, Phó giám đốc Công ty
CP vận tải biển và thương mại Trường Thành.
|
|
Sáng 20.10, ông Trần Nhất Thành, Phó giám đốc Công ty CP
vận tải biển và thương mại Trường Thành (gọi tắt là Công ty Trường
Thành) và một số chủ doanh nghiệp khác ở TP Vinh, Nghệ An đã chủ động
liên lạc với nhau tình nguyện tham gia việc tìm kiếm. Họ xin ý kiến của
lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và trưa cùng ngày thì bắt tay vào cuộc.
Hai sà lan hút cát trên sông tải trọng 100 tấn cùng chiếc
tàu kéo 420 sức ngựa của Công ty Trường Thành được huy động tham gia
tìm kiếm. Hai sợi dây lớn được buộc chặt với hai sà lan này, đầu còn lại
buộc những vật nặng và được thả xuống đáy sông để thực hiện việc rà tìm
chiếc xe khách. Sau lần rà thứ hai, một sà lan cách vị trí chiếc xe bị
cuốn trôi khoảng 1 km phía hạ lưu bị níu lại. Các công nhân tham gia tìm
kiếm trên sà lan phát hiện có vết dầu loang nổi lên mặt nước, ngay vị
trí đầu dây bên kia đang mắc kẹt. Một tia hy vọng lóe lên.
Trời đã sâm sẩm tối, nhưng 4 thợ lặn của Công ty Trường
Thành vẫn được huy động đến. Họ cởi áo, chỉ mặc độc cái quần đùi, ngậm
vòi hơi bất chấp nước lũ lạnh cóng lần theo sợi dây rà để lần xuống. Ít
phút sau, khi một thợ lặn vừa nhô đầu lên khỏi mặt nước, đã báo tin
chiếc xe đang nằm dưới đó.
Sáng hôm sau, thêm Công ty TNHH cứu hộ giao thông Minh
Hiền ở TP Hà Tĩnh tiếp tục tình nguyện mang hai xe cẩu tải trọng lớn đến
hiện trường để tham gia trục vớt xe khách cùng nạn nhân bị nạn. Cùng
với những phương tiện đặc chủng của Quân khu 4, hai chiếc cẩu này đã kéo
và cẩu chiếc xe gặp nạn lên bờ.
Vượt qua sợ hãi
Nước sông đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Từ mặt nước xuống đáy
sông hơn chục thước. Những người thợ lặn chân trần bình thản không hề
tỏ ra do dự, sợ hãi. Hai thợ lặn Nguyễn Văn Hoàn và Nguyễn Văn Sơn đánh
trần, miệng ngậm ống thở cầm hai móc sắt lần theo sợi dây neo xuống
nước, mất hút dưới sông.
Việc móc neo vào chiếc xe để nâng xe lên khỏi đáy sông
trở nên rất khó khăn khi chiếc xe đã bị cát vùi sâu. 4 thợ lặn phải thay
nhau ngoi lên lặn xuống rất nhiều lần mới tìm cách moi cát, móc cái móc
sắt vào gầm xe. “Trong khi lặn xuống, tôi đã sờ thấy tóc của những nạn
nhân trong xe, anh Sơn cũng nói sờ thấy tay nạn nhân”, anh Hoàn kể. “Anh
có cảm thấy sợ không?”. “Trước và trong khi lặn, bầy tui cứ nghĩ đến sự
nóng lòng chờ đợi, nỗi đau khổ của các thân nhân nạn nhân đang đứng
trên bờ ngóng xuống nên cũng mất hết cảm giác sợ”, anh Hoàn nói.
Trong nhiều tấm lòng sẻ chia, sự can trường của những người thợ lặn này đã làm vơi bớt nỗi đau của những người còn sống.
Khánh Hoan
|
Quang Duẩn
(thực hiện)
Trích thanhnien online