10 giải pháp được đưa ra là: 1- Ổn
định kinh tế vĩ mô; 2- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 3- Tập trung
phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ; điều
chỉnh chính sách đầu tư...; 4- Chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tập
trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị tăng
cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài
nguyên; 5- Phát triển vùng kinh tế, cụm công nghiệp, khu công nghiệp;
6- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài; 7- Đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp; 8- Nâng cao hiệu
quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường;
9- Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động,
công nghệ, vốn, đất đai...; 10- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thể
chế, phân cấp, biên chế và tiền lương...
Quyết định của Thủ tướng đặt rõ tiến độ thực hiện từ nay đến tháng
12/2011 các công việc như: đến tháng 12/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng
Bộ Công Thương chủ trì phải hoàn thành việc chọn ra khoảng 10 ngành
công nghiệp để chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Ban Chỉ
đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì xây dựng Đề án nâng cao
hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, hoàn tất đến tháng
10/2011.
Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành
chính từ Trung ương đến địa phương do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện từ nay
đến hết năm 2011 phải trình Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia trình Chính phủ vào tháng 12/2010.
Các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2011-2020:
Tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao
trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu; nâng dần thị phần tiêu thụ những sản
phẩm này trên thị trường thế giới.
Tăng số doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có khả năng canh tranh trên thị trường thế giới.
Tăng số doanh nghiệp, ngành có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường./.